Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

NGƯỜI GIỮ CHIM RỪNG

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Lâm viên 19/5, Cà Mau, ông Vinh vào, nhìn :
            Có một khu rừng được mệnh danh : “Sân chim giữa lòng thành phố”, bởi đây là nơi trú ngụ của nhiều họ hàng nhà điểu.
            Người Cà Mau tự hào về khu Lâm viên này, nhưng mãi sau gần 20 năm họ mới biết có một nhân vật từng dày công dẫn dụ chim về, đó chính là Nguyễn Thành Vinh - Người con của dòng sông Trẹm.
( # )
 2. Chim về, chim đi từ khu rừng :
          Làm bạn với chim trời hơn 10 năm, Nguyễn Thành Vinh đã biến khu rừng 2,5 hecta này thành quê hương của hơn 50 loài chim săn cá.
( # )
3. Ông Vinh đi trong khu rừng tràm và đước trống vắng chim :
          Năm 1989, ngành văn hóa Cà Mau quyết định thành lập một lâm viên mang đặc thù sinh thái “tỉnh nhà thu hẹp”. Sau đó không lâu khu rừng tràm đại biểu cho U Minh và khu rừng đước đại biểu cho Đất Mũi đã vươn xanh ; và Nguyễn Thành Vinh là một trong những người có mặt đầu tiên.
( # )
          Rừng không bóng chim chẳng khác gì một đám cây vô hồn. Nghĩ vậy, mọi người họp nhau bàn chuyện dẫn dụ chim về.
          Kẻ nói khó, người bảo dễ, rốt cuộc không ngã ngũ đường nào. Riêng anh Vinh suy nghĩ mãi về một Lâm viên rộn ràng tiếng chim …
( # )         
4. Sông Trẹm, các cháu bẫy chim, nuôi chim, cho ăn :
          Trèm Trẹm, một dòng sông bắt nguồn từ rừng U Minh - Năm 1959 Nguyễn Thành Vinh chào đời bên bờ con sông nước đỏ ấy …
( # )
          … Nhớ mãi những ngày thơ ấu, cậu bé Vinh cùng bạn bè hàng xóm vào rừng bẫy chim …
          … Thuở ấy chim rừng rất nhiều, nhưng Vinh và các bạn không bẫy chim để làm nguồn thực phẩm mà vì thú vui trẻ thơ và vì lòng yêu thiên nhiên. Những chú chim rừng trở thành bầu bạn sau mỗi buổi học trường làng.
( # )

5. Người nuôi quốc, bẫy quốc, cách chăm sóc, lội rừng :
          Nghĩ cách tốt nhất để dẫn dụ chim rừng về Lâm viên, Nguyễn Thành Vinh tìm đến các già rừng chuyên nghiệp gát chim để học hỏi kinh nghiệm.
          Những bài học thực tế ngày nay cùng với những kinh nghiệm nuôi chim thời thơ bé, sẽ giúp anh hoàn thành việc dẫn dụ chim rừng.
( # )
         Sau việc học hỏi kinh nghiệm là những ngày điền dã. Nguyễn Thành Vinh phải tốn khá nhiều thời gian để theo dõi tập tính từng giống loài.
( # )

6. Cắt khớp cánh, thả vào khu nuôi ; thả vào rừng :
          Vào một ngày đầu xuân 1997, Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp quyết định thử nghiệm công đoạn đầu của việc dẫn dụ chim – khóa cánh để thuần dưỡng.
          Thả vào khu biệt lập, anh Vinh và đồng nghiệp tin rằng, các chế độ ăn uống và chăm sóc thích hợp sẽ giúp chim mau chóng trở lại với rừng.
          Được trả lại môi trường sống tự nhiên, các chú cò chú vạc trở thành những cầu nối rủ rê đồng loại.
( # )

7. Cò bay góc cao, góc thấp, ông Vinh đi, nhìn :
          Vậy là sau hơn 5 năm khu rừng trống vắng, nhiều loài chim bắt đầu quần tụ ; một sân chim giữa lòng thành phố hình thành ; một niềm vui lớn của Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp.
( # )
8. Ông Vinh đi, leo lên kiểm tra ổ trứng, nhìn cò :
          Cần phải theo dõi quy luật sinh sản của mỗi loài ; nghĩ thế, anh Vinh cẩn thận đếm từng quả trứng, tính từ ngày đẻ, ngày ấp và ngày nở …
          Không những thế, anh và đồng nghiệp còn phải hệ thống quy luật tìm bạn tình của từng giống loài để xác định tốc độ sinh sản của chúng.
( # )
9. Vườn cò góc hất, góc cao, bão số 5, ông Vinh lượm chim :
          Trong vòng chưa đầy 2 năm dẫn dụ gần chục giống loài đã tụ hội về đây. Thế nhưng một tai họa lại ập đến.
( # )
          Cơn bão số 5 - 1997 đã giết đi hàng chục ngàn chim non …
Anh Vinh và đồng nghiệp xót xa, nhưng biết làm gì hơn là cứu cấp cho từng thân phận ra ràng còn sống sót.
Lâm viên nhờ vậy mà không lâu sau chim lại quay về. Nhưng rồi, dịch cúm gia cầm tai ác lại đe dọa, Nguyễn Thành Vinh và đồng nghiệp một lần nữa ra tay …
( # )

10. Người xem trứng khảy mỏ, cò đút mồi, ấp con :
          Bản năng sinh tồn của loài chim rừng làm cho con người phải suy nghiệm. Ở đó không chỉ có sự truyền chủng thông thường mà còn ẩn dụ một tình yêu thương ; một đối lập với cái ác …
( # )
11. Chim bị bắn rớt, ông Vinh lượm chim non, săn, ăn nhậu :
          Hạ gục một chú chim là thành tích của kẻ đi săn. Còn với Nguyễn Thành Vinh, chim chóc là tài sản vô giá của thiên nhiên.
          Thế nhưng mọi chuyện trớ trêu ở trên đời đều có thể diễn ra …
( # )
12. Đầu chim nướng, cuốn sách có nhiều đầu chim, ông Vinh ngồi ghi chép : 
          Chim rừng bao giờ cũng là miếng mồi hấp dẫn giữa các bữa tiệc. Bởi vậy, không ít họ hàng nhà điểu đang thưa thớt dần hoặc chỉ còn hình hài trong “sách đỏ” ! Nguyễn Thành Vinh vì thế mà mày mò tìm hiểu nhiều hơn, nhằm duy trì nòi giống các loài chim quý hiếm.
          Anh được các nhà điểu học, các bạn đồng nghiệp ủng hộ để hoàn tất “Dự án dẫn dụ, bảo tồn chim hoang dã”.
( # )
13. Khu bảo tồn Tân Phước, 2 người vào, ông Vinh lội xem đất phèn, bơi xuồng, tìm chim :
          Sự thành công của Nguyễn Thành Vinh đã được các nhà quản lý lâm sinh ở Đồng Tháp Mười nghe tiếng, và anh được mời đến làm “chuyên gia”.
          Sinh thái của Đồng Tháp Mười khác hẳn sinh thái của U Minh và đất nhiễm phèn nặng là một trong những nguyên nhân Khu Bảo tồn thiên nhiên Tân Phước của tỉnh Tiền Giang lặng lẽ tiếng chim.
( # )       
Nguyễn Thành Vinh phải tốn nhiều ngày điền dã. Anh rong ruổi hết đồng năn này đến bờ lung khác để tìm ra quy luật sinh sống của các loài chim Đồng Tháp Mười.
( # )
          Với kinh nghiệm lý luận dẫn dụ chim hoang dã được đúc kết, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh tìm các giống chim thích hợp với địa phương để thuần dưỡng, làm mồi dẫn dụ.
( # )
          Một tháng, hai tháng,… sáu tháng sau chim Đồng Tháp Mười lần lượt quần tụ.
          Từ một hai loài, ba năm sau có đến hàng chục loài tìm đến đây trú ngụ, sinh sôi.
          Dẫn dụ chim thành công ở Khu bảo tồn sinh thái Tân Phước, Nguyễn Thành Vinh khẳng định một lần nữa về khả năng đặc biệt của mình ; biểu thị sâu sắc một lần nữa về tấm lòng yêu thiên nhiên của anh.
         “Chim trời, cá nước” , nhưng nếu không biết bảo tồn, giữ gìn thì Trời sẽ không còn bóng chim, Nước chẳng còn tăm cá … Nguyễn Thành Vinh quyết một đời làm người gìn giữ chim rừng./-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét