Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

ĐỘI NỮ PHÁO BINH CÁI NƯỚC

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1998.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

PHAN NGỌC HIỂN - SÁNG NGỜI TÊN ANH

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1999.

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

NGẮM MƯA

Ngồi buồn ngắm cảnh mưa rơi
Soi mình trong hột nước trời tưởng mơ…
Ngày xưa hỏi mẹ tắm mưa
Rửa thời thơ ấu, như vừa chiêm bao…

Giọt mưa đo được trời cao
Sao về đất thấp rót bao lạnh lùng ?!
Nhớ xưa theo mẹ ra đồng
Hái rau bắt ốc vui cùng cỏ hoa
Bửa cơm dưa muối, tương, cà
Cả nhà đầm ấm, mẹ già cười vui!…

Ngắm mưa dạ bỗng bùi ngùi
Ngày xưa bóng mẹ, nay lùi vắng xa…
Giữa lòng phố thị phù hoa
Người dưng nước lã, ruột rà lạt phai
Trời mưa có giọt vắn dài
Lấy gì đo được tình ai thấm tràn?

Ngắm mưa lòng tủi xốn xang
Rưng rưng tí tách, đếm ngàn giọt rơi
Ầu ơ… tiếng mẹ đâu rồi
Để bong bóng nhỏ bồi hồi trôi ngang?
Gió chiều lất phất bông trang
Mây giăng trắng mộ, nhớ càng thêm đau…

Nỗi buồn thấu tận trời cao
Rót từng hột nặng, xói vào lòng ta…
Mẹ ơi, mỗi giọt mưa già,
Tưới vào hồn trẻ như là chiêm bao!


 Một ngày mưa nhớ mẹ - 2003

 NGUYỄN TRUNG HIẾU

TRƯỜNG HỌC KHÁNG CHIẾN

          Trích đoạn hồi ký, còn ở dạng sơ thảo
          
… Ba năm làm nghề điện báo viên minh ngữ ở cơ quan Phân xã TTX miền Tây Nam bộ (1969 -1971), công việc chuyên môn đã tạo điều kiện để tôi tiếp cận các nguồn thông tin từ các hãng thông tấn lớn như AFP, UPI, BBC, USIS, v v… Ngoài các bản tin chữ rõ bằng tín hiệu morse, tôi còn được biết thêm nội dung các bản tin tiếng Pháp và tiếng Anh do một số anh chị từ thành thị vào chiến khu công tác. Trong số đó có anh Bảy Tú, gốc là điện báo viên Bưu điện Sài Gòn rất giỏi tiếng Pháp. Thấy tôi trẻ và ham học, anh khuyên tôi nên học tiếng Pháp và hứa sẽ giúp, nhưng ráng nhờ người mua sách ở vùng thành thị mang vô. Sách phù hợp nhất với tôi lúc bấy giờ là bộ 3 quyển “Cour de Lange et de Civilisation Francaises” (Ngôn ngữ và Văn minh Pháp) của Q.Mauger. Nhờ người “móc nối”, tháng 3 năm 1970, chị tôi ở Cần Thơ gủi cho trọn bộ sách này cùng với cuốn từ điển loại bỏ túi nữa.
          Có thầy (anh Bảy Tú) và có sách (Cour de Lange) tôi quọp quẹp học tiếng Pháp theo kiểu “bình dân học vụ”. Lần đầu học ngoại ngữ thật lúng túng, nhất là phát âm và cách chia động từ. Phải luyện nói âm “r” bằng cái lưỡi nhỏ hết sức tinh tế. Vậy mà chỉ mấy tháng sau tôi đã đọc khá ổn, biết viết thành câu và tra từ điển. Nhưng ở đời không có chuyện gì là không thể xảy ra. Việc học tiếng Pháp của tôi bị chỉ trích dữ dội. Người trẻ thì bỉu môi cho là học tiếng Tây chỉ để lập dị, còn người già thì bảo lo kháng chiến đi, hòa bình rồi sẽ học đàng hoàng hơn. Tôi bình thản, cứ mày mò mà học ban đêm trong mùng với cái đèn dầu làm bằng bình mực Pilot. Một ngày tháng mười 1970, trong một dịp uống trà với chú Hai Quỳnh, nhân lúc vui tôi hỏi chú câu tiếng Pháp: “La Culture, c’est ce qui reste quand on tout oublié, c’est ce qui manque quand on de tout appris” là của ai. Chú Hai hơi ngạc nhiên, hỏi lại tôi của ai vậy, cháu lấy ở đâu ra. Tôi thành thật, đây là câu nói nổi tiếng của Nhà văn hóa, Viện sĩ hàn lâm Pháp, ông Esdouard Herriot, và dịch nghĩa luôn: “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả ” Cháu mới học trong cuốn từ điển “Lusenair de La rouse”. Chú Hai Quỳnh khen tôi học nhanh quá. Cũng trong tháng mười năm đó, buổi tối rảnh rang các bạn trẻ trong cơ quan thông tấn xã thường xúm lại chơi đánh bài hòa bình (tu-lơ-khơ). Vừa chia bài xong là có tiếng máy bay. Mọi người nhanh chóng tắt ngay cây đèn dầu. Tôi nói có gì đâu mà sợ, chiếc máy bay này nó bay để phát sóng truyền hình thôi. Có bạn không tin, nói tụi nó đang nhổ cỏ U Minh đừng có giỡn, nó cho một trái xuống là đi đời hết. Tôi bình thản lấy sách ra giải thích, đây nè, bên Paris người ta phát sóng bằng cái trụ này nè, Lúc đầu ông Effel làm cái tháp này để leo lên ngắm cảnh, về sau, khi có truyền hình người ta mới dùng độ cao 333 mét của nó để phát sóng, vì sóng truyền hình  nó đi thẳng như ánh sáng. Mọi người trố mắt nhìn tôi cười.
… Đối phương đánh phá U Minh ác liệt , cơ quan tôi phải di dời liên tục, sách học tiếng Pháp của tôi mấy lần bị ướt, phải phơi đi phơi lại nhiều lần. Tôi nghĩ ra cách tìm bọc cao su gói chất nổ của mấy đơn vị bộ đội rồi dùng mỏ hàn ép lại để trong ba lô, đi đâu là mang theo như vật bất ly thân.
Sang năm 1971, tôi gủi thư nhờ người chị ở Cần Thơ mua giúp sách kỹ thuật truyền hình, sách làm người, sách triết học phương Tây, các tác phẩm văn học Nga, Pháp, Mỹ và sách vật lý lớp 11, 12.  Chị tôi gỏi vô cho cuốn “Vô tuyến truyền hình?... Ồ! Thật là giản dị” của E. Aisberg, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch thuật, “Chiến tranh và hòa bình” của Léon Tonstoi, “Buồn ơi, chào mi” của Francoise Sagan, “Kẻ xa lạ” (L’Etranger), “Dịch hạch” (La Peste) của Albert Camus, “Ngư ông và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway  do Nhà xuất bản Lá Bối - Sài Gòn ấn hành. Trong chòi làm việc luôn luôn giăng mùng vì muỗi quá nhiều. Hễ hết giờ lên sóng là tôi đọc ngấu đọc nghiến mấy cuốn sách này. Cảm thấy chưa đủ, tôi còn mượn ở Thư viện Ban Tuyên huấn Khu cuốn “Tư bản luận” của Karmax, cuốn “Hiến pháp Mỹ” của Nhà xuất bản Sự Thật để tìm hiểu thêm. Sách nhiều, phải gói kỹ rồi cho vào thùng đạn lớn, đem chôn giấu ở Đê Cơi Năm, khi nào yên tĩnh thì đem lên đọc.
… Năm 1973. Thấy tướng tá cao ráo, kiến thức kha khá, tôi được chọn sang Phòng Điện ảnh TNB để bổ sung cho lực lượng quay phim. Tổng tấn công Tết Mậu Thân, đơn vị này hy sinh hơn 10 anh chị. Tôi vào và được phân công ra chiến trường ngay với nhiệm vụ phụ quay phim. Tôi vừa theo đội quay vừa học nghề lóm. Mượn mấy cuốn sổ tay của mấy anh đem chép lại, không hiểu thì hỏi thêm. Tôi nắm bắt khá nhanh về kỹ thuật, biết “nhắm chừng” độ sáng khá chính xác nên không cần dùng máy đo. Tôi học có tính rời rạc, khi thì nói về bố cục trong buổi uống trà, lúc thì nói động tác máy khi ngồi tán gẫu. Vốn hay tổng kết, rút tỉa, dần dần tôi ghi chép thành hệ thống nhận thức riêng, để nhận biết chính xác thế nào là lia, thế nào là fix, thế nào là travelling.
…Tại chiến trường trọng điểm Vĩnh Trà, trên vai tôi mang chiếc ba lô gồm có 3 lớp: Lớp sách vở, lóp phim quay và lớp quần áo, bên hông có cái túi nhỏ để vừa cái radio hiệu National của Nhật. Như vậy là tôi có đủ phương tiện để học tập, thông tin và giải trí. Có lần tôi đi cùng đội với Trần Chí Kông thực hiện phóng sự “Trồng dưa trên động cát” ở ấp Bến Đáy, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, làm quen với em Trường, một học sinh đang học ở thị trấn. Tôi nhờ em ra chợ mua giùm mấy quyển sách lúc đó rất được độc giả quan tâm. Đó là “Tình em vỗ cánh” và “Câu chuyện dòng sông” của nhà văn Đức Hermann Hesse, “Xương trắng Trường Sơn” và “Đường đi không đến” của nhà văn chiêu hồi Xuân Vũ. Đọc và suy nghĩ thời cuộc lúc đó, và cũng là dự đoán xu hướng của xã hội mà đối phương đang kiểm soát ra sao. Trong thời gian hoạt động ở địa bàn này, tôi và Tràn Chí Kông hay lân la ra vùng ven. Một hôm làm quen được mấy vị sư sãi, chúng tôi xin được vào viếng chùa. Mấy vị sư sãi vui vẻ, hẹn chiều sau buổi cầu kinh cứ vô chơi, coi truyền hình rồi tối về. Tối hôm đó tụi tôi lẻn vô chùa uống trà với mấy vị sư sãi và xem truyền hình, chương trình của Đài Cần Thơ. Đọc cuốn “Vô tuyến truyền hình?... Ồ! Thật là giản dị” mấy năm trước, tôi chỉ coi ảnh thôi. Còn bây giờ thì mắt thấy tai nghe thật sự. Lần đầu tiên xem truyển hình và Trần Chí Kông hồi hộp lắm. Kông nhìn cô phát thanh viên trẻ và xinh xắn vẻ rất khoái chí, chắc lưỡi trầm trồ hoài. Giải phóng, tiếp quản tôi và Kông gặp cô phát thanh viên này mới biết tên là Việt Hưng. Tôi chào cô ấy bằng câu: “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình, rất hân hạnh được làm quen!”
Coi đi coi lại, trong số mấy anh em Phòng Điện ảnh Khu TNB, tôi là người tìm hiểu truyền hình sớm nhất, từ sách vở tới thực tế.
… Một kỷ niệm khó quên, vào một ngày của tuần lễ đầu tiên sau ngày giải phóng, tôi là một thành viên của đoàn công tác “Quét sạch tàn dư văn hóa đồi trụy” thuộc Ban quân quản thành phố Cần Thơ. Mọi người lôi ra từ Phòng Thông tin Viêt-Mỹ rất nhiều sách tiếng Anh, chất thành đống, sửa soạn đốt bỏ. Tôi liếc ngang thấy một cuốn bìa dày có in đậm một dòng chữ “The Impact of  Film”. Tuy chưa học tiếng Anh, nhưng với vốn tiếng Pháp ít ỏi của mình, tôi cũng đoán được đó là sách về điện ảnh hay truyền hình, Cầm lên rồi mở ra xem sơ qua, tôi trình với chú Tư Lôi, tổ trưởng công tác tiêu hủy, cho tôi xin về gói đồ, giấy tốt quá, Chú Tư gật đầu, tôi liền bỏ túi gọn khô. Hôm sau gặp được anh Lưu Danh Gi, một kỹ thuật viên lưu dụng của Đài, người biết rành tiếng Anh, tôi hỏi cuốn sách này nói gì, anh nói, cuốn sách này hay lắm. Nó đúc kết toàn bộ kiến thức về điện ảnh và truyền hình. Thấy tôi ham học, anh Gi còn tặng tôi một cuốn từ điển chuyên môn truyền hình để dem về tra cứu. Làm việc ở đài được ít lâu, tôi xin lên Sài Gòn học văn hóa.
….Cuốn sách “The Impact of Film” tôi mang theo với niềm mong có cơ hội dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu. May thay, trong năm đầu học Đại học Tổng hơp TPHCM, tôi vào ra ký túc xá, làm quen với bạn Thảo, đang học khoa tiếng Anh năm thứ hai. Tôi nhờ bạn dịch thử vài chương thiết yếu là: Phim và khán giả, Ngôn ngữ hình, Thủ pháp dựng, Phim tài liệu cổ điển và phim tài liệu truyền hình. Có trong tay bản dịch này, về cơ quan cũ là Đài truyền hình Cần Thơ, giao lại cho Trần Chí Kông, lúc đó là Quản đốc Xưởng phim tài liệu, in ronéo cho bạn bè cùng đọc. Có thể nói, quyển sách này đã làm sáng tỏ biết bao điều về nghề nghiệp mà mình còn rất mập mờ. Nó lấp những lỗ hổng kiến thức do các tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc trước đó phổ biến.
….Năm 1985, Ủy ban Phát thanh - Truyền hình nước ta mời Học viện Phát triển Phát thanh – Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) và Học viện Truyền hình quốc gia Pháp (INA) sang giảng dạy. Tôi được cử đi học. Thêm một cơ hội nữa để tôi hệ thống, đúc kết toàn bộ vốn kiến thức nghề ngiệp của mình, viết tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho đồng nghiệp. Đây cũng là cơ sở để tôi tác nghiệp nhiều năm sau này.
          (…)
NGUYỄN TRUNG HIẾU


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

TÔ DỰ - NGƯỜI HỌA SĨ CỦA ĐẤT TÂY ĐÔ

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1998.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

NHÀ BÁO NGUYỄN MAI

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1998.

NHÀ QUAY PHIM CHÂU NGỌC TIẾP

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2005.



LỜI BÌNH                                        

1.-Ông Bảy ở kho phim, dở hộp ra xem: 32”

          Theo nghề nhiếp ảnh từ những năm 50, năm 1962 ông chuyển sang nghề quay phim. Trong 30 năm cầm máy ông đã lăn lộn ở hầu khắp các chiến trường miền Tây Nam bộ. Hàng ngàn thước phim ông ghi chép trong thời chống Mỹ đã đóng góp những giá trị to lớn về hình ảnh Cách mạng của vùng đất này.

          Bạn bè gọi ông là Bảy Triển, đồng nghiệp gọi ông là đạo diễn Lê Châu, là nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp.

(Tựa phim )

2. Ông Bảy lấy phim xem qua lúp: 22”

          Xưa nay, những người làm phim thường hay nói: “Không có ánh sáng thì không thể có Điện Ảnh”; Ông cũng hay tâm tình với đồng nghiệp: “Người quay phim không có bầu nhiệt huyết thì không thể ghi chép tốt cuộc sống”. Nghĩ vậy nên ông đã gửi trọn lòng tin và trách nhiệm vô mỗi cảnh quay; coi đó là sự nghiệp của cả đời mình.

(#)

3. Ông Bảy ngồi trên vỏ, nhìn: 24”

          Nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp sinh năm 1929 tại làng Hưng Mỹ, một làng quê nên thơ và trù phú thuộc quận Cái Nước, cách thị xã Cà Mau không xa. Khoảng đời niên thiếu của ông gắn liền với dòng sông, con rạch của xứ sở thân yêu này.

(# nhạc)

4. Rót rượu, cắm nhang: 23”

          Mỗi lần về lại quê nhà là một lần gợi lại trong ông biết bao kỷ niệm về gia tộc, gia đình. Cội nguồn tạo nên lẽ sống; điểm khởi đầu của sự nghiệp và mọi thành công của đời ông sau này.

(#)

5. Xá bàn thờ, ảnh thân sinh; thăm mộ: 31”

          Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa và yêu nước, ngay từ buổi thiếu thời nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp luôn được cha mẹ hun đúc lòng say mê nghệ thuật và ý chí đấu tranh. Từ đó hình thành nơi ông niềm yêu ghét rạch ròi, chuộng lẽ công bằng thẳng ngay, sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn.

          Vậy rồi, năm ông tròn 16 tuổi, Cách mạng Tháng Tám bùng lên. Cuộc kháng chiến vang rền trên quê hương Hưng Mỹ của ông …

(#)

6. Ảnh cầm gậy, ảnh Cà Mau 1945, mít-tinh, xem:

          Cuộc tổng khởi nghĩa đã đưa Châu Ngọc Tiếp vào kháng chiến và ông trở thành Thanh Niên Tiền Phong với nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương. Ngày 6-1-1948, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ngay sau đó ông được giao nhiệm vụ Trưởng Thông tin tuyên truyền xã Thới Bình, quận Cà Mau. Trong thời gian này ông có cơ may làm quen với nghề nhiếp ảnh. Đến 1950 ông chụp được những bức ảnh đầu tay.

          Sau Hiệp định Genève, ông được Tỉnh ủy Bạc Liêu giao nhiệm vụ nhân ảnh Bác Hồ phục vụ công tác tuyên truyền, gầy dựng cơ sở trong vùng địch tạm chiếm.

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ lại đưa ông vào giai đoạn mới với nghề quay phim. Năm 1962, do nhu cầu công tác tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Khu ủy Tây Nam bộ chọn ông và Trần Thanh Hùng lên Trung ương Cục miền Nam học nghề quay phim.

(Lời kể của Trần Thanh Hùng về sự nguy hiểm trên đường đi)

7. Ghe máy chạy, xưởng phim giải phóng; máy quay: 41”

(# nhạc)

          Sau hàng tháng trời lặn lội, vượt qua bao hiểm nguy, cuối cùng hai học viên của miền Tây cũng đã đến miền Đông Nam bộ. Tại đây việc học được bắt đầu bằng sự tiếp cận với ngôn ngữ hình ảnh, cách quay cho đến việc thực hiện các công đoạn sản xuất thủ công phim thời sự. Một năm sau, hai học viên Châu Ngọc Tiếp và Trần Thanh Hùng tốt nghiệp, nhận máy quay và phim mang về miền Tây Nam bộ.

(Lời ông Thanh Hùng kể về việc mang máy về lập xưởng phim)

8. Ông Bảy xem ảnh, trích phim Gò Quao: 22”

          Cùng với đạo diễn Trần Nhu, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp đã bắt tay chuẩn bị thành lập Xưởng phim Giải Phóng miền Tây Nam bộ.

          Đầu năm 1964, Quân khu 9 đã thành lập các đơn vị chủ lực. Trận đánh Gò Quao diễn ra, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp, tức Lê Châu và quay phim Thanh Hùng có mặt tại trận địa.

(Lời ông Châu Ngọc Tiếp và Thanh Hùng về trận đánh thắng)

9. Đào công sự, bắn, xông lên, bắt Mỹ: 46”

          Và đây là những thước phim đầu tiên của nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp, ống kính của ông hướng về những con người cụ thể, miêu tả chân thật hình ảnh quân giải phóng hiên ngang và dũng cảm. Rồi ông sẵn sàng xả thân, lao vào trận địa, xông lên cùng các chiến sĩ, ghi chép một cách sinh động trận đánh mang tính quyết định này.

          Ngay lần quay đầu tiên, ông không những gan dạ giữa bom đạn, mà còn tỏ rỏ bản lĩnh của một nhà quay phim chuyên nghiệp, không bỏ sót một chi tiết nào. Và ông đã thắng cùng với trận thắng lớn Gò Quao.

(#)

10. Xem ảnh, máy quay: 29”

(# nhạc)

          Với một nhà quay phim, chiếc máy quay bao giờ cũng là “vật bất ly thân” trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mình. Ông không thể nào quên những năm bằng tay không và lòng nhiệt huyết, ông và đồng nghiệp đã dựng nên Xưởng phim giải phóng miền Tây Nam bộ.

(Lời ông Châu Ngọc Tiếp về sự thành lập và nhiệm vụ chính trị)

11. Trích tư liệu “Bao vây Đầm Dơi”, “Lửa trong rừng”: 59”

          Nhận nhiệm vụ, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp đã cùng đồng nghiệp thực hiện những phóng sự điện ảnh đầy sức sống. Đây là trích đoạn phim “Xiết chặt vòng vây diệt địch”, phản ánh phong trào chiến tranh nhân dân bao vây Chi khu Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau. Và đây nữa, một trích đoạn phim tài liệu “Lửa trong rừng” miêu tả xưởng quân giới miền Tây Nam bộ đã vượt qua bao khó khăn để chế tạo vũ khí, góp phần vào thắng lợi của chiến trường chung.

          Ống kính của ông không chỉ có tả thực những con người bình thường vừa mới buông cày cuốc đã nắm chắc máy móc, tạo nên những quả đạn đúng chuẩn phục vụ chiến trường.

(#)

12. Miền Tây vào Tổng tiến công, các người thực hiện, bộ đội vào thành phố, xông lên giữa đạn giặc, nghĩa trang: 49”
         
Mùa xuân 1968, “Miền Tây vô Tổng tiến công”  một thiên phóng sự do Lê Châu và các đồng nghiệp thực hiện.

(#)

          Trong không khí sôi động của những ngày tháng ấy, ống kính của ông không chỉ hướng về phong trào quần chúng mà còn cùng đồng nghiệp theo chân các đơn vị bộ đội vào tận thành phố, thị xã.

          Ông và đồng nghiệp đã bám sát trận địa, ghi chép những hình ảnh hào hùng của cuộc Tổng tiến công. Nhiều quay phim đã anh dũng ngã xuống như người chiến sĩ.

(# nhạc)

13. Chân dung các quay phim hy sinh, ông Bảy nói với các nhân viên xưởng phim: 34”
         
Hàng chục anh chị quay phim đã lần lượt hy sinh. Một đội ngũ vừa mới được đào tạo đã không kịp mang những thước phim nóng bỏng lửa chiến trường trở về hậu cứ …

(Lời ông Thanh Hùng về khó khăn và vai trò của ông Bảy)

14. Ảnh chiếu bóng, học quay phim: 36”
         
Với vai trò lãnh đạo Xưởng phim Giải Phóng miền Tây Nam bộ, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp đã gầy dựng lại đội ngũ. Ông tổ chức đào tạo cán bộ chiếu bóng, mở khóa huấn luyện và củng cố lực lượng kỹ thuật in tráng.

          Ông đặc biệt chú trọng đào tạo thế hệ quay phim mới, trong đó không chỉ được trang bị kiến thức cơ bản về tạo hình, mà còn được rèn luyện tính kiên trì, lòng say mê nghề nghiệp.

          Những quay phim từng được một lần ông chỉ dạy, khó có thể quên người đồng nghiệp, người chú, người cha đã noi gương cho con cháu.

(Lời ông Việt Hùng về đức tính của ông Bảy)

15. Cảnh cuối trận Gò Quao, cảnh cuối Vĩnh Thuận Đông: 14”

          Cái thật rất lãng mạn ấy đã được nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp thể hiện ở cảnh cuối trận Gò Quao. Tám năm sau, mô-típ đó được học trò của ông lập lại ở cảnh cuối phóng sự Vĩnh Thuận Đông.

(Lời ông Hùng và ông Dũng về sự gan dạ của ông Bảy)

16. Tựa phim Phạm Minh Tước, trích đoạn Vĩnh Thuận Đông , ảnh Tước, Tràng: 29”

          Nhiều quay phim đã noi theo chí khí dũng cảm của ông. Phạm Minh Tước đã thực hiện phóng sự “Vĩnh Thuận Đông chiều 22/5” với phong cách ấy. Và, anh đã để lại đoạn phim tư liệu chiến thắng trước lúc vĩnh viễn năm yên dưới lòng đất mẹ …
          Phan Minh Tràng cũng thế, anh đã xông lên với bộ đội trong một lần đuổi giặc về bên kia biên giới Tây Nam …

          Ông không thể quên những người đồng nghiệp ấy.

(Lời xúc động của Ông Bảy về các đồng nghiệp)

17. Tư liệu ông Bảy xem lại ảnh, họp mặt: 15”
          Nước mắt của ông trào ra từ tấm lòng và tính cách yêu – ghét rạch ròi. Ông khóc thương những đồng nghiệp ngã xuống trong chiến tranh; ông căm giận những tiêu cực xã hội trong thời bình. Tính cách của ông trước sao sau vậy.

(Lời ông Dũng về ông Bảy, chiến tranh xông xáo dũng cảm, hòa bình tham gia làm phim chống sự trì trệ)

18. Trích phim “Chuyện xã tôi”: 21”

          Và như thế ông lao vào mặt trận báo chí. Dựa trên đạo lý Cách mạng mà chia sẻ với sự nghèo khó của nhân dân. Ông lấy cái tâm để phân tích lẽ đúng điều sai; ông đem sự thẳng ngay để làm rõ trắng đen trước mỗi sự vật. Ông luôn nghĩ đến nhân dân, đến từng thân phận con người.

(Lời ông Bảy nói về sự suy nghĩ đến quần chúng, tâm niệm với nhân dân)

19. Ông Bảy nhìn ra ngồi, xương rồng trổ bông; đoàn người đi, Trính quay: 36”

(#)

          “Không có ánh sáng không thể có điện ảnh”; và không có ánh sáng không có loài sinh vật nào tồn tại. Ông chiêm nghiệm điều đó, nghỉ hưu ông thích thú với loài xương rồng đầy gai nhưng lại cho hoa đẹp …

          Đường ông đi có thể còn nhiều trắc trở, nhưng ông đã mãn nguyện khi con mình đã biết nối nghiệp cha. Tuổi càng cao, ông càng tin tưởng vào lớp cháu con, vào thế hệ trẻ.

(Lời Châu Văn Trính về ý thức theo nghề quay phim)

20. Ông bà xem ảnh, ảnh, xem các huy chương cùng với con cháu và đồng nghiệp: 32”

          Gần 60 năm chung sống trong mái gia đình, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp hạnh phúc được người vợ chung thủy đảm đang, gánh vác mọi chuyện cực khổ để ông yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Ông thường  nói, vinh quang của ông thuộc về bà tất cả; còn bà thì nhắc rằng, ngoài 10 đứa con do bà nuôi dạy và thành đạt, ông còn có hàng chục đứa con đồng nghiệp luôn quây quần bên ông, nối tiếp theo sự nghiệp Điện Ảnh - Sự nghiệp mà trọn đời Nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp dâng hiến. 


"CK"

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2002.

CHIẾN THẮNG GIỒNG THỊ ĐAM - GÒ QUẢN CUNG

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1999.

TRỞ LẠI ĐƯỜNG 1C

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2001.

NÉT SỬ TẦM VU

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2000.

TRẦN GIÁC - NGƯỜI NGHỆ SĨ, DŨNG SĨ

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1999.

LÀN SÓNG ĐIỆN NƠI BƯNG BIỀN THUỞ ẤY

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 1996.

ĐỒNG BẰNG DẬY SÓNG

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2000.

NGÀY SINH TỬ

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2005.

NHÀ GIÁO ƯU TÚ HỒ THẾ THƯƠNG

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2000.

NHỮNG HỌA SĨ TRƯỞNG THÀNH TỪ KHÁNG CHIẾN

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2004.



LỜI BÌNH 

1.     Tư liệu trường Hội họa, Chiến, Hiệp, Phong vẽ : 35”

          Đoạn phim tư liệu này mô tả một buổi thực tập của các học viên Trường Hội họa miền Tây Nam bộ trong thời chống Mỹ. Khóa học này được tổ chức tại chiến khu rừng đước Năm Căn – Cà Mau.

          Vào những năm 60, Dương Đình Chiến đã theo học trường này. Anh là lớp họa sĩ kháng chiến đầu tiên ở miền Tây cùng với Nguyễn Thành Hiệp và nhiều bạn đồng môn khác. Những khóa đào tạo tiếp sau có Trần Thanh Phong, thuộc lớp trẻ hơn. Họ tiếp cận với nền mỹ thuật Cách mạng và trưởng thành từ kháng chiến.

(Tựa phim)

2. Dòng kinh, họa sĩ Chiến về, vẽ : 60”

          Mấy mươi năm trước, những dòng kinh, con rạch này đã đưa Dương Đình Chiến và tuổi thơ của anh đi vào kháng chiến.

          Giã từ dòng nước lớn U Minh đỏ thắm ; rời xa con sông Cái Tàu quen thuộc; chia tay những người thân thương ; tạm biệt những bờ lá cầu tre của làng quê Cà Mau, Dương Đình Chiến dấn thân vào con đường Cách mạng, cửa ngõ quyết định đưa anh đến với ngành mỹ thuật kháng chiến.

( # )

          Những mùa dâu Cái Tàu đã giữ lại biết bao kỷ niệm ngọt ngào của quê hương. Nỗi nhớ, hồi ức chiến tranh và những khát vọng mới đã thúc giục họa sĩ Dương Đình Chiến chọn những đề tài về Đất Nước, Con Người, nơi mà anh từng sống, từng lăn lộn với đạn bom, máu lửa.

( # )

3. Cụm tràm, cò đáp, Hịêp vẽ : 19”

          Làng quê Hiệp Tùng, một vùng đất trù phú thuộc huyện Năm Căn, nối liền với Đất Mũi Cà Mau, nơi họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp sống những ngày thơ ấu êm đềm … Với quê hương ấy, Nguyễn Thành Hiệp không thể phai mờ kỷ niệm, những cánh cò cứ chao lượn rộn ràng trong ký ức.

(Lời họa sĩ Hiệp về kỷ niệm)

4. Bẫy chồn, chống xuồng về : 15”

          Và những ngày vui sống thú vị ấy cũng không sao quên được đối với Trần Thanh Phong. Vào những năm 60, khi mới hơn 10 tuổi, từ Sóc Trăng, anh đã theo cha mẹ xuống chiến khu Cà Mau, vào tận làng rừng.

(Phong nói về kỷ niệm)

5. Cánh đồng có trâu. Chiến, Hiêp, Phong xem ảnh : 36”

          Mỗi người mang theo một hình ảnh riêng về tuổi thơ …

          Dương Đình Chiến là người anh cả trong một gia đình có ba anh em. Mẹ mất sớm, cha đi kháng chiến, cả ba anh em lần lượt vào chiến khu.

          Nguyễn Thành Hiệp có một hoàn cảnh riêng. Anh là người con thứ tư trong một gia đình đông con. Năm 16 tuổi, anh tham gia kháng chiến, và từ đó trở thành họa sĩ.

          Riêng Trần Thanh Phong, từ một cậu bé mục đồng, ham cầm súng đánh giặc. Lớn lên, theo gia đình vào chiến khu, học nghề của cha và mơ ước trở thành nhà điêu khắc.

          Mỗi cuộc đời có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều có chung một điểm xuất phát – Sự khởi đầu bước đường Cách mạng cũng chính là sự khởi đầu của sự nghiệp mỹ thuật.

          Dở lại những bức tranh đầu tay, tuy những nét cọ lúc ấy chưa định hình phong cách, nhưng các anh đã khẳng định sức sống lâu bền cho mỗi bức tranh của mình, vì nó bắt  rễ từ thực tiễn cuộc kháng chiến anh hùng.

( # )

6. Múc nước trong rừng, đốn đước : 39”
         
          Những năm sống giữa rừng, chịu cảnh thiếu nước thiếu rau, nhưng với các anh, tất cả đều là đầy đủ. Vì ở đó có tình đồng chí, đồng nghiệp ; có tình bầu bạn nghĩa nhân; có sự sẻ chia niềm vui nỗi buồn, đồng cam cộng khổ.

( # )

          Là người từng trải chiến tranh, nên quá khứ càng lùi xa, càng đọng lại sâu sắc trong ngọn bút, nét cọ của họa sĩ Dương Đình Chiến. Anh hướng đề tài về những con người bình dị mà mang đậm tính nhân văn ; để lột tả tầm vóc anh hùng của  kháng chiến. Và theo quan niệm đó, với cách nhìn của người họa sĩ, anh đưa “Cô giao liên” này bước ra từ một gam màu trắng lạnh, như giá trị âm bản của sự sống thực.

          Với mô-típ ấy, anh đã cùng nhân vật đi giữa “Mưa rừng”. Bên những giọt lạnh có sự nồng ấm của tình người …

          Trong một ngọn “Gió chiều”, mẹ rưng rưng cầm chiếc áo con. Nước mắt mẹ làm nhòe cả bức tranh đậm máu chinh  chiến …

          Họa sĩ Dương Đình Chiến cũng đã đến những “Nơi đồng đội ngã xuống”. Anh hứng những cánh hoa mua còn lại để tìm nhớ đến hương hồn người quá cố. Tình đồng chí sao mà sâu nặng quá !

( # )
         
          Vẫn với gam màu lạnh đặc trưng ấy, Dương Đình Chiến đã khắc họa nỗi ưu tư của “Ông đồ nho” trước  bao nghịch lý của cuộc sống – Một biểu hiện hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

(Lời ông Chiến về quan niệm vẽ)

7. Hiệp vẽ, bức tranh cô gái : 35”

          Cũng với mạch nghĩ đó, họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp mang hơi thở của cuộc sống kháng chiến vào các bức tranh sơn mài của mình bằng một phong cách riêng. Từ nguyên mẫu mà anh bắt gặp giữa chuyến công tác, Nguyễn Thành Hiệp đã nuôi dưỡng nguồn cảm hứng tức thời thành ý thức sáng tạo trong suốt hơn 30 năm qua. Vì vậy, mái tóc mềm mại của cô thôn nữ du kích đã buông xõa một cách lãng mạn trong tranh của anh. Thực tiễn kháng chiến sinh động, được sự góp nhặt của người họa sĩ, đã tạo ra một sức sống riêng.

(Lời ông Hịêp về kháng chiến)

8. Phong làm tượng : 47”

          Trần Thanh Phong cũng suy nghĩ như thế nên anh đã chọn ngành điêu khắc, với tâm nguyện được miêu tả lòng tôn kính của nhân dân đối với các lãnh tụ. Vì vậy, anh gởi gấm nét bình dị lồng trong vẻ chân thành của các nhà lãnh đạo ; anh không chỉ khắc họa các nhà chính trị mà còn mô tả nét riêng của các danh nhân, các nhà văn, nghệ sĩ, những người đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nước nhà. Nghĩ và làm, Trần Thanh Phong đã để lại dấu ấn  trên hầu khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

          Mảng đề tài mà Trần Thanh Phong tập trung thể hiện là truyền thống kháng chiến và lịch sử đấu tranh của dân tộc. Anh coi đó như một định hướng cho cả đời sáng tác.

( Lời ông Phong về tâm huyết )

9. Tượng 962, tượng cá ba sa : 35”

          Quả nhiên, điều anh nghĩ và việc anh làm luôn luôn nhất quán. Nếu vốn sống kháng chiến tích tụ để anh nhào nặn dáng vẻ anh hùng ; tái tạo các hình tượng chiến đấu anh dũng, thì nhịp sống hiện đại thôi thúc anh mô tả tầm vóc của nền kinh tế hội nhập. Anh tôn vinh nét đẹp của loài cá ba sa, vẫy vùng giữa sông nước An Giang.

( # )

10. Trường Mỹ thuật, 3 người về thăm : 46”

          Sau ngày giải phóng, Dương Đình Chiến, Nguyễn Thành Hiệp và Trần Thanh Phong cùng thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

          Mang theo ngọn lửa nhiệt tình từ cuộc kháng chiến, giữ vững tình yêu trong sáng đối với sự nghiệp mỹ thuật, được đào tạo chính quy, các anh quyết tâm học, học để bổ khuyết những gì mà những năm chiến tranh các anh chưa có dịp tiếp cận.

          Bây giờ nhìn lại, kiểm nghiệm những chằng đời đã qua, các anh càng thấm thía : sự nghiệp không có giới hạn, còn thời gian chỉ là một thoáng tên bay …

( # )

11. Cò đáp vào tranh, cô gái cầm bông sen ; tranh rừng đước, tư liệu vẽ trong rừng : 58”
         
          Thực tiễn đa dạng của cuộc sống phong phú bao giờ cũng là nền móng cho sự sáng tạo.

          Một cánh cò bay rập rờn đâu đó sẽ có dịp đáp lại giữa hồn ai trong bóng chiều thu. Hay cô gái Huế, lòng trong như dòng Hương Giang, ngắm bông sen mà tưởng mơ đến thế giới không pha màu tục lụy …

          Dù có cách nhìn như thế nào, miêu tả cái đẹp ra sao, thì cội rễ của sự cảm hứng sáng tạo cũng bắt nguồn từ cuộc sống và vốn sống. Nếu không tận mắt nhìn thấy và hòa mình vào làng rừng Cà Mau, các anh khó có thể sáng tạo nên những tác phẩm mang tính sử thi như thế.

          Được học, được đào tạo trong kháng chiến chỉ là một lẽ, điều quan trọng hơn chính cuộc kháng chiến mới là trường học lớn.

          Vừa học vẽ, các họa sĩ trẻ thời chiến vừa chống càn giết giặc ; có thử thách mới có trưởng thành là vậy.

(Lời ông Thái Hà về trường kháng chiến)

12. Tư liệu vẽ, người xem, phòng triển lãm : 44”

          Những khóa học như thế trong thời chống Mỹ đã đào tạo một đội ngũ họa sĩ, những người có thể phục vụ yêu cầu Cách mạng một cách thiết thực. Ngay từ khi còn là học sinh trường Hội họa kháng chiến, tranh ký họa của các anh đã được giới thiệu với công chúng vùng căn cứ. Giá trị nghệ thuật lúc ấy chỉ đặt ra ở mức độ cổ vũ kháng chiến. Còn ngày nay trước nhận thức mới của tác giả và khán giả, những họa phẩm đều được thể hiện bằng các bút pháp hiện đại. Tuy vậy, bản lĩnh của các anh là biết phối hợp nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, giữa xưa và nay, giữa chiến tranh và hòa bình.

( # )

13. Hịêp và các bức sơn mài hoành tráng : 37”
         
          Sau mấy mươi năm dùi mài học tập và rèn luyện, giờ đây, mỗi họa sĩ có một hoàn cảnh riêng. Người là nghệ sĩ, người đảm nhận công tác quản lý, nhưng dù ở cương vị nào các anh cũng coi nghiệp vẽ là một nhu cầu. Bức sơn mài hoành tráng này chỉ là một phần trong kế hoạch thể hiện bản anh hùng ca kháng chiến chống Mỹ của họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp.

( #  nhạc )

14. Chiến chụp ảnh, khu tượng Núi Sam : 56”

          Đối với họa sĩ Dương Đình Chiến, anh không những là thành viên tổ chức trại điêu khắc quốc tế ở An Giang mà còn là người vận động giỏi nhằm tạo nên vườn tượng đầy sức sống, mang dấu ấn văn hóa của nhiều quốc gia tập hợp về đây.

( # )

          Qua  trại sáng tác này, thêm một bài học đối với họa sĩ Dương Đình Chiến, khi anh rút tỉa được một nguyên tắc lớn trong cuộc đời sáng tác của mình : Mọi tác phẩm đều cần được bắt nguồn từ tấm lòng của người họa sĩ. Ở đó có sự chia sẻ, có sự hòa nhập giữa tác giả với nhân vật ; giữa sự sáng tạo nghệ thuật với thực tiễn sâu sắc của cuộc sống.

( # )

          Với các anh, những họa sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến, niềm hạnh phúc lớn nhất vẫn là được phục vụ nhân dân. Bởi, giá trị đích thực của một tác phẩm chính là mang tới cho người xem những niềm vui sống. Và như thế, dù tượng đài được xây dựng ở đâu, vị trí tốt nhất vẫn là ở lòng người.

( # )

15. Ba người ngồi, có ghế trống, tranh Tuấn : 49”

          Là những họa sĩ được rèn luyện, thử thách từ cuộc kháng chiến, các anh tự hào với sự đóng góp của mình. Trong những lần hội ngộ như thế, các anh bùi ngùi nhớ về người bạn đã ngã xuống – Họa sĩ Trần Thanh Tuấn – một trong những đồng môn hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Những di ảnh của anh là dấu ấn của một con người trọn tình đồng chí, trọn nghĩa đồng bào ; những bức tranh của anh như một lời nhắn nhủ về nhân cách của người họa sĩ.

          Dương Đình Chiến, Nguyễn Thành Hiệp, Trần Thanh Phong, những họa sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến, đang tiếp tục cống hiến, và tác phẩm của các anh sẽ lung linh mãi theo  thời gian và sự nghiệp mỹ thuật của Đất Nước.


NÉT CỌ CÒN LẠI

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2003.

MÚA HÁT GIỮA ĐẠN BOM

Phim tài liệu thực hiện tại Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ, công chiếu năm 2005.

ƯỚC MƠ CỦA ÔNG MƯỜI SẾU

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Đồng Tháp, công chiếu năm 2000.

HỌC TRONG KHÁNG CHIẾN

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2002.



LỜI BÌNH 

1. Núi non miền Bắc, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ – Hũ gạo kháng chiến, cuốn sách kháng chiến – Lớp học : 30”

          Ngay từ những năm đầu toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã kêu gọi nhân dân cả nước xóa nạn mù chữ ; coi nhiệm vụ “chống giặc dốt” ngang hàng với “chống giặc đói” và giặc ngoại xâm.

          Hưởng ứng lời Bác, nhân dân ta đã tích cực tham gia bình dân học vụ; học cũng là để đánh thắng giặc Pháp. Đến thời chống Mỹ, ở miền Nam, Đảng ta chủ trương phổ cập giáo dục và coi đó là nhiệm vụ lớn trong kháng chiến.

(Tựa phim)

2. Mặt trận dân tộc giải phóng ra đời, nhân dân sản xuất, trồng rẫy, làm trường học, học bình dân : 1’

          Với cao trào Đồng Khởi, cuối năm 1960 Mặt trận dân tộc giải phóng ra đời – Cuộc chuyển mình lịch sử của cách mạng miền Nam.

          Sau 6 năm sống trong cảnh kìm hãm của kẻ thù, nhân dân nông thôn miền Tây Nam bộ giờ được tự do trên mảnh ruộng thửa vườn của mình. Và, những mầm hy vọng về một cuộc sống mới được bắt rễ trên mỗi miền quê giải phóng.

          Ngay từ cuối năm 1962 đầu năm 1963, phong trào giáo dục ở cơ sở đã được phát động.
          Như một luồng sinh khí mới thổi đến, bà con ta ở từng xóm ấp nhiệt liệt hưởng ứng.

          Người góp cây, kẻ góp lá, mỗi gia đình bỏ ra vài ngày công để lo cho con em mình một ngôi trường ... Cứ như thế, Trường học vùng giải phóng được dựng lên.

          Với phương châm “người biết dạy người chưa biết”, chủ trương xóa nạn mù chữ đã được triển khai rộng rãi. Có nhiều nơi, chỉ sau mấy tháng học, bà con ta đã viết thạo đọc thông – Giáo dục phổ thông và bổ túc là cái nền chung của phong trào.

(Lời đ/c Lê Thanh Nhàn, về chủ trương của khu ủy Tây Nam bộ về học
Bổ túc văn hóa và Tiểu học).

3. Họp Ban Tuyên huấn khu : 20”

          Vào các năm 63, 64, vùng giải phóng ở miền Tây Nam bộ được mở rộng, chiếm 2/3 đất đai. Nhu cầu giáo dục tăng lên nhanh chóng.

          Trước tình hình đó, khu ủy giao nhiệm vụ cho ngành Tuyên huấn soạn thảo sách giáo khoa tiếng Việt, tiếng Khmer và đào tạo ngay đội ngũ giáo viên.

(Lời đ/c Lê Thanh Nhàn, về trường sư phạm cung cấp giáo viên
cho các tỉnh).

4. Học sinh trường Ninh Bình, làm trường, vác ván : 25”

          Phong trào giáo dục những năm ấy đã ghi lại những nét đẹp riêng trong đời học sinh vùng giải phóng. Còn với các bậc phụ huynh thì đó là một dấu ấn lớn về tương lai vững chắc của con em mình.

          Hệ thống giáo dục của miền Tây Nam bộ ra đời và hoạt động thông suốt, từ cấp khu đến tỉnh, huyện, xã. Ơ mỗi tỉnh lập một trường đào tạo với tên gọi riêng.
(Lời ông Nguyễn Thiện Thuật về trường Ninh Bình).

5. Học sinh vỗ tay, cô giáo, học sinh : 15”

          Việc chọn tên trường ở mỗi tỉnh tùy thuộc vào thời điểm ra đời và ý nghĩa lịch sử của từng địa phương. Vì vậy, trong những năm kháng chiến, tên trường tự nó là một chủ điểm giáo dục truyền thống cho học sinh ngay từ năm lớp 1.

(Lời đ/c Thanh Hà về tên trường Nguyễn Văn Trỗi).

6. Trường có thầy dạy, tan học : 19”

          Học trong kháng chiến thì không có niên khóa, không có nghỉ Hè ; chỉ có những giờ lên lớp khi giặc không càn quét đánh phá.

          Sau giờ tan trường, cả giáo viên và học sinh đều cùng về chung sống với các gia đình nông dân – Đó cũng là bài học bứơc đầu của cuộc đời người cán bộ cách mạng.

(Lời đ/c Việt Hùng về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân).

7. Học sinh cuốc rẫy với dân, trồng bí, hái rau : 15”

          Sống cùng dân, các học sinh được bà con coi như con cháu trong gia đình ; xem như là những mầm non của Đất Nước, cần được nâng niu. Còn các học sinh làm mọi công việc giúp dân như việc của mình.

(Lời đ/c Thanh Xuân về học trong nhà dân vào lúc ác liệt, không lớp).

8. Múa lâmthôl Khmer Trà Vinh, lợp trường : 16”

          Ở những vùng có nhiều bà con dân tộc, các thiếu sinh người Khmer, người Kinh, cùng chung sống ; cùng chia xẻ niềm vui và khó khăn gian khổ. Trường kháng chiến tuy đơn sơ, nhưng đó là cả buổi đầu quan trọng của đời học sinh.

(Lời đ/c Phạm Văn Đấu, về được thầy cô dạy lòng yêu quê hương,
 Đất Nước, dân tộc).

9. Học sinh trường Tây Đô, ngụy trang đi học : 21”

( #  6” )
          Mỗi trường có một sắc thái riêng. Đoạn tư liệu này phản ánh một buổi tập luyện của học sinh Trường Tây Đô, thuộc tỉnh Cần Thơ.

          Ngoài kiến thức văn hóa sẽ được học các thiếu sinh còn được rèn kỹ năng tự vệ.

(Lời đ/c Ngô Chi Lăng, về điều kiện tự vệ để học).

10. Khai giảng trường Tây Đô : 30”

          Sau thời gian chiêu sinh từ các huyện, ngành giáo dục tỉnh Cần Thơ chính thức khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 20/ 7/ 1964.

          Phương châm được áp dụng thống nhất của các trường kháng chiến là học tập trung, ở phân tán trong nhân dân.

          Với mục đích đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lâu dài cho công cuộc chống Mỹ cứu nước, ngành giáo dục miền Tây Nam bộ phân làm hai cấp học, gồm cấp tỉnh và cấp khu tổ chức.

(Lời đ/c Lê Thanh Nhàn, về trường khu Lý Tự Trọng và các trường tỉnh).

11. Cuốc đất, học sinh rãi hạt, vào lớp : 25”

          Vừa học, các học sinh vừa sản xuất tự túc. Khi thì tham gia cùng nhân dân vỡ hoang ; lúc thì tập tành cuốc rẫy – Lao động là hạt giống gieo vào mỗi lứa học sinh những bài học đầu tiên.

( # )

          Đến năm 1965, theo đường Trường Sơn, nhiều giáo viên từ miền Bắc về đến miền Tây và trực tiếp giảng dạy ở Trường khu Lý Tự Trọng.

(Lời giáo viên Lê Văn Ánh, về dạy ở trường Lý Tự Trọng theo hệ 10 năm).

12. Học lớp 7, giảng dạy, vui chơi : 20’

          Với hệ đào tạo 10 năm, học sinh lớp 7 được tiếp cận với chương trình Trung học cơ sở – một trình độ học vấn khá cao trong thời chiến.

          Trải qua những năm tháng sống, lao động và học tập ở Trường Lý Tự Trọng, nhiều kỷ niệm đẹp về đời học sinh không thể nào quên !

(Lời bà Việt Nga, về tình bạn, tình thầy trò trong những năm học chung).

13. Hái rau, nhổ bông súng : 15”

          Thuở ấy, một buổi hái rau cũng tận tụy như giờ lên lớp. Nếp lao động và cách sống của người học sinh thời chiến được giáo dục từ khi bước vào Trường – Đó là tiêu chuẩn phẩm hạnh để nhân dân tin yêu, đùm bọc.

(Lời ông Thanh Hà, về gắn bó với dân được dân mến).

14. Học sinh giúp dân làm mộc, bà già vá áo, cho đàn gà ăn : 25”

          Cùng ăn cùng ở, học sinh cũng cùng làm mọi việc. Vì vậy, bà con thương học sinh như người ruột thịt. Vá một chiếc áo rách, chia xẻ nỗi nhớ nhà cùng các cháu ; bà con quý học sinh cũng là vì yêu cách mạng.

          Có những bà mẹ nuôi một đàn gà để giành cho buổi liên hoan cuối khóa ; mừng tốp nhỏ lên lớp, tiễn tốp lớn đi làm nhiệm vụ.

(Lời ông Việt Hùng, về người dân lo trường lớp).

15. Đẽo súng, tập quân sự : 20”

          Học trong kháng chiến, nhiều lớp thiếu sinh đã được nhà trường giáo dục kiến thức quân sự. Vừa để có nếp sống gọn gàng, ngăn nắp vừa biết cách tự vệ, và khi cần, có thể trực tiếp cầm vũ khí diệt địch. Đó cũng là những bài học cơ bản để rèn luyện và bồi dưỡng lòng dũng cảm của người cán bộ, của một chiến sĩ tương lai.
(Lời ông Thiện Thuật, về nhận súng và tổ chức chống càn).

16. Tư liệu chống càn : 25”

          Nhiều học sinh đã trở thành chiến sĩ, cùng với dân quân du kích đánh trả địch khi chúng đánh phá vào làng xóm.

( # Âm thanh )

          Có trường tham gia tự tạo vũ khí, hoặc xin thêm súng đạn để tự vệ.

(Lời ông Chi Lăng về trang bị súng, chống càn và bắn rớt máy bay).

17. Gỡ xác máy bay, chất lúa bên xác máy bay ; địch đánh phá, dỡ hầm bí mật : 78”
( # 10” nhạc )
         
          Học trong thời chiến là như thế. Có những bài học chưa từng được viết ra thành giáo án ; chỉ có Trường thực tiễn mới dạy cho lớp học sinh kháng chiến biết lạc quan, tự tin mà vượt qua mọi gian nan, ác liệt.

( # Âm thanh )

          Địch càng đánh phá, người dân vùng giải phóng càng nhận rõ hơn giá trị việc học của con em mình. Học để biết đâu là điều thiện, biết đâu là bản chất thâm độc và tội ác của giặc thù.

( # Âm thanh )

          Địch vốn nham hiểm, đánh hơi biết chỗ trú đóng của các trường kháng chiến, chúng xua quân càn quét, đánh phá liên miên.

( # Âm thanh )

          Vào những năm ác liệt, địch lùng sục tìm mọi dấu vết trú ẩn của giáo viên và học sinh. Nhiều trường hợp bị lộ, chúng dã man giết cả thầy cô giáo.

(Lời bà Thanh Xuân, về thầy hiệu trưởng bị địch giết).

18. Địch càn, lục soát, đốt : 15”

          Lịch sử của mọi nền văn minh đều lên án hành động đốt sách, giết học trò và thầy cô giáo. Vậy mà với Mỹ ngụy, chúng không chừa một tội ác nào. Gặp sách chúng đốt, gặp học trò và thầy cô giáo chúng giết.

(Lời ông Việt Hùng về hai giáo viên bị địch ném lựu đạn tan xác).

19. Cây xoay tượng trưng, vầng mây, cuốn giáo án lủng lỗ, in bột, học, lúa cháy : 60”
( #  nhạc )

          Thầy ngã xuống tưởng không còn gì cả,
          Nhưng còn đây, những trang giấy linh hồn.
          Quyển giáo án khoét nỗi đau sâu thẳm,
          Đời học trò in đậm mối thù chung ...

          Rồi những trang giáo án ấy được in lại bằng bột, các lớp học được tiếp tục bằng ý chí đấu tranh. Học để kháng chiến, học để thắng giặc là như thế.

( #  nhạc )

          Vào các năm 69, 70, 71, mức độ ác liệt ngày càng tăng. Nhiều gia đình bảo bọc thiếu sinh bị địch đốt phá. Lúa gạo dự trữ bị cháy trụi. Nhân dân và học sinh lại cùng nhau vượt qua bao nỗi vất vả.

(Lời bà Việt Nga, về sự ăn cháo).

20. Học sinh đi chài cá, bắt cua : 20”

          Có sống giữa những năm tháng gian nan mới thấu hiểu được lòng dân, nghĩa thầy cô và tình bè bạn. Những lúc cùng nhau đuổi một đàn cá cạn ; những lúc dò hang sâu bắt một con cua ... là những thời khoảng quý giá của đời học trò thời chiến ; là niềm động viên để tất cả cùng đi tới.

(Lời bà Thanh Xuân, về tình thầy cô bạn bè vượt qua bom đạn).

21. Tư liệu học sinh dự lễ truy điệu Bác : 63”

          Và trong những ngày bom đạn ấy, vào một sáng tháng 9, học sinh  Trường Lý Tự Trọng ngậm ngùi tiễn biệt Bác ra đi.

( #  nhạc )

          Nén dòng nước mắt tiếc thương, học sinh kháng chiến nguyện vượt qua mọi gian khổ, quyết học thật tốt để đền đáp ơn Người.
          Biến đau thương thành hành động cách mạng, bà con nhiều nơi ở làng rừng, vùng lõm dấy lên phong trào học bổ túc văn hóa. Đưa di chúc Bác vào nội dung buổi học, bà con coi đó là nguồn động viên cổ vũ lớn để mọi người cùng nhau đoàn kết, quyết tâm bám đất giữ làng.

( #  nhạc )

          Những lúc ban ngày giặc đánh phá, bà con ta tổ chức học cả ban đêm.

(Lời bà Nhã, về học bình dân).

22. Người đọc báo, sông, lớp bổ túc : 21”

          Trong một thời gian ngắn, có bà con từ chỗ mù chữ, đã có thể đọc được báo chí.

          Vào các năm 72, 73, vùng giải phóng ở miền Tây Nam bộ được mở rộng trở lại. Phong trào bổ túc văn hóa được củng cố, tạo một sinh khí mới trên các vùng quê nơi đồn địch vừa rút chạy.

(Lời ông Lê Thanh Nhàn, về củng cố BTVH và chủ trương đưa cán bộ
 ra vùng ven).

23. Học sinh vùng ven, học sinh vùng giải phóng làm trường : 26”

          Vừa đấu tranh với cách giáo dục thực dân mới của địch ở vùng tạm chiếm, ta vừa vận động bà con dựng trường, mở lớp theo phương châm : “Vùng giải phóng lan rộng tới đâu, trường cách mạng mọc lên tới đó”.
          Ý thức được nền giáo dục cách mạng, nhiều bà con không chỉ góp công, mà còn tự nguyện hiến cả đất đai để làm trường, tình nguyện bảo bọc cả giáo viên.

(Lời ông Lợi, về dạy học ở Khánh Lâm, học sinh học mau tiếp thu).

24. Trường dân lập, thanh niên xung phong học bên thùng đạn : 30”

          Dù là trường được dựng lên theo mô hình dân lập, hay trường cấp tỉnh cấp khu, học sinh thời chiến vẫn xác định rõ mục đích học tập – Học để phục vụ nhân dân, để thắng giặc.

          Đoạn tư liệu này phản ánh một buổi học bổ túc môn toán của chị em thanh niên xung phong đường 1C. Các chị cần phải biết tính toán đường đi nước bước, sao cho vũ khí đến với chiến trường nhanh nhứt, học có mục đích là vậy.

(Lời ông Lê Văn Anh và bà Việt Nga về mục đích học thời chiến).

25. Bệnh viện trong rừng, trường bác sĩ, dược, cơ quan báo chí, tòng quân, vui với dân : 65”

          Và, với mục tiêu học như thế, tất cả học sinh  được đào tạo từ các trường kháng chiến đã trưởng thành ngay trong thời bom đạn. Nguồn nhân lực này đáp ứng nhu cầu của các cơ quan cấp tỉnh, cấp khu ; những ngành có tính chuyên môn cao.

          Với vốn văn hóa nhất định, nhiều lớp học sinh lại được tiếp tục đào tạo. Có người tốt nghiệp y sĩ, dược sĩ từ các trường chuyên môn trong kháng chiến.

          Bất cứ thời đại nào, con người vẫn là vốn quý nhất của xã hội. Trong kháng chiến, Đảng đã chú trọng đến chiến lược con người, và do vậy mà nguồn nhân lực cách mạng luôn được bổ sung trên mọi lĩnh vực.

          Như một đàn chim cùng tổ, hết lớp này đến lớp khác, các học sinh  kháng chiến tỏa đi khắp nơi. Họ đến bất cứ nơi đâu mà Tổ quốc đang cần, dù nơi đó là rừng sâu, bưng tối ; dù nơi đó là chiến trường ác liệt.

          Họ là những con người rất trẻ. Với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân ; với những năm tháng được đào luyện từ thực tiễn, họ sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Đó là kết quả của những bài học không chỉ ở ghế nhà trường mà còn là từ những bài học biết tôn trọng nhân dân, yêu quý đồng bào ; từ bài học biết dựa vào sức mạnh của nhân dân.

(Lời ôngViệt Hùng, bà Xuân, về xã hội hóa giáo dục có từ thời
kháng chiến).

26. Trở lại căn cứ, bà con vui vẻ : 46”

          Bây giờ trở lại những nơi mà trường xưa từng trú đóng, trở lại những làng quê đã từng nuôi sống và lớn lên ; trong tầm nhìn của những học trò đã trưởng thành, hẳn đã khơi gợi biết bao điều suy gẫm ...

          Hơi ấm của tình đồng bào vẫn nguyên vẹn như xưa. Gặp lại những người không sinh thành nhưng đã dưỡng nuôi che chở, những người học trò năm xưa biết lấy gì mà đền đáp !

( #  nhạc )

          Trở lại cũng có nghĩa là tìm lại. Những anh những chị, những chú những bác năm nào vẫn còn vẹn nguyên nét cởi mở chân tình. Sự đời dù có đổi thay, nhưng với họ, tình người không hề thay đổi.

(Lời ông Dũng Tâm về tình ân, nghĩa thầy cô).

27. Thăm nhà Dũng Tâm, cô ôm, dở vết thương :18”

          Với anh cũng vậy, bạn bè, thầy cô luôn nhớ đến anh, người thương binh.
( #  nhạc )

          Biết làm sao chia xẻ cùng anh những nỗi đau của chiến tranh, chỉ biết coi đây là tình đồng chí.

(Lời ông Việt Quân về tình thầy trò và điều tâm nguyện).

          Trường học kháng chiến đã tạo nên những con người như thế. Trong hơi ấm của tình thầy trò, đồng chí, đồng đội, tất cả đang tiếp tục đi tới.

(Lời bà Việt Nga về hành trang từ kháng chiến phục vụ thời bình
 và tự hào).

28. Không khí vui vẻ họp mặt, thầy trò nhìn về vùng căn cứ : 44”

          Bây giờ dù ở đâu, dù đứng trên cương vị nào, hàng vạn học sinh thời kháng chiến vẫn không quên ơn thầy, tình bạn, nghĩa nhân dân. Những năm tháng học trong kháng chiến, sẽ mãi còn đọng lại trong tâm hồn của mỗi nhà giáo, mỗi học sinh.

          Trong nguồn sáng vô tận của quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục được soi tỏ.

          Tin tưởng những đổi thay của Đất Nước, vui mừng trước những thay đổi của mỗi làng quê từng nặng nghĩa ân, những học sinh từng sống, lớn lên và trưởng thành từ nơi ấy tự hào với chặng đời đã qua ; chặng đời đẹp nhất được học trong kháng chiến.