Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

VIẾNG CHÙA PHẬT TỔ CÀ MAU

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Nét bên ngoài chùa Phật Tổ ; viếng :

          Chùa Phật Tổ có tên chữ là Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự.
          Ngôi chùa được kiến trúc theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”, với các mái cong phổ biến ở các đình chùa Nam bộ. Những họa tiết ở đỉnh nóc càng tôn thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa.

          Bất cứ ngày nào, Bạn cũng có thể đến viếng di tích này. Bóng mát bồ đề nơi cửa Phật sẽ đón bạn vào chốn tôn nghiêm nhất của thành phố Cà Mau.
( # )

2. Vào bên trong, các cột rồng : 44”

          Nơi Bạn đến viếng đầu tiên là gian chánh điện. Trên diện tích khoảng 100m2 , các trang trí kỳ công nhất được tập trung tại đây.

          Nổi bật là hệ thống cột. Nghệ thuật điêu khắc sẽ làm cho Bạn ngạc nhiên về sự khéo tay và độ tinh tế của người xưa. Hình tượng con rồng tượng trưng cho sự uy nghiêm và phồn thịnh được chạm trổ hết sức tỉ mỉ và thanh thoát.

          Bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, chất liệu chính để tạo ra các chi tiết của con rồng là ô-dước, một loại nhựa cây trộn với vôi ; còn màu sắc thể hiện bên ngoài là sơn ta.

( # )
3. Người xem, các bức chạm trổ : 55”

          Ở phần trước của gian chính, Bạn có thể tìm hiểu kỹ thuật ốp sứ kết hợp với nghệ thuật chạm khắc. Các bao lam tam diện, mỗi vách có diện tích hơn 9m2 , được các nghệ nhân thể hiện tứ linh : Long, Lân, Quy, Phụng. Các vật linh này phối trí theo nguyên tắc đăng đối của hội họa Á Đông. Đáng chú ý nhất ở đây là bức tranh “Song Hổ Phi lộ”, được trang trí ngay trên bao lam, thay vì sự tích Phật Thích Ca như các chùa khác.

          Bức tranh “bát tiên” cũng được miêu tả một cách cải biên theo óc tưởng tượng của người Cà Mau. Tính cổ điển pha trộn với dân gian tạo thành những nét riêng của phong cách trang trí nội thất ngôi chùa.

          Đến đây, Bạn  có thể tự tìm hiểu hoặc nghe Thuyết minh viên Bảo tàng Cà Mau giới thiệu tổng quát lịch sử chùa Phật Tổ.

( Lời của Thuyết minh viên )

4. Người xem, tượng Phật, ni cô cắm nhang, tư liệu : 70”

          Cũng nên nhắc thêm, cách nay mấy thế kỷ, trên những bước đường khẩn hoang, cha ông ta đến đây, ngoài niềm tin vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh vốn có của mình, còn mang theo cả truyền thống văn hóa, trong đó có tôn giáo – Một nhu cầu tâm linh vào thời bấy giờ.
( # )

          Khi những ấp, những làng mọc lên bên bờ sông hay bìa rừng, cha ông ta đã dựng chùa lập đình, tạo nên một cấu trúc thống nhất về tổ chức xã hội và văn hóa. Truyền thống đó được kế tục và giữ gìn qua nhiều thế hệ, để lại những nét đẹp trong lịch sử đất phương Nam.

( # )

          Đất mới trù phú, nhưng không kém phần khắc nghiệt. Người xưa không chỉ phải vượt qua bệnh tật và chướng khí, mà còn đối mặt với thú dữ và nhiều thế lực áp bức khác. Nhưng rồi, với khả năng thích nghi, người xưa đã dần dần chinh phục thiên nhiên. Chùa Phật Tổ là dấu ấn của thời kỳ đó còn được giữ lại đến ngày nay.

5. Chùa xưa (mờ), vào chùa, chữ di tích, rộng chùa, người xem sự tích ông Tô Quang Xuân :
( # )

          Chùa Phật Tổ còn là một di tích với nhiều sự tích được người Cà Mau truyền tụng, khiến Bạn phải suy gẫm. Chuyện kể rằng :

          . . . Năm ấy ở vùng Đầm Dơi, có một chàng trai họ Tô, tên Quang Xuân, một hôm vào rừng lấy củi, chuẩn bị cho ngày đám cưới.

          Trong lúc cặm cụi, Quang Xuân bỗng thấy một cuốn sách nằm trong bộng cây. Anh lấy ra xem thử thì đó lại là quyển Kinh Phật. Cầm vật quý trong tay Quang Xuân tự hỏi, phải chăng đây là điềm báo cho mình nên chọn đường tu theo Phật Thầy mà làm lành tránh dữ, cứu nhân độ thế ?! Nghĩ vậy, Quang Xuân quày quả trở về, thưa với cha mẹ xin từ hôn, xuất gia vào rừng lập Chùa. Ăn chay niệm Phật, hốt thuốc cứu người, nhà sư Quang Xuân còn chữa bịnh và thuần hóa cọp.

          Thấy ông có uy tín hơn người, bọn quan lại ghen ghét, ghép tội ông chống vua rồi bắt giải về triều đình Huế.

          Sau nhiều lần tra hỏi, nhà vua biết đây là bậc chân tu, bèn sai thả. Ông viên tịch sau đó ít lâu và được di hài về Cà Mau.

( # )

6. Nhánh bồ đề, lia xuống tháp, sắc phong : 31”

          Quý trọng vị chân tu, hành đạo thực tâm, người Cà Mau đồng lòng dựng lên ngôi tháp ngay sau chùa. Tháp có 5 tầng, tượng trưng cho “ngũ căn” 5 cái gốc để nhà sư Tô Quang Xuân tu luyện đến đạt đạo.

          Tiếng lành vang đến Triều đình. Năm Mậu Dần, 1842, niên hiệu Thiệu Trị thứ hai, đã sắc phong Hòa Thượng Tô Quang Xuân.
Có đoạn chiếu rằng :
Người linh địa cũng nên linh
Vương pháp tương đồng Phật pháp
           Hỡi ôi,
Tiên cảnh không trần
Thiên đường có nẻo
                   Trẫm vinh hạnh thấy một tấm lòng sùng thượng, một đạo trọn đời. Cầu siêu cho ngài quang thân nơi chín suối.

( # )

7. Ngọn tháp có cây bồ đề mọc. Khu tháp : 25”

          Gần hai thế kỷ trôi qua, pháp danh Thích Trí Tâm – Hòa Thượng Tô Quang Xuân vẫn hiển minh trong trong lòng người dân Cà Mau. Và do đó, ngôi tháp luôn được giữ gìn và tôn tạo, xứng đáng là nơi yên nghỉ niết bàn của vị chân tu.

( # )

          Tên gọi Chùa Phật Tổ cũng được lưu truyền từ ý niệm tôn kính người lập ra chốn tu hành đầu tiên của một vùng đất.

( # )

8. Tượng Phật trăm tay, cây xoay, tháp, cửa hầm bí mật : 22”

          Viếng chùa, ngắm tượng trăm tay, gợi cho Bạn nhiều điều suy gẫm về quyền năng của Phật Pháp hay đó chính là quyền năng lựa chọn của nhân dân. Thời chống Mỹ, dưới chân ngôi tháp này từng được nhiều phật tử xây hầm bí mật, làm nơi hoạt động của nhiều tổ trinh sát thuộc lực lượng biệt động thị xã Cà Mau. Khu tháp là điểm hẹn của các cánh quân từ vùng giải phóng luồn qua các sông rạch để vào tập kết giữa nội ô. Ta ẩn náu ở đây rất lâu, mất nhiều năm theo dõi địch mới phát hiện.

( Lời ông Tư Mã )

9. Tư liệu chùa, người xá, khách viếng :

          Chùa Phật Tổ vào những năm ấy là một cơ sở của Cách mạng. Nhiều chỗ linh thiêng nhất trong chùa lại là nơi cất giữ an toàn tài liệu bí mật. Dù có nghi ngờ, giặc cũng không dám khuấy phá trước sự khôn khéo đấu tranh của các vị tăng ni, phật tử.
( # )

          Ngày nay, khi đến viếng ngôi chùa di tích này, có thể Bạn thấy thú vị hơn ở những hiện vật vốn dĩ mang nhiều ý nghĩa Phật pháp này. Cái thiện và cái ác hiện hữu ở mọi nơi. Tâm hướng thiện mới diệt trừ điều ác, và Tâm có trong sáng mới hành đạo tốt – Phật Thích Ca đã nói đến điều đó từ hơn 2.500 năm trước.

          Khơi gợi mối nhân duyên ấy để nhắc lại chuyện người xưa, nhiều tăng, ni, phật tử của chùa trong thời kháng chiến đã vận dụng lý lẽ đó để đấu tranh với địch, giúp ích cho Cách mạng.
( # )

          Nhiều phật tử thuở bấy giờ giác ngộ trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh đòi địch chấm dứt bắn phá, khủng bố ; đòi địch không được  đóng quân làm ô uế chùa chiền.

( Lời ông Tư Mã )

10. Các tăng ni vào, cận chắp tay gõ chuông : 16”

          Ngày nay, vẫn với tâm niệm của người hành đạo yêu nước, các tăng ni, phật tử của chùa Phật Tổ Cà Mau lại đem ý nguyện minh tuệ của mình mà cầu mong cho Đất Nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân áo ấm cơm no.
( # )

          Lời tụng niệm cầu an cho Quốc Thái thực chất là một niềm mong ước không chỉ là của  giới tăng, ni ; mà đó cũng là niềm tin của tất cả mọi người.

          Trước kia Hòa Thượng Thích Trí Tâm – Tô Quang Xuân từng đem lòng từ bi mà giúp người, thì nay bằng hành động cụ thể của mình, các tăng, ni, phật tử của chùa Phật Tổ tiếp tục đem lòng bác ái mà phụng sự nhân sinh, giúp đỡ người nghèo – Tấm gương “dĩ đạo cứu nhân, thành tâm độ thế” của Hòa Thượng Tô Quang Xuân còn sáng mãi.

( # )

11. Chặt, phơi thuốc :

          Khi đến viếng chùa Phật Tổ Cà Mau, Bạn còn nhận ra những giá trị khác về y học cổ truyền ; về sự ứng dụng những kinh nghiệm chữa trị bằng  cây cỏ của dân gian. Chứng tỏ con người Cà Mau hiện đại biết khai thác các ưu thế của thiên nhiên, như Sư Thầy đã từng làm từ gần 200 năm trước- Chữa bịnh cho người và cảm hóa cả loài  thú dữ.

( # )

12. Lớp dạy nghề cắt may : 22”

          Ngôi chùa còn là chốn nương tựa của những người nghèo khổ, mồ côi. Vào ngôi nhà chung đầy lòng từ thiện này, những phận đời khó khăn trở nên ấm cúng. Nghề may được nhiều phật tử tự nguyện truyền dạy cho các cháu, những việc làm cụ thể, noi theo đức dấn thân của vị sư Tô Quang Xuân.
( # )

13. Mưa trên mái ngói : 24”

          Trải bao năm tháng và sự dãi dầu mưa nắng, ngôi chùa Phật Tổ không tránh khỏi quy luật biến đổi của đất trời.

          Gần 2 thế kỷ, từ cây lá đơn sơ đến các vật liệu gạch ngói, chùa Phật Tổ đã qua 9 lần trùng tu, nay đang tiếp tục cần được sửa sang.

( # )
14. Sửa chùa :

          Giữ gìn nguyên vẹn dáng cũ để bóng xưa còn mãi với lịch sử của một vùng đất, là ý thức và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

          Bạn có thể nâng niu một tấm ngói ; Bạn có thể chăm chút cho từng phiến gạch còn giữ nguyên đường nét nguyên thủy của nó – Đó là điều Bạn đang góp phần bảo vệ linh hồn của vốn cổ mà cha ông đã gửi lại cho đời sau.
( # )

          Kiến trúc chùa Phật Tổ Cà Mau không chỉ có hình dáng bên ngoài mà còn là ý nghĩa của nó bên trong. Mọi sáng tạo và sự kỳ công, xét cho cùng đó chính là kết quả lao động của nhân dân.

( Lời của Thuyết minh viên Bảo tàng )

15. Ra về, các di tích còn lại : 68”

          Thế là Bạn đã giã từ ngôi chùa Phật Tổ Cà Mau, nơi còn ghi đậm dấu ấn của thời khẩn hoang của tổ tiên ta.

          Chuyến tham quan về một di tích giữa thành phố cuối trời Tổ Quốc của Bạn đã kết thúc trọn vẹn. Nhưng nơi ấy còn đang tiếp tục gởi theo Bạn những điều thú vị từ bóng mát của lá từ bi.
( # )

          Tạm biệt khu di tích, giã từ những sự tích về Hòa Thượng Thích Trí Tâm, điều suy gẫm gì đang nhắc Bạn hãy thêm một lần quay lại với đất này ...

          Trân trọng những giá trị của quá khứ cũng có nghĩa là xác định nền móng của tương lai. Viếng chùa Phật Tổ Cà Mau, nhận diện được bóng xưa hồn  cũ có lẽ đã giúp Bạn hiểu rõ thêm một phần của lịch sử đất nước.

          Chùa Phật Tổ hay Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự – Một địa chỉ đang chờ Bạn viếng thăm.




1 nhận xét: