Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

LÒNG NGƯỜI MIỀN TÂY VỚI BÁC HỒ

(Tạm thời chưa có phim)

 LỜI BÌNH

1. Đền thờ xưa giữa rừng, người viếng, đền ngày nay người viếng : 34”
          Sau ngày Bác qua đời, nhiều ngôi đền mộc mạc như thế được dựng lên ở nhiều nơi trên miền đất đồng bằng. Dưới tầm bom pháo giặc, giữa vùng căn cứ, người miền Tây vẫn thành tâm hướng về vị cha già kính yêu.
          Bác đã đi xa rồi nhưng hình bóng của Người vẫn luôn hiển hiện thiêng liêng. Dù nơi đó cách không xa đồn giặc ; dù nơi đó là chiến trường ác liệt, vượt cả không gian và thời gian, Bác vẫn anh linh tỏa sáng giữa lòng người miền Tây.
(Tựa phim)
2. Người vào viếng đền, tượng Bác, cặm nhang, cấp đất : 35”
          Như cả dân tộc, người miền Tây tôn thờ Bác bằng cả lòng thành ; tấm lòng của lớp lớp cháu con biết hàm ơn Người đã đem đến cho Đất Nước, cho nhân dân miền đất này Độc lập Tự do, cơm no áo ấm.
          Còn nhớ mãi, sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ trương cấp đất cho dân cày. Người nông dân, từ kiếp sống bần cùng nô lệ, “một cổ hai tròng” trở thành những người chủ mới trên mảnh ruộng thửa vườn của một đất nước độc lập.
(Lời ông Phạm Thành Võ về công ơn Bác).
3.  Cò bay trên ruộng, mộ, bà Sảnh, cây vú sửa : 42”
          Làm chủ những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” của mình, người nông dân miền Tây Nam bộ sâu nặng nghĩa ân với Đảng, với Bác Hồ.
          Trên đất Cà Mau, có một câu chuyện trở thành sự tích. Má Lê Thị Sảnh, một nông dân ở xã Trí Phải huyện Thới Bình, trước lúc qua đời đã căn dặn con cháu mình hãy để bà yên nghỉ dưới cây vú sữa, một giống cây mà bà đã gởi ra miền Bắc vào cuối năm 1954. Má đã toại nguyện và ngủ yên dưới lớp đất cách mạng cấp năm nào. Còn người dân Trí Phải nhớ hoài cái buổi tiễn đưa lịch sử của những ngày tập kết.
(Ông Phận nói về cây vú sữa gởi ra miền Bắc).
4. Tàu, bà mẹ tiễn bộ đội, ảnh tập kết, cửa sông, nhà sàn, vườn Bác : 36”
          Ở bến tập kết sông Đốc hôm ấy, trong ba-lô người đại đội trưởng Tiểu đoàn 307 mang theo cây vú sữa bé nhỏ mà nặng trĩu tấm lòng của người mẹ Cà Mau đối với đồng bào miền Bắc ruột thịt, đối với Bác Hồ kính yêu.
          Sau mấy ngày vượt biển, sáng mùng 2 Tết năm Đinh Mùi, cây vú sữa Trí Phải được cán bộ miền Nam mang đến dâng tặng Bác.
          Ngay đầu xuân năm ấy, cây vú sữa của tấm lòng miền Nam được Bác đem trồng trong khuôn viên phủ Chủ tịch, trước căn nhà Bác ở.
          Ngày ngày Người chăm sóc cho cây mau bén rễ, đâm chồi và cây vú sữa trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác với miền Nam.
(7” nhạc trên hình Bác tưới).
5. Mặt trời mây che, ấp chiến lược, làng rừng, ảnh : 28”
          Cây vú sữa Bác trồng vừa tròn năm thì miền Nam đầy bóng giặc. Mỹ-Diệm lập “khu trù mật”, gom dân, cách ly Đảng với quần chúng cách mạng.
          Quyết không để giặc kềm kẹp, nhiều nơi ở miền Tây, nhân dân đã tự tổ chức làng rừng. Có những cụ già bí mật giấu ảnh Bác mang theo. Chốn rừng sâu, giữa lúc đen tối, hình ảnh Bác là nguồn sáng lòng tin của tất cả mọi người.
(5” nhạc).
6. Thành thị, bàn thờ có chữ Chí và Tâm, vẽ : 43”
          Ở vùng thành thị, người dân phải qua mắt địch để hướng về Bác. Ông Tử Minh ở Cà Mau, viết 4 chữ Nhật Nguyệt Sĩ Tâm trên bàn thờ. Khi giặc hỏi, ông nói đó là câu dạy làm người của thánh nhân. Chúng đâu ngờ, 4 chữ ấy là chiết tự của hai chữ Chí Minh. Lòng người miền Tây đối với Bác là vậy.
          Sống trong vùng địch tạm chiếm, có những gia đình không tìm được ảnh Bác, phải vẽ chân dung Người bằng trí nhớ. Họa sĩ Nguyễn Thanh Lăng đã vẽ rất nhiều ảnh Bác chuyển đến các gia đình cơ sở trong nội ô thị xã Cà Mau. Riêng ông kín đáo thờ phụng ở nơi trang trọng nhất của nhà mình.
(Lời ông Lăng về cách cất giấu).
7. Anh Bác, bàn thờ, người đốt nhang : 15”
          Trong những năm hoạt động bí mật, gầy dựng cơ sở binh vận rất khó khăn. Vậy mà đồng chí Nguyễn Thuận Triều đã dùng phương pháp vận động quần chúng bằng cách chuyền tay trao ảnh Bác, thu phục được lòng người.
(Lời ông Triều về vấn đề trao ảnh).
8. Biểu tình, rào gai, nữ tù, đống đồ, tòa : 20”
          Khi các cơ sở hình thành, phong trào đấu tranh ở vùng thành thị thêm sôi sục. Địch vây ráp, bắt bớ liên miên. Trong số nữ tù ấy có chị Trần Thị Lý. Sau nhiều ngày tra tấn tàn nhẫn, một hôm, chúng ném ảnh Bác và cờ Tổ quốc xuống đất, bảo chị bước qua chúng sẽ tha bổng trước tòa.
(Lời kể bà Lý về sự kiện nâng ảnh Bác).
9. Tòa án, người ghi chép, rộng cảnh, rào gai, mặt trời : 10”
          Trước lý lẽ sắc bén đó, phiên tòa của địch trở thành nơi đấu tranh công khai của các nữ tù chính trị.
(5’ nhạc).
10. Sông Cao Lãnh, ngọn nến tắt, người cặm nhang, khu di tích cụ Phó Bảng ; cánh sen trôi, viếng : 1’
          Ơn Bác như núi cao sông rộng, người miền Tây càng kính yêu Bác, càng biết quý trọng cội nguồn ... Cao Lãnh, ven bờ sông Hậu, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc từng đến đây truyền bá chủ nghĩa yêu nước, và cũng là nơi cụ yên nghỉ trong lòng nhân dân Đồng Tháp.
          Sau hơn 10 năm hoạt động ở vùng này, ngày 26/11/1929, cụ qua đời. Mộ cụ được bà con Cao Lãnh hương khói và giữ gìn suốt những năm giặc Pháp chiếm đóng và thời kỳ Mỹ – Ngụy kiểm soát sau này.
(5” nhạc).
          Đất Đồng Tháp mãi mãi lộng sâu hình bóng một cuộc đời bác ái ; hương sen Đồng Tháp mãi mãi tỏa ngát hương hồn một con người bỏ chốn quan trường, mang lòng yêu nước thương dân đến với muôn người ...
(6” nhạc).  
          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng lại và trở thành nơi ngưỡng vọng của người dân miền Tây.
(10” nhạc).
11. Mặt trời, tàu buồm, ông Dĩa, chất vũ khí : 48”
          Miền Tây Nam bộ tự hào là nơi sớm nhất mở đường ra miền Bắc, tạo cơ sở cho đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau Đồng Khởi, các tỉnh Nam bộ nhận chỉ thị của Trung ương, bí mật tổ chức con đường vận chuyển vũ khí về miền Nam. Ngày 1 tháng 8 năm 1961, chuyến tàu do đồng chí Bông Văn Dĩa làm thuyền trưởng đã rời bến Rạch Gốc, mũi Cà Mau. Sau một tuần lênh đênh trên biển, chiếc thuyền buồm ngụy trang tàu đánh cá đến Quảng Bình.
          Một năm sau, chuyến tàu đầu tiên mang nặng nghĩa tình miền Bắc đã cặp bến cũ an toàn.
(10”nhạc).
12. Xem ảnh triển lãm, các ảnh Bác, người xem, ảnh ông Dĩa và vật kỷ niệm, la bàn : 37”
          Con đường mang tên Bác trên biển Đông đã nối gần lại khoảng cách Bắc – Nam ; người dân miền Tây xa xôi như được gặp Bác, được tiếp thụ hơi ấm từ trái tim vị Cha già kính yêu.
(6” nhạc).
          Sau nhiều chuyến ra Bắc vào Nam, Anh hùng Bông Văn Dĩa vinh dự được gặp Bác. Những món quà mà Người trao tặng, đồng chí giữ gìn như vật kỷ niệm thiêng liêng ; như kim chỉ Nam cho suốt cuộc đời.
(5’ nhạc).
13. Má Ảnh lấy báo, đọc, cận bài “lặng lẽ” : 16”
          Là người Cà Mau tập kết, bà Hồng Nguyệt Ảnh vinh dự được sống những ngày bên Bác.
          Như đứa  con hiếu thảo phụng dưỡng đấng sinh thành, bà dâng lên người những món ăn giản dị của Nam bộ. Bà nhớ như in kỷ niệm năm nào.
(Lời bà Ảnh).
14. Bác đi xuống cầu thang, nhìn ngọn vú sữa, ông Mậu nhìn, tư liệu miền Bắc, ông Mậu : 23”
          Không sao nói hết tấm lòng của những đứa con miền Nam với vị cha già ; cũng không sao kể xiết tấm lòng của Bác với miền Nam !
          Đồng chí Nguyễn Hùng Mậu, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội của Quân khu 9 tập kết, không thể nào quên những ngày đầu khi đơn vị ông vừa đặt chân lên đất Bắc vào một ngày cuối Đông 1954.
(Lời ông Mậu).
15. Bác vào hội trường, khoát tay, người vỗ tay, lúa, súng, giã gạo, tất cả cho tiền tuyến : 56”
          Một ngày miền Nam chưa giải phóng là một ngày Bác ăn không ngon ngủ không yên ...
          Niềm mong ước của Bác đã thúc giục đồng bào chiến sĩ cả nước dốc sức đánh Mỹ. Nhân dân miền Bắc sẵn sàng xẻ hột gạo làm 2 làm 3 cho tiền tuyến lớn ; đồng bào miền Nam vừa sản xuất vừa chiến đấu. Miền Tây Nam bộ là một chiến trường lớn và cũng là một hậu phương quan trọng, cung cấp người, của cho cuộc kháng chiến. Cuối năm 1967 vùng nông thôn giải phóng ở ĐBSCL chiếm 2/3 đất đai và 3/4 dân số.
          Bài thơ chúc Tết Mậu Thân của Bác càng làm cho quân dân ta khắp nơi thêm háo hức xông lên với cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968 long trời lở đất.
(12” âm thanh + nhạc).
16. Cận xông lên, cháy xe, địch chạy, tàu địch vào rừng đước bắn phá, trái mấm mặt trời : 35”
          “Tiến lên chiến sĩ đồng bào !”, lời Bác gọi hơn cả lệnh truyền xung phong. Quân dân miền Tây Nam bộ tiến đánh vào hầu khắp các sào huyệt của kẻ thù.
          Để gỡ thế thất bại, địch điên cuồng đánh phá vào vùng giải phóng. Ở miền Tây, Mỹ – Ngụy dùng chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông”, thực hiện chiến lược “bình định cấp tốc”, dùng bom đạn tát dân ra vùng chúng kiểm soát.
(ngưng 2”).
          Ở nhiều nơi như đất mũi Cà Mau, đồng bào ta quyết tâm bám đất, không còn lương thực, phải ăn cả trái từng độn cơm suốt nhiều tháng liền.
          Giữa lúc khó khăn ác liệt đó thì người dân miền Tây đột ngột nghe tin Bác đã qua đời.
(7” nhạc buồn).
17. Chiếc gậy, dép râu, quan tài, người khóc : 30”
          Vậy là Bác đã ra đi, người dân miền đất này không còn được rước Bác vào thăm ...
          Ôi Bác đi xa ! Trái tim nào chịu nổi
          Cả nước chúng con xin thọ ơn Người
          Những gương mặt nhìn nhau không nói
          Lòng quặn đau trong tiếng nấc : Bác ơi !
(5” nhạc).
Gạt dòng nước mắt tiếc thương, người dân miền Tây Nam bộ nguyện trước hương hồn Bác, quyết thực hiện trọn vẹn di chúc của Người.
(20” nhạc).
Những ngày nhân dân miền Tây thọ tang Bác, những ngày lịch sử dân tộc trải qua một cơn đau lớn đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong ký ức mọi người.
(Lời ông Luận).
18. Cao Đài và Khmer làm lễ : 25”
          Thọ tang Bác, tín đồ các tôn giáo ở miền Tây Nam bộ hướng về vong linh người mà cầu siêu cho bậc chí thiện, chí minh, một đấng bồ tát suốt đời phụng sự cho quần sinh thế thái.
          Riêng người Khmer Nam bộ, những người nhận ân hậu từ cách mạng Tháng Tám, khi hay tin Bác mất, ở vùng giải phóng hay nơi địch kiểm soát đều ngậm ngùi chung một nỗi đau.
(Lời ông Lâm Nuôl).
19. Chân dung Bác, mặc niệm, đánh tàu : 52”
          Hướng về Bác, mọi tầng lớp, quân dân miền Tây nguyện một lòng đoàn kết, quyết thực hiện lời căn dặn trước lúc ra đi của Người.
          Bác vẫn đến bên từng đơn vị bộ đội Đồng bằng ; Bác vẫn về cùng đội săn tàu miền Tây, diệt “hạm đội nhỏ trên sông”. Có Bác như có thêm ngàn sức mạnh, nâng bước quân dân ta vượt qua khó khăn thử thách, đánh bại âm mưu bình định của kẻ thù.
(15” nhạc và tiếng nổ).
20. Xuồng vào rạch, làng rừng : 13”
          Cuối năm 1969, sau những trận đánh tàu thắng lợi như thế, bà con vùng Đất Mũi Cà Mau thường hay tề tựu lại ăn mừng, nhưng các mẹ thì không vui vì nhớ Bác.
(Ông Phước Xem nói về việc xông đền).
21. Đốn đước “ 10”
          Chọn những cây đước đẹp nhất của quê hương mình, người dân Nhà Hội, Tân Ân đã dựng lên đền thờ Bác – một trong số 15 ngôi đền ở Cà Mau.
(ông Xem nói tiếp).
22. Đền thờ, rước ảnh, người báo cáo, trực thăng đến, ngụy trang đền, học sinh để bỏ chông : 49”
          Đền thờ được dựng lên giản dị mà uy nghi giữa làng rừng, giữa niềm tôn kính của người dân ở mảnh đất xa xôi này.
          Dưới bóng đước mát rượi của Đất Mũi Cà Mau, hình bóng vị cha già như hiển hiện về đây ; kề bên cháu con, truyền hơi ấm niềm tin vào mỗi con người ...
(7” nhạc)
          Mỹ ngụy tưởng rằng đánh phá đền thờ Bác sẽ làm nhụt chí quân dân ta. Nhưng, chúng đã chạm đến nơi tôn kính thiêng liêng nhất. Ngay lập tức chúng bị trừng phạt, các đền thờ Bác vẫn an toàn. Nhiều đội du kích tí hon hình thành, tham gia gìn giữ nơi tôn nghiêm.
(Lời ông Liêm về đội du kích tí hon).
23. Các cháu đứng trước bàn thờ, múa, B52, nhà sập, làm đền thờ Long Mỹ: 34”
          Từng ngày trước Bác như thế, nhiều đội viên đã trưởng thành. Đền thờ Bác là chốn thiêng liêng, là nơi để đồng bào chiến sĩ  nhớ Bác nuôi chí bền đánh giặc.
(3” nổ B52)
          Vào các năm 69 – 70, địch ráo riết đánh phá, bình định, chia cắt vùng giải phóng liên hoàn của ta. Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ là một trong những chiến trường ác liệt. Trong cảnh gian khổ ấy, người dân ở đây vẫn bám đất, đồng lòng dựng đền thờ Bác. Kẻ công, người của, ngôi đền hoàn thành không lâu sau ngày Bác mất.
(Lời ông Thống).
24. Người vác, cặm chông : 14”
          Có đền thờ Bác, quân dân Long Mỹ như được nhân lên sức mạnh, quyết biến đau thương thành hành động cách mạng. Bằng chông lôi, bằng nỗ lực đánh phá bình định, phong trào du kích chiến tranh dâng lên hừng hực.
(ông Thống nói tiếp).
25. Xã Lương Tâm, họp trong đền, viếng, đi ra, sông, bóng, Long Phú, người nói : 43”
          Xã Lương Tâm của huyện Long Mỹ bây giờ là một làng quê đẹp. Đền thờ Bác năm xưa được xây dựng lại, càng làm cho xứ sở này khang trang hơn.
          Ngày ngày các ba kháng chiến, các mẹ chiến sĩ lại đến viếng Bác, để nhắc lại truyền thống đánh Mỹ, nhắc nhau giữ gìn khu di tích. Đó cũng là cách bày tỏ lòng thành của người Cần Thơ với Bác Hồ kính yêu.
(8” nhạc).
          Lòng người miền Tây với Bác bao giờ cũng dạt dào như sóng nước Cửu long. Cù lao Dung giữa dòng sông Hậu, quê hương của “Long Phú mến yêu” nơi có một ngôi đền được dựng lên trong đạn bom.
(Lời ông Hiệp)
26. Đền trong xóm, vườn dừa, sông Tiền, đền Long Đức, người xem ảnh:31”
          Mỗi làng quê ở miền Tây có một lịch sử riêng hướng về Bác. Bên bờ sông Tiền, xã Long Đức chỉ cách tỉnh lỵ Trà Vinh chưa đầy 5km, đền thờ Bác được dựng lên giữa vành đai phong tỏa của kẻ thù. Ngày nay trong khung cảnh khang trang, khách viếng sẽ ngỡ ngàng tự hỏi vì sao thuở ấy người dân Long Đức lại vượt qua nổi hiểm nguy mà cùng nhau lập nên ngôi đền tưởng niệm Bác – Mọi việc bắt đầu từ cuộc họp thỉnh nguyện ý dân.
(Lời bà Nhẫn về cuộc họp).
27. Chẻ tre, vẽ chân dung Bác, ảnh người vào đền, khách vào viếng, mặc niệm, cặm nhang : 30’
          Mọi người dân Long Đức đều nghĩ vậy nên đồng lòng hợp sức, đem lòng tôn kính Bác mà tạo dựng khu đền. Đến ngày sinh nhựt hay ngày giỗ Bác, nhân dân thị xã Trà Vinh qua mắt giặc tề tựu về đây tưởng niệm Người.
          Ngày nay, khách viếng từ các nơi đến không chỉ chia sẻ lòng thành của người dân Trà Vinh đối với vị cha già kính yêu của dân tộc, mà còn khâm phục bao con người dũng cảm bảo vệ ngôi đền thờ Bác ở ngay cạnh vòng rào của địch.
(Lời hướng dẫn viên).
28. Đền thờ Long Đức, nhà bà Bái, nói nghe, ảnh Bác trên bàn thờ : 21”
(5” nhạc)
          Thành tâm của người miền Tây với Bác đọng lại ở từng con người theo một cách tôn kính riêng.
          Bà Trần Thị Bái, một nông dân Cà Mau, lập bàn thờ Bác ở nơi tôn nghiêm nhất để ngày ngày hương khói, như có Bác về trong tâm tưởng của mình.
(Lời bà Bái)
29. Cúng ở các gia đình xưa, cúng ngày nay : 15”
          Trong thời chiến cũng vậy, dưới bom đạn giặc, nhiều gia đình vẫn tổ chức giỗ Bác như ngày cúng cơm ông bà. Lòng thảo ngay bình dị đó của người dân miền Tây đối với Bác Hồ vẫn còn giữ vẹn nguyên đến nay.
(Lời bà Ut)
30. Cặm nhang, đền thờ các  nơi, múa hát : 52”
          Hướng về vị cha già kính yêu, dù ở mỗi gia đình hay ở đền thờ chung, tấm lòng thành của người miền Tây với Bác vẫn thiêng liêng trong nhịp rung của triệu triệu con tim.
          Từ mũi Cà Mau chót cùng Tổ quốc, đến bên bờ Tiền Giang, Hậu Giang, ở đâu Bác cũng hiển hiện giữa lòng dân.
          Ngày xưa trong kháng chiến, dù giữa rừng sâu hay nơi gian nguy ác liệt, Bác vẫn tỏa sáng niềm tin.
          Ngày nay, Đất Nước thanh bình, Bác càng lung linh trong lẽ sống của dân tộc.
          Dưới vườn ươm mà Người đã dầy công gieo tưới, các thế hệ ở miền đất này nguyện xứng đáng là cháu con của Bác ; nguyện xây dựng Đất Nước ngày càng giàu đẹp hơn , như người hằng mong mỏi.
          Lòng người miền Tây hướng về Bác như hướng về tương lai Tổ quốc, bởi nơi ấy luôn rạng ngời ánh bình minh của thời đại.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét