Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

ĐẠI AN - THỦY LỘ HƯỚNG RA BIỂN ĐÔNG

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2005.



LỜI BÌNH 

1. Đồng lúa, người gặt, cây lúa, ghe chạy, dở cá, chế biến cá tôm ; cảng :

          Từ hàng trăm năm qua, ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa của cả nước.

          Ngày nay, sau 20 năm đổi mới, vùng đất này đã không những giữ trọn danh hiệu cũ mà còn vươn lên giành vị thế hàng đầu về sản lượng lương thực. Và không chỉ với lĩnh vực nông sản, đây còn là nơi đứng đầu cả nước về sản lượng thủy hải sản xuất khẩu.

          Với đà phát triển không ngừng, nhu cầu giao thương qua đường biển ngày càng tăng lên ; trong khi đó, các cửa sông đang bị bồi lắng, tàu có trọng tải lớn không thể vào ra an toàn. ĐBSCL vì thế đang cần có một thủy lộ mới, hướng ra biển Đông.

(Tựa phim)

2. Bản đồ, lễ hội Thoại Ngọc Hầu :

          Giở lại những trang sử khẩn hoang của cha ông ta để thấy rằng từ vùng Ngũ Quảng, người xưa đã men theo biển Đông để đến với vùng đất Chín Rồng.

          Sau khi ổn định làng ấp và dân cư, năm 1818, Triều đình nhà Nguyễn sai Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại tổ chức đào con kinh từ Long Xuyên qua Núi Sập đến cửa Rạch Giá. Một năm sau, 1819, vua lại sai Thoại Ngọc Hầu đào tiếp con kinh thứ hai, từ Châu Đốc, cặp theo biên giới Tây Nam thẳng qua Hà Tiên. Hai con kinh hoàn thành, mở ra các tuyến giao thương quan trọng hướng ra vịnh Thái Lan, nơi vào đầu thế kỷ 19, Hà Tiên là một cảng khẩu sầm uất. Như vậy, hai con kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế, hai công trình chứng tỏ người xưa đã rất quan tâm đến giao thông hàng hải ở khu vực biển Tây.

( # )

3. Biển Đông sóng vỗ ; sông Cửu Long, cảng, bản đồ :

          Chuyện của gần hai trăm năm trước nhắc lại cốt cũng để người đời sau nghiệm ra lẽ đúng điều hay, nhất là đối với thế kỷ 21, thế kỷ được coi là có nhiều hứa hẹn với kinh tế biển.

          Nhìn lại bản đồ ĐBSCL ai cũng có thể nhận ra ngay lợi thế với ¾ là bở biển bao quanh. Hơn nữa, đây là vùng đất nổi tiếng với sông Hậu, sông Tiền; vang danh với chín cửa tợ như chín con rồng chồm ra biển Đông.

( # )

          Thế nhưng, một thực tế là các cửa sông này hiện chỉ cho phép tàu có trọng tải dưới 3.000 tấn vào ra, lúc thủy triều lên cao nhất, và chỉ với một luồng ở cửa Định An.

          Điều đó lý giải vì sao các cảng nằm trong hệ thống sơng Cửu Long chỉ đón nhận các tàu loại này, lượng hàng hóa xuất nhập chỉ đạt 30%, số  còn lại phải quá cảnh các cảng trung gian. Rằng mặt hàng gạo xuất khẩu, đến 80% phải chuyển đến TP Hồ Chí Minh, qua cảng Sài Gòn, chi phí tăng lên được tính từng tấn một.

(Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ)

4. Cửa Định An, tàu Long Châu vét bùn:

          Cũng nên nhắc lại rằng, ngay từ thập niên 80 của thế kỷ 20, các nhà kinh tế đã đưa ra phương án nạo vét cửa Định An. Bước sang thập niên 90, công việc này được định hình và định kỳ hai lần mỗi năm.

          Đây là cửa Định An với hoạt động nạo vét của tàu chuyên dùng mang tên Long Châu. Các nhà chuyên môn khẳng định rằng, để có một luồng đủ tiêu chuẩn cho phép tàu biển trọng tải trên 5 ngàn tấn vào ra cửa Định An thông suốt, tàu chuyên dùng phải xúc đi mỗi năm hàng chục triệu mét khối đất bùn; phí tổn lên đến hơn 10 tỷ đồng. Thế nhưng, dù được nỗ lực nạo vét vào mùa khô một lần và vào mùa mưa một lần nữa, công cuộc khơi thông luồng Định An trong hơn 10 năm qua chẳng khác nào đem muối bỏ biển.

(Lời ông Phạm Minh Tranh, Giám đốc Công ty Hoa Tiêu)

          Việc nạo vét luồng Định An như là sự thể hiện của ý chí, nhằm giúp cho ĐBSCL có thể tự tìm lối ra cho nhu cầu xuất nhập khẩu trong giai đoạn hiện tại; còn về lâu dài, cách làm này không thể nào đáp ứng cường độ và nhịp độ xuất nhập khẩu, nhất là từ thập niên 2010 trở đi.

          Rà soát lại để thấy rõ thêm thực trạng quy hoạch các cảng trên hệ thống sông Hậu. Gồm có : Cái Cui, Hoàng Diệu, Trà Nóc, Mỹ Thới. Năng lực các cảng này phụ thuộc hoàn toàn vào luồng Định An.

( # )

5. Máy vi tính, các dự án:

          Nhận thấy nhiều trở lực từ thực tế bồi lắng của luồng Định An, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra một loạt phương án xây dựng các cảng trung chuyển. Đầu tiên phải kể đến là “phương án cảng Cứng ngoài biển”, khu vực Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng; hoặc phía bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh. Xây dựng hệ thống kho bãi 30ha trong bờ, sau đó làm cầu dẫn ra khơi, nơi có độ sâu từ 8 đến 12m để có thể nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Chi phí lên đến 370 trịêu đô-la.

          Phương án thứ hai là dùng “thiết bị chuyên dùng xếp dỡ hàng SST”, tức Sea Spider Transfer, còn gọi là “Thiết bị Spider”.

(Lời ông Nguyễn Thanh Long)

          Với phương án “cảng Cứng”, phương án “thiết bị SST” và “cảng nổi lắp ghép”, trước mắt các nhà đầu tư còn đang tiếp tục thẩm định để có thể thực hiện trong các thập niên tới; lúc đó nhu cầu xuất nhập khẩu của ĐBSCL tăng lên gấp 3 , 4 lần hiện nay.

6. Cửa Định An trên bản đồ, người thuyết trình :

          Cùng toan tính tìm lối ra cho ĐBSCL, hơn ai hết, chính các nhà nghiên cứu mới có thể khám phá quy luật bồi lắng của các cửa sông Cửu Long, đặc biệt là cửa Định An.

          Biểu đồ này  cho thấy, bên trong sông Hậu rất sâu, khi ra đến cửa Định An thì sa bồi dâng lên rất cao. Để lý giải hiện trạng này, các nhà khoa học đã chỉ ra:

          Có một dòng hải lưu lạnh ngầm chảy từ Bắc cực xuống xích đạo. Vừa di chuyển xuống phương Nam, dòng hải lưu vừa bị ảnh hưởng của lực quay trái đất từ Tây sang Đông, gọi là lực Co-lo-it. Chính lực này đã tạo cho mũi Cà Mau cong về hướng Tây và đẩy dòng hải lưu lạnh ngầm gặp nước sông Cửu Long đổ ra gây nên hiện tượng lóng bùn.
(Lời ông Đỗ Văn Dũng)

7. Bản đồ, hoạt hình chỉ dẫn sự bồi lắng, hội nghị :

          Và cũng chính quy luật đó đã giải thích vì sao cửa Bassac không còn nhìn thấy trên bản đồ sông Cửu Long.

          Trước thực tế bồi lắng của cửa Định An, ĐBSCL thực sự lúng túng trong việc tìm lối ra cho con đường vận tải biển, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu trong giai đoạn hiện tại và các thập niên tiếp theo.

          Các nhà chuyên môn ước tính rằng, trên đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong 10 năm tới ĐBSCL sẽ đạt 9,21%, lượng hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là nông sản và thủy hải sản, tăng từ 12 triệu tấn lên hơn 20 triệu tấn năm.

          Không thể chậm hơn nữa, ngay từ năm 1999, chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, trong đó ĐBSCL thuộc nhóm cảng biển số 6, với ưu tiên hoàn thiện hệ thống cảng sông Tiền và sông Hậu, tập trung vốn mở Kinh Quan Chánh Bố ra biển Đông.

( # )

8. Vị trí đầu kinh Quan Chánh Bố, bản đồ, đền thờ :

          Đây là đầu kinh Quan Chánh Bố, nằm ở bờ Bắc sông Hậu, thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Vị trí này cách bờ biển hơn 100km.

          Quan sát bản đồ ĐBSCL để xác định rõ hơn vị trí đầu kinh Quan Chánh Bố - Một con kinh được triều đình nhà Nguyễn vận động nhân dân vùng Ba Thắc – Trà Vang đào trong hai năm 1854, 1855. Đây là con kinh đào thứ tư trong chính sách dẫn thủy nhập điền của triều Nguyễn, sau kinh Bảo Định, 1705, kinh Thoại Hà, 1818 và kinh Vĩnh Tế, 1819.

          Dở lại nguồn tư liệu để tìm hiểu rõ hơn địa danh con kinh xưa. Hầu hết các nguồn tài liệu đều lấy tên là kinh Quan Chánh Bố. Đây là cách ghi chép của người Pháp hồi thế kỷ 19, còn người dân Nam bộ thì gọi đây là kinh Quan Bố Chánh. Theo quan chế nhà Nguyễn, quan bố chánh là người trông coi việc hộ, tức về dân sự của một tỉnh.

          Con kinh mang tên Quan Bố Chánh thực ra là để ám chỉ nhân vật có công đốc suất dân binh. Ông là Trần Trung Tiên, người quê Quảng Nam. Xưa kia con kinh đào mục đích chủ yếu là để khai khẩn vùng Láng Sắc, một khu vực trũng ngập hoang hóa. Nhớ ơn ông, người dân Trà Vinh lập đền thờ và tổ chức cúng viếng vào ngày tế lễ thượng điền hàng năm.

( # )

9. Hoạt hình kinh Quan Chnh Bố, kinh thật, đoạn Duyên Hải :

          Lịch sử được lặp lại sau đúng 150 năm, khi Dự án Kinh Quan Chánh Bố, hay còn gọi là Thủy lộ Đại An được thực hiện ngay trên tuyến kinh năm xưa do Trần Trung Tiên chỉ huy đào đắp.

          Bản đồ miêu tả sẽ giúp chúng ta hình dung phần kinh Quan Chánh Bố cũ sẽ được nạo vét và mở rộng với chiều dài khoảng 20km. Con kinh này trong thời chống Pháp ta đặt lại là “kinh Nguyễn Văn Pho”, lấy tên một liệt sĩ huyện Duyên Hải, hy sinh năm 1945.

          Còn đây là đoạn kinh dự kiến sẽ đào mới hoàn toàn, dài khoảng 10km nối từ cuối kinh Quan Chánh Bố, ăn thông ra biển Đông.

          Toàn bộ tuyến kinh dài hơn 30km, cần có độ sâu trên 8m rộng từ 150 đến 200m mới đủ tiêu chuẩn đón tàu từ 1 đến 2 vạn tấn.

          Thủy lộ Đại An khi hoàn thành, được xem như là một con rồng mới, giúp ĐBSCL cất cánh. Toàn bộ tuyến kinh đào nằm trong địa phận Trà Vinh, do đó hơn ai hết, tỉnh này luôn đặt niềm hy vọng vào dự án Kinh Quan Chánh Bố.

(Lời ông Hoàn Kim, Chủ tịch tỉnh Trà Vinh)

10. Góc cao quay xuống vùng Duyn Hải:

          Và riêng huyện Duyên Hải, nơi đoạn kinh tắt sẽ đi qua, có lẽ ở đây còn gặp phải không ít khó khăn, nhưng tất cả đều tin tưởng vào sự thay đổi lớn lao khi con kinh hoàn thành.

(Lời ông Chủ tịch huyện Duyên Hải)

11. Đoàn khảo sát, bản đồ, chùa Bông Sen, tư liệu :

          Để đổi lấy điều lợi cho cả ĐBSCL, nhiều thửa ruộng mảnh vườn của bà con nông dân sẽ phải hy sinh khi con kinh đào đi qua. Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sẽ thay đổi, nhường chỗ cho Thủy lộ Đại An hướng ra biển Đông.

          Chùa Bông Sen, một vị trí sẽ phải di dời, nhằm phục vụ cho dự án Kinh Quan Chánh Bố. Di dời một ngôi chùa không phải là chuyện đơn giản, mặc dù bà con Khmer ở đây hiểu rằng, sự thay đổi đó không làm ảnh hưởng đến việc tu hành.

          Còn nhớ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà con Khmer Duyên Hải, Trà Vinh đã hết lòng với Cách mạng. Không những đóng góp người, của mà còn hy sinh cả máu xương cho công cuộc cứu nước. Nhiều sư sãi đã dũng cảm tổ chức đấu tranh, xông vào đồn địch lôi kéo con em trở về với gia đình, không làm bia đỡ đạn cho bọn tay sai.

          Truyền thống tốt đẹp đó hun đúc bà con Khmer mãi đến ngày nay. Khi hay tin dự án kinh đào sẽ đi qua phum sóc, bà con thật sự đồng tình, sư sải rộng lòng ủng hộ.

(Lời ông sư cả Thạch San: “Ông Phật dạy chúng tôi là “có thực mới vực được đạo”, công trình kinh đào là dự án lớn của Nhà nước; lợi ích không phải chỉ đối với địa phương này. Cho nên chúng tôi sẵn sàng vận động bà con ủng hộ”)

          Sư sãi và bà con ngồi họp bàn (off)

(Lời ông Nên, Trưởng ban Quản trị Chùa: “Còn đối với người dân ở đây thì tin tưởng, dự án sẽ giúp cho ngôi chùa mới to đẹp hơn, khang trang hơn. Bà con sẽ có điều kiện làm ăn, xóa đói giảm nghèo”)

12. Đoàn khảo sát xem bản đồ, sóng, biển ; bản đồ :

          Và không chỉ giảm nghèo với bà con Khmer ở Duyên Hải, Trà Vinh, mà con kinh, Thủy lộ Đại An sẽ còn giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vươn lên từ chính mảnh đất của mình.

          Các nhà khoa học tiên đoán rằng, sau 3 năm thi công, con kinh 30km sẽ hoàn thành và phát huy tác dụng.

          Kiểm chứng lại hệ thống cảng ĐBSCL khu vực 6, không kể phần sông Tiền, sẽ thấy rằng: cảng Trà Cú của Trà Vinh, cảng Đại Ngãi của Sóc Trăng, cảng Mỹ Thới của An Giang, cảng Cái Cui, Trà Nóc, Hoàng Diệu của TP Cần Thơ. Các cảng này sẽ nâng năng lực xuất nhập khẩu từ 3-4 triệu tấn/năm lên đến hơn 11 triệu tấn/năm vào thập niên tới. Và như vậy Thủy lộ Đại An không dừng lại ở chiều dài và chiều sâu kỹ thuật, mà chính hướng mở ra biển Đông mới là điều trông chờ của ngành Vận tải biển.

(Lời ông Tiến, Giám đốc cảng Cần Thơ)

13. Hoạt động của Công ty hóa chất Mỹ Lan :

          Còn đối với các nhà đầu tư, việc thực thi dự án kinh đào Quan Chánh Bố có lẽ là cơ hội để họ tìm ra các giải pháp hạ giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, nhất là lúc ở ĐBSCL cơ sở hạ tầng đường bộ còn kém.

(Lời ông Nguyễn Thanh Mỹ về đường bộ và sự chờ đợi kinh Quan Chánh Bố,
cảng Trà Vinh)

14. Bản đồ, cửa Đại An, vườn cò, bãi tắm Ba Động :

          Thủy lộ Đại An mở ra một con đường mới giúp cho bầu bạn gần xa hiểu biết thêm vùng đất Trà Vinh.

          Ngay điểm tiếp giáp giữa sông Hậu và đầu kinh Quan Chánh Bố, một khu du lịch sinh thái vốn đã có sẵn sẽ được khai thác tốt hơn trong tương lai. Vườn cò Đại An tọa lạc bên Thủy lộ Đại An, hai địa danh gắn kết nhau tạo nên vẻ đẹp riêng cho vùng đất Trà Vinh. Triển vọng của ngành du lịch đang mở ra cùng với hướng đi của con kinh mới.

( # )

          Ở bên cạnh cửa kinh đào mới, khu du lịch Ba Động vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn khi dự án hoàn thành. Sự trong lành của biển, nét hoang sơ của những đồi cát, khiến chúng ta tin rằng môi trường này cần được bảo vệ.

(Lời ông Hoàn Kim, Chủ tịch tỉnh về du lịch và môi trường)

15. Khảo sát bờ biển, sóng, em bé nhìn, từ xa:

          Hiệu quả của một công trình luôn là gánh nặng đặt lên vai các nhà khoa học và các nhà quản lý.

          Tôn trọng và giữ gìn môi sinh là nguyên tắc bảo vệ sự tồn tại thiên nhiên của tất cả mọi người.

          Hướng ra biển Đông, tìm một tương lai cho công cuộc phát triển ĐBSCL là nỗ lực không thể dừng lại trong thời kỳ kinh tế biển đang mở rộng.

( # )

          Không bao lâu nữa con kinh Tắt được đào mới ăn thông biển Đông với kinh Quan Chánh Bố sẽ hình thành, vạch lên bản đồ Đất Nước một đường vẽ mới.

          Gần 200 năm kể từ khi cha ông ta mở kinh tiến ra biển Tây, công trình mới của cháu con lại quay về hướng Đông; tạo một con rồng mới cho đất Chín Rồng ; một Thủy lộ đầy hứa hẹn cho tương lai vùng ĐBSCL.


1 nhận xét: