Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

XÉP BA TÀU

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1.     Lia xép, nước lấp lánh, bập dừa : 25”

          Xép Ba Tàu là một địa danh thuộc vùng đất Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
          Theo cách gọi từ xa xưa của người dân địa phương thì “Xép” có nghĩa là một đọan phình rộng racủa một con sông lớn mà ở đó có nhiều ngã rẻ và rạch nhỏ. Còn “ Ba Tàu” được giải thích là ở ba góc Xép có ba doi lá gie ra, trông giống như ba mũi tàu. Cũng có người cho rằng, “Ba Tàu” là nơi có nhiều bà con Hoa Kiều đến mua bán, trao đổi nông lâm sản.

          Nhìn lên bản đồ, bạn sẽ nhận ra Xép Ba Tàu, một đoạn phình rộng ra của con sông Cái Lớn, cách cửa biển non 30 km. Theo cửa sông này, cha ông ta đến Xép Ba Tàu khẩn hoang lập ấp. Trong cuộc chinh phục thiên nhiên đầy gian khổ ấy, người xưa đã để lại biết bao huyền thoại còn ghi trong sử sách.

          ( Lời ông Sơn Nam về chuyện đánh cọp )

2.     Miếu bà Thị Cư : 50”

Và ở Xép Ba Tàu có một câu chuyện còn lung linh màu huyền thoại, về người phụ nữ gan dạ, dám một mình đấu lại “Chúa Sơn lâm” giữa ban ngày.
Bà tên là Hồ Thị Cư, người thuộc một dòng tộc ở vùng Bình Định, vào Gò Quao, xứ sở mà “dưới Xép sấu nghé như trâu; trên bờ cọpđua như chó”. Một hôm, bà theo cha vào rừng đốn cũi thì bất ngờ bị cọp tấn công. Để cứu người cha sức yếu, Thị Cư đem hết sức bình sanh chống trả lại bầy thú dữ và biệt tích giữa rừng sâu. Cảm kích tình phụ tử ấy, người đời sau lập miếu thờ.

(#)
3.     Hàng đáy, tôm cá, dừa nước : 43”

Nghề hạ bạc ở đây hình thành từ lâu đời. Con sông Cái Lớn dẫn cá tôm từ biển Tây vào cho mỗi năm một vụ thủy sản nước lợ và một vụ thủy sản nước ngọt. Chu kỳ thay đổi nguồn nước đều đặn như thế, đã tạo ra hệ động thực vật đặc thù cho Xép Ba Tàu.

Dọc theo hai bờ sông Cái Lớn và chung quanh Xép, đâu đâu cũng mọc loài cây dừa nước – Loài cây từ ngàn xưa cha ông ta đã sử dụng để tạo nên làng mạc, cửa nhà trên vùng đất mới. Ứơc tính, diện tích dừa nước của vùng này hiện lên đến hàng trăm ngàn hécta – nơi cung cấp nguồn nguyên liệu lá lợp chủ yếu cho Đồng bằng sông Cửu Long.

( - )
dừa nước cho trái quanh năm, nhưng chúng ra bông rộ nhất vào đầu mùa khô. Chín tháng sau thì trái vừa già, món ăn dân giả nhưng đầy hương vị của làng quê, đất nước. Người Xép Ba Tàu gắn bó với loài cây dừa nước từ thời thơ bé :

Gió đưa ngọn lá xạt xào
Nhớ cây dừa nước Ba Tàu quê hương ...

4.     Xép, lia cây mước xác, bông, rộng có ghe qua :46”

Ngoài dừa nước, quanh Xép Ba Tàu còn có hơn trăm loài thực vật ngập nước khác. Tiêu biểu là cây mước xác, thuộc họ trước đào. Loài này cho hoa quanh năm, tạo sinh cảnh cho vùng sông, nước, điểm xuyết một màu trắng tươi giữa mảng xanh rì của Xép Ba Tàu. Bởi vậy mà dân gian ở đây có câu :

Lắc lay cành mước lá xanh,
Đong đưa bông trắng cho anh nhớ nàng.
Chừng nào nhị trổ chấm vàng,
Xuồng anh ghé bến cho nàng cùng theo...
5.     Bóng, hoa ô rô, Xép góc cao :16”

Do ảnh hưởng chế độ nhật triều của biển Tây, quanh Xép luôn luôn ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loài cây họ ô rô phát triển quanh năm, tạo thêm nét đẹp cho bờ Xép Ba Tàu.

( Tiếng bìm bịp )

6.     Bìm bịp, cây bần, trái, hoa :31”

Bịp kêu nước lớn anh ơi,
Bẻ mau bần chín nấu nồi canh chua...

Câu ca ấy qua bao năm tháng vẫn còn làm xao xuyến lòng người Xép Ba Tàu. Bóng bần lay động hồn quê ; gợi nhớ, gợi thương cho mỗi ai đi xa còn luyến lưu hình bóng quê nhà...

( - )

7.     Hoa lục bình; Xép rộng : 20”

Với hơn 200 ngày nắng trong năm, các loài thủy sinh ở Xép Ba Tàu đua nhau phát triển. Cuối tháng Chạp, nước rút, là mùa lục bình trổ bông.

...Bồng bềnh tim tím bên sông
Thủy chung tình nước, vấn vương lòng người...

( - )
8.     Đường làng, ngôi nhà : 17”

Bên bờ Xép, từ nhiều thế kỷ trước, các cộng đồng người Việt, người Khơme, người Hoa đã chung lưng nhau dựng lên những ngôi làng. Có nhiều dòng tộc người Hoa ở tận miền Triều Châu xa xôi đến đây lập nghiệp, nay vẫn còn giữ nét văn hóa riêng.

( Lời ông Sơn Nam nói về người Hoa nêu trên.)

9.     Vườn cam, lượm mo, khóm : 64”

Thích nghi với vùng đất mới, các cộng đồng dân tộc ở Xép Ba Tàu đã lựa chọn cách canh tác riêng. Đất thấp, họ đào mương, lên liếp, trồng cây, nuôi cá. Đây là một trong những khu vườn với nhiều tầng sinh thái do người dân Xép Ba Tàu sáng tạo nên.

( - )
Dưới tán cao là rẫy khóm, loài cây chịu phèn, ưa bóng râm, tỏ ra thích ứng với phương pháp trồng xen giữa cây lâu năm với cây ngắn ngày. Mỗi năm một vụ cau và một vụ khóm, người dân Xép Ba Tàu bắt đầu làm giàu cho xứ sở.

( -)
10.            Ruộng, cau, lúa, khóm : 82”

Với tính năng động và trí sáng tạo của người dân Xép Ba Tàu, cây khóm biết kết trái dưới bóng cau, giờ thêm nảy chồi trên đất ruộng. Vẫn theo cách đào mương lên liếp để rửa phèn, dẫn ngọt cho đất; người nông dân đã đặt cây khóm kề bên cây lúa – một kiểu xen canh không những phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, mà còn thích ứng với sự nhạy cảm của nền kinh tế thời hội nhập.

( - )

vừa trồng xong một vụ khóm là đến kỳ thu hoạch lúa, sự luân chuyển mùa màng như thế đã tạo ra một nhịp sống mới cho người dân Xép Ba Tàu.

( - )
11.            Xắn khóm, kéo xuồng đi, chuyền trái : 50”

Khóm chính vụ ở Xép Ba Tàu kéo dài từ tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch hàng năm. Hơn 5 ngàn hecta thuộc các xã Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Phước, Vĩnh Tuy của huyện Gò Quao, đang giữ thế mạnh về loại caây công nghiệp này.

( - )
Khóm được phân loại ngay tại rẫy. Trái vừa già chọn để chuyển đến các nhà máy chế biến; khóm chín vàng đưa ra chợ quê bán cho thương lái. Cuộc sống thôn dã, bình dị mà trữ tình biết bao :

Một tay một cặp khóm đôi,
6n duyên chồng vợ nhớ thời hàn vi.
Gío đồng đưa đẩy xuồng đi,
Ba Tàu Xép rộng, nhớ gì thuở xưa ...

Và, người dân quê hương này không thể nào quên những năm dài gian khổ và ý chí quật cường vùng lên tranh đấu.

( Trích bài ca vọng cổ trên sông )

12.            Vỏ, nước rẻ, ông Tư Nhà Mới : 29”

Hòa với niềm cảm xúc của con người Xép Ba Tàu, chúng ta cùng chia sẽ những ký ức đầy tự hào của Anh Hùng Nguyễn Văn Tư, người được mang biệt danh là Tư Nhà Mới – “Thủy thần trên sông Cái Lớn”. Ông không thể nào quên những năm tháng mà mỗi bờ lá là một trận địa nhấn chìm tàu giặc, và ngay ở Xép Ba Tàu này, ông đã cùng đồng đội khi thì nả pháo, lúc lại gài thủy lôi, gây cho quân thù nhiều phen khiếp vía.

                 ( Lời kể ông Tư Nhà Mới)

13.            Xép có 3 chiếc tàu, ghe khẳm : 45”

Với chiến công diệt 3 tàu trên Xép, ông và đồng đội đã tô đậm thêm huyền thoại Xép Ba Tàu, một huyền thoại mới xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, để lại niềm tự hào cho con người miền quê này.

( - )
Xép Ba Tàu ngày nay trở thành một hợp điểm của nhiều tuyến lưu thông huyết mạch. Từ Hậu Giang qua Rạch Gía, từ Cà Mau lên Cần Thơ, tạo nên dáng vẻ mới cho khúc sông đượm màu lịch sử.

14.            Bóng dừa, khóm, vườn rẫy mới, cau : 33”

Tiếp tục truyền thống sáng tạo và năng động, người Xép Ba Tàu lại cải tạo vườn cũ, lập nên các khu vườn rẫy mới. Dưới bóng dừa, cây khóm lại bắt rễ trên đất trồng xen canh.

( - )
Ở những khu vườn cổ, một khả năng mới đang mở ra cho ngành du lịch. Ở đó du khách có thể tìm hiểu một phần trong lịch sử văn minh miệt vườn với kỹ thuật canh tác nhiều tầng sinh thái. Đến Xép Ba Tàu khách tham quan còn cảm nhận những nét riêng của các cộng đồng dân tộc và hưởng trọn độ trong lành, yên ả của một làng quê nên thơ...

15.            Ngọn dừa, đường làng, người viết liễng : 31”

Trong sức sống của thiên nhiên của tạo hóa, có một sinh lực riêng bắt nguồn từ tấm lòng, ý chí và niềm tin của con người ở vùng đất này.

Qủan tấn tài nguyên, bá niên thịnh,
Kim ngân báo hỷ, gia môn hưng.

Giữ được tài nguyên, trăm năm tất sẽ thịnh vượng, bạc tiền sẽ đến làm cho nhà nhà giàu mạnh. Đó là ước nguyện khi năm mới đến của người dân Xép Ba Tàu.

16.            Cây gừa, miếu Thị  Cư, đốt nhang : 25”

Trong sự thịnh đạt, người Xép Ba Tàu không quên ơn bậc tiền hiền, nguyện thổi bùng lên ngọn lửa thiêng mà hướng về công đức người xưa, quyết một lòng gìn giữ Xép Ba Tàu, làm rạng ngời truyền thống đấu tranh với thiên tai, địch họa của người dân nơi đây...

17.            Chợ Gò Quao, bông lục bình, tàu xa, bóng rừng, Xép góc cao : 60”

Trong xu thế đô thị hóa, hiển nhiên bên Xép Ba Tàu đang mọc lên một thị trấn sầm uất. Điều đó đã tạo nên nét đối sánh giữa cũ và mới, giữa thôn dã và đô hội. Nhưng dù có đổi thay thế nào đi nữa, thì Xép Ba Tàu với nét bình dị nên thơ của nó vẫn chứa đựng một hồn quê đáng được giữ gìn.
( - )
Giữa những bước phát triển mới, Xép Ba Tàu như được trẻ lại, nhưng càng thanh xuân bao nhiêu người dân ở đây vẫn nhớ hoàii câu ca :

Ví dầu gió đẩy gió đưa,
“Trắng ngần bông mước” -  người xưa dặn dò.
Ví dầu Xép vắng con đò
Ba Tàu vẫn một câu hò...hò ơ...

( - )

Ai có qua miền Hậu Giang, ai có về Kiên Giang  hãy ghé qua miền đất này, nơi có lòng sông rộng mở như tình người bao la  ; nơi có dòng sôn Cái Lớn uốn quanh Gò Quao, để lại Xép Ba Tàu lộng gió và nên thơ./.



NGƯỜI GIỮ CHIM RỪNG

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Lâm viên 19/5, Cà Mau, ông Vinh vào, nhìn :
            Có một khu rừng được mệnh danh : “Sân chim giữa lòng thành phố”, bởi đây là nơi trú ngụ của nhiều họ hàng nhà điểu.
            Người Cà Mau tự hào về khu Lâm viên này, nhưng mãi sau gần 20 năm họ mới biết có một nhân vật từng dày công dẫn dụ chim về, đó chính là Nguyễn Thành Vinh - Người con của dòng sông Trẹm.
( # )
 2. Chim về, chim đi từ khu rừng :
          Làm bạn với chim trời hơn 10 năm, Nguyễn Thành Vinh đã biến khu rừng 2,5 hecta này thành quê hương của hơn 50 loài chim săn cá.
( # )
3. Ông Vinh đi trong khu rừng tràm và đước trống vắng chim :
          Năm 1989, ngành văn hóa Cà Mau quyết định thành lập một lâm viên mang đặc thù sinh thái “tỉnh nhà thu hẹp”. Sau đó không lâu khu rừng tràm đại biểu cho U Minh và khu rừng đước đại biểu cho Đất Mũi đã vươn xanh ; và Nguyễn Thành Vinh là một trong những người có mặt đầu tiên.
( # )
          Rừng không bóng chim chẳng khác gì một đám cây vô hồn. Nghĩ vậy, mọi người họp nhau bàn chuyện dẫn dụ chim về.
          Kẻ nói khó, người bảo dễ, rốt cuộc không ngã ngũ đường nào. Riêng anh Vinh suy nghĩ mãi về một Lâm viên rộn ràng tiếng chim …
( # )         
4. Sông Trẹm, các cháu bẫy chim, nuôi chim, cho ăn :
          Trèm Trẹm, một dòng sông bắt nguồn từ rừng U Minh - Năm 1959 Nguyễn Thành Vinh chào đời bên bờ con sông nước đỏ ấy …
( # )
          … Nhớ mãi những ngày thơ ấu, cậu bé Vinh cùng bạn bè hàng xóm vào rừng bẫy chim …
          … Thuở ấy chim rừng rất nhiều, nhưng Vinh và các bạn không bẫy chim để làm nguồn thực phẩm mà vì thú vui trẻ thơ và vì lòng yêu thiên nhiên. Những chú chim rừng trở thành bầu bạn sau mỗi buổi học trường làng.
( # )

5. Người nuôi quốc, bẫy quốc, cách chăm sóc, lội rừng :
          Nghĩ cách tốt nhất để dẫn dụ chim rừng về Lâm viên, Nguyễn Thành Vinh tìm đến các già rừng chuyên nghiệp gát chim để học hỏi kinh nghiệm.
          Những bài học thực tế ngày nay cùng với những kinh nghiệm nuôi chim thời thơ bé, sẽ giúp anh hoàn thành việc dẫn dụ chim rừng.
( # )
         Sau việc học hỏi kinh nghiệm là những ngày điền dã. Nguyễn Thành Vinh phải tốn khá nhiều thời gian để theo dõi tập tính từng giống loài.
( # )

6. Cắt khớp cánh, thả vào khu nuôi ; thả vào rừng :
          Vào một ngày đầu xuân 1997, Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp quyết định thử nghiệm công đoạn đầu của việc dẫn dụ chim – khóa cánh để thuần dưỡng.
          Thả vào khu biệt lập, anh Vinh và đồng nghiệp tin rằng, các chế độ ăn uống và chăm sóc thích hợp sẽ giúp chim mau chóng trở lại với rừng.
          Được trả lại môi trường sống tự nhiên, các chú cò chú vạc trở thành những cầu nối rủ rê đồng loại.
( # )

7. Cò bay góc cao, góc thấp, ông Vinh đi, nhìn :
          Vậy là sau hơn 5 năm khu rừng trống vắng, nhiều loài chim bắt đầu quần tụ ; một sân chim giữa lòng thành phố hình thành ; một niềm vui lớn của Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp.
( # )
8. Ông Vinh đi, leo lên kiểm tra ổ trứng, nhìn cò :
          Cần phải theo dõi quy luật sinh sản của mỗi loài ; nghĩ thế, anh Vinh cẩn thận đếm từng quả trứng, tính từ ngày đẻ, ngày ấp và ngày nở …
          Không những thế, anh và đồng nghiệp còn phải hệ thống quy luật tìm bạn tình của từng giống loài để xác định tốc độ sinh sản của chúng.
( # )
9. Vườn cò góc hất, góc cao, bão số 5, ông Vinh lượm chim :
          Trong vòng chưa đầy 2 năm dẫn dụ gần chục giống loài đã tụ hội về đây. Thế nhưng một tai họa lại ập đến.
( # )
          Cơn bão số 5 - 1997 đã giết đi hàng chục ngàn chim non …
Anh Vinh và đồng nghiệp xót xa, nhưng biết làm gì hơn là cứu cấp cho từng thân phận ra ràng còn sống sót.
Lâm viên nhờ vậy mà không lâu sau chim lại quay về. Nhưng rồi, dịch cúm gia cầm tai ác lại đe dọa, Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp một lần nữa ra tay …
( # )

10. Người xem trứng khảy mỏ, cò đút mồi, ấp con :
          Bản năng sinh tồn của loài chim rừng làm cho con người phải suy nghiệm. Ở đó không chỉ có sự truyền chủng thông thường mà còn ẩn dụ một tình yêu thương ; một đối lập với cái ác …
( # )
11. Chim bị bắn rớt, ông Vinh lượm chim non, săn, ăn nhậu :
          Hạ gục một chú chim là thành tích của kẻ đi săn. Còn với Nguyễn Thành Vinh, chim chóc là tài sản vô giá của thiên nhiên.
          Thế nhưng mọi chuyện trớ trêu ở trên đời đều có thể diễn ra …
( # )
12. Đầu chim nướng, cuốn sách có nhiều đầu chim, ông Vinh ngồi ghi chép : 
          Chim rừng bao giờ cũng là miếng mồi hấp dẫn giữa các bữa tiệc. Bởi vậy, không ít họ hàng nhà điểu đang thưa thớt dần hoặc chỉ còn hình hài trong “sách đỏ” ! Nguyễn Thành Vinh vì thế mà mày mò tìm hiểu nhiều hơn, nhằm duy trì nòi giống các loài chim quý hiếm.
          Anh được các nhà điểu học, các bạn đồng nghiệp ủng hộ để hoàn tất “Dự án dẫn dụ, bảo tồn chim hoang dã”.
( # )
13. Khu bảo tồn Tân Phước, 2 người vào, ông Vinh lội xem đất phèn, bơi xuồng, tìm chim :
          Sự thành công của Nguyễn Thành Vinh đã được các nhà quản lý lâm sinh ở Đồng Tháp Mười nghe tiếng, và anh được mời đến làm “chuyên gia”.
          Sinh thái của Đồng Tháp Mười khác hẳn sinh thái của U Minh và đất nhiễm phèn nặng là một trong những nguyên nhân Khu Bảo tồn thiên nhiên Tân Phước của tỉnh Tiền Giang lặng lẽ tiếng chim.
( # )       
Nguyễn Thành Vinh phải tốn nhiều ngày điền dã. Anh rong ruổi hết đồng năn này đến bờ lung khác để tìm ra quy luật sinh sống của các loài chim Đồng Tháp Mười.
( # )
          Với kinh nghiệm lý luận dẫn dụ chim hoang dã được đúc kết, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh tìm các giống chim thích hợp với địa phương để thuần dưỡng, làm mồi dẫn dụ.
( # )
          Một tháng, hai tháng,… sáu tháng sau chim Đồng Tháp Mười lần lượt quần tụ.
          Từ một hai loài, ba năm sau có đến hàng chục loài tìm đến đây trú ngụ, sinh sôi.
          Dẫn dụ chim thành công ở Khu bảo tồn sinh thái Tân Phước, Nguyễn Thành Vinh khẳng định một lần nữa về khả năng đặc biệt của mình ; biểu thị sâu sắc một lần nữa về tấm lòng yêu thiên nhiên của anh.
         “Chim trời, cá nước” , nhưng nếu không biết bảo tồn, giữ gìn thì Trời sẽ không còn bóng chim, Nước chẳng còn tăm cá … Nguyễn Thành Vinh quyết một đời làm người gìn giữ chim rừng./-


KỶ NIỆM NHƯ IN

(Tạm thời chưa có phim)

THUYẾT MINH


1. Đoàn người về căn cứ rừng đước, nhìn đước : 32”

          Nơi ấy là rừng đước Năm Căn, Mũi Cà Mau, mảnh đất mà ngành in ấn Miền Tây Nam bộ trong những năm chống Mỹ đã náu nương, hoạt động và trưởng thành.

           Từ một đội ngũ chuyên môn ít ỏi, với thiết bị thô sơ, ngành in đã vượt qua biết bao khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

          Trở lại vùng căn cứ kháng chiến, những người chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng ngày ấy, hẳn không thể nào quên những kỷ niệm còn hằn in mãi trong ký ức.

(Tựa phim)

2. Các nhân chứng xem ảnh, Mặt trận ra đời : 45”

          Kỷ niệm hãy còn đậm như in, dù bao năm sau chiến tranh đã đi qua. Trong số những cán bộ ngành in này, có người còn lưu giữ được vài tấm ảnh cũ. Nó đơn giản nhưng lại là cả một dấu ấn lớn về một thời đã đi qua – Đó là những năm tháng giữa rừng sâu, chính những con người này đã in ra những trang báo, cơ quan  ngôn luận của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ.
( # )

          Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, sau đó, ngày 12/5/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ cũng đã được thành lập.
(Lời ông Nhã về Mặt trận ra đời và ngành in ra đời)

          Được chuẩn bị từ những tháng sau Đồng Khởi, cơ sở nhà in Bạc Liêu nhận quyết định chuyển về trực thuộc Ban Tuyên Văn Giáo Khu. Tờ báo Giải phóng đầu tiên được in khẩn trương để chào mừng Mặt trận ra đời.

(Lời ông Hai Thường về lấy tên cơ quan nhà in)

3. Rừng U Minh, người đi, xem các tờ báo : 40”

        Lúc bấy giờ, cán bộ, công nhân nhà in vỏn vẹn chỉ có 12 đồng chí. Đầu tiên, vùng U Minh Thượng thuộc xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Rạch Giá được chọn làm căn cứ của cơ quan in ấn khu.
          Giữa U Minh “muỗi như sáo thổi”, với hai máy in cũ kỹ và 20 bộ chữ hiếm hoi, Nhà in Giải phóng miền Tây Nam bộ đã lần lượt cho ra đời hàng chục tài liệu tuyên truyền của tỉnh ủy, mặt trận và các đoàn thể. Có được thành tích ban đầu này là cả sự tích lũy kinh nghiệm từ phương pháp tổ chức Cách mạng ; từ cuộc kháng chiến chống Pháp.

(Lời ông Nguyễn Văn Lưu về các cách in thời chống Pháp phát triển dần)

4. Nhà in, xếp chữ ; xếp giấy : 46”

          Để đảm bảo an toàn và bí mật, Nhà in Giải phóng miền Tây Nam bộ được chuyển về căn cứ rừng đước Năm Căn, Cà Mau, vào đầu năm 1962. Tại đây, công việc in ấn được củng cố hoàn thiện và tổ chức với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền ngày càng tăng.

          Ngoài nguồn chữ chì được bổ sung liên tục, Nhà in còn được trang bị thêm máy in mới, mua ở vùng tạm chiếm. Đội ngũ công nhân cũng được đào tạo thêm để kịp thời phục vụ yêu cầu Cách mạng trong tình hình mới.

          Đến các năm 64, 65, ngoài tờ báo Giải phóng miền Tây Nam bộ, Nhà in còn thực hiện các ấn phẩm sách Giáo khoa với ấn hiệu là Nhà in Cửu Long.
( # 9”)
5. Nhà in Cần Thơ, xem chữ chì, người xếp chữ, ảnh :
          Bây giờ, trở lại thăm ngành in, bên những máy móc hiện đại, những hộc gỗ chữ chì như vẫn còn lấp lánh – Vật kỷ niệm của những người chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng năm xưa.

          Thử xếp lại những con chữ cũ để nhớ mãi những tháng năm gian khổ giữa rừng, những ngày vừa chống càn vừa in ấn ; những ngày mà mỗi tờ tin, bài báo in ra được sánh như một đòn giáng trả kẻ thù …

( # 10”)
         
          Lạ thay, giữa rừng sâu thiếu thốn, giữa sự dòm ngó của giặc mà những công nhân bình dị này đã in ra hàng triệu trang sách, hàng chục ngàn tờ truyền đơn, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

          Rồi những ấn phẩm đó được tổ chức chuyển đến đồng bào, chiến sĩ ; đến cả vùng địch tạm chiếm và đô thị.

( # 10”)

6. Xuồng ghe ra chợ : 11”

          Chiến tranh nhân dân đã huy động mọi tiềm lực của quần chúng. Nhiều chị em đã luồn ra vùng địch kiểm soát, mua giấy, mực in rồi tìm cách ngụy trang đưa về chiến khu.


(Lời ông Sáu Phong về mua giấy, làm bột giấy)

7. Anh biên tập, chép tin, dân xem báo :

          Những khó khăn được khắc phục để hoàn thiện dần guồng máy tổ chức nội dung và in ấn.

          Vào các năm 65, 66, cơ quan Thông tin báo chí của Mặt trận nam bộ hình thành, nhu cầu xuất bản ấn phẩm tăng nhanh. Tờ báo Giải Phóng thường xuyên đến tay độc giả đã tạo một sinh khí mới cho phong trào quần chúng.

          Thông tin từ các ấn phẩm báo chí Cách mạng lại được phổ biến bằng nhiều hình thức khác, tạo hiệu quả tuyên truyền ngày càng sâu rộng đối với đồng bào vùng giải phóng.
( # 9”)

8. Phong trào tiến tới Tổng tấn công Mậu Thân :

          Cuối năm 196, vùng giải phóng ở miền Tây Nam bộ mở rộng, các phong trào quần chúng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Cục diện chiến trường chung trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta.

          Không khí cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1968 sôi động từng giờ.
( # 10”)

          Giữa khí thế “một ngày bằng hai mươi năm” lúc bấy giờ, Nhà in miền Tây Nam bộ được Khu ủy giao nhiệm vụ tổ chức một bộ phận gọn nhẹ, phục vụ chiến trường trọng điểm. Sáng 30 Tết năm đó, các đồng chí phấn khởi nhận lệnh.

(Lời ông Hai Thường về in lệnh Tổng tấn công)

9. Ghe xuồng, báo “Vùng lên” : 17”

           Ngay trong các đợt Tổng tiến công, ngoài các bản tin, truyền đơn binh vận phục vụ cho chiến dịch, bộ phận in chiến trường còn cho ra ấn phẩm báo “Vùng lên”, “Cờ giải phóng”, cơ quan ngôn luận của Thành ủy, Uy ban khởi nghĩa thành phố Cần Thơ.

(Lời ông Ba Ngôn về nhiệm vụ chính trị)

10. Rải truyền đơn, trực thăng, địch càn, căn cứ U Minh :

          Biết rõ sức mạnh tuyên truyền của các ấn phẩm Cách mạng, Mỹ ngụy ráo riết phản kích, săn lùng các cơ quan đầu não của miền Tây Nam bộ. Chúng mở chiến dịch thọc sâu vào rừng U Minh, chà đi xát lại nhiều ngày, tung bọn gián điệp và biệt kích sục sạo, thu lấy máy in của ta. Chúng bày trò triển lãm ở đô thị và cao rao rằng, đó là thành tích của chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”.
(Lời ông Tư Kiệt về địch và khắc phục của ta)

11. Tờ báo Giải Phóng ra khung, lắp ráp máy mới : 15’

          Và tờ báo mang tên Giải Phóng vẫn tiếp tục được in ấn và phát hành. Sau đó không lâu, bằng ý chí giáng trả kẻ thù, cán bộ, công nhân Nhà in đã khắc phục mọi khó khăn, lắp ráp máy in mới.

(Lời ông Tư Kiệt nói về ý chí của công nhân)

12. Ngụy trang nhà in, chuyền nước ngọt :

          Một lần nữa, đất rừng của Năm Căn trở thành nơi che giấu Nhà in miền Tây Nam bộ. Cây đước, cây vẹt một lần nữa góp công bảo vệ những cuộn giấy, chữ chì.
         ( # 10”)

          Sống giữa rừng ngập mặn, nguồn nước ngọt phải đi lấy xa hàng chục cây số, công nhân nhà in lại phải đối mặt với những thách thức mới.

          Mọi gian khổ rồi cũng đi qua, các chiến sĩ ngành in chuẩn bị một cuộc sống  lâu dài ở chiến khu. Ở những khu rừng bị địch khai quang, bắn phá, công nhân và đồng bào vùng căn cứ chung tay giúp đước tái sinh.

( #  7”)

          Khi “đước đã mọc thành rừng gỗ cứng”, Nhà in sẽ được bảo vệ tốt hơn.
(Lời ông Hai Đáng về cách bảo vệ)

( # 8”)
13. Đốn đước, nhà :
          Khi xây dựng khu nhà đủ sức chịu lực cho các máy móc in ấn, các công nhân lựa những cây đước chắc chắn nhất để làm rườn, nhưng vẫn giữ cho rừng luôn kín đáo, tránh sự dòm ngó của địch từ trên không.

          Phải mất nhiều ngày tháng và công sức, một khu làm việc khang trang như thế mới hoàn thành, đảm bảo cho nhiệm vụ in ấn lâu dài.

(Lời ông Ba Bé về làm nhà, căn cứ)

( # 9”)

14. Người nhìn, lia đước, tư liệu bắt cua, đổ gạo :

          Trở lại rừng xưa, những người từng sống, từng trải qua bao năm tháng làm nhiệm vụ giữa rừng sâu, hẳn là kỷ niệm xưa đang sống dậy, hiện rõ như in về gắn bó với đất, với người vùng căn cứ …

( # )

          Ở các vàm rạch, xưa thường gọi là “cửa hang”, người dân không chỉ là cơ sở bảo vệ bí mật cho Nhà in, mà còn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân.
( # )

          Vào các năm 69 – 70, lắm lúc vùng căn cứ Năm Căn bị địch chia cắt, cô lập, ngoài thiếu nước ngọt công nhân nhà in còn thiếu cả lương thực.

          Lúc đó nhiều gia đình phải ăn độn trái mấm, ăn sòng bí rợ, nhưng vì tin Đảng, yêu Cách mạng, người dân sẵn sàng nhường cho Nhà in những phần gạo ít ỏi của mình.

          Tình dân bao la, thắm thiết là vậy. Cho dù bao lâu nữa, dẫu cho cuộc sống có đổi thay, những hình ảnh này vẫn không bao giờ khuất mờ trong kỷ niệm.
(Lời ông Tư Nghiệp nói về kỷ niệm)

14. Đọc nghị quyết ; báo năm 73, xem báo :

          Từ mùa Xuân đến mùa Hè 197, phong trào Cách mạng miền Nam lại chuyển thế tiến công liên tục trên khắp các chiến trường. Ở hậu phương, cán bộ, công nhân Nhà in và lực lượng Thông tin báo chí được học tập tình hình nhiệm vụ mới. Công tác củng cố tổ chức và tăng cường phương tiện của nhà in được đặt ra hàng đầu, trong đó việc đầu tiên là chuẩn bị cho tờ báo Xuân 1973.

 ( # )

          Hiệp định Pari được ký kết, thắng lợi ngoại giao và thắng lợi trên các chiến trường tạo nên sinh khí mới cho tờ báo đặc biệt này.

( # )

          Tờ báo ra mắt kịp thời, chuyển tải đầy đủ thông tin về Hiệp định Pari là niềm tự hào của người làm báo và Nhà in Giải Phóng miền Tây.

(Lời ông Hai Thường về Hiệp định và sự bám trụ)

15. Họp khu ủy, tờ báo Giải Phóng, chở đi :

          Tại rừng U Minh, đầu năm 1973, Khu ủy khu Tây Nam bộ  tổ chức hội nghị triển khai tinh thần quyết tâm mới. Chống địch giành đất giành dân, bảo vệ vùng giải phóng và thành quả Cách mạng. Chống ảo tưởng hòa bình và kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định. Hội nghị khẳng định vai trò của TTTT trong tình hình mới. Và tờ báo Giải Phóng liên tục ra mắt, góp phần vào thế tiến công mới của quân dân miền Tây Nam bộ. Các ấn phẩm trong thời điểm ấy cổ vũ tích cực cho đà thắng lợi mới.

(Lời ông Năm Bình về thắng lợi 1975)

16. Tờ Giải Phóng 75, tham quan Xí nghiệp in :

          Giữa không khí tưng bừng của mùa Xuân 1975 lịch sử, tờ báo Giải phóng miền Tây Nam bộ ra mắt, như một chiến công mới góp phần cho thắng lợi cuối cùng. Bây giờ, mỗi lần ôn lại là một lần nhận rõ thêm ý chí tiến công của đồng nghiệp năm xưa. Những tờ tuyền đơn mang chính sách 10 điểm của Cách mạng kịp thời đến tay binh sĩ ngụy vào ngày 30/4/75 thực chất là một tác động lớn, làm cho đối phương nhận ra chính nghĩa mà trở về với dân tộc.

( # 7”)
          Những người chiến đấu trên mặt trận in ấn thầm lặng đầy tự hào về sự đóng góp của mình cho ngày toàn thắng. Họ đã cùng đất nước đi từ gian khổ ác liệt đến những giây phút khải hoàn thiêng liêng này.

( # )

17. Họp, nhìn lại ảnh :

          Ngày nay và mãi về sau, mỗi lần quây quần bên nhau, mỗi lần có dịp hẹn hò nhau ; những người đồng nghiệp, những người một thuở đem hết tâm huyết đưa từng con chữ lên trang giấy, nhắc nhau để nhớ lại những năm tháng hào hùng. Thời gian đã làm bạc màu tóc, nhưng tình đồng chí  đồng nghiệp thì vẫn không phai lợt và những kỷ niệm xưa lại trở về như in.
( # )

18. Về rừng, xem ảnh :

          Mỗi lần trở lại rừng xưa, những kỷ niệm không phải vô cớ mà hiện về trong ký ức, bởi ở đó mỗi cuộc đời có một dấu ấn riêng.

          Những tấm ảnh đó có  thể không còn sắc sảo, nhưng với chặng đời trẻ trung, cuộc sống đầy lý tưởng ngày ấy sẽ còn mãi theo thời gian.

          (Lời ông Tuấn nói về lý tưởng công nhân đi suốt đời mình.)

19. Tham quan các cơ sở in :

          Và đã có bao người như thế, để giữ gìn, để tiếp nối sự nghiệp vẻ vang này. Từ cái nền của quá khứ, từ sự đào luyện của cuộc kháng chiến, từ thực tiễn của cuộc sống miền Tây, những người từng theo ngành in xưa kia đã vươn tới, tiếp cận với tấm mức mới của nền kinh tế.

          Cùng nhau nhìn lại, cùng nhau chia xẻ niềm khích lệ trước mỗi thành đạt mà con người của ngành in Tây Nam Bộ tiếp tục giành được.

          (Lời ông Ba Bé về sự đóng góp của các đồng chí ở ngành in.)

20. Hoạt động in hiện nay :

          Rồi những thế hệ công nhân mới của Xí nghiệp in Cần Thơ được đào tạo. Họ nối nghiệp cha anh mà tiếp thu công nghệ mới. Họ tiếp cận với kỹ thuật hiện đại mà tạo ra sản phẩm mới mang dấu ấn của sức vóc và trí tuệ.

                                                           (# )

          Tất yếu, mọi cổ máy khi vận hành đều cần đến sự kiểm soát và điều khiển của con người. Và ở Xí nghiệp in này, khi được trang bị những dây chuyền công nghệ mới, nhân tố con người đã khai thác hết công năng của máy móc đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành in Cần Thơ. Điều đó khẳng định thêm rằng, đứng trên cái nền của quá khứ, con người sẽ tiếp tục giành được thắng lợi mới.
          (Lời ông Năm Bình về sự phát huy truyền thống.)

21. Dây chuyền in báo :

          Có những di sản không thể cảm nhận bằng xúc giác mà chỉ có nhận thức mới tiếp cận được với nó. Trước guồng máy này, nếu được nhìn với cặp mắt trọng quá khứ thì nó chính là sự tích hợp của cả một quá trình, tiếp nối trong “dây chuyền” truyền thống của ngành in.

                                                 (# )

          Với hàng chục chủng loại ấn phẩm, hàng trăm mặt hàng in chất lượng cao, cùng 5 tờ báo ngày, Xí nghiệp in Cần Thơ đang thực sự vận động trong nền kinh tế năng động của Đất Nước.

          Giữa không khí tất bật của nhịp sản xuất hiện đại, chúng ta chợt nhớ kỷ niệm xưa ... Thuở ấy giữa bom đạn ác liệt, những con người này đã vượt qua tất cả hiểm nguy gian khó để gầy dựng ngành in của Miền Tây Nam Bộ, để hôm nay tự hào mà “ôn cố tri tân”. Những ký ức xưa càng hiện về, càng làm tăng thêm niềm phấn khích của thế hệ đã một thời đem con chữ, tờ báo, bản tin làm vũ khí giáng trả kẻ thù. Sức chiến đấu ấy, còn sống động cho đến ngày nay, còn nguyên giá trị cho đến mai sau. Và thời gian, tiềm thức sẽ trở thành kho báu của tri thức để chúng ta cùng khơi dậy những kỷ niệm hãy còn hằn sâu như in./-