Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

TIẾNG LÒNG TỪ VÙNG ĐẤT HOANG

Tham luận đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VI - Hà Nội 28-30.7.2005. 

Từ vùng đất xa xôi nhất của đất nước, chúng tôi mang đến đại hội những nỗi lòng, và hãy cho phép chúng tôi được trình bày như những điều tâm sự, với tiêu đề tham luận: “Tiếng lòng từ vùng đất hoang”. Chúng tôi xin nói ngay rằng, sỡ dĩ dám mạo muôi cất lên tiếng lòng từ vùng đất hoang là vì muốn mô tả một hiện thực buồn. Ai cũng biết  ĐBSCL là nơi sản xuất lúa gạo chủ yếu cho đất nước - không chỉ để ăn mà còn để xuất khẩu. Không thể tưởng tượng được nếu vào một ngày nào đó, nông dân ở vùng đất này bổng nhiên tuyên bố sẽ nghỉ làm ruộng vài tháng để đi nghỉ mát thì tình hình đất nước sẽ xấu đến mức nào. Chúng tôi muốn nói rằng đây là lực lượng quyết định cái đói cái no của cả nước. Thế nhưng không có sự công bằng nào để đáp trả lại công lao đó của họ. Sự thật, hiện nay dân trí của vùng đất hơn 21 triệu dân này đang được xếp vào loại thấp nhất, ngang với miền núi, vùng dân tộc ít người. Một xứ sở nhiều gạo, nhiều cá tôm nhất nước, nhưng người dân ở đây lại nghèo đói về văn hoá. Và điều chúng tôi muốn nói rõ hơn ở đây là ĐÓI ĐIỆN ẢNH. Đại hội có tưởng tượng được rằng, toàn vùng ĐBSCL hiện nay chỉ có một hai rạp chiếu phim. Không người nông dân nào chịu cất công đi hàng trăm cây số để đến các rạp ở trung tâm thị xã. Lứa tuổi 30 ở vùng đất này rất ít biết đến điện ảnh. Điện ảnh đối với họ chỉ là cái ánh điện lờ mờ. Chúng tôi đoan chắc rằng 90% số người ở lứa tuổi này chưa bao giờ đến rạp chiếu bóng. Từ cái đói điện ảnh, cái khát văn hoá đó, khi bắt đầu xuất hiện việc tivi chiếu phim Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và gần đây là Hàn Quốc thì nông dân ĐBSCL quay sang ngấu nghiến món ăn tinh thần là các phim ngoại này. Thực tế cho thấy, ở ĐBSCL có tất cả 13 đài địa phương và 1 đài khu vực, thêm 2 sóng nữa của VTV, sau 19 giờ người dân ở đây có thể xem rất nhiều phim ngoại trên các sóng này. Có những thời điểm 13 đài là 13 phim Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc cùng phát. Thật là buồn biết bao, nếu không muốn nói đây là một nỗi nhục của những người làm phim điện ảnh và phim truyền hình. Tại sao chúng tôi nói như vậy? Bởi lâu nay chúng ta từng biết thế nào là nỗi nhục mất nước. Còn bây giờ, chúng ta đang sống trong một đất nước độc lập, tự do, hơn nữa đã qua 20 năm đổi mới, vậy mà chúng ta phải chịu cảnh nô dịch văn hoá đến như thế. Chúng ta phải suy nghĩ như thế nào đây khi chúng ta cứ luôn luôn nhắc đi nhắc lại cái khẩu hiệu: “Nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”?

Kính thưa đại hội,
Là các hội viên từ mảnh đất ĐBSCL, chúng tôi thiết nghĩ rằng đã đến lúc nền điện ảnh của chúng ta cần có một “KHOÁN 10”. Chúng tôi xin dùng lại cụm từ đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp cách nay 20 năm để chỉ ra sự cần thiết đối với điện ảnh hiện nay. Còn nhớ, chúng ta mất 10 năm để tìm lối đi cho nông nghiệp với mức phấn đấu 21 triệu tấn lương thực. Loanh quanh mãi tới có “khoán 10” thì lương thực dư ngay. Điều đó khiến chúng tôi nghĩ rằng Luật Điện ảnh ra đời với sự tháo gỡ trói buột trong quản lý và cắt hẳn cái đuôi bao cấp, điện ảnh chúng ta sẽ có một bước phát triển mới và nhanh nhất. Và như vậy, ở ĐBSCL, người dân cần cù lao động sẽ hưởng thụ được mức sống văn hoá bình đẳng với các vùng miền khác.

Có một hệ quả mà ai cũng biết là không tiếp cận với điện ảnh, làm sao xuất hiện những tài năng điện ảnh. Muốn vậy, một trong những biện pháp tốt nhất là chúng ta, đặc biệt ở ĐBSCL, Hội Điện ảnh phải là người chủ trì nâng cao dân trí điện ảnh, hoặc cũng có thể gọi là giáo dục điện ảnh - điều mà lâu nay chúng ta chỉ ngồi trên cao, coi quần chúng là thấp hèn. Bây giờ, cần thiết phải tổ chức nâng cao để điện ảnh thực sự là nghệ thuật của công chúng. Biện pháp cụ thể là Hội Điện ảnh hợp tác với truyền hình để xây dựng các chương trình tìm hiểu điện ảnh.

Thực tế chỉ ra rằng sự phân chia điện ảnh và truyền hình ngày càng trở nên không cần thiết, bởi giá trị lớn nhất của 2 bên (so với các ngành nghệ thuật khác) là ở tính đại chúng. Cùng nhau hướng đến đại chúng, mọi sự khác biệt chỉ là điều nhỏ nhoi. Tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ làm ra những màn hình tivi (đúng hơn là màn hình máy tính) “cực lớn”, lớn hơn cả màn ảnh đại vĩ tuyến dành cho đám đông cũng như “cực nhỏ”, nhỏ hơn cả màn hình tivi nhỏ nhất dành cho cá nhân trong tương lai gần. Điện ảnh hay truyền hình tất yếu có chung một mục đích là phục tùng khán giả, bởi chính họ là “quyền lực cao nhất”, cao hơn đại hội đại biểu toàn quốc của chúng ta hôm nay. Tuy vậy, có người còn cho rằng, truyền hình là báo chí, không xếp vào nghệ thuật điện ảnh được, dù trên thực tế truyền hình còn là kênh truyền thông, chuyển tải cả điện ảnh. Xu hướng đa phương tiện truyền thông là tất yếu. Thiết nghĩ hội chúng ta phải nhận thức rõ tính chiến lược đó.    

Chúng tôi nghiên cứu dự thảo văn kiện và nhận thấy nó chưa quán triệt tinh thần này:

-Hoạt động điện ảnh thì được đặt trong mối tương quan hợp tác - cạnh tranh khu vực và quốc tế, còn hoạt động truyền hình thì không. Sự thật 5 năm qua không phải như vậy. Truyền hình Việt Nam được đầu tư rất lớn, phủ sóng đến nhiều châu lục, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, quan hệ hợp tác – cạnh tranh khu vực và quốc tế diễn ra rất sôi động. Xin đơn cử việc hợp tác giữa Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh với đồng nghiệp Hàn Quốc, đồng nghiệp Thái Lan tiếp thu công nghệ tiên tiến của họ để sản xuất nhanh và đạt chất lượng nghệ thuật cao là những thí dụ sinh động.

-Ngay trong hoạt động điện ảnh, dự thảo văn kiện cũng chưa ghi nhận đúng mức sự đóng góp của các tài năng là kiều bào nước ngoài. Chỉ kể biên kịch, đạo diễn thôi đã có Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh…, nếu kể thêm diễn viên, quay phim, âm thanh, ánh sáng, phát hành… còn cả danh sách dài. Chắc chắn điện ảnh Việt Nam chưa thu hút sự chú ý trên thế giới như ngày nay nếu không có phần đóng góp của họ.

Chúng tôi cũng nhận ra dự thảo văn kiện chưa chú ý đúng mức đến lực lượng hoạt động điện ảnh và cả truyền hình ngoài quốc doanh (gồm tư nhân, liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài) đang và sẽ phát triển mạnh khi Việt Nam gia nhập WTO. Bởi vậy chúng ta còn sử dụng những cụm từ không hợp thời trong Dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội. Như tên gọi “Hội những người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam”. “Công tác” mang hàm nghĩa là những người làm điện ảnh, truyền hình quốc doanh, không chấp nhận yếu tố tư nhân, liên doanh, 100% đầu tư nước ngoài, không chấp nhận yếu tố Việt kiều, yếu tố ngoại quốc. Nên chăng sửa thành “Hội những người hoạt động vì sự phát triển của điện ảnh và truyền hình Việt Nam”, với hàm nghĩa dung nạp tất cả, kể cả tài năng nước ngoài, miễn sao các đối tượng này tán thành mục đích, tôn chỉ của Hội và trong thực tế có đóng góp cụ thể cho sự phát triển của điện ảnh và truyền hình Việt Nam.  
Chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc rằng chừng nào Hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam chưa làm ra những tác phẩm lớn thì hội viên chúng ta vẫn còn hổ thẹn - hổ thẹn với đồng bào trong nước, hổ thẹn với đồng nghiệp nước ngoài. Trước hết, Hội Điện ảnh là hội nghề nghiệp mà lại chưa tỏ rõ tay nghề. Kế đến, Hội Điện ảnh phải sống được bằng nghề của mình, mọi ý định dựa vào ngân sách đều không thức thời, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Vấn đề lớn nhất của Hội trong 5 năm tới là tập hợp những người có nghề và khẩn cấp nâng cao tay nghề.

-Để “tập hợp những người có nghề” đương nhiên phải nêu cao dân chủ, thực sự dân chủ trong nội bộ Hội. Một phương tiện tốt để phục vụ dân chủ là Tạp chí “Thế giới điện ảnh” nên tiến tới mở thêm website để trên – dưới, trong – ngoài đều có thể trao đổi ý kiến, thông tin thường xuyên về mọi vấn đề, lập thư viện điện ảnh và truyền hình trên mạng, thi sáng tác kịch bản trên mạng.

-Để “khẩn cấp nâng cao tay nghề”, Ban chấp hành Hội cần tạo cơ sở pháp lý để mọi chi hội đều có thể thành lập trung tâm đào tạo hoặc liên kết mở lớp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển điện ảnh và truyền hình ở từng vùng miền. Đã đến lúc chúng ta cần có một học viện chung - Học viện Điện ảnh và Truyền hình. Hội sẽ có một hệ thống đào tạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương mới hy vọng tạo nên sức bật từ thế hệ trẻ. Từ đồng bằng sông Cửu Long xa xôi, chúng tôi kiến nghị với Hội rằng, quyền lợi của hội viên không chí có phát không một quyển Tạp chí “Thế giới điện ảnh” là đủ, mà chúng tôi rất cần việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp. Chưa bao giờ thấy Trung ương Hội tổ chức một hoạt động gì ở khu vực ĐBSCL, một trong những cái nôi quan trọng vốn đã sản sinh ra nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.    

Vốn là những hội viên của các chi hội ở vùng ĐBSCL xa xôi, nơi có mặt bằng dân trí thấp, nơi đói khát điện ảnh nhất, chúng tôi không biết dẫn lời các bậc hiền triết để thay lời kết luận mà chỉ xin nêu câu nói của ông nông dân đất mũi Cà Mau: “Điện ảnh của tụi mầy đâu mất tiêu rồi!”
Xin cảm ơn.

XEMTHÊM:

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VI

Từ ngày 28-30.7.2005 tại Hội trường Ba Đình đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VI. Tại đây, các chi hội điện ảnh khu vực ĐBSCL, bao gồm: Chi hội Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ (có cả Đài PTTH TP Cần Thơ, Đài PTTH Bến Tre, Đài PTTH Đồng Tháp, Văn phòng ĐBSCL Báo Lao Động, Trung tâm Sức khoẻ lao động và Môi trường TP Cần Thơ, Cty CP Điện ảnh TP Cần Thơ); Chi hội Đài PTTH Cà Mau (có cả Đài PTTH Kiên Giang, Đài PTTH Bạc Liêu); Chi hội Đài PTTH Vĩnh Long đã tham gia các hoạt động chung của đại hội dưới đây:
-Đọc tham luận “Tiếng lòng từ vùng đất hoang” - Đạo diễn Nguyễn Trung Hiếu (Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ) trình bày, được đồng nghiệp cả nước hoan nghênh nhiệt liệt.
-Tham gia Ban thư ký đại hội – Nhà báo Lê Vũ Tuấn (Văn phòng ĐBSCL Báo Lao Động).
-Tham gia Ban bầu cử đại hội - Đạo diễn Mạnh Thu Hồng (Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ)

L.V.T
(WebsiteVăn nghệ sông Cửu Long 3.8.2005)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét