Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

DỌC NGANG MIỀN SÔNG NƯỚC

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2004.



LỜI BÌNH 

1. Sông rộng, hẹp có vỏ chạy qua lại : 23”

          Sau mấy mươi năm ra đời, từ thô sơ lúc ban đầu, chiếc vỏ lãi dần dần được nhân dân cải tiến hoàn thiện hơn. Ngày nay, dù ở nơi kinh rạch chằng chịt của Cà Mau, Rạch Giá, hay trên vùng nước nổi mênh mông của Đồng Tháp Mười, chiếc vỏ lãi vẫn tung hoành ngang dọc cùng với con người miền sông nước Nam bộ.

( Tựa phim )

2. Sông, ghe đậu, ông già nhìn ; ảnh tư liệu ; đóng xuồng : 78”

(  – )

          Sinh ra và lớn lên ở miền châu thổ sông Cửu Long, cả cuộc đời 90 năm của lão ngư Nguyễn Hữu Chỉnh gần như không mấy khi rời khỏi cuộc sống sông nước. Ông là một trong số lớp người ít ỏi từng biết loại ghe thuyền mà người xưa dùng đi khai phá vùng đất này.

          Đó là loại ghe lườn trơn, gắn chèo để di chuyển ngắn, và loại ghe bầu mui ống, dựng buồm để đi đường dài. Cha ông ta từ vùng ngũ Quảng vượt biển vào phương Nam bằng loại ghe này.
(  – )

          Đến đồng bằng Nam bộ, ghe bầu không còn thích hợp, cha ông ta chế tạo loại xuồng nhỏ để di chuyển trên đồng nước nổi, len lỏi qua các kinh rạch, vào tận rừng sâu khai thác lâm sản.

          Đó là loại thuyền ghép bằng 3 tấm ván, gọi là xuồng 3 lá. Xuồng ba lá xuất hiện ở đồng bằng Nam bộ vào nửa cuối thế kỷ 18, cùng thời điểm với việc triều Nguyễn thiết lập địa bạ, ban hành quy ước đi lại trên sông rạch. Quy ước này được các nhà nghiên cứu coi như là một bộ luật giao thông đường thủy đầu tiên của nước ta.

(Lời ông Sơn Nam về quy ước “Quát, cạy” khi đi trên sông)

3. Ghe lớn đi, đóng xuồng, ráp máy đuôi tôm :

          Luật đi đường dưới sông được dân gian áp dụng cho cách di chuyển xuồng bơi, xuồng chèo suốt mấy thế kỷ, mãi cho đến khi tàu thuyền gắn động cơ ra đời.

          Vào những năm 50 của thế kỷ 20, với công nghệ của xẻ gỗ súc hình thành, xuồng ghép ván được cải tiến thêm một bước về kỹ thuật, cho ra đời loại tải trọng khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyên chở, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt nhất là việc tạo ra loại bánh lái phù hợp để điều khiển khi dùng động cơ đẩy gắn phía sau xuồng 3 lá, hoặc 5 lá, thay cho tay chèo.

( – )

Dân gian gọi xuồng có gắn động cơ phía sau là xuồng máy, hoặc xuồng máy đuôi tôm.

Ngay từ lúc mới ra đời, xuồng máy đuôi tôm đã được nhân dân Cà Mau, Rạch Giá sử dụng có hiệu quả, nhất là vận chuyển hàng nông, thủy sản tươi sống. Nhưng nhu cầu lưu thông ngày càng lớn, đòi hỏi được chuyên chở nhanh hơn, loại xuồng máy đuôi tôm thông thường không thể đáp ứng kịp.

          Vốn giàu kinh nghiệm sông nước từ những năm làm công tác hậu cần thời 9 năm chống Pháp ở Rạch Giá, ông Tiêu Như Sum, người làng An Hòa, nảy ý định tạo ra một loại xuồng máy mới.

          Sau một thời gian trăn trở, vào một sáng cuối năm 1960, trong lúc ngắm nhìn dòng sông Tắc Ráng quê hương, tình cờ ông phát hiện một kiểu ghe địa phương có thể phỏng theo để cải tiến.

(Lời ông Sum về cách nghĩ và làm chiếc vỏ đầu tiên)

4. Vỏ Tắc Ráng trên rạch chạy qua : 29”

          Và từ đó, để phân biệt với xuồng máy đuôi tôm trước kia, người dân ở đây đặt tên cho phương tiện mới của mình là chiếc vỏ.
          Ông Tiêu Như Sum còn giải thích rằng, sở dĩ gọi “vỏ”,  cốt ý là để đối lại với “ruột” – Ruột là động cơ đẩy. Và, theo phong cách của người Nam bộ, thường lấy tên địa phương đặt cho sản phẩm xuất xứ. Vỏ Tắc Ráng ra đời từ rạch Tắc Ráng và được đặt tên theo cách đó.

(Lời ông Sum về cải tiến theo sự góp ý)

5. Tư liệu vỏ chở đạn, súng ; chở bộ đội vụt qua đập : 60”

          Vậy là chiếc vỏ Tắc Ráng được ứng dụng ngay vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

          Cùng với chiếc xuồng ba lá, từ năm 1965, vỏ Tắc Ráng trở thành người bạn thân thiết của các đơn vị hậu cần Miền Tây.

          Khi dùng tải đạn ra mặt trận, lúc đưa chiến lợi phẩm về căn cứ, chiếc vỏ luôn phát huy ưu thế trên chiến trường vùng sông nước.

(  –  9” )

          Người lái vỏ lúc bấy giờ, ngoài thuộc lào địa hình, còn biết sử dụng phương tiện nhuần nhuyễn để phát huy tối ưu công suất máy móc, khéo léo vượt qua những đoạn đường hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù.

          Nhiều lần, trực thăng địch phải bó tay trước tài lao lách của giao liên Miền Tây. Ca dao lúc đó ngợi ca :
Nhanh như con sóc con nhen
Vỏ ta nhanh vọt, Mỹ bèn chịu thua …

( Âm thanh )

6. Vỏ trên sông rộng, vào rạch, đường 1C : 27”
         
          Chiếc vỏ Tắc Ráng trở nên đầy tính lãng mạn giữa ác liệt như thế.
          Vào các năm 69 – 70, con đường 1C nối miền Tây Nam bộ với Trung Ương Cục gặp nhiều khó khăn. Các loại phương tiện chuyên chở trước kia không đáp ứng kịp nhu cầu chiến trường, lực lượng Thanh niên xung phong đã dùng vỏ Tắc Ráng, khi thì vượt đồng nước nổi, lúc lại men theo bờ biển mà vận tài chuyển cán về đến căn cứ.

(Lời ông Hai Nên về một lần qua con đường này, gặp nguy hiểm nhưng thoát)

7. Dân đi vỏ, nhà báo phương Tây ngồi vỏ : 43”

          Được nhân dân tạo ra và hoàn thiện, chiếc vỏ Tắc Ráng đã tích cực đóng góp vào lịch sử chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam bộ.

          Sau Hiệp định Pari 1973, bà con ta trước kia bị địch kềm kẹp đã nô nức trở về quê cũ khôi phục sản xuất. Lúc bấy giờ, được Chính phủ Cách mạng lâm thời cho phép, ba nhà báo Oliver, Moureau và Chantal, phóng viên các tờ Nouvel Opservateur, Newsweek và Feme de France vào vùng giải phóng. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ được ngồi trên chiếc vỏ Tắc Ráng, đi tìm hiểu nét văn hóa của người miền Tây Nam bộ.
(  –  )

8. Khách du lịch phương Tây đi trên vỏ : 36”
         
          Ngày nay, nhiều khách du lịch phương Tây vẫn rất ngạc nhiên thú vị trước chiếc vỏ thời hiện đại và đặc biệt là tốc độ và khả năng thích nghi của nó ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

(  –  )

          Những chiếc vỏ kiểu du lịch tuy đã có phần cách tân, nhưng dáng vẻ cơ bản của chiếc vỏ truyền thống vẫn được giữ gìn.

          Theo thời gian và sự phát triển tự nhiên, chiếc vỏ Tắc Ráng được biến thể bằng một cái tên mới là “vỏ lãi” – Sự mô phỏng giản dị theo hình dạng thon dài vốn có của nó.
(  – 8”  )

          Qua bàn tay chế tác của dân gian, vỏ lãi có nhiều kiểu dáng hết sức phong phú. Mỗi chủ trại có một bí quyết riêng để tạo dáng và nét thẩm mỹ đặc thù. Nhưng chung quy vẫn là bền rẻ và vọt nhanh !

(  –  )

          Thị trường vùng sông nước cũng phân chia theo năng lực cung ứng và khả năng kỹ thuật. Đây là những người thợ chuyên đóng vỏ có kích cỡ lớn. Vẫn giữ nét thon dài của một chiếc vỏ lãi  nhưng có trọng tải 5,7 tấn, thích hợp với nhu cầu chuyên chở từng vùng, từng mùa vụ.

(Lời ông Thạch giới thiệu về loại vỏ)

9. Vỏ tốc hành, rẽ sóng, chạy qua đầm : 39”

          Loại vỏ chuyên dùng chở khách có tên riêng là vỏ tốc hành. Vỏ tốc hành được trang bị động cơ xe hơi. Tốc độ tối đa khoảng 45km/giờ và chở được 50 hành khách. Loại này thường di chuyển trong khoảng cách 60km ở các tuyến sông liên huyện thuộc tỉnh Cà Mau.
(  –  )

          Những nơi giao thông đường bộ nông thôn chưa phát triển, chiếc vỏ lãi loại nhỏ trở thành phương tiện thông dụng của mỗi hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa. Chiếc vỏ đảm đương nhiều chức năng, khi thì chuyên chở nhẹ, lúc lại đưa rước con cái đến trường – Chiếc vỏ gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của con người miền sông nước ngay từ lúc còn tuổi thơ …

(  – 10”  )

          Khi chiếc vỏ lãi từng ngày cùng với chủ nhân vượt qua bao khúc sông sâu, rạch cạn, thì nó trở thành vật thân thiết biết bao.

(  –  )

10. Sông, vỏ nhựa, mắt vỏ, bến vỏ Đầm Dơi : 52”
         
          Trong thời buổi cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, chiếc vỏ gỗ truyền thống cũng phải chịu đứng trước những thách thức khi vỏ nhựa ra đời. Và trong ánh mắt của người tiêu dùng ở Cà Mau, vỏ nhựa với ưu thế nhẹ, bền đang từng ngày góp mặt vào sự phong phú của phương tiện giao thông vùng sông nước.

(  –  )

          Đầm Dơi, một huyện có nhiều sông rạch bậc nhất của tỉnh Cà Mau. Cứ trung bình, 10 hộ đã có 6 hộ sử dụng vỏ lãi. Riêng ở trung tâm huyện, mỗi ngày có hàng ngàn lượt vỏ vảng lai.

          Sông nước của huyện vùng xa này sôi động hẳn lên từ khi chiếc vỏ lãi trở thành phương kế sinh nhai của hàng trăm lao động, và một nghề mới đã hình thành.

(Lời ông Thắm về  hành nghề, đăng kiểm)

11. Chạy vỏ, vỏ bobo, ông Thắm chùi vỏ : 38”

          Hành nghề chạy vỏ bao trong một trật tự và tuân thủ những quy định của Nhà nước. Nhưng ông Lê Thắm và đồng nghiệp của mình cũng phải đối mặt với nhiều loại phương tiện khác cạnh tranh. Sự xuất hiện của loại canô cao tốc không hẳn đã giành trọn ưu thế, bởi đặc điểm của loại phương tiện này chỉ hoạt động ở sông sâu.

          Vậy là ông lái vỏ Lê Thắm yên tâm mà hành nghề. Chiếc vỏ sẽ cùng ông vượt qua kinh cạn đưa hành khách vào tận làng xa. Cuộc sống của ông từng ngày gắn liền với chiếc vỏ.

(Lời ông Thắm về tình cảm với cái vỏ)

12. Vỏ đưa đám cưới : 26”
         
          Có biết bao cuộc đời từng hằn in những kỷ niệm về chiếc vỏ. Ấy là một ngày ra đi làm ăn ở phương xa ; ấy là một ngày cưới, cô dâu theo chồng về vùng sông nước. Hình bóng chiếc vỏ lãi đọng sâu trong ký ức của nhiều thế hệ con người.
(  –  )

13. Người Hàn Quốc nhìn, vỏ chạy, cờ : 19”

          Khi chiếc vỏ lãi trở thành nét văn hóa riêng của vùng sông nước Nam bộ, đã tạo ra một cách nhìn mới của giới đầu tư. Ông Park Ho Jong, Giám đốc Công ty TNH Tân Việt Hàn, người có nhiều năm tìm hiểu về công năng của chiếc vỏ lãi. Trong cách tiếp cận thị trường, cơ sở sản xuất của ông hẳn đã có nhiều sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Lời ông Park :
          “Trong sự hợp tác với Việt Nam, Công ty chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thị trường tiêu thụ loại vỏ lãi này. Với công nghệ tiên tiến của vật liệu Composit siêu bền, chúng tôi đã dựa vào mẫu mã truyền thống của bản địa mà cải tiến thêm. Trước tiên là khử lắc, sau đó là tạo ra độ dài tương xứng để vỏ đạt tốc độ cao.”

14. Chùi bóng, đập thử chất lượng : 16”
         
          Nhiều khuôn mẫu được tạo mới phù hợp với đặc điểm ưa chuộng của người tiêu dùng. Trong đó, chiếc vỏ lãi cần có một bộ công vững chắc và độ bóng tuyệt đối mới đảm bảo nét thẩm mỹ và chất lượng.

(  –  )

15. Bộ đội đi, sóng, các cô đi, vỏ tốc hành : 30”

          Chiếc vỏ lãi trong thời hiện đại tiếp tục phụng sự nhân sinh. Nó cùng anh công an, bộ đội đi khắp nẻo cùng quê; cùng người dân Đồng Tháp Mười vượt qua nước nổi; cùng người dân Đất Mũi đến tận ngõ sâu.

Ví dầu anh giận chị hờn
Có chiếc vỏ lãi nối đờn đứt dây …

(  –  )

16. Bobo cao tốc, làm tay cầm, chân vịt :
         
          Sông nước Cà Mau có thể được đầu tư thêm nhiều phương tiện giao thông hiện đại. Song, chiếc vỏ lãi vẫn có một sức sống riêng.

          Một đội ngũ hành nghề gồm hàng ngàn công nhân đang từng ngày gia công những cấu kiện phục vụ cho ngành vỏ lãi.

          Chiếc vỏ dù được hoàn thiện, nhưng nếu không có một động cơ đúng chuẩn sẽ không thể vọt nhanh được. Đó là kỹ năng, không những về mặt kỹ thuật mà còn là nghệ thuật sử dụng của người cầm lái chiếc vỏ lãi.

          Cuộc thử tài đua sức của người sử dụng vỏ lãi được nâng lên thành một lễ hội lớn từ hàng chục năm qua. Cứ vào dịp chào mừng Quốc Khánh hay mừng chiến thắng 30/4/75 hàng năm, lễ hội đua vỏ lãi diễn ra. Nhà tổ chức chọn một đoạn rạch thông thoáng chừng vài cây số để làm đường đua. Đây là một cuộc đua vỏ truyền thống do huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đăng cai, được truyền hình trực tiếp.
(  –  )

Đua vỏ là một nét văn hóa mới, môn thể thao mới, mang một sinh lực mới của vùng đất cuối trời phương Nam.

(Lời một cổ động viên)

17. Sông, vỏ, Xưởng KGC, bằng khen : 60”

          ( 9”  nhạc )

          Dọc ngang miền sông nước, chiếc vỏ lãi đã hằn in dáng vẻ của mình trên khắp làng quê. Và ở con rạch Tắc Ráng, cái nôi từng sản sinh ra chiếc vỏ đầu tiên, giờ như có một cơ duyên để mọc lên một nhà máy sản xuất vỏ lãi có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

(  –  )

          Từ hình dạng của chiếc vỏ Tắc Ráng nguyên mẫu, những người thợ trẻ đã tạo nên nhiều kiểu dáng mới. Lấy những ưu điểm vốn có của vỏ truyền thống để kết gắn với ưu thế của chất liệu hiện đại, những chiếc vỏ đời mới mang tính ưu việt hơn.
(  –  )

          Tên tuổi của chiếc vỏ Tắc Ráng ngày càng được khẳng định như một thương hiệu chính thức.

(Lời của ông Linh về tự hào và niềm tin trong sx)

18. Các công đoạn của KGC :
         
          Với niềm tin, lòng tự hào và sự hăm hở đó, rồi đây những chiếc vỏ lãi mang nhãn hiệu Việt Nam sẽ tỏa đi khắp nơi.

          Kỹ thuật tạo ra được chất keo siêu bền, và khi có con người đóng góp trí tuệ, những chiếc vỏ lãi thời hiện đại chắc chắn sẽ đẹp hơn.

          Những chiếc vỏ lãi thế hệ mới được tạo hình ngay trên quê hương sản sinh ra nó, một lần nữa khẳng định sức sống của sự sáng tạo và sinh lực của một nền văn hóa sông nước.

          Và chúng ta cùng trở lại dòng sông Tắc Ráng, gặp lại ông Tiêu Như Sum, người đã có công tạo ra chiếc vỏ đầu tiên. Xin được chia sẻ cùng ông, xin được cảm ơn dòng sông quê hương nơi đã nâng tầm cho những chiếc vỏ vượt qua không gian, vượt thời gian mà phụng sự lợi ích con người.

          Trải qua gần nửa thế kỷ, từ thô sơ, chiếc vỏ dần dần được cải tiến hoàn thiện hoàn mỹ. Và từ chất liệu gỗ đơn giản chiếc vỏ được chế tạo bằng vật liệu siêu bền.

          Chiếc vỏ lãi không những phục vụ con người ở mọi mặt đời sống mà còn góp phần đắc lực vào công cuộc kháng chiến. Bóng dáng thon thả của nó đã đi vào lịch sử; đi vào nếp sống văn hóa của người dân miền sông nước.

Chiếc vỏ ngang dọc quê hương
Dệt thành trăm mối trăm đường miền Tây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét