Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN: CÂU LẠC BỘ "BẾN SÔNG"

Kịch bản phim truyện đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết kịch bản phim truyện ngắn “Vì một môi trường an toàn cho trẻ em” do UNICEF phát động năm 2005. Kịch bản này hiện chưa dựng thành phim.

TÓM TẮT NỘI DUNG PHIM
Câu chuyện xảy ra ở một xóm nhỏ, bên bờ sông Cái, ngoại ô một thành phố ở miền Tây Nam Bộ…
Trong một chuyến đi dã ngoại tìm hiểu thực tế cho một bài học địa lý, cô giáo Xuân và hai mươi em học sinh lớp tám bị nạn, do tàu cao tốc chạy nhanh làm lật thuyền.
Giữa lúc các cháu sắp chết đuối thì có một người đàn ông đang chài trên sông ra tay cứu giúp. Ông gọi một chiếc ghe chở đầy trái dừa khô dừng lại, ném xuống để các cháu làm phao. Tuy không cháu nào chết đuối trong vụ tai nạn này, nhưng một số em phải đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch kéo dài.
Người đàn ông đó là Chín Tâm, một cán bộ nghỉ hưu, nguyên là đặc công thủy. Sau vụ cứu nạn nói trên, ông bức xúc đệ đơn lên Nhà nước và ngành giáo dục đề nghị cải cách môn thể dục cho thực tế hơn. Đồng thời, ông  mở câu lạc bộ dạy bơi lội, cứu nạn và luật đường thủy hoàn toàn miễn phí.
Việc làm của ông lúc đầu rất đơn độc, thậm chí có người phản đối. Nhưng nhờ có tài vận động, hơn nữa do thực tế mỗi năm ở vùng này có tới hàng chục trẻ em chết đuối; và giáo viên nào cũng biết rõ, có tới 95% học sinh cấp hai không biết bơi (lội), nên dần dần ông được ủng hộ.
Lá đơn của ông cũng được cấp trên phúc đáp, đồng ý cho thử nghiệm phổ cập môn bơi lội đối với học sinh vùng sông nước, vùng lũ.
Từ đó, bến sông nhà ông Chín Tâm trở thành câu lạc bộ, và ông trở thành người hướng dẫn bơi lội, thoát hiểm, cứu nạn cho các trường vùng sông nước.
CÁC NHÂN VẬT CHÍNH TRONG PHIM
  
Ông Chín Tâm:              Cán bộ nghỉ hưu, 63 tuổi.
Cô giáo Xuân:                Giáo viên cấp hai, 30 tuổi.
Cháu Nước:                    Học sinh (cháu nội ông Tâm).
Ông Lê Lộc:                   Hiệu Trưởng trường cấp hai, 45 tuổi.
Và một số diễn viên quần chúng.


1. GÉNÉRIQUE: ( Giới thiệu các nhân vật trên hình diễn xuất ).
2. NGOẠI – SÔNG CÁI – NGÀY:

Dòng sông Cái đang lúc nước lớn. Chiếc tàu đò loại nhỏ, không mui, không phao cứu hộ chở hai mươi học sinh lớp tám. Cô giáo Xuân ngồi ở đầu tàu, dở cặp ra, nhìn một lượt các em.

Cô giáo Xuân:
-              Các em chú ý nghe cô nói đây. Hiện nay, chúng ta đang tham quan dòng sông Cái. Đây là con sông lớn nối thông với sông Cửu Long chảy qua thành phố chúng ta. Theo bài địa lý các em vừa học ở lớp thì con sông Cái này có chiều dài một trăm hai mươi…

Học sinh nam:  ( ngạc nhiên )
-         Cô ơi! Có chiếc tàu chạy nhanh quá kìa.
( Cô giáo và một vài em nhìn ra sông )

Cô giáo Xuân:
-              À! Con sông này ngoài việc đưa phù sa, nước ngọt bồi bổ đồng ruộng, vườn cây, còn là tuyến giao thông thủy quan trọng của khu vực miền Tây Nam Bộ.

3. NGOẠI – TRÊN TÀU – NGÀY:

Chiếc tàu cao tốc chạy vèo qua. Một lượn sóng lớn trào tới, ập nước vào tàu chở học sinh. Các em nhốn nháo. Cô giáo Xuân hoảng hốt. Chiếc tàu chòng chành, lắc lư dữ dội rồi bỗng lật nghiêng, hất các em học sinh ra sông. Trong tiếng kêu khóc có tiếng la thất thanh của cô giáo Xuân.

Cô giáo Xuân:
-         Bà con ơi! Cứu, cứu các em với…

( Các học sinh kêu cứu trong hoảng loạn )
-         Cứu…cứu…

4.NGOẠI – DÒNG SÔNG – NGÀY

Ông Chín Tâm đang hí hoáy gở mấy con cá trong miệng chài. Thằng Nước – cháu nội ông, đang chèo thì cả hai nghe tiếng kêu cứu.

Ông Chín Tâm:
-              Cứu người con ơi. Mấy đứa học sinh rớt xuống sông hết. Chèo lẹ lên. Riết đi.

Thằng Nước:
-              Ông Nội, đổ cá ra xuồng đi. Lấy can nhựa quẳng xuống cho họ. Kìa! Cô giáo cũng không biết lội kìa. Ông lẹ lên đi.

( Ông Chín Tâm quăng can cho cô giáo, còn thằng Nước nắm tay các học sinh kéo lên xuồng, nhưng xuồng nhỏ không thể nào vớt lên hết được. Trong lúc đó có một chiếc ghe chở đầy dừa khô trờ tới ).

Ông Chín Tâm:
-         Kìa! Ghe dừa, ghe dừa ơi dừng lại cứu người.

( Chiếc ghe dừa giảm tốc độ. Vừa cập xuồng thì ông Chín Tâm, thằng Nước lao qua như bay, chân bát, tay ném dừa khô xuống. Các cháu nhỏ vớ được ôm chặt, thở phì phò ).

5. NGOẠI – BỜ SÔNG – NGÀY

Ông Chín Tâm và thằng Nước nhanh nhẩu khiêng hai đứa trẻ bất tỉnh lên bờ. Ông ra hiệu cho thằng Nước làm hô hấp nhân tạo; còn ông vác một đứa lên vai, chạy xốc nước. Cả hai đứa trẻ từ từ mở mắt. Mọi người xúm lại tỏ vẻ mừng rỡ. Hai đứa trẻ còn thở gấp nên phải đưa gấp lên xe cấp cứu.

Ông Chín Tâm:
-              Lẹ lên. tụi nó sống rồi, nhưng còn yếu lắm. Phải đưa liền tới bệnh viện đi.

( Cô giáo Xuân và mười tám em học sinh mặt mày thất thểu, mình mẩy ướt nhem kéo nhau đi, khuất dần bên hàng cây ở bờ sông – Fade out ).

6. NGOẠI – BỜ SÔNG – ĐÊM ( Fade in )

Bến sông nhà ông Chín Tâm. Ngồi bên chiếc bàn gỗ đơn sơ, ông lão tỏ vẻ suy nghĩ. Thằng Nước bưng một dĩa khô và một chai rượu đế để lên bàn.

Thằng Nước:
-              Ông Nội nhâm nhi đi. Con mới nướng khô nè! Mà sao thấy ông buồn vậy?

Ông Chín Tâm:
-              Ừ! Ông Nội nghĩ, xứ mình sông nước dày đặc, nước nổi mất mấy tháng mà sao trẻ nhỏ ít biết lội quá. Suýt chút nữa tụi nó tiêu hết rồi!

Thằng Nước:
-   Ông Nội biết không, lớp con chỉ có mình con với thằng Phong là biết lội thôi.

Ông Chín Tâm : ( uống cạn một cốc )
-         Ông nghĩ, chuyện tập lội đâu khó gì. Phải chi…

Thằng Nước: ( ngắt lời )
-              Phải chi được ông tập lội như ông tập cho con thì tụi nó biết lội hết. Năm kia ông tập cho con có hai ba ngày là con biết lội rồi.

Ông Chín Tâm:
-              Cái khó đâu phải chỗ tập lội, mà là làm sao ai cũng biết lội kìa! Hễ cha mẹ mà dốt lội thì làm sao tập cho con. Bị vậy mà ít đừa biết lội. Cả vùng đồng bằng này gần hai chục triệu dân, thử tính coi biết bao nhiêu đứa con nít không biết lội.

Thằng Nước:
-              Thôi! Để thứ bảy, chủ nhật hàng tuần con rủ mấy đứa bạn lớp con tới cho ông tập tụi nó lội nghen.

Ông Chín Tâm:
-              Ừ! Con cứ nói với tụi nhỏ, biết lội rồi, ngoài chuyện tự cứu mình còn cứu được người khác, làm phước cho người ta.

Thằng Nước:
-              Nhưng mà ông Nội ơi! Một mình con làm sao rủ hết mấy trường này này để mà tập được.

Ông Chín Tâm:
-         Để ông suy tính coi sao.
( Ông Chín Tâm nói xong thoạt nhìn xa xa ra bến sông – Fade out ).

7. NỘI – PHÒNG HỌP GIÁO VIÊN – NGÀY ( Fade in )

Phòng giáo viên trường cấp hai, Hiệu trưởng Lê Lộc chủ trì cuộc họp. Trên tay ông mân mê tờ đơn với những dòng chữ rắn rỏi. Chín giáo viên khối lớp tám ngồi quanh chiếc bàn dài.

Lê Lộc:
-              Công việc trong tuần như vậy là tạm ổn. Hai em đưa vào bệnh viện cấp cứu nay đã đỡ chưa cô Xuân?

Cô giáo Xuân:
-              Tôi có đi thăm, hai đứa đã bớt nhưng tinh thần còn có vẻ hoảng hốt lắm nên tôi cho nghỉ hết tuần này coi sao.

Lê Lộc:
-              À! Còn bây giờ có một lá đơn thỉnh nguyện của một cán bộ hưu trí. Ông Chín Tâm, người hôm rồi cứu học sinh của chúng ta đó.

( Các giáo viên xì xào, dò xét xem chuyện gì )

Lê Lộc: ( tiếp lời )
-              Đây, các thầy cô tranh thủ xem ( đưa lá đơn cho người ngồi kế bên ). Ông Chín có một tâm huyết là muốn phổ cập bơi lội cho học sinh và cho cả giáo viên nữa. Theo ông, hầu hết học sinh và giáo viên vùng Đồng bằng này không biết lội. Mà không biết lội thì không tự cứu mình được nói chi đến chuyện cứu người. Đây là việc lớn. Chuyện quốc gia đại sự, chuyện mấy chục triệu dân, trường ta không tự ý giải quyết được. Phải xin ý kiến cấp trên thôi.

Cô giáo Xuân:
-              Tôi thấy đây là đề nghị hợp lý. Chúng ta có thể lấy giờ tập thể dục làm giờ tập lội được không? Bị vụ chìm xuồng hôm rồi, tôi thấm thía lắm.

Giáo viên thể dục:
-              Tôi phản đối. Tập thể dục là giờ chính khóa. Chương trình được Bộ duyệt hẳn hoi, mang tính pháp lý nghiêm chỉnh, không thể thay thế như vậy được đâu.

Một giáo viên khác:

-              Tôi thì thấy việc học môn tập thể dục là đúng với đường lối giáo dục, còn việc tập lội lại là thiết thực, vì chúng ta sông nước nhiều lại thêm mấy tháng lũ nữa.

Cô giáo Xuân: ( vẻ khó chịu )
-         Thầy nói phân hai như vậy có nghĩa là phải làm sao?

Lê Lộc:
-              Thôi, thôi! Đừng tranh luận nữa, lo cho con em chúng ta là cần thiết, nhưng việc này theo tôi là chuyển đơn thỉnh nguyện lên cấp trên để cấp trên giải quyết. ( Lê Lộc nói xong nhìn ra sân trường – Fade out ).



8. NGOẠI – BẾN SÔNG NHÀ ÔNG CHÍN TÂM – NGÀY ( Fade in )

Ông Chín Tâm cùng đứa cháu nội loay hoay đóng cái cổng chào. Dòng chữ “Câu lạc bộ bến sông” uốn cong cong được gắn lên một cách trịnh trọng.

Ông Chín Tâm: ( nói với cháu nội )
-              Cháu sửa chữ “G” lại. Nghiêng phía tay phải một chút. Đó, đó. Ừ! được rồi, đóng đinh đi.

( Hai ông cháu hài lòng nhìn cổng chào còn nằm dưới đất )

Thằng Nước: ( lấy hai tay làm loa gọi )
-         Chú Sáu, chú Bảy ơi qua tiếp con với!
( Hai người đàn ông chạy tới )

Người đàn ông 1:
-         Ông Chín tính làm ăn gì dữ vậy?

Ông Chín Tâm:
-              Tao tính mở câu lạc bộ này dạy mấy đứa nhỏ tập lội miễn phí chứ có làm ăn gì đâu.

Người đàn ông 2: ( Cười nói đùa )
-              Bộ hồi đó làm đặc công thủy chưa đã sao mà bây giờ còn làm thêm vụ này để đừng quên nghề cũ hả ông Chín?!

Ông Chín Tâm:
-              Cái nghiệp mà mày ơi! Ừ, mà bây coi chừng mấy đứa nhỏ con bây đó. Nó biết lội chưa à nghen.

Người đàn ông 2: ( Giật mình )
-              Ừ, ừ! Quên tụi nó mới tập lủm bủm thôi. Kỳ này nhờ ông Chín tập cho tụi nhỏ luôn.

Ông Chín Tâm: (Cười khà khà )
-         Ừ, mai mốt kêu nó xuống đây!   ( Fade out )

9. NGOẠI – SÂN TRƯỜNG CẤP I – NGÀY ( Fade in )

Hai người đàn bà cầm trên tay hai lá đơn, vào cổng trường. Họ vừa khóc vừa nói với Hiệu trưởng và cô giáo Xuân.

Người đàn bà 1: ( đưa đơn cho Hiệu trưởng )

-              Thầy ơi! Con tôi tới nay nó còn mê mê, tỉnh tỉnh. Ban đêm nó mớ, la um sùm hết. Tội lắm. Chắc nó không học nữa được đâu.

Người đàn bà 2: ( đưa đơn cho cô giáo )
-              Cô ơi! Con tui nó sợ hãi quá, nó cứ nói nhảm hoài. Chắc nó bị thần kinh luôn quá cô ơi…

Lê Lộc:
-              Thôi! Mấy dì cứ yên tâm, để nhà trường giải quyết phụ đạo thêm sau khi mấy em ra viện.

( Giữa lúc đó có người đưa thư trờ tới )

Người đưa thư:
-         Có thư khẩn đây thầy Hiệu trưởng ơi!

( Hiệu trưởng Lê Lộc mở thư đọc chăm chú )

Âm thanh ( of trên hình lá đơn và mặt Hiệu trưởng )

-              Thông báo, tình hình các em học sinh bị nạn do không biết bơi, do người lớn thiếu quan tâm càng lúc càng nhiều. Mới đây có trường hợp ba em chết chìm do té xuống sông. Yêu cầu các trường lưu ý. Sở Giáo dục-Đào tạo.

( Đọc xong Hiệu trưởng hoảng hốt, mồ hôi ra ướt cả cặp kính cận. Ông ta ngước lên nhìn xa xa – Fade out )

10. PHỤC HIỆN ( Fade in – đổi gam màu )

Mấy đứa trẻ bị lật xuồng hụp hửi, kêu cứu. Mấy đứa trẻ khác rơi từ cầu khỉ xuống rạch. Một số đứa với tay bám vào rễ lục bình – Hình ảnh này được thể hiện trong một điệu nhạc và âm thanh có tiếng vang ( Echo ) – Fade out.

11. NGOẠI – CÂU LẠC BỘ BẾN SÔNG – NGÀY ( Fade in )

Ông Chín Tâm đang hì hục cặm sào với thằng Nước bên mấy đứa nhỏ lội lủm tủm. Trên bờ, mấy đứa trai ở xóm cởi trần, quần cụt ngồi chờ tập lội. Trong lúc đó, hai cán bộ thanh tra ngành giáo dục và ngành giao thông đi tới.

Thanh tra giáo dục:
-         Chào ông Chín, ông đang làm gì đấy?

Ông Chín Tâm:
-         Hả, ông là ai mà biết tui?

Thanh tra giáo dục:
-              Dạ, cháu đây là Thanh tra của Bộ Giáo dục-Đào tạo, còn đây là Thanh tra bên Bộ Giao thông-Vận tải. Hôm nay tới viếng câu lạc bộ của ông và sau đó có vài chuyện cần bàn.

Ông Chín Tâm:
-         Vậy hả! Thôi, ngồi ở mé sông này cho mát.

( Ông Chín kéo ghế mời khách ngồi )

Thằng Nước: ( nói vọng từ dưới sông lên )
-         Ông ơi! Vậy là tập được chưa?

Ông Chín Tâm:
-              Được rồi, tụi bây tập đi. Tập lội gần rồi từ từ lội xa. Còn tập cứu người thì lát nữa ông dạy. Phải sặc nước một hai cái mới lội giỏi nghe bây…

( Thằng Nước ngoắc mấy đứa trẻ.
 Chúng nhảy lần lượt xuống ôm cây sào tập lội )

Thanh tra giáo dục:
-         Câu lạc bộ của Bác hoạt động lâu chưa?

Ông Chín Tâm:
-         Chừng hơn nửa tháng nay.

Thanh tra giáo dục:
-         Bác tập bao lâu thì trẻ biết bơi?

Ông Chín Tâm: ( với tay quăng mấy trái dừa khô và bập bè )
-              Ôi, tui tập lẹ lắm, chừng vài ba bữa. Ăn thua đứa nào gan là học lẹ hè. Đứa nào mới vô thì tập lội bập bè hoặc là trái dừa khô. Đó, vậy đó ( Chỉ vào mấy đứa nhỏ đang tập lội bập bè hay dừa khô ); còn đứa nào khá rồi ôm sào lội qua lội lại coi như xong.

Thanh tra giáo dục: ( gật gù )
-         À! Thế à.

Thanh tra GT: (cầm xem các bảng chỉ dẫn giao thông thủy thu nhỏ)
-         Bác Chín ơi! Bác làm gì mà có mấy cái bảng nhỏ xíu này vậy?
Ông Chín Tâm:
-              Ừ! Tui làm câu lạc bộ này có thêm vụ dạy xắp nhỏ biết đọc mấy cái bảng giao thông thủy, đặng rồi từ từ dạy nó luật đường sông, luật giao thông đường thủy đó mà.

Thanh tra giáo dục: ( ngạc nhiên )
-         À, thế à! Nhưng mà sao Bác lại nghĩ ra chuyện này?

Ông Chín Tâm:
-              Có gì đâu. tui sinh ra rồi lớn lên ở vùng sông nước. Bức xúc nhiều chuyện lắm. Lâu rồi tui thấy chúng ta dạy đám trẻ chỉ Luật giao thông đường bộ thôi, còn đường thủy thì tụi nó dốt trất. Nghĩ vậy nên sẵn mở câu lạc bộ này nhờ mấy chú đường sông dạy nó luôn.

Thanh tra giao thông:
-         Vậy là bến sông nhà Bác thành tụ điểm tổng hợp rồi?!

Ông Chín Tâm: ( Cười khà khà )
-              Có gì đâu. Chú biết không, hồi đó chưa có Luật giao thông đường thủy, bà con ở vùng sông nước này đi theo Luật dân gian. Còn bây giờ thì phải học. Cách nay ba trăm năm cha ông mình đã cho ra luật “bát cạy” để tránh tai nạn, kể ra Luật đường thủy của mình còn có sớm hơn bên nước Pháp nữa đó.

( Thanh tra giao thông lấy giấy bút ra ghi lia lịa )

Thanh tra giáo dục: ( Vẻ trịnh trọng hơn )
-              Thưa Bác! Cháu đến đây còn có một việc nữa là mang thư phúc đáp của Bộ đến cho Bác. Bộ rất cảm kích tinh thần vì trẻ em của Bác.

Ông Chín Tâm: ( quay ra phía ngoài )
-         Kìa, ai in là thầy Lộc với cô Xuân kìa!

( Hiệu trưởng Lộc và cô Xuân bước tới )

Lê Lộc:
-         Xin chào Bác Chín! Chào các anh!

Cô giáo Xuân:
-         Xin chào   (ông Chín Tâm, TTGD, TTGT cùng chào )



Thanh tra giáo dục:
-              Nhân tiện có thầy Hiệu trưởng và cô Xuân tôi thông báo luôn. Bộ đã đồng ý để bác Chín đây làm nòng cốt xã hội hóa việc tập bơi cho các cháu, cho phép các trường tùy nghi sắp xếp để các em thoát dốt bơi lội. Sau này, dần dần Bộ sẽ nghiên cứu cải cách giờ thể dục cho phù hợp thực tế hơn. Sẽ cho qui chế riêng đối với vùng sông nước, vùng lũ việc phổ cập bơi lội theo đơn thỉnh nguyện của bác Chín đây.

Lê Lộc:
-              Ồ! Vậy là trường tôi sẽ nhờ bác Chín dạy cho các em ngay tháng này, trước khi mùa lũ đến.

Ông Chín Tâm:
-              Tập lội trên sông tự nhiên này thôi, chứ chờ có hồ bơi để mà dạy chính qui thì biết tới chừng nào.

Cô giáo Xuân:
-         Kìa! Coi kìa, mấy em nó lội giỏi quá rồi kìa.

Thanh tra giao thông:
-              Riêng bên ngành giao thông thủy cũng sẽ đề nghị Bộ ban hành qui chế thoát dốt luật giao thông đường thủy cho các em, các cháu phổ thông. Lấy vùng sông nước làm thí điểm. Có gì nhờ bác Chín làm tham mưu.

Ông Chín Tâm:
-              Bác sẵn sàng thôi. Với câu lạc bộ của Bác không cần tiền, chỉ cần mọi người nhiệt tình. Mong muốn của Bác là làm cho các bến sông giữ được nét văn hóa, sạch sẽ để mỗi bến sông trở thành nơi gắn bó với tuổi thơ đẹp đẽ của mấy đứa nhỏ. Tụi nó sẽ yêu quý quê hương sông nước của mình nhiều hơn.

( Hiệu trưởng Lê Lộc, cô giáo Xuân cùng hai thanh tra cùng hô to: “Hoan hô bác Chín”. Thằng Nước thì la lên: “Hoan hô ông Nội”. Mấy đứa trẻ tập lội cười đùa ngân vang một khúc sông ).

12. CHẠY CHỮ CUỐI ( trên hình trẻ tập lội )

HẾT PHIM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét