Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

KHÔNG CÓ GÌ...

Một lần tôi hỏi người yêu:
Với Em, điều gì quý nhất?
Em lắc đầu thành thật:
- Không có gì…
Tôi thầm nhủ: Hay là em lập dị,
Chẳng lẽ “không có gì” thật sao?
Tôi tự bảo: Hay là mình phi lý,
Biết đâu nàng đúng – không có gì…

Lần sau tôi lại hỏi em:
Với Đời, điều gì quý nhất?
Em nghĩ suy, rồi lắc đầu nheo mắt:
-… Không có gì!
Tôi thầm hỏi: Hay là em triết lý,
Chẳng lẽ ”không có gì” thật sao?
Tôi tự bảo: Hay là mình khiếm thị,
Biết đâu nàng đã nhìn kỷ,
“Không có gì“ chỉ là khẩu hiệu
Có mà không, không mà có… cả lúc yêu!

2009
  NGUYỄN TRUNG HIẾU


TRƯỜNG SINH TÍM

                                     Kính tặng hương hồn chị Nguyệt

Ngõ cũ chiều nay gió lặng yên
Bóng xoài năm trước rủ nghiêng nghiêng
Hiên nhà chậu nhỏ trường sinh tím
Loài cây Chị gửi nỗi niềm riêng.

Nhớ mãi một lần Chị bảo tôi:
“Trường sinh – sống mãi đó em ơi,
thương cây lá nhỏ màu tim tím,
mưa dầm, nắng hạn vẫn xinh tươi!”
                        
Chợt hiểu vì sao Chị yêu cây,
Yêu màu tím ngát gợn làn mây
Yêu màu son sắt như lòng Chị
Tin yêu sự sống giữa đời này!

Tôi biết mỗi lần Chị nhói đau
Chờ cơn rát nóng dịu qua mau
Hé môi thầm gọi: “Trường sinh tím!”
Cây lặng thương nhìn, gió lao xao!

Rồi một ngày kia Chị ra đi,
Thân choàng khăn tím phút biệt ly
Như lời nhắn gửi người ở lại
Chung thủy, người ơi giữ thật đầy!

Tôi về thăm Chị giữa ban trưa
Ngọn xoài bông trổ gió đong đưa
Ngắm trường sinh tím vương màu nắng
Hồn Chị đâu đây, cõi linh xưa …


         Cần Thơ 2003
NGUYỄN TRUNG HIẾU

TÂM TÌNH VỚI CON TRONG BÀO THAI

                                             Gởi con trai Nguyễn Trung Hòa


Dẫu biết rằng con chưa nghe được lời cha
Nhưng cảnh đói no chắc con đã nếm mùi từ bụng mẹ
Đấng sinh thành biết phải nói gì với bé
Lỗi tạo ra con trong những năm tháng ê chề!

Cứ mỗi lần con đạp tung lên thành bụng mẹ
Cơn đói cào của con truyền qua lòng cha
Bé biết đâu mẹ con cũng đương đói lả
Ngoăt ngoải với đồng lương ba cọc cho đoạn tháng ngày qua.
Mong sao con vẫn được thét lên hai tiếng “tu oa”
- Bản tuyên ngôn đầu đời đương đầu vật giá,
 và dự báo những gì con sẽ trãi qua…
Dẫu lắm gian truân đừng nguyền rũa mẹ cha…

Bởi, thuở trước, khi cha còn trong bụng nội
Ai cũng ngỡ ngày nuôi con cha không đói.
Tưởng tượng một tương lai sáng lòa, đỏ chói
Cái ngỡ của đời có làm ngờ lòng con?!

Thôi, trót lỡ làm người con đừng sợ cảnh héo hon
Nơi bụng mẹ con hãy làm anh hùng nuôi chí lớn,
Cứ tự tin, đùa giỡn,
và vẫy vùng trong bào thai.
Khi mai này con mở mắt đón tương lai
Biết đói biết no, biết mất biết còn
Biết cuộc đời lẩn quẩn giữa nước non
Thì phải tránh lối mòn mà đi tới.
- Ấy là lời cha tâm sự trước với con!...



                                                         Tháng 5-1986
                                                     NGUYỄN TRUNG HIẾU

EM - ANH VÀ MƯA

Nếu trái đất không còn mưa,
mắt em, có lẽ không yêu màu xanh nữa
Nếu nhân loại chỉ thích đùa với nắng,
chắc tình em, anh đã chêt giữa ban trưa

Nhớ câu ca nào Mẹ hát ngày xưa
… những giọt buồn rơi, phập phồng tan bong bóng
Nhó từ tầng không, nước trời trút xuống
…tưới tắm cho hồn thêm sạch cõi mênh mông…

Hứng giọt đầu mùa mưa bay nhẹ qua song
- những hạt kim cương lung linh mềm
Lòng trong veo, anh khẻ nhỏ tay em
Nàng mỉm cười – sao nó nhẹ tênh!

Lượm những giọt mưa cuối mùa bên hiên
- những lăng kính soi thấu mình trong ấy
Ánh thời gian làm khúc xạ tuổi thơ ngây
Nàng lại cười – trong đó có em đây!

Cảm ơn mỗi mùa mưa trở lại
Phập phồng tan những giọt buồn câu ca
Giữ hạt kim cương mềm, lăng kính thấu lòng ta
Và khắc bóng hình em trong mỗi giọt mưa sa …



                                         Mưa đầu mùa 1987
                                      NGUYỄN TRUNG HIẾU

NƠI CHÓT THỜI GIAN

                                                     Tặng Y.

Hai chiếc kim đồng hồ như đôi tình nhân
dìu yêu đương ngất ngây vòng năm tháng.
Mỗi đời người ngắn như một khoảnh khắc
gùi ưu tư lần vết bóng thời gian.

Hai chiếc kim đồng hồ như đôi lưỡi kéo
cắt rụng nát năm tàn.
Còn mỗi trái tim người như quả lắc
đong đưa nhịp cưu mang.

Nhưng con đường một chiều của thời gian
sẽ đưa cuộc đời đến cái nơi không cần mọi thứ đồng hồ
Cái nơi chỉ cần nhịp gõ của những trái tim
soi đủ màu trên quang phổ
Cái nơi nơi chỉ cần có hòa bình, mùa xuân
và dáng cười của em.

                                                   1985
                                 NGUYỄN TRUNG HIẾU

DẤU CHẤM MẶT TRỜI

                                                         Tặng Nắng

Mỗi ngày qua như một câu thời gian
Chấm sớm chấm chiều, văn phạm mặt trời viết ra trọc lóc
Dấu chấm sớm mai như bánh xe khô khốc
Dấu chấm chiều tà như nấm độc phủ màu cam…
Từng tia nắng, sợi nắng, ánh nắng, hột nắng…
…mỗi ngày cứ đua nhau trút đổ xuống nhân gian

Hỏi rằng,
Nếu ngày xưa không nổ vụ Big Bang
Thì nhân loại đâu có để xênh xang, tự xưng mình là chúa tể
Để rồi kẻ có súng dùng bom, kẻ có gươm dùng hạch tâm, nguyên tử
Họ giết nhau, dọa nhau đủ thứ,
Vậy mà mặt trời vẫn xoay tròn bóp méo ngữ ngôn
khi viết thành câu đơn vô hồn
lúc chấm dài ra nghĩa vắn
tự cho mình đem nắng,
nuôi sống cả nhân gian…

  Tiếc thay,
Không ai trên cả mặt trời,
để uốn nắn và chỉnh nắng,
cho trái đất được chỉnh trang
nơi lạnh thêm ấm tràn
chỗ nóng khô không gắt nắng…

Vậy nên chăng,
Mặt trời tập viết lại câu văn
Biết chấm sớm - cho con người thôi cấu xé
Biết chấm chiều - để ngưng những nỗi buồn nhân thế
Và biết chấm dứt câu vô nghĩa của mặt trời trong ngày tháng lê thê.


        Mùa nắng 1983
NGUYỄN TRUNG HIẾU


DI CHÚC VIẾT BẰNG XƯƠNG

Kính tặng những linh hồn chết


1.- GIA TÀI CỦA CHA GỞI CON

Cha có gì đâu để tặng con
Nóp thưa, áo vải bọc hương hồn
Chân không, tay trắng ôm lòng đất
Đầu đội bia cùn, nợ Nước Non…


Cha có gì đâu để lại con
Lóng xương ứ máu đọng oan hờn
Da tan thịt nát vùi nghiệp chướng
Công quả suốt đời giữ tiếng thơm

2.-CON XIN GỞI LẠI ĐỜI SAU

Tôi có gì đâu để tặng con
Bút xương chấm máu viết nên Hồn
Ngữ ngôn đói lả gò méo chữ
Văn phạm vòng vèo khỏa đường trơn

Của cải gì đâu để lại con
Ngữ ngôn rách rưới đậy linh hồn
Nét xương, câu máu, lời văn chết
Di chúc bằng xương gởi tặng con…



Nhân ngày lấy cốt, cải táng cha tôi
       NGUYỄN TRUNG HIẾU

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, thực hiện cho Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2005. 

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

ĐẦM BÀ TƯỜNG


(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Đầm rộng, khung cửa có người lựa tôm : 23”
          Dân gian truyền tụng rằng, khi mũi Cà Mau vươn dài ra biển, đã để lại phía sau một đầm nước rộng. Trong số những lưu dân đến định cư đầu tiên, có một người đàn bà góa chồng tên là Tường. Bà nổi tiếng với nghề bắt sấu cứu người, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ngưỡng mộ công đức, nhân dân đã gọi đầm này bằng tên bà.

( Tên phim )

2. Đầm rộng, bản đồ, sông Đốc : 27” 
          Đầm Bà Tường hay còn gọi là Đầm Thị Tường nằm giữa hai huyện Trần Văn Thời và Cái Nước của tỉnh Cà Mau. Đầm ăn thông với biển qua các tuyến sông chính : Thọ Mai, Sông Đốc và sông Mỹ Bình. Đầm có chiều dài khoảng 5.000m. Chỗ phình ra rộng nhứt, hơn 1.500m. Người dân ở đây ví Đầm Bà Tường như một cái túi đựng cá tôm từ biển Tây đổ vào.
( – )

3. Dừa nước, trái, chim, đầm : 54”
          Hưởng chế độ nhật triều, loài cây dừa nước mọc quanh đầm, bốn mùa xanh tươi, ra hoa kết trái, tạo nên sức sống bền bỉ cho vùng đất này.

( – )
          Phủ xanh ven đầm, dừa nước làm chỗ nương dựa sinh sôi cho tôm cá, chim muông.
Tháng hai chim sáo gọi bầy,
Chìa vôi tìm bạn, về đây ăn trùng.
          Và tháng hai cũng là thời điểm Đầm Bà Tường chuyển đổi từ nửa năm nước lợ sang nửa năm nước mặn.
          Vào mùa này, nước trong đầm rút bớt đi một phần ba, người làm nghề hạ bạc gỡ đăng đó, lú lọp về nhà để sửa sang, chuẩn bị cho vụ đánh bắt tiếp theo.
( – )
          Với tốc độ trung bình chưa tới 2 mét, Bạn có thể dạo quanh Đầm Bà Tường bằng vỏ lãi, tìm hiểu cuộc sống của người dân bao năm gắn bó với xứ sở bốn mùa dạt dào sóng nước này.
          Ven đầm có gần hai ngàn ngư dân sinh sống, và đây là tổ ấm của một đôi vợ chồng trẻ, con cháu mấy đời của dòng tộc họ Trần chuyên nghề hạ bạc ở Đầm Bà Tường.
          Thay vì dùng đăng đó đánh bắt cá tôm theo cách truyền thống, bây giờ họ chế tạo ra phương tiện mới gọi là “lú”, vừa gọn nhẹ, vừa bền chắc hơn.

( – )

4. Chống xuồng đi đặt lú, đặt lú : 50”
Sau những ngày chuẩn bị, ngư dân lựa chọn con nước và mùa tiết để đánh bắt. Kinh nghiệm được dân gian đúc kết :
Tháng ba bắt đối, bắt chình,
Tháng tám tôm đất, cua kình, gạch son.

          Thông thường, thời điểm nước đứng là lúc thuận lợi nhất cho việc đặt lú.

( – )
          Đặt lú trông nhẹ nhàng nhưng không kém phần vất vả. Ngoài việc phải am tường tập tính của từng loài cần đánh bắt, ngư dân còn cần mẫn dọn luồng theo hướng nước để đưa chúng vào rọ.
( – )

          Sau vài giờ miệt mài, một lao động có thể đặt xong gần trăm miệng lú. Công việc được kết thúc trước khi đêm xuống.
( – )

5. Đèn trên đầm, mặt trời mọc : 26”
          Một trong những sáng tạo của ngư dân ở đây là dùng ánh đèn dẫn dụ tôm cá vào rọ. Cách đánh bắt như thế đã làm cho đêm đầm lung linh huyền ảo.

( – )

          Nếu chịu khó canh chờ qua đêm, sáng hôm sau bạn có thể tham quan một cách thú vị quang cảnh thu hoạch của ngư dân Đầm Bà Tường.

( – )

6. Rộng lia đầm, câu cá vược, vỏ chạy, nhóm người ngồi : 43”
          Đầm Bà Tường với những hệ thống sông ngòi ăn thông ra biển Tây cùng với hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện tốt cho nhiều giống loài thủy sản sinh sôi.
          Am hiểu sự trù phú của đầm, ngư dân đã sáng tạo ra nhiều cách đánh bắt hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên. Đây là con cá vược ở độ trưởng thành, năng trên 50 kg, mắc phải câu kiều của ngư dân.
( – )

          Người dân Đầm Bà Tường biết ơn các bậc tiền hiền đã dầy công khai khẩn ; biết ơn sự ban tặng của thiên nhiên đối với quê hương  mình.

(Lời của các ngư dân về sự nhờ vào tôm cá của đầm)

7. Quăng chài, ông Tám Khánh ngồi xem ảnh : 25”
          Với nét đẹp thôn dã đầy chất trữ tình, Đầm Bà Tường đã hằn in vào ký ức của biết bao người. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, người từng nhiều năm sống và chiến đấu ở đây. Ông đã ghi lại nhiều khoảnh khắc nên thơ của làng quê này.

(Lời ông Võ An Khánh về kỷ niệm)

8. Bờ lá, ảnh người câu cá, ảnh chiến tranh : 43”
( – )
          Bây giờ, những triền lá ấy vẫn mãi rì rào bên đầm, nhắc nhở những ngày tháng yên ả thanh bình, gợi lại một thời ác liệt, bom đạn giặc cày xới quê hương này. Và, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh giữ mãi hình ảnh Đầm Bà Tường thời chiến như một kỷ niệm khó phai.
( – )
          Còn đối với người dân Đầm Bà Tường, thời chiến như mới vừa đi qua. Đâu đây trong ký ức của những người từng bám đất giữ làng vẫn còn âm vang tiếng đạn bom …

( – )
(Người dân nhắc lại thời ác liệt)

9. Chống xuồng ra đầm, đầm có người dở lú : 52”
( – )

          Như bao làng quê khác, Đầm Bà Tường đã đi qua hai cuộc kháng chiến, đi tiếp những năm tháng xây dựng hòa bình.
( – )
          Hưởng đặc ân của thiên nhiên, người dân Đầm Bà Tường càng biết giữ gìn, quý trọng những gì mà đất trời ban tặng. Đó là nét đẹp phong quang của đầm ; là nguồn tôm cá từng nuôi sống bao thế hệ con người.

Nước đầm in bóng người thương
Tình quê lai láng, tỏ tường cùng ai
Đầm trên anh kéo lưới chài
Đầm giữa chị thả lú dài bắt tôm …

( – )

          Hình ảnh mộc mạc như thế sẽ còn lắng đọng mãi trong tâm hồn những ai từng sống, từng lớn lên trên quê hương này.
( – )

10. Dolly đầm, người lựa tôm ;  dở lú có cua : 1’
          Chiều dài của Đầm Bà Tường gần 5 ngàn mét nên người địa phương quy ước chia ra làm 3 đầm riêng : Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới. Đầm Trên là đoạn hẹp nhứt, còn Đầm Giữa là đoạn rộng nhứt. Riêng Đầm Dưới là đoạn có lòng lạch sâu hơn cả.
          Với cách chia ba đầm như vậy, dân gian ở đây đã thêu dệt thêm sự tích Bà Tường :
          … Sau khi qua đời, chiếc xuồng của bà dùng để bắt sấu trước kia tự nhiên đứt dây trôi theo nước. Lúc dạt lên Đầm Trên, khi thì dừng ở Đầm Giữa hoặc ghé qua Đầm Dưới. Thấy xuồng của bà trôi đến, mấy con sấu còn sót lại đều hoảng hồn bỏ chạy …
          Câu chuyện đượm vẻ huyền thoại ấy thường được nhắc đến để làm vui cho ngư dân mỗi khi họ dầm mình dở lú, thức trắng đêm chờ con nước lớn ròng.
          Có những người cả đời sống giữa bao la sông nước, cảm hứng mộc mạc của họ về quê hương Đầm Bà Tường đầy nét thi vị, và được ghi chép lại thành vần thành điệu để ngân nga cùng cháu con.
(Lời ông Diệp đọc thơ về đầm)

11. Chống xuồng về bến, chất lưới, vá lưới : 59”
          Nhịp sống khoan thai của nghề hạ bạc đã tạo cho tâm hồn con người ở đây vẻ ung dung thư thả.
          Hết con nước rong là đến kỳ nước kém – một tháng trôi qua ; hết buổi nước ròng là đến hồi nước lớn – một ngày trôi qua … Cuộc sống dân chài cứ thế mà vần xoay theo thời gian, vần xoay theo mùa vụ.
( – )
          Nghề hạ bạc trông rất thảnh thơi, nhưng không phải lúc nào ngư dân cũng sống trong bình lặng. Lắm khi họ phải lo lắng trước sự xáo trộn của môi trường ; phải đối mặt trước nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.
( – )

(Lời ông Tám Khánh về nỗi lo vắng đi hình ảnh nên thơ)

12. Chèo thả lưới, đập, bắt cá đối :
          Nhưng vẫn còn đây một Đầm Bà Tường tràn đầy sức sống. Vẫn những con người bao năm cần cù, gắn bó với niềm sông nước, tình người vẫn mênh mông trong câu ca quen thuộc :
Tháng ba cá đối lại về,
Lưới giăng khuấy động bốn bề sóng reo.
Vợ siêng nắm chặt tay chèo,
Chồng siêng thì bắt đặng nhiều cá tôm …

( – )
13. Lia đầm, bản đồ, dừa nước : 38”
          Vậy là Bạn đã dạo quanh Đầm Bà Tường, tìm hiểu một phần nét đẹp thiên nhiên và sức sống con người ở đây. Một chấm son trên dãy đất cuối trời Tổ Quốc, hẳn đã đem tới cho Bạn nhiều thú vị về sự tích Đầm Bà Tường – người đàn bà giỏi nghề bắt sấu, giúp người lập ấp dựng làng.
( – )

          Sắc màu bình dị và sự bền bỉ giữ đất của loài  cây dừa nước ven đầm, hẳn đã gợi lại cho Bạn nhiều điều suy gẫm.
( – )

          Tháng hai, mùa chim chìa vôi tìm đất ăn trùng, hẳn làm bạn nhớ hoài đầm nước mênh mông …
( – )

          Đầm Bà Tường, một địa danh đáng yêu với những con người đáng nhớ ; đang mở rộng khung cửa sự tích còn lung linh màu huyền thoại để đón bạn gần xa.

Bao la đầm nước dạt dào,
Gió lay ngọn lá, ngọt ngào tình quê.
Nắng chiều réo gọi ai về,

Thức cùng sóng nước, bốn bề lung linh.

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

BÌNH MINH - VÙNG ĐẤT BỪNG SÁNG


(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Lia Sông Hậu phía bờ Bắc – mặt trời mọc ;  phà qua lại :

          Từ bờ Tây Sông Hậu, Bạn có thể chọn một góc thành phố Cần Thơ để nhìn về hướng Đông – nơi còn in đậm dấu chân trường chinh của cha ông ta, trên những chặng đường khai phá các vùng đất Phương Nam …

          Sau mấy trăm năm khẳng định cương vực, xây dựng làng xã, trị an thôn ấp, lớp hậu hiền đứng trên vùng đất Trấn Giang trong đó có thành phố Cần Thơ ngày nay, ngoái nhìn nơi tiền hiền đã dốc sức khai cơ mà đặt tên cho một quê hương mỗi sáng tràn ánh nắng vàng …

( Tựa phim )

2. Cận nước lung linh, ngọn cây, nóc đình, đình ; ông già đọc chữ nho ; tranh :

          Bình Minh ngày nay là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nằm dọc theo bờ Đông sông Hậu, dài hơn 40km, Bình Minh chọn thị trấn Cái Vồn làm huyện lỵ. Đây cũng chính là nơi từ nhiều thế kỷ trước cha ông ta đã dừng chân, tạo nghề, lập nghiệp.

          Đình Tân Quới, một trong những ngôi đình làng cổ của Bình Minh. Được dựng lên từ thế kỷ 18, mãi đến năm 1852, nhà Nguyễn mới chính thức phong sắc cho thần Thành Hoàng Bổn Cảnh ; Thần Quảng Hậu, Chánh Trực, Hữu Thiện, giúp nước, phò dân …

Trời Nam vận mở thanh bình,
Khuê tinh chói rạng thánh minh rỡ ràng.
          Các đình làng không chỉ biểu thị một thiết chế văn hóa truyền thống mà còn khẳng định bước đường khiển chế thiên nhiên của cha ông ta trên vùng đất Bình Minh, bên bờ sông Hậu.
( # )

3. Sông, tàu chạy bên lúa, lúa chín, ôm :

          Hưởng nguồn tài nguyên của dòng Cửu Long Giang ngọt ngào ; nguồn phù sa màu mỡ, cây lúa nước bắt rễ trên đất Bình Minh khá sớm. Theo “Quốc sử quán” triều Nguyễn, cha ông ta từ vùng Ngũ Quảng vào định cư tại đây mang theo nghề cày cấy. Đầu tiên họ vỡ hoang ở hai bờ sông, sau đó thuộc hóa đất chằm, đất bùng để gieo lúa trồng khoai …
( # )

4. Ruộng có mộ, bông nổ, vườn cây, người xá :
         
          Biết bao giòng tộc đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới tạo dựng được cơ nghiệp. Bởi vậy nhiều người đã thề nguyền “sống gởi nạc, thác gởi xương” ở mảnh đất quê hương này.
( – )

          Rồi cũng từ những thửa đất của làng quê ấy, con người Bình Minh biết thích nghi với thổ nhưỡng ; biết quy luật sinh trưởng của các loài cây quý, đã gầy giống, phát triển thành làng vườn, thành xóm rẫy … Vì lẽ đó, lớp người thừa kế sau này không chỉ tiếp nối ý chí của tiền nhân, mà còn biết tôn vinh công lao của người đi trước …
( – )

5. Sông Hậu, các di tích Trấn Giang ; bản đồ :

          Từ thập niên thứ hai của thế kỷ 18, Bình Minh là một địa danh thuộc Long Hồ dinh. Long Hồ dinh lúc bấy giờ bao trùm nhiều tỉnh từ phía Nam sông Tiền đến tận Rạch Giá, Cà Mau. Sau đó, Bình Minh lại thuộc Trấn Giang, một vùng rộng lớn không kém.

          Như vậy, dù nằm trên địa giới hành chính nào trong lịch sử, Bình Minh vẫn là một cửa ngõ quan trọng của Tây Đô về kinh tế, văn hóa và vị trí chiến lược.

          Sau khi giặc Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Tây, bọn thực dân nhận ra ngay tầm quan trọng của Bình Minh.

          Họ cho lập nên trục lộ từ Sài Gòn xuống Cần Thơ qua hai phà Mỹ Thuận và Bình Minh. Bức ảnh tư liệu này cho thấy, bến phà thời kỳ đầu tuy thật đơn giản, nhưng đã nối liền đôi bờ giữa Bình Minh – Cần Thơ.

( – )

6. Phà hiện nay, nước cuộn, rẫy hẹ, bắp, xalach son, khoai lang :
         
          Trong thời hiện đại, chiếc phà cũ kỹ xưa kia đã không còn phù hợp, được thay bằng những chiếc phà mới. Và, rồi đây trên đoạn sông này, một chiếc cầu sẽ được bắc qua sông Hậu, tạo nên dáng vẻ, bề thế mới cho vùng đất Bình Minh này.

( – )
         
          Con người Bình Minh ngày nay nhận rõ vị thế của quê hương mình mà bắt đất phải đổi mùa chuyển vụ ; mùa màng thích nghi với vòng xoay của nền kinh tế thị trường.

          Không nắm vững quy luật của thời tiết, khả năng bồi bổ của đất, và nguyên tắc lớn ròng của nước sông Hậu, người Bình Minh không thể biến vùng này thành một “vành đai xanh” phục vụ cho hàng triệu dân của thành phố Cần Thơ.

( – )

          Chúng ta hãy đến với những người làm nghề trồng rau salach son ở Bình Minh. Nghề này định hình cách nay gần 50 năm.

          Du nhập giống và học cách trồng từ vùng Đà Lạt – Lâm Đồng, người Bình Minh biết thuần hóa, tạo ra hệ thống tưới tiêu thích hợp, biến nơi đây thành vùng rẫy chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

          Sắc xanh của rẫy cũng là nét đẹp của con người Bình Minh.

( – )

Đất đồng mà trồng khoai lang,
Hỏi anh, hỏi chị, hỏi nàng,
Tới chừng nước ngập lấy hàng nào ăn ?

          Ngày xưa người ta thách đố nhau như vậy vì khoai lang chỉ trồng được trên đất giồng. Ngày nay, nhờ có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, người Bình Minh đã có thể trồng khoai theo vụ mùa thích hợp.

          Đây là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất khu vực ĐBSCL. Với sản lượng hàng trăm ngàn tấn/năm, khoai lang của Bình Minh cung cấp cho hầu khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.

          Thích nghi với quy luật thời tiết, người Bình Minh trồng khoai chính vụ vào đầu mùa mưa. Ba tháng sau, vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, khoai tới kỳ thu hoạch. Nền đất tơi xốp do các giồng khoai ban ra, trở thành đất gieo trồng thêm một vụ lúa. Cách tính toán để tạo ra một nhịp điệu sản xuất thích hợp đã đem lại cho Bình Minh một sức sống mới.
( # )

7. Vườn cây chôm chôm, du lịch ; vườn thanh trà :
          Hưởng nước ngọt quanh năm từ dòng sông Hậu, Bình Minh có bốn mùa hoa trái phong phú, nên thơ.

          Vườn cây ăn trái ở đây không còn thuần khai thác kinh tế mà từ nhiều năm qua đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

          Nhu cầu du lịch xanh ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển đô thị hóa. Điều này khiến cho miệt vườn Bình Minh có thêm cơ hội, để không chỉ làm giàu về thu nhập mà còn làm phong phú sự giao lưu văn hóa với các vùng miền.

( – )

          Đến Bình Minh, Bạn có dịp để tìm hiểu thêm nét “văn minh miệt vườn” qua các khu vườn cổ. Đây là vườn cây thanh trà do giòng tộc họ Huỳnh tạo dựng cách nay hơn trăm năm.
          Chủ nhân của khu vườn này hiện nay là ông Huỳnh Văn Trượng và ông Huỳnh Văn Vẹn. Các ông vừa giữ gìn, bảo vệ vốn tài sản do ông bà để lại vừa truyền bá loài cây quý này.
( Lời ông Vẹn )

8. Hái, chỏi, thu hoạch, làm nước uống :
         
          Hiện nay Bình Minh có diện tích thanh trà lớn nhất ĐBSCL. Nhiều khu vườn có những cây thanh trà hơn 90 tuổi mà vẫn cho năng suất cao, chứng tỏ người xưa đã biết lựa chọn giống cây không những thích hợp đất đai, thổ nhưỡng, mà còn trao gửi cho con cháu một nguồn tài sản quý giá.

          Thanh trà thuộc họ xoài. Nếu thời tiết ổn định, cây sẽ cho hoa vào cuối mùa mưa và cho trái chín vào Tết Nguyên tiêu kéo dài cho đến hết tháng ba âm lịch.

          Đến viếng thăm vườn thanh trà của Bình Minh, Bạn không chỉ thụ hưởng độ mát lành của miệt vườn mà còn thưởng thức món thanh trà ép nước, rất dân giã nhưng đượm thắm hương vị ngọt ngào của làng quê.

( # )

9. Vườn bưởi, ông Tước tỉa, kể chuyện, nhà máy :
          Bình Minh còn là quê hương của bưởi Năm Roi, giống bưởi nổi tiếng khắp ĐBSCL từ gần nửa thế kỷ qua.

          Chúng ta đến Bình Minh, ghé thăm ông Bùi Văn Tước, bà con quen gọi là Mười Tước, một nông dân đã phát hiện ra giống bưởi Năm Roi không hột, lột tróc, ngòn ngọt chua chua – Cái tên Năm Roi bây giờ đã trở thành sự tích.

( Lời của ông Tước )

          Rồi bằng kỹ thuật chiết cành, ông Mười Tước đã nhân giống bưởi Năm Roi càng ngày càng nhiều, phổ biến khắp vùng ĐBSCL.

( – )

          Bình Minh, cái nôi sản sinh ra bưởi Năm Roi càng nổi tiếng hơn bởi con người  ở đây biết giữ gìn và phát triển để tạo nên một thế mạnh mới cho quê hương mình.

          Giữa vùng chuyên canh bưởi, một nhà máy chế biến đã mọc lên như biểu tượng của sức trẻ đang trổi dậy trên đất Bình Minh.
          Người trồng bưởi Năm Roi đã trở thành nhà vườn chuyên nghiệp, cung cấp nguồn bưởi trái đúng chất lượng cho nhà máy chế biến. Lần đầu tiên trong lịch sử nghề làm vườn ở Bình Minh, trái bưởi Năm Roi có được thương hiệu, và trái bưởi Năm Roi có mặt ở hầu khắp các nước Châu Au, Châu Á. Đó là niềm tự hào của những người con sinh ra, lớn lên, thừa hưởng kết quả của sự sáng tạo do cha ông để lại.
( Lời cô Trà Giang )

          Với trí tuệ và sự toan tính của con người Bình Minh, hương vị nguyên thủy của bưởi Năm Roi còn được hóa thân vào những sản phẩm mới. Trong bước đường công nghiệp hóa của Đất Nước, các sản phẩm mang tên bưởi Năm Roi sẽ trang điểm thêm nét đẹp cho quê hương Bình Minh này.

          Sản lượng bưởi Năm Roi sẽ còn tiếp tục tăng lên nhờ có chính sách đầu tư thích hợp, thị trường trong nước và nước ngoài ổn định. Điều đó dự báo một tương lai đầy hứa hẹn cho vùng đất này.

( # )

10. Đi chơi trong vườn bưởi ; hái bưởi :
         
          Hàng ngàn hecta chuyên canh bưởi Năm Roi đang khẳng định thêm một hướng đi mới  cho Bình Minh – Đó là sự phát triển của ngành du lịch xanh. Khi được tổ chức khai thác vườn bưởi Năm Roi sẽ được nâng thêm giá trị và sẽ không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. Sự giao lưu văn hóa, khả năng thích ứng của con người ở đây sẽ tạo ra một sinh lực bền vững cho Bình Minh.

( # )

11. Vào đình, lạy, chữ thần ; trồng bưởi, hái bông súng :

          Cảm ơn các bậc tiền hiền đã dầy công khai khẩn, để lại cho đời sau những cơ nghiệp lớn lao.

Cúi đầu dâng vạn thọ
Ngửa mặt chúc vô cương
Lấy lòng thành đem tô đắp ruộng vườn,
Đưa nhiệt huyết phụng Sơn Hà, Xã Tắc.
          Vả chăng, lời nguyện cầu ấy đã thốt lên sự đồng lòng của con người Bình Minh, quyết tiếp tục làm giàu từ mảnh đất vốn dĩ mang nặng công lao của nhiều thế hệ đi trước.
( – )

          Bên vườn cũ, người Bình Minh trồng thêm cây mới. Trên đất xưa, người mới lập thêm vườn. Sự “thay da đổi thịt” của quê hương nay bắt đầu từ quyết tâm của mỗi con người.
( – )

          Bình Minh không chỉ đẹp ở truyền thống văn hóa mà còn đẹp ở sức vóc trẻ trung của một vùng đất đang nỗ lực vươn tới.

          Bình Minh không chỉ là nơi biết làm giàu bằng hột lúa củ khoai, mà còn là xứ sở đang từng bước đi nhanh trên con đường công nghiệp hóa.

          Và, như thế, Bình Minh đang tiếp tục bừng sáng bên bờ sông Hậu.


CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 20: NHÀ NÔNG LÂM VĂN LỢI

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 19: NHÀ NÔNG LÊ THÀNH PHƯƠNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 18: NHÀ NÔNG NGUYỄN VĂN PHÚC

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 17: NHÀ NÔNG VÕ THỊ CÚC

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 16: NHÀ NÔNG LÊ VĂN HOA

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 15: NHÀ NÔNG LÊ VĂN ÚT

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 14: NHÀ NÔNG DƯƠNG XUÂN QUẢ

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 13: NHÀ NÔNG HOÀNG THANH LIÊM

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 12: NHÀ NÔNG TIÊU THANH VŨ

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 11: NHÀ NÔNG LÊ PHƯỚC LỘC

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG Kỳ 10: NHÀ NÔNG LÂM THẾ CƯƠNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 9: XƯỞNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 8: NHÀ NÔNG ĐỖ THÀNH THƯỞNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 7: NHÀ NÔNG TRẦN QUỐC TRUNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 6: NHÀ NÔNG NGUYỄN VĂN DŨNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 5: NHÀ NÔNG TRẦN VĂN HUY

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 4: NHÀ NÔNG TRẦN MINH MẪN

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 3: NHÀ NÔNG DANH VĂN DƯỠNG

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 2: NHÀ NÔNG NGUYỄN VĂN TẤN

CHÂN DUNG NHÀ NÔNG KỲ 1: NHÀ NÔNG NGUYỄN VĂN SÁNG

Hợp tác với Công ty CP Truyền thông & quảng cáo Thế Hệ Trẻ (Cần Thơ) thông qua chuyên mục có tên gọi bình dị, NSƯT Nguyễn Trung Hiếu tự mở cho mình và cho cộng đồng khán giả một cánh cửa sổ quan sát thế giới hiện thực một cách liên tục, chăm chú và tràn đầy cảm hứng - đi tìm "bản lĩnh Tây Nam Bộ" hiển hiện trong những người nông dân bình thường. Dưới đây là kết quả:

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

CHIẾU ĐỊNH YÊN

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH 

1. Chợ lát, chợ chiếu, chở chiếu : 24”

          Làng quê đó ở bên bờ sông Hậu, cách huyện lỵ Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp không đầy 10km. Tại đây, hơn một trăm năm trước, nghề dệt chiếu đã hình thành và phát triển, tạo ra truyền thống lao động nông nhàn cùng giá trị văn hóa dân gian. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề tiếp tục khẳng định tên gọi : Chiếu Định Yên.

(Tựa phim)

2. Các loại sản phẩm ở chợ chiếu, không khí bán : 65”

          Chiếu Định Yên được các nhà buôn truyền miệng bài vè dễ nhớ :

Nửa trắng nửa hường
                                  (là) Chiếu tương dãy ốc,
Lằn ngang kẻ dọc
                                  (là) Chiếu con cờ
Xanh đỏ chen tơ
                                  (là) Hoa dăm chính hiệu
Định Yên xứ chiếu
Chợ sớm chợ chiều
Ai bán thì kêu
Ai mua thì gọi …

Thợ dệt cũng là người trực tiếp đem hàng hóa của mình ra chợ. Chất lượng sản phẩm, trình độ điêu luyện của tay nghề sẽ định giá cuối cùng cho chiếc chiếu.
Thương lái thường là người từ các nơi khác đến. Họ lựa chọn các loại chiếu phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người địa phương mà gom hàng. Chính vì vậy dân buôn có câu thiệu :

“Chiếu trắng đem bán miệt trên,
Chiếu bông chở xuống Trà Niên có lời”

Thì ra, loại chiếu bông có hoa văn, màu sắc sặc sỡ được thương lái đem tiêu thụ ở vùng Trà Niên, Rạch Giá, nơi có nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống. Tính thích nghi thị trường xuất hiện từ lâu đời ở làng Chiếu Định Yên.

( # nhạc )

3. Chợ, cận chiếu, người vác : 42”

          Chợ Chiếu Định Yên  là nơi duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn giữ hình thức chợ phiên.

          Thời điểm họp chợ lệ thuộc vào con nước và nhu cầu thu mua của thương lái. Vì vậy phiên chợ thường không diễn ra vào một giờ cố định mà cứ xoay vòng hết ngày đến đêm.

          Phiên chợ này bắt đầu từ 5 giờ sáng hôm nay, không ai hẹn ai, cứ 4 giờ sáng hôm sau người mua kẻ bán lại gặp nhau ở chợ.

          Từ chợ Chiếu Định Yên, sản phẩm của làng nghề tỏa đi khắp miền sông nước Nam bộ.

Xuồng ai đi ngược miền trên
Chở bao nhiêu Chiếu Định Yên nặng tình.

( # nhạc )

4. Lia cánh đồng rẫy, đốn lát, chẻ lát, phơi lát : 66”
         
          Định Yên là một làng trù phú được bồi đắp bằng phù sa của sông Hậu. Thừa hưởng giá trị sinh thái bãi bồi, người dân ở đây trồng lát, phục vụ cho nghề dệt chiếu. Cứ mỗi năm một kỳ thu hoạch, hết đời này qua đời khác, nghề trồng lát trở thành một nghề trong làng nghề Định Yên.

Lát Định Yên ai siêng lựa đất
Cọng cứng dài, dai chắc chiếu bền.

( # nhạc )
         
Để dệt được một chiếc chiếu, người ta cần phải có ít nhất 2 ngàn sợi lát như thế. Sợi nguyên liệu đó càng được trau chuốt kỹ lưỡng thì chất lượng của thành phẩm càng cao. Bởi vậy những người có nhiều kinh nghiệm thường đảm trách công việc đầy tính kiên nhẫn này.

( # nhạc )

          Ngày nay, trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường chiếu, làng nghề Định Yên hình thành thêm chợ nguyên liệu. Chợ này thu hút nguồn lát sợi từ các vùng lân cận, tạo ra một mô hình sản xuất mới cho làng nghề – Đó là sự phân chia thị trường nguyên liệu và thị trường thành phẩm.

( # )

          Sợi lát nguyên liệu được thợ dệt lựa chọn kỹ càng theo nguyên tắc truyền thống :

Gốc ngọn đồng thủ, đồng thanh,
Chiếu lẫy mới khéo, chiếu hàng mới suông.

( # nhạc )

          Tính ra, chợ nguyên liệu hình thành ở Định Yên chưa đầy 10 năm, nhưng đã sớm khẳng định một nhịp điệu sản xuất mới, phá vỡ thế khép kín trước đây, tạo ra một sinh khí hoạt động mới cho làng nghề. Người thợ không còn phải lo chạy vạy tìm giống, kiếm đất để trồng lát, mà chỉ cần ra chợ mua nguyên liệu theo cách tính lời lỗ của mình. Cứ như thế, hơn 10 ngàn thợ dệt của làng nghề Định Yên thích nghi dần trong dòng chảy của thị trường.

( # nhạc )

5. Cận khung dệt, dệt chiếu lẫy : 35”

          Thợ dệt chiếu lẫy, tức loại chiếu có tạo hình, tạo chữ theo mẫu định trước, thường là những người có đẳng cấp, có thâm niên trong nghề.

          Dệt một đôi chiếu lẫy, người thợ phải tốn thời gian gấp 6 lần khi dệt một đôi chiếu thường. Thợ lẫy là người quyết định chất lượng cho đôi chiếu :

Khéo tay chùi sợi long hai
Lẫy trên, luồn dưới mới nài chữ ra.

( # nhạc )

6. Thợ lẫy trẻ ; dệt : 36”

          Theo truyền thống của làng nghề Định Yên, những ai muốn làm thợ lẫy đều phải có một thời gian rèn tay nghề bằng cách dệt loại chiếu bông thông thường. Từ đơn giản dần dần mới tập dệt loại chiếu có hoa văn phức tạp. Tùy thuộc vào năng khiếu, có thể từ 5 đến 10 năm, thợ lẫy mới được xem là thành thạo tay nghề.

( # nhạc )

7. Đoàn ca đi ngoài đường, lia dệt vào nhóm ca : 12”

          Nghề chiếu và thợ dệt đã bao năm gắn bó tình người Định Yên ; và làng quê này càng đầm ấm nồng nàn hơn trong tình người. Đã có ai đó một lần đến rồi đi trong niềm vấn vương.

( Trích câu vọng cổ )

8. Cắt rìa xếp chiếu, ra rẫy : 42”

          Sức sống của làng chiếu Định Yên cứ như thế mà đậm đà nghĩa xóm tình làng. Những đôi chiếu Định Yên cũng vì vậy mà đượm sắc thắm màu từ tay những lớp thợ hồn hậu cần cù.

Sáng ra chợ chiếu bán buôn,
Trưa vào đồng ruộng, chiều luồn dây trân.

          Không tất bật, cũng không nhàn nhã, lịch lao động của người làng chiếu được xếp xen kẽ theo buổi, theo thì. Hết vụ lúa lại đến mùa rẫy, đất Định Yên không phụ lòng người Định Yên.

( # )

9. Người đi ngoài đồng, cây bô : 38”
         
          Có những xóm trong làng nghề đã giành đất, chia vụ để gieo cây bố, cây đay – nguồn nguyên liệu thiết yếu của nghề dệt chiếu. Chỉ cần 1 ngàn mét vuông để trồng loài  cây này, đã có thể tạo việc làm cho 5, 7 nhân công trong thời gian nông nhàn. Cây bố, cây đay tỏ ra phù hợp với đất Định Yên.

( # )

10. Cao bố, phơi bố : 50”

          Không ai nhớ từ lúc nào cơ sự phân chia rạch ròi giữa xóm trân và xóm dệt, thợ trân và thợ dệt. Sản xuất dây trân có một quy trình khá tỉ mỉ. Cạo vỏ xong, sợi đay thô được đem phơi thật kỹ. Nhưng đấy chỉ mới là giai đoạn đầu của sợi dây trân.

( # )

          Sợi đay thô được chuyển đi tập trung ở những hộ chuyên việc chấp trân, một công đoạn riêng của nghề làm chiếu ở Định Yên.

( # )

          Khi qua tay thợ chấp trân, sợi đay được đánh xoắn lại theo kích cỡ riêng của từng loại chiếu. Vòng quay của thợ trân cũng chính là vòng xoay của thị trường sợi đay.

( # )

11. Bó dây đay, chợ đay, quay trân, mưa : 41”

          Bên chợ chiếu luôn luôn có chợ dây đay, thêm một biểu hiện nữa về sức sống của làng chiếu Định Yên. Bất cứ người thợ dệt nào cũng có nhu cầu tìm đến khu chợ này để lựa chọn dây trân vừa ý, thích hợp với cách tính toán của mình.

          Như vậy, làng nghề đã có sự phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa và từ đó có sức cạnh tranh cao – Tất cả vận hành nhịp nhàng và hoàn hảo như một guồng máy. Nhưng chuyện làm ăn, người dân làng chiếu còn phải đối mặt với bao điều thất thường của trời đất.

( # mưa và nhạc )

12. Đình thần, phơi chiếu : 63”

          Trải bao “phong tỏa bất kỳ”, cuối cùng tổ tiên cũng phò hộ cho dân làng Định Yên hành nghề sung túc.

Sân đình phơi chiếu bông hường,
Cầu trời khẩn đất cho bừng nắng lên …

( # )

          Đình làng Định Yên được sắc phong năm 1852. Làng chiếu Định Yên cũng ra đời vào khoảng những năm sau đó.

          Nhìn lại lịch sử hơn 100 năm của làng nghề, người dân Định Yên tri ân những bậc “tiền hiền khia khẩn, hậu hiền khai cơ”. Và điều đó nhắc nhở cho con cháu làng Định Yên trong thời hiện đại biết trân trọng, giữ gìn những gì mà cha ông đã dầy công tạo dựng.

( # nhạc )


13. Khắc gỗ, rộng đình làng, cúng tổ, bà lão : 36”
          Theo tập tục cổ truyền còn lưu lại ở làng Định Yên, người theo nghề chiếu, cứ vào ngày 16 âm lịch mỗi tháng ở từng hộ gia đình đều làm lễ cầu may, mong được ông bà phò hộ để nghề dệt chiếu thịnh đạt.

          Nhưng cần cù lao động là trên hết, bà lão này đã tận tụy với nghề suốt 60 năm. Giờ đến tuổi nghỉ ngơi, bà chỉ dẫn, truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm quý trong đời làm nghề chiếu của bà. Có lẽ bà rất vui khi lớp trẻ biết kế thừa sự nghiệp của tổ tông.

14. Ghe chở lát, dệt chiếu : 40”
         
( 9” nhạc )

          Làng Chiếu Định Yên ngày nay hoạt động với nhịp sản xuất mới. Những người thợ có nhiều kinh nghiệm được ứng dụng thêm phương thức dệt mới cho ra nhiều sản phẩm theo mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

          Càng tiếp cận với công việc mới, những người thợ chiếu nhớ lại câu ca xưa :
Tay vương mấy sợi trân mành
Sỏ xiên cọng lát cho thành long hai
Long hai bỏ vắn lấy dài
Kéo mau khung dệt liền tay mí kề.

( # nhạc )

15. Xén rìa, Hợp tác xã, dệt, nhuộm :
          Để sản xuất trên quy mô lớn và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, lớp thợ trẻ cũng đã được tập huấn. Từng công đoạn, từng khâu công việc trở nên khác lạ hơn cách làm cổ truyền, nhưng vốn có truyền thống, lại có tổ chức hợp tác xã hỗ trợ, lớp thợ trẻ không ngừng năng động.

          Có nhiều tiêu chuẩn của mẫu mã hết sức khắt khe. Loại chiếu 5 màu hay còn gọi là chiếu ngũ sắc, đòi hỏi người thợ dệt vừa nhanh tay vừa hết sức tỉ mẩn. Mỗi ngày hai thợ dệt giỏi mới có thể hoàn tất hai đôi chiếu kiểu mới.

( # )

          Mọi kết quả trong sự phát triển đều bắt nguồn từ sự kết nối giữa truyền thống yêu lao động và lòng yêu nghề. Bởi vậy, dù có sự thay đổi phương pháp kỹ thuật, người dân làng nghề Định Yên vẫn phát huy tốt khả năng sáng tạo của mình.

Gió đưa ngọn lát bên cồn
Định Yên giữ lại bóng hồn người xưa …

16. Chiếu và thương hiệu : 22”

          Người dân Định Yên thừa kế truyền thống quý báu của tổ tiên, biến giá trị văn hóa ấy thành sức mạnh mới trong thời kỳ hội nhập. Cách sản xuất dân gian không còn phù hợp được thay thế bằng phương pháp mới.

          Chiếu Định Yên cần có một thương hiệu để tiếp thị và cạnh tranh. Tên tuổi của làng chiếu cần được tiếp tục khẳng định bằng chất lượng sản phẩm hàng hóa, bằng cả giá trị tinh thần do người Định Yên tạo ra và bằng cả lời ca của chính những người thợ trẻ.

( Trích câu vọng cổ )

17. Chợ chiếu, cuốn chiếu, làm sợi bố, dệt : 1’

          Làng Chiếu Định Yên với nét đẹp truyền thống vốn có, đang tiếp tục được truyền nối. Niềm tự hào về làng chiếu càng thôi thúc lòng yêu quê hương và chí làm giàu của mỗi người dân Định Yên.

Hoa dăm, dãy ốc, trắng hường,
Định Yên còn chiếu, người thương còn về …

          Và chúng ta về với Định Yên để nghe câu ca quen thuộc ; nghe câu chuyện tình chung thủy của người con gái xứ chiếu ; nghe râm ran tiếng nói cười từ buổi chợ đêm.

          Định Yên, với sản lượng hơn nửa triệu chiếc mỗi năm, khẳng định một sinh lực được phát huy từ nghề truyền thống thành giá trị kinh tế và giá trị văn hóa.

Định Yên, với những con người cần cù và giàu lòng yêu quê hương đang và sẽ phấn đấu cho một làng nghề giàu đẹp.

Định Yên, với hơn 10 ngàn tay thợ lành nghề, một tiềm năng đầy sức sống, hứa hẹn về tương lai của làng nghề trong thời kỳ mới.

Và, Định Yên, với nét đẹp của truyền thống làng nghề, nét đẹp của tâm hồn con người sẽ còn mãi giữa thời gian./-



x