Bài viết về Nguyễn Trung Hiếu - một trong 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học Văn khoa - Đại học Tổng hợp - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM, được bình chọn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập. Bài vừa đăng trên website của Khoa Văn học và ngôn ngữ vào ngày 9.10.2017.
35 năm sau ngày ra trường, nhà làm phim tài liệu truyền
hình (TLTH) Nguyễn Trung Hiếu (NTH), cựu sinh viên Khoa Ngữ văn VN, ĐH Tổng hợp
TPHCM khóa 1978-1982, vẫn không ngừng dấn bước, để lại sau lưng từng bộ phim
trên mỗi dặm đời.
4 THÁNG, 3 PHIM
TÀI LIỆU
Dấn bước vào nghề và theo đuổi đến cùng, dẫu đã nghỉ
hưu tròn chục năm, NTH vẫn đứng ở vị trí tiên phong trong thể loại phim TLTH nhiều
tập do chính ông cùng đồng nghiệp bắt tay khai phá hơn 30 năm trước (1). Trong
những tháng cuối cùng của năm 2017, ông thực hiện cùng lúc 2 dự án phim “Biến đổi
khí hậu ở ĐBSCL” (10 tập, hợp tác với Đài THVN) và “Ngược dòng Mekong” (30 tập,
hợp tác với Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long).
Vậy là danh mục tác phẩm NTH sắp chạm đến con số không
tưởng: 341 phim/tập phim TLTH và 302 kỳ tạp chí truyền hình (TCTH) (2). Sở dĩ chúng
tôi dùng 2 chữ “không tưởng” bởi nhà làm phim kỳ cựu đất Chín rồng (3) đạt năng
suất lao động cực cao. Cứ 4 tháng là làm xong 3 phim TLTH, cộng thêm cứ 3 tháng
lại đưa 2 kỳ TCTH lên sóng. Mà trong hầu hết trường hợp, ông cùng lúc đảm nhiệm
3 vai trò chủ chốt là làm đạo diễn, viết kịch bản và viết lời bình.
Đây không phải năng suất đột biến của một nhà làm
phim ở đỉnh cao phong độ, mà là năng suất bình quân của cả một đời văn. Nó cho thấy
ngọn lửa sáng tạo luôn rực cháy trong ông, nóng bỏng và bền bĩ một cách lạ thường,
nâng bước chân nghệ sĩ trên những dặm đời đầy trắc ẩn.
TÍNH PHẢN BIỆN CỦA
MỘT ĐẠO DIỄN
Dấu ấn NTH trên làn sóng hình lớn nhất ĐBSCL được đồng
nghiệp cả nước biết đến từ năm 1987, khi phim TL “Chuyện xã tôi” (do ông viết kịch
bản và lời bình) được Đài TH Cần Thơ công chiếu, đoạt huy chương vàng đầu tiên tại
liên hoan TH toàn quốc đầu tiên. Đạo diễn phim TL kỳ cựu ở miền Trung - NSƯT
Đoàn Huy Giao nhớ lại: “Khi gặp NTH thì không riêng gì tôi, mà giới làm phim TL
trong nước, mà cũng không riêng gì giới làm phim TL của TH mà là giới làm phim TL
chung trong cả nước, thì ảnh đóng đinh trong một cái việc cực kỳ quan trọng. Bởi
vì đó là một ý thức phản biện xã hội rất lớn vào cái thời kỳ cực kỳ gay go của
đất nước mình, là thời kỳ bao cấp. Anh Hiếu đi theo anh Bảy Triển (4) - tôi cho
anh Bảy Triển là người anh hùng, anh hùng trong cái chuyện phản biện đó. Phim “Chuyện
xã tôi” nó dẫn dắt anh Hiếu trong cả cái đời làm phim TL sau này”.
Giữa lúc cả xã hội đang chờ đợi giới truyền thông “nhìn thẳng, nói
thật” thì NTH chọn ngay làng quê Ba Trinh, huyện Kế Sách, Sóc Trăng của mình để
phơi bày hiện thực. Giá trị thuyết phục của phim càng tăng cao khi chính NTH xuất hiện để dẫn
dắt câu chuyện, đồng nghĩa với việc nhận trách nhiệm.
Sự thẳng thắn và hiện thực của phim đã làm rung động lòng người lúc bấy
giờ, nhất là những nhà nông từng trải. Nhiều khán giả đồng tình, hết lời khen
ngợi, đồng nghiệp đánh giá cao giá trị hiện thực của bộ phim trong thời kỳ bắt
đầu đổi mới, dù không ít nhà quản lý nặng lời tranh cãi về cái cách nhìn thẳng,
nói thật như thế.
Vẫn với cách nhìn phản biện xã hội ấy, NTH lại tiếp tục dấn bước sâu
hơn vào dặm đường sáng tác đầy chông gai - khai thác đề tài chống tham nhũng. Năm
2001, phim TL “Vong thề” ra đời. Hàng chục năm sau, PGS-TS Nguyễn Kim Châu, Phó
trưởng khoa KHXH&NV- Trường ĐH Cần Thơ, vẫn còn ấn tượng: “Đó là cảm xúc về
tính chân thực của những thước phim do một nhà đạo diễn, một nhà biên kịch có
tài, có tâm huyết và dám nói, thậm chí là nói rất mạnh về các vấn đề của đời
sống với cái chất chính luận hết sức mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng là cái bộ phim của
anh NTH không chỉ có ý nghĩa cảnh tĩnh mà nó còn thể hiện rõ một ý nghĩa xây
dựng. Nó có cái tác động rất lớn đối với đời sống”.
Chỉ với 2 bộ phim TL mang tính chất phản biện xã hội
vừa nêu, NTH có chỗ đứng rất riêng trong lòng khán giả. Nhưng cũng cần nhắc đến
bộ phim được ông thực hiện ngay sau khi ra trường.
Mùa khô năm 1983, toàn bộ rừng U Minh Thượng và U
Minh Hạ bị lửa thiêu rụi. Lập tức NTH cho ra đời kịch bản "Sau bức màn
xanh”, rồi cùng đồng nghiệp Trần Chí Kông cầm máy quay lao vào vùng cháy. Bộ
phim TL cùng tên khi công chiếu năm 1984 đã gây ra tác động đặc biệt. Với tư
duy phản biện sắc sảo, NTH đã “vén màn” chỉ ra sự thật: Chính cung cách quản lý
tách dân ra khỏi rừng, cắt đứt mọi quyền lợi được thiết lập ngay từ thời khẩn
hoang khiến lòng dân bùng cháy. Ra đời 3 năm trước khi Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ 6 chính thức khẳng định con đường đổi mới, xác lập thái độ nhìn
thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, song với cách trình bày “có lý có tình”, phim vẫn
tạo được sự thuyết phục trong các cấp lãnh đạo, dẫn tới việc ban hành chính
sách “giao đất, giao rừng”. Ở thời điểm “đêm trước đổi mới”, đây quả là trường
hợp hy hữu!
PHO BIÊN NIÊN SỬ
VỀ MIỀN TÂY NAM BỘ
Vụ cháy cũng đánh thức ở NTH tình yêu thiên nhiên vô
tận, khiến ông thường xuyên trở đi trở lại với dòng mạch cảm hứng về rừng, trở
thành nhà làm phim lên tiếng sớm nhất, bền bĩ nhất về vấn đề bảo vệ môi trường.
Cuối năm 1997, cơn bão số 5 có tên gọi quốc tế là
Linda tàn phá ĐBSCL với mức độ khốc liệt chưa từng có. NTH góp tiếng kêu thảng
thốt “Rừng ơi!” qua bộ phim TL đoạt huy chương vàng Liên hoan TH toàn quốc năm
1998. Một huy chương vàng khác dành cho “Vua tràm Đồng Tháp Mười” do ông thực
hiện năm 1999, khắc họa chân dung người nông dân sống chết với rừng. Cũng trên
dòng phim này, khi làn sóng phá rừng tưởng như không còn gì cản nỗi, NTH vẫn
thiết tha qua “Thông điệp rừng ngập mặn Tây Nam Bộ”, nhắn nhủ xã hội cách ứng xử
cần có với thiên nhiên, đoạt huy chương bạc Liên hoan TH toàn quốc năm 2007. Đặc
biệt năm 2010, sau khi nghỉ hưu 3 năm, NTH nhận thực hiện dự án phim TLTH nhiều
tập trên qui mô quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Quá trình làm phim kéo
dài đến năm 2012, sản xuất tổng cộng 17 tập, mô tả thực trạng BĐKH khắp 3 miền,
trở thành một trong những bộ phim xuất sắc nhất VN về vấn đề BĐKH.
Men theo dòng chảy đa dạng của cuộc sống, nhà làm phim hầu như không bỏ
sót mảng hiện thực nào. NTH dày công nghiên cứu lịch sử của các tôn giáo để làm
phim.Mọi tôn giáo đều tồn tại hợp lý theo vận nước và thời cuộc. Dù là tín đồ
tôn giáo nào thì họ vẫn là bà con mình, là công dân nước mình. Với cách nhìn
đó, ông đã đến với “Người Hòa Hảo”, bộ phim trình bày mạch lạc lịch sử hình
thành và sinh hoạt tôn giáo chân chính. Ông khẳng định những giá trị tinh thần,
các yếu tố tâm linh đã giúp hàng triệu người sống tử tế, lao động sản xuất
giỏi, làm tròn nghĩa vụ công dân.
NTH lại đến với tôn giáo Cao Đài. Ông gặp gỡ, khai thác những tín đồ
Minh Chơn yêu nước, xưa tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, nay hết lòng đóng
góp xây dựng đất nước. Những tín đồ chân chính ấy được Mắt Trời soi xét để luôn
xứng đáng là công dân nước Việt (phim “Cao Triều Phát– lãnh tụ Cao Đài kháng
chiến”).
NTH tập trung nhiều thời gian để nghiên cứu Phật giáo. Ông giữ vai trò
chủ biên và tổng đạo diễn cho loạt phim “Phật giáo VN đồng hành cùng dân tộc”,
gồm 14 tập. Phim đúc kết một cách có hệ thống lịch sử đạo Phật ở VN suốt hàng
ngàn năm. Qua đó, khẳng định những giá trị văn hóa, sự đóng góp tích cực của
tôn giáo này trong từng giai đoạn thăng trầm của đất nước.
Tác động đến tâm lý sáng tác của NTH còn là vấn đề biến đổi nhận thức
con người về giá trị văn hóa. Ông băn khoăn trước nguy cơ mai một của những di
sản tinh thần. Ông trăn trở trước thực trạng mất dần những di sản vật chất. Bởi
vậy, nhà làm phim dành trọn tình cảm và thời gian cho các đề tài thuộc dòng
phim “đất nước, con người”. Mỗi tác phẩm của NTH ở dòng phim này có thể hiểu
như một công trình nghiên cứu. Ông sưu tầm nhiều sử liệu quý, khai thác văn học
dân gian để đưa vào phim.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NTH dành nhiều thời gian cho dòng
phim “hiện thực kháng chiến”. Ông làm sống lại kho tư liệu của Xưởng phim Giải
phóng miền Tây Nam Bộ với hàng loạt tác phẩm theo dòng phim này.
Qua khối lượng tác phẩm đồ sộ. nhân vật số một trong
phim TL NTH là nhân dân, nói cụ thể hơn là nông dân (ND) miền Tây Nam Bộ (TNB).
Chất TNB xuất hiện trong mọi thước phim của ông cho dù nói về đề tài gì, bởi vì
cách nghĩ cách cảm của ND, lời ăn tiếng nói của ND, phong tục tập quán của ND,
sinh hoạt văn hóa văn nghệ của ND đã thấm sâu vào ngôn ngữ điện ảnh, tạo thành
phong cách phim TL NTH không trộn lẫn với bất cứ tác giả nào khác. Có thể nói phim
TL NTH là pho biên niên sử về miền TNB, phản chiếu nhiều lĩnh vực, trải rộng
nhiều địa bàn, gồm đủ các dân tộc và tôn giáo tiêu biểu. Bởi vậy, đồng nghiệp gọi
ông là “thổ địa miền Tây”.
Được Đài THVN chọn mời làm giảng viên cho các khóa đào
tạo mở khắp 3 miền, NTH nghiễm nhiên trở thành bậc thầy trên lĩnh vực sở trường.
Ông Vũ Văn Quang, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Đài THVN, nhận xét: “Đạo diễn
NTH không chỉ là một tác giả lớn, mà còn là một nhà sư phạm với những cái
phương pháp rất là hiện đại. Những khóa do ông đào tạo như “Đạo diễn phim TL”
thực sự là những khóa học rất bổ ích. Ông là một nhà sư phạm giỏi, một người có
nhiệt huyết và luôn luôn hết mình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm làm phim
cho đồng nghiệp trẻ, những người tiếp nối sự nghiệp của mình. Đấy là những đóng
góp rất thầm lặng, nhưng mà rất quan trọng”.
***
Những gửi gắm của NTH trong phim mãi khắc sâu trong lòng
đồng bào, đồng nghiệp. Tấm gương lao động sáng tạo không mệt mõi của ông vẫn từng
ngày tỏa sáng, tạo niềm tin cho lớp trẻ say nghề. Đời văn của ông là một đời dấn
bước!
LÊ VŨ TUẤN
(1) Phim TL 9 tập “Đất trẻ mười năm” do Đài TH Cần
Thơ sản xuất năm 1985, đầu tiên ở VN.
(2) TCTH là thể loại phụ của phim TLTH, giúp phát
huy ưu thế số 1 của màn ảnh nhỏ là tính định kỳ. Vào năm 1986, chính NTH đã đề
xuất và trực tiếp thực hiện TCTH đầu tiên ở VN dưới tên gọi là “Chuyện ở huyện”
phát sóng định kỳ hàng tuần, mỗi kỳ 15 phút, kéo dài đến năm 1989, được tổng cộng
144 kỳ.
(3) NTH sinh ngày 6.11.1952 tại xã Ba Trinh (nay là Trinh
Phú), huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Năm 1967, ông thoát ly gia đình vào vùng căn cứ
kháng chiến. Từng làm điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng miền TNB, phóng
viên quay phim của Xưởng phim Giải phóng
miền TNB trước khi học đại học. Sau khi ra trường, về công tác tại Đài TH Cần
Thơ - Trung tâm THVN tại TP Cần Thơ cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2007, ông được
phong danh hiệu NSƯT đầu tiên trong ngành TH ở ĐBSCL.
(4) Tức đạo
diễn Lê Châu, tên thật là Châu Ngọc Tiếp, nguyên Trưởng phòng Điện ảnh TNB,
nguyên Phó Giám đốc Đài TH Cần Thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét