(Tạm thời chưa có phim)
LỜI BÌNH
1.-Tượng đài đoàn kết dân tộc và các phù điêu thể hiện lịch sử đấu tranh của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa:
Trải qua biết
bao thăng trầm của lịch sử, 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam thiêng
liêng này vẫn chung lưng đâu cật chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên
; chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm ; chung lòng đấu tranh chống lại các thế
lực áp bức ; sẵn sàng hy sinh vì một Tổ Quốc Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do.
Trong những thành tựu được đúc kết và ghi
tạc ở từng giai đoạn lịch sử của Đất Nước, có sự đóng góp to lớn của đồng bào
Khmer Nam bộ.
Từ những năm đánh đuổi thực dân Pháp đến
thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên tất cả các mặt trận đấu tranh đều có
sự tham gia tích cực của đồng bào Khmer Nam bộ.
Trong những năm
xây dựng và đổi mới, với truyền thống đoàn kết ấy, đồng bào Khmer Nam bộ lại
tiếp tục kề vai sát cánh, cùng với người Việt, người Hoa, chung tay chung sức
vượt qua mọi khó khăn thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực xóa hẳn
nghèo nàn, lạc hậu ; duy trì xã hội ổn định ; phát triển Đất Nước một cách vững
chắc dưới ngọn cờ đoàn kết dân tộc.
( Tựa phim
trên hình tượng đài)
2.-Sông rạch thời hoang hóa, các phương thức sản xuất lúa nước:
Đồng
bào Khmer Nam bộ là một trong những tộc người thuộc Nam Á – Đa Đảo có mặt ở đây
khá sớm.
Với bản
chất cần cù, yêu lao động, thật thà chất phác ; họ đã tiếp cận, thích nghi
phong thổ vùng đồng bằng ngập nước, sáng tạo các phương tiện sản xuất và khai
thác tiềm năng thiên nhiên.
Tiến
sĩ Trần Thanh Pôn : “Người bản địa có kinh nghiệm lao động sản xuất từ
lâu đời về trồng lúa nước, khai phá rừng. Sau đó một số lưu dân từ miền Bắc,
miền Trung vào thì hòa nhập với tính năng sản xuất lúa nước. Ngày nay phương
thức sản xuất của người Khmer Nam bộ và người Việt gần giống nhau 99%. Rõ ràng,
ngay từ buổi đầu đã có yếu tố đoàn kết để phát triển cuộc sống”.
3. Hai cây cổ thụ, khu mộ ông Điều Bát Nguyễn Văn Tồn
; lễ giỗ ông Tồn ; người Việt, người Khmer đến cúng :
Như
loài cây bao giờ cũng có cội rễ, người đời sau luôn ghi tạc công lao của những
người có công với Nước.
Đây là
khu lăng mộ của Tiền quân Thống Chế Điều Bát ở huyện lỵ Trà Ôn, Vĩnh Long. Ông
tên là Duồl, một người Khmer Nam bộ có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất
Trà Ôn – Mang Thít vào những năm 80 của thế kỷ XVI, và chiêu mộ dân công tham
gia đào kinh Thoại Hà, Vĩnh Tế vào đầu thế kỷ XVII.
Ông
Duồl còn được bà con Trà Ôn gọi là Tồn. Ông Tồn sinh năm 1763 tại Tiểu Cần, Trà
Vinh và mất vào mùng 4 tháng giêng năm Canh Thìn 1820. Vì vậy, dân gian có câu
: “Ai ơi nhớ ghé Trà Ôn, tháng giêng mùng bốn cúng ông Ngọc Hầu”.
( # )
Đến ngày giỗ ông Tồn, người Kinh từ các
xóm cồn, các ấp Cù lao ; người Khmer, các vị sư sãi từ các chùa các sóc ; người
Hoa từ các chợ xã, chợ huyện ; kéo về cúng viếng trong niềm tôn kính bậc “tiền
hiền khai khẩn”.
Lễ hội
giỗ ông Duồl, Thống Chế Điều Bát hình thành từ sau ngày ông mất không lâu. Tính
ra đã hơn 150 năm, các thế hệ người Kinh, người Khmer, người Hoa ở đây vẫn một
lòng chiêm ngưỡng công đức của một con người hết lòng “Tì Quốc Hộ Dân”, và họ
đã ngợi ca : “Đức nghiệp tịnh sơn hà, hinh hương tứ hải, Huân danh chiêu nhật
nguyệt tư cập thiên thu” – Nghĩa là : Đức nghiệp đọng ở núi sông, hương thơm
tỏa ra bốn biển ; danh lớn phải trải tháng ngày, đền vững thiên thu.
Ông
Huỳnh Xịt, người dân Trà Ôn : “Bà con tới đây là để đốt nén hương nhớ
tới công lao của ông, để hưởng cái lộc của ông để lại. Con cháu sau này nhớ mãi
công trạng của ông”.
4. Hòa tấu dàn nhạc Khmer với dàn nhạc Kinh :
Như
vậy, mối đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh, Khmer đã hình thành ngay từ buổi đầu
khẩn hoang. Và, bản hòa tấu này là biểu tượng của tinh thần cao đẹp ấy truyền
mãi cho đời sau.
( # )
5. Đất hoang, nông dân Khmer, nông dân Kinh nhìn ; con
rạch, ông nông dân phát cỏ, tranh nông dân Bạc Liêu chống địa chủ ở Đồng Nọc
Nạn :
Thuở
xưa, khi Nam bộ còn là một vùng hoang hóa rộng lớn, nhiều thế hệ nông dân, dù
đó là dân tộc nào, ở trước hay đến sau, đều có chung một mục đích là tìm kế
sinh nhai. Bởi thế, họ ra sức đào kinh khơi luồng, dẫn thủy nhập điền, biến đất
phèn chua thành đồng lúa, rẫy khoai … Hết lớp người này đến lớp người khác, họ
thay nhau ném từng nhát phảng, nèo từng gốc năng, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới
vỡ đất hoang.
Thế
nhưng, mọi chuyện nào có yên lành - Người nông dân Khmer này đã từng chứng kiến
nỗi khổ kiếp tá điền của cha mình ở Bạc Liêu … Làm lụng vất vả quanh năm, cuối
cùng lúa hột lọt vào bồ địa chủ. Hết tô lại tức, người tá điền tay trắng vẫn
trắng tay.
Cùng bị
áp bức bất công, bất kể là người Việt, người Khmer hay người Hoa, đều một lòng
đứng lên. Cuộc đấu tranh của nông dân làng Ninh Thạnh Lợi do Chủ Chọt và Sam
Đach Nhum chỉ huy ; cuộc đấu tranh của nông dân Việt, Khmer ở Đồng Nọc Nạn … đã
chứng minh rõ ràng tinh thần đoàn kết ấy.
( # )
6. Tàu Pháp vào Việt Nam, lính Pháp lên bờ, các bức
tranh thể hiện khởi nghĩa :
Lịch
sử còn ghi rõ, ngay sau khi thực dân Pháp xâm lược, nhất là lúc mất 3 tỉnh miền
Đông, rồi sau đó là 3 tỉnh miền Tây ; nhân dân Nam bộ không phân biệt dân tộc
hay tôn giáo, địa phương hay vùng miền ; đã đoàn kết một lòng vùng lên kháng
chiến.
Mở đầu
cho truyền thống đoàn kết đấu tranh của các dân tộc ở Nam bộ là sự ủng hộ và
trực tiếp tham gia chiến đấu của người Khmer trong cuộc khởi nghĩa do Trương
Quyền và nhà sư yêu nước PôKumpô tổ chức và lãnh đạo.
Tiếp
sau đó là các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, người Khmer luôn sát cánh
bên người Việt cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự kiện đánh úp đồn Kiên
Giang ngày 16/6/1868 đã khẳng định điều đó.
Trong
số những người chỉ huy giỏi của Nguyễn Trung Trực có Thạch Pút, ông đã dùng hỏa
công kết hợp với các loại vũ khí tự chế đánh chiếm đồn và giết trên 70 tên giặc
Lang sa.
Chiến
công đó của Thạch Pút đã khẳng định thêm câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trung
Trực : “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
7. Tòng quân chống Pháp, Anh hùng Sơn Ton :
Dưới
ngọn cờ đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống đoàn kết dân tộc càng
được phát huy cao độ. Đồng bào Khmer Nam bộ đã tích cực tham gia Hội Isarak,
đưa con em mình vào lực lượng kháng chiến. Họ nhận thức sâu sắc rằng, vận mệnh
và quyền lợi của dân tộc người mình chính là vận mệnh và quyền lợi chung của cả
nước. Chính vì thế, nhiều thanh niên Khmer Nam bộ đã hăng hái lên đường tòng
quân.
Ông Sơn
Ton, người có mặt trong đoàn quân ấy ngay từ những năm đầu đánh Pháp. Từ một du
kích, qua hàng trăm trận đánh thắng ông trở thành đại tá Anh hùng Lực lượng vũ
trang.
Ông
Sơn Ton nói : “Tôi là người dân tộc Khmer sinh ra ở Nam bộ, chung sống
với cộng đồng các dân tộc anh em. Khi lớn lên ở quê hương ĐBSCL này, tôi thấy
đế quốc Pháp xâm lược, đàn áp các dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer Nam bộ. Từ
đó tôi suy nghĩ là phải đi tham gia kháng chiến”.
8. Tòng quân chống Mỹ, cầu Vĩnh Châu nơi Anh hùng Lâm
Tương đánh trận :
Tinh
thần đó được truyền đến nhiều lớp thanh niên Khmer Nam bộ thời chống Mỹ. Từ đó
họ đã không quản thiếu thốn, không sợ ác liệt, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của
Tổ Quốc.
Có
những chiến sĩ Khmer Nam bộ gan dạ kiên
cường - Họ đã mưu trí dũng cảm giành thắng lợi hết trận này đến trận khác. Có
những thời điểm khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng với lòng
yêu nước, họ đã làm nên chiến thắng. Đây là một trong những trận địa ở thị trấn
Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi chiến sĩ Lâm Tương cùng đồng đội lập chiến công
vang dội, đánh sập cầu, diệt hàng trăm tên địch, và anh trở thành Anh hùng lực
lượng vũ trang !
( # )
9. Nghĩa trang Trà Vinh, bia anh Thạch Rinh, tượng 2
bà mẹ Việt và Khmer cầm chung một chiếc khăn, phù điêu các mẹ giương biểu ngữ,
mẹ VNAH Lý Thị Sáu
Biết
bao người con Khmer Nam bộ đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng này …
( # )
Thạch Rinh, một
chiến sĩ đặc công Trà Vinh đã oanh liệt hy sinh vào giờ phút cuối cùng giải
phóng tỉnh nhà …
… Và như thế, những bà mẹ Việt, Khmer đều
có chung niềm vinh quang và cả nỗi đau !…
Có biết bao bà mẹ Khmer Nam bộ vừa lặn
lội nuôi chồng con đi kháng chiến vừa tham gia đấu tranh trực diện, đòi địch
không bắn phá vào chùa chiền, phum sóc; đòi hòa bình cơm áo ; và sẵn sàng dâng
hiến đến đứa con cuối cùng cho Tổ Quốc.
Mẹ
Lý Thị Sáu là một trong những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như thế.
Những lúc thư thả mẹ thường hay kể chuyện
xưa cho con cháu nghe, và bà nhắc mãi lời nói của Bác Hồ.
Mẹ Lý Thị Sáu nói : “Bác Hồ nói đi theo cách mạng để giải phóng dân
tộc khỏi nô lệ, áp bức. Tui thấy vậy phải lắm nên cho đứa thứ hai, đứa thứ tư,
đứa thứ bảy đi rồi tới cha nó đi luôn”.
10. Tư liệu sư sãi chống bắt lính, chùa xúc lúa đóng
góp cho cách mạng. Chùa Mới Trà Vinh, các nhân vật sư sãi tham gia tiếp thu ;
30/4/1975 ở Trà Vinh :
Ngay từ
phong trào đồng khởi năm 1960, đồng bào Khmer Nam bộ luôn kề vai sát cánh cùng
các dân tộc anh em, đóng góp cho cách mạng cả sức người lẫn của.
Nhiều
gia đình bà con Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh đã gởi hàng trăm giạ lúa vào chùa
để khi cách mạng cần đem ra đóng đảm phụ giải phóng, nuôi quân, đánh giặc.
Nhiều
ngôi chùa là cơ sở hoạt động bí mật. Đoạn tư liệu này quay được vào ngày
30/4/75, lúc sư sãi Chùa Mới kéo đến dinh tỉnh trưởng Trà Vinh kêu gọi đầu
hàng.
Ông
Thạch Minh Mẫn lúc bấy giờ là cán bộ chỉ đạo khởi nghĩa, còn nhà sư Sơn Son là
người trực tiếp thuyết phục tên tỉnh trưởng đầu hàng.
Nhà
sư Sơn Son nói : “Tôi nói với tỉnh trưởng Trà Vinh, Đại tá đầu hàng vô
điều kiện đi, Việt cộng đã bao vây thị xã này hết rồi, phải bỏ súng thôi”.
Với sức
mạnh ba mũi giáp công của ta, tên tỉnh trưởng Trà Vinh buộc phải kêu gọi binh
sĩ buông súng đầu hàng. Tỉnh Trà Vinh được giải phóng sớm nhất ĐBSCL.
( # )
11. Tư liệu mừng đại thắng 30/4/75, bà con Khmer vui :
Miền
Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải … Đại thắng thuộc về đại gia
đình các dân tộc Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của đồng bào Khmer
Nam bộ.
Đại
đức Danh Dĩnh - Hội Đoàn Kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang : “Người
Khmer ở Việt Nam là dân tộc Khmer của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
gồm 54 dân tộc anh em. Người Khmer, người Hoa xem đây là Tổ Quốc chung. Do đó
họ đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, họ tham gia kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ để thống nhất đất nước ; họ có nghĩa vụ và quyền lợi gắn liền với Tổ
quốc Việt Nam”.
12. Đồng lúa, ngôi chùa có chim bay và đáp làm tổ,
người vào chùa, tụng kinh, niệm Phật :
Rõ
ràng, phải trải qua biết bao gian khổ ; thiên tai, địch họa ; các dân tộc ở Nam
bộ mới có được vùng ĐẤT LÀNH !…
( # )
Ngôi
chùa là chốn thiêng liêng của đồng bào Khmer Nam bộ. Bởi lẽ, từ lúc sinh ra,
lớn lên đến khi lâm chung … mọi niềm vui, nỗi buồn đều gởi gắm ở chùa.
Theo
tập quán cư trú, đồng thời cũng do nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, thường là mỗi
sóc có một ngôi chùa.
Tùy
thuộc năng lực đóng góp của bà con bổn sóc mà ngôi chùa có quy mô lớn hay nhỏ.
Do đó ngôi chùa còn là biểu tượng của sự phát triển kinh tế và tôn giáo của
đồng bào Khmer Nam bộ.
Toàn
vùng ĐBSCL có đến 436 ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa. Nhiều ngôi chùa có lịch sử
5, 6 trăm năm được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích.
Sau hơn
10 năm thực hiện chính sách 134, 135 của chính phủ, nhiều phum sóc ở Nam bộ có
cuộc sống khá giả hơn, cũng vì vậy việc sinh hoạt tôn giáo và văn hóa ở các
ngôi chùa ngày càng phong phú hơn.
13. Các sư sãi tụng kinh, các phật tử chắp tay tụng
kinh, tượng Phật tỏa hào quang, tư liệu máy bay, ném bom, nổ, chùa sập, tượng
Phật đổ nát, nhà sư lượm kinh Phật ; sư sãi ngồi xem mảnh bom :
Hầu hết
đồng bào Khmer Nam bộ theo Phật giáo tiểu thừa, nên việc bà con trong sóc đến
chùa cúng viếng, tụng niệm diễn ra hàng ngày. Ngôi chùa cũng chính vì thế mà
gắn bó tình cảm sâu sắc đối với biết bao đời người – Ngôi chùa không chỉ là nơi
thờ Phật, mà còn là chỗ gởi cốt của tổ tiên, cha mẹ, người thân … Bởi thế, làm
sao tin được, khi giặc coi chùa là mục tiêu ném bom ? Vậy mà, trong các năm
1968, 1969, 1970, ở ĐBSCL có hơn 20 ngôi chùa đã bị phá hủy như thế !
( # )
Kinh
Phật từng dạy rằng, “Người làm lành sẽ gặp lành ; kẻ làm ác phải gặp ác” - Điều
mà bất cứ phật tử nào cũng nhận thấy từ quy luật nhân - quả (!)
Các nhà
sư giữ lại những mảnh bom này không mục đích nào khác, là cầu nguyện cho từng
thỏi kim loại vô tri kia biết ngân lên hai tiếng “Hòa Bình”.
( #
- Tiếng chuông chùa )
14. Chùa buổi sáng có nắng xuyên qua nóc, người gióng
chuông, người thanh niên xuống tóc, dâng bông cho cha mẹ, ngồi tụng, ra khỏi
chùa :
Theo
tập quán tôn giáo của đồng bào Khmer Nam bộ, con trai trong sóc từ 12 tuổi trở
lên đều có thể đi tu. Họ quan niệm, tu 10 năm đầu là để trả ơn Mẹ, tu tiếp sau
20 tuổi là để báo hiếu cha. Như vậy với họ tu không phải để thành Phật mà tu để
làm người có nhân cách. Ngôi chùa cũng chính vì vậy mà được xem là ngôi trường
đầu đời của biết bao thế hệ thanh niên.
Trong
môi trường tu, học đó ; nhiều người con Khmer Nam bộ trở thành cán bộ lãnh đạo
có uy tín.
Ông
Sơn Phước Hoan ; Trưởng cơ quan Ủy ban Dân tộc Khu vực ĐBSCL : “Dưới sự
lãnh đạo của Đảng CSVN, đồng bào Khmer Nam bộ luôn xuất hiện những con người ưu
tú, có năng lực và tâm huyết. Từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ hay trong
giai đoạn xây dựng, nhiều người Khmer, trong đó có sư sãi đã trở thành các nhân
vật có cương vị lãnh đạo, đóng vai trò
cầu nối của khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em”.
15. Tư liệu chân dung các lãnh tụ Khmer Nam bộ tiêu
biểu :
Đoạn tư
liệu này cho phép chúng ta gặp lại các vị :
- Maha Sơn Thông, Khu ủy viên, Trưởng Ban
Khmer vận khu Tây Nam bộ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội.
- Huỳnh Cương, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc
Giải phóng khu Tây Nam bộ , cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền
Nam Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa III, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng
Ban Dân tộc Trung ương Đảng.
- Hòa Thượng Sơn Vọng, Phó Chủ tịch Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa Bình
Thế giới miền Nam Việt Nam.
-
Hòa Thượng Hữu
Nhem, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
… Và nhiều vị cao tăng, trí thức đã và
đang cống hiến cả cuộc đời cho đạo Pháp và khối đại đoàn kết dân tộc.
( # )
16. Các sư học ở trường Pali, tư liệu học bình dân
thời kháng chiến, học sinh ngày nay :
Theo
dòng thời gian, sự kế tục của các thế hệ trí thức trong xã hội Khmer Nam bộ
càng được khẳng định.
Ngoài
các trường chuyên dạy tiếng Pali cho các vị sư sãi, mỗi năm còn có hàng ngàn
cán bộ, giáo sinh Khmer được đào tạo chính quy hoặc bồi dưỡng ngắn hạn nhằm
nâng cao trình độ giảng dạy và học tập ngôn ngữ mẹ đẻ trong cấp học phổ thông.
Công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ đã được Đảng và Nhà
nước quan tâm ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó là
thời chống Mỹ - Một chính sách nhất quán và xuyên suốt cho đến ngày nay.
Ông
Lâm Es, nhà giáo nhân dân : “Trong thời chống Pháp đã có chính sách giáo
dục rõ ràng, chẳng hạn có phong trào bình dân, chống giặc dốt. Trong thời chống
Mỹ có trường Samaki. Hiện nay càng thấy rõ hơn, đặc biệt bản thân tôi là nhà
giáo nhân dân, đã tập hợp anh em giáo viên Khmer lại để thực hiện chỉ đạo của
Bộ Giáo dục – Đào tạo, biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Khmer cấp 1, cấp 2,
cấp 3 cho con em Khmer Nam bộ học”.
17. Lớp học chữ Khmer ; tư liệu Bác Hồ nói chuyện với
học sinh các dân tộc thiểu số :
Ở Nam
bộ, tập trung nhất là vùng ĐBSCL, mỗi năm có đến hàng chục ngàn giáo viên tiếng
Khmer trực tiếp giảng dạy chương trình giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ cho con em
mình ở các phum sóc, hoặc ở các trường dân tộc nội trú.
Có được
những thành tựu về công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc hôm nay, càng
nhắc nhớ sự dày công bồi dưỡng, đào tạo mà Bác Hồ đã quan tâm từ rất sớm đối
với con em các dân tộc ít người.
Trong
đoạn tư liệu này có một cậu thiếu niên Khmer tên Pôl, tập kết từ Bạc Liêu. Năm
đầu tiên học tập cùng các bạn dân tộc khác, anh đạt học sinh xuất sắc - Một kỷ
niệm không thể nào quên.
Ông
Trần Thanh Pôl - Nhà nghiên cứu văn hóa
– giáo dục : “Năm 1955, nhà nước công bố có 4 huy hiệu Bác Hồ, tôi được
thưởng 1 huy hiệu. Hôm đó tôi mặc bộ đồ dân tộc Khmer. Bác vỗ vai hỏi, cháu
phải người Khmer không, tôi đáp : Dạ phải. Rồi Bác dặn ráng học để trở về miền
Nam giúp đồng bào, vì thực dân Pháp làm dân ta nghèo dốt nên các cháu phải ráng
học”.
18. Tư liệu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên :
Và,
cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng tinh thần bình đẳng các dân tộc,
trong đó có đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, thể hiện ngay từ cuộc bầu cử Quốc
hội đầu tiên.
Ông
Trịnh Thới Cang, nguyên khu ủy viên Tây Nam bộ : “Lần đầu tiên người
Khmer có đại biểu ra ứng cử, cũng lần đầu tiên dân tộc Khmer Nam bộ cầm lá
phiếu của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tự do”.
19. Sư sãi đi bầu, dân đi bầu ; tư liệu Bác Hồ viết
sách, cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh :
Và như
thế, đồng bào Khmer Nam bộ luôn luôn thể hiện vai trò công dân của mình đối với
đất nước trong mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc Hội.
Từ các
vị sư sãi đến bà con nông dân, tất cả đều có quyền chọn lựa đại biểu xứng đáng
cho dân tộc mình.
( # )
Nhớ mãi, ngay sau Cách
mạng Tháng tám thành công Bác Hồ đã ban hành ngay chính sách đối với các dân
tộc ít người : “Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt
; về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng” …
Và
việc tạm cấp đất đã được thực hiện ở Nam bộ vào cuối năm 1945. Hàng ngàn hộ
nông dân Khmer đã có ruộng cày. Lần đầu tiên họ được làm chủ mảnh đất của mình,
thoát khỏi kiếp tá điền cùng đinh.
( # )
20.-Gia đình Khmer quây quần ăn cơm; tư liệu lễ tang Bác ở miền Tây Nam Bộ năm 1969:
Tục ngữ
Khmer Nam bộ có câu : “Bưng chén cơm đầy phải nhớ người cày cấy”. Vả chăng
truyền thống đạo lý ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi con người ; trở thành giá
trị văn hóa trong từng gia đình bà con Khmer Nam bộ …
Bởi
vậy, hiện thực đã chứng minh rằng, đồng bào ta từ phum sóc đến chùa chiền, luôn
luôn hướng về Bác Hồ với tấm lòng yêu kính.
Nhớ mãi
vào một ngày tháng 9 năm 1969, đồng bào Khmer Nam bộ từ nông thôn đến thành thị
đều bùi ngùi đau xót khi hay tin Bác đã qua đời …
Ông
Lâm Nuôl, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau : “Lúc Bác mất không ai
không xúc động. Có những chùa làm lễ cầu siêu cho Bác công khai tại chợ Cà Mau,
Hộ Phòng, Giá Rai. Dù địch cố tình ngăn cản kềm kẹp, khống chế ; các vị sư vẫn
tổ chức lễ truy điệu Bác”.
( # )
21. Đường bê-tông, các em học sinh đi, cầu đúc ; xóm
nhà trong sóc, đồ vật ngăn nắp ; đưa bò đi ra cổng :
Theo
bước phát triển của Đất Nước, bà con Khmer Nam bộ đang từng ngày phấn đấu xây
dựng cuộc sống mới.
Những
con đường phum sóc lầy lội ngày nào nay đã bằng phẳng hơn ; những sông rạch
cách trở cũng đã được nối thông chắc nhịp …
Đây là
một sóc nhỏ thuộc xã Thanh Sơn huyện Trà Cú, Trà Vinh. Mặc dù còn phải nỗ lực
một thời gian nữa nhà cửa ở đây mới đạt 100% kiên cố. Nhưng “vách lành thành
nhà khéo”, bà con dùng câu tục ngữ đó để răn dạy con em mình biết sắp đặt cuộc
sống ngăn nắp.
( # )
Chỉ
quan sát một góc nhà sau cũng đã thấy rõ trình độ tổ chức cuộc sống của bà con
– Nông cụ cũng được “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ mùa.
Có
những tập quán tồn tại mấy trăm năm, giờ đây đã hoàn toàn thay đổi. Việc chăn
nuôi súc vật được tách hẳn khỏi khu sinh hoạt gia đình. Nhờ vậy, phum sóc trở
nên thoáng đãng cả cộng đồng đều sống khỏe, sống vui …
( # )
22. Nhà văn hóa ấp Khoan Tang, trẻ em nô đùa :
Còn đây
là ấp Khoan Tang thuộc thị trấn Long Phú, Sóc Trăng, một trong số 233 địa
phương ở ĐBSCL đón nhận chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ,
gọi tắt là chương trình 135.
Ông
Sơn Ngọc Sáng, nông dân ấp Khoan Tang : “Từ khi có chương trình 135
người dân ở phum sóc chúng tôi có sự phát triển rất nhiều. Sau này có thêm
chương trình 134 giúp cho bà con chúng tôi có nhà cửa đàng hoàng. Hiện nay đời
sống của Khoan Tang sung túc lắm. Có đường giao thông nông thôn, có trường học,
điện thắp sáng, trạm y tế đàng hoàng”.
23. Bà con Khmer đến trước nhà Văn hóa xem thông tin
nông nghiệp, họp khuyến nông, hội thảo đầu bờ :
Các mặt
phát triển từ chương trình 135 của chính phủ đã góp phần thay đổi cơ bản nông
thôn trong đó có việc nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con nông
dân Khmer Nam bộ.
Trước
đây bà con chỉ làm mỗi năm một vụ lúa mùa, bây giờ không những tăng thêm 2, 3
vụ, xen hoa màu mà còn biết cả kỹ thuật canh tác mới. Thông qua các chương
trình khuyến nông, được các cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn cặn kẽ, bà con nông dân
ở các phum sóc nắm chắc hơn nghề trồng lúa trong thời hiện đại ; chẳng những am
tường các yếu tố kỹ thuật, mà còn thông hiểu quy luật thị trường, tính toán
hiệu quả sản xuất từng ngày.
( # )
Người
nông dân này đã hơn 20 năm canh tác trên mảnh ruộng của mình. Cứ mỗi ngày ra
đồng anh đều nhận rõ màu lá lúa khác đi – Đó là kết quả mà anh học được từ
chương trình IPM.
Ông
Chau Kim Sơn, nông dân xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang : “Trước đây,
người Khmer chúng tôi làm lúa theo cách làm của cha mẹ, ông bà để lại. Bây giờ
thì có IPM, chúng tôi tiết kiệm được phân, thuốc, rất là có lợi”.
24. Đào đất làm vuông tôm, bơm nước, bà con Khmer dự
chương trình khuyến ngư, cách nuôi tôm ; thu hoạch tôm :
Ở những
vùng sản xuất lúa không còn hiệu quả, bà con đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm.
Sự thay
đổi tập quán sản xuất nông nghiệp đánh dấu thêm những bước tiến mới trong cung
cách làm ăn và nếp suy nghĩ của đồng bào Khmer Nam bộ.
Đây
là ruộng tôm của anh Liêu Văn Hậu, một nông dân ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu,
Sóc Trăng. Từ nghề làm lúa anh chuyển sang nghề nuôi tôm đòi hỏi phải tiếp cận
với kỹ thuật mới. Nhờ có chương trình khuyến ngư, anh Hậu và bà con trong sóc
nắm vững phương pháp nuôi tôm.
Ông
Liêu Văn Hậu, nông dân xã Vĩnh Tân, Vĩnh Châu, Sóc Trăng : “Mình làm
ruộng nó khác hơn mình nuôi tôm. Nuôi tôm sú phải cố gắng học hỏi. Nếu có mở
lớp tập huấn thì mình phải đi học, không đi học thì nuôi không hiệu quả. Tôi
thấy kỹ thuật nuôi rất quan trọng, không rành kỹ thuật thì nuôi không có kết
quả đâu”.
Những
vụ thu hoạch tôm như thế đã góp phần xóa nghèo đối với bà con dân tộc Khmer ở
những vùng ven biển thuộc các tỉnh ĐBSCL.
( # )
25. Ban Biên tập Báo Khmer ngữ, cận chữ Khmer :
Đưa báo
chí đến đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách mà Đảng và Nhà
nước quan tâm. Các tờ báo in bằng tiếng dân tộc càng mang đến chho bà con nhiều
giá trị văn hóa, thông tin.
Báo
Cần Thơ - Khmer ngữ là một trong những tờ báo bước đầu đáp ứng nhu cầu của đồng
bào Khmer Nam bộ.
Ông
Thạch Phách, Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ – Khmer ngữ : “Sự thành lập
báo Khmer để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng
bào Khmer Nam bộ, ĐBSCL, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa tuyên truyền kiến
thức về vệ sinh môi trường, kỹ thuật về nông nghiệp. Trong thời gian đầu phát
hành được gần 7 ngàn tờ trong mỗi tuần, phát hành trên địa bàn Tây Nam bộ và
Đông Nam bộ.
26. Nông dân đọc báo, nhà in báo chữ Khmer ; Đài
Truyền hình khu vực, các tỉnh, người xem :
Ở vùng
sâu, vùng xa, bà con nhận được đều đặn các số báo Khmer ngữ ra hàng tuần của
các tờ : Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh. Các thông tin mới nhất được cập nhật,
cùng với các hướng dẫn về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được đăng
tải đầy đủ.
Từ đội
ngũ biên tập đến khâu in ấn và phát hành, được đào tạo chuyên sâu nhằm thực
hiện các tờ báo Khmer ngữ ngày càng phong phú, hấp dẫn.
( # )
Ngoài
báo viết, đài phát thanh, bà con Khmer Nam bộ còn xem được nhiều đài truyền
hình địa phương và khu vực ĐBSCL. Các chương trình Khmer ngữ được thiết kế
phong phú ; từ tin tức, chuyên đề, khuyến nông đến văn nghệ giải trí … đã mang
đến cho người xem những giá trị thông tin và văn hóa dân tộc. Đặc biệt, các
chương trình trực tiếp, bà con ở những phum sóc xa xôi đều có thể giao lưu với
các vị lãnh đạo, các nhà khoa học về chủ trương chính sách hay các thắc mắc về
sản xuất nông nghiệp - Truyền hình đã góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng
và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ.
( # )
27. Trạm y tế, dán các bích chương, khám bệnh có thẻ
bảo hiểm y tế :
Trạm y
tế là một trong những biểu hiện rõ nhất về sự đổi thay ở các địa phương có
nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Đây là
cơ sở y tế thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - Một trong số 233 trạm y tế
thuộc chương trình 135 ở ĐBSCL.
Đặc
biệt nhất, đối với bà con Khmer nghèo đã được nhà nước cấp bảo hiểm y tế, khám
chữa bệnh không tốn tiền.
Các y,
bác sĩ là người dân tộc Khmer được nhà nước đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ bà
con ở phum sóc mình.
Bác
sĩ Châu Khươl, xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng : “Tôi là người
dân tộc Khmer, được Đảng, nhà nước tạo điều kiện học tập từ y sĩ trở thành bác
sĩ, công tác tại trạm y tế xã Long Phú. Tôi rất cảm kích biết ơn Đảng vùng nhà
nước đã quan tâm đào tạo tôi trở thành bác sĩ”.
27. Lễ hội cúng biển của người Khmer Vĩnh Châu, Sóc
Trăng :
Khi
cuộc sống vật chất của đồng bào Khmer Nam bộ phát triển, nhu cầu cuộc sống tinh
thần đòi hỏi tăng lên cân xứng. Nhiều lễ hội dân gian được ngành văn hóa tạo
điều kiện khôi phục, nhằm tạo không khí sinh hoạt vui tươi ở nông thôn, đồng
thời giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đây là
lễ hội cúng biển, một lễ hội đặc sắc của bà con Khmer ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh
Sóc Trăng. Lễ hội diễn ra hàng năm, vào đúng rằm tháng hai.
Người
Khmer ở đây tin rằng, Biển cũng có hồn, có khí thiêng ; Biển cho con người muối
mặn, cá ngon thì con người phải biết ơn Biển. Và, họ cầu nguyện cho người đi
biển luôn gặp yên lành, cầu cho ngư dân thu hoạch nhiều tôm cá.
( # )
28. Lễ hội cúng dừa của người Khmer Mỹ Xuyên, Sóc
Trăng :
Một lễ
hội đặc sắc khác diễn ra vào rằm tháng ba hàng năm ở xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú,
tỉnh Sóc Trăng. Cứ sau Tết Chịu tuổi Cholxnăm Thmây , bà con từ khắp nơi kéo về
Vũng Thơm, tên gọi truyền thống của địa phương tổ chức lễ hội. Mỗi người mang
theo dừa, nhang đèn để dâng cúng
Tương
truyền, nơi đây xưa kia là một gò đất cao. Một hôm hiện ra một chiếc cồng lớn,
đêm đêm tiếng vang cả phum sóc. Bà con tin rằng đó là điềm lành nên tổ chức thờ
cúng và lập lễ hội.
Ngày
nay, nét văn hóa này được chính quyền địa phương chủ trương bảo vệ, tạo điều
kiện để bà con Khmer Nam bộ sinh hoạt tinh thần.
( # )
29. Bảo tàng Khmer biết ; nọc cấy, vòng gặt, xà ngom,
đàn dân tộc :
Ở các
tỉnh các đồng bào Khmer sinh sống, ngành văn hóa đã chủ trương lập bảo tàng,
sưu tập các hiện vật đặc trưng văn hóa Khmer Nam bộ.
Một
trong các bộ sưu tập đáng lưu ý là hệ thống nông cụ sản xuất lúa nước. Các hiện
vật này cho thấy không chỉ mang tính thực dụng mà trên mỗi nọc cấy, vòng gặt,
cặp đập lúa đều mang các hoa văn rõ nét Khmer Nam bộ.
Bộ sưu
tập các dụng cụ đánh bắt thủy sản nước ngọt càng cho thấy kinh nghiệm, sáng tạo
của bà con Khmer Nam bộ trong lĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên thủy sản
ĐBSCL từ rất lâu đời.
Đặc
biệt nhất là hệ thống các nhạc cụ dân tộc, bao gồm dàn nhạc dân gian và nhạc
lễ. Trong đó đáng chú ý nhất là trôsôli, trôsô, khưm, krap.
Một số
nhạc cụ gần gũi, gắn bó với đời sống dân gian và trở thành “nghệ thuật Hát
Đàn”, “Chom riêng - Chà pây”.
( Trích đoạn Hát Đàn )
30. Truyền nghề Hát Đàn ; thanh niên thọ giáo, cúng tổ
:
Nghệ
thuật dân gian Hát Đàn của bà con Khmer Nam bộ được lưu truyền, gìn giữ qua các
nghệ nhân.
Theo
thông lệ, người muốn học nghề Chom riêng - Chà pây phải thủ lễ cúng tổ vào ngày
30/3 âm lịch.
Người
Khmer rất tôn sư, coi đó như là người đầu tiên khai thông nghề nghiệp cho mình,
và nghề Hát Đàn Chom riêng - Chà pây được truyền nghề như thế.
( # )
31. Nghệ nhân Lý Nghét dạy học trò điêu khắc :
Nhiều
nghệ nhân ở lĩnh vực điêu khắc được ngành văn hóa ĐBSCL trân trọng và tạo mọi
điều kiện để phát huy khả năng nghệ thuật.
Đây là
nghệ nhân Lý Nghét, một nhà điêu khắc nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Ông là người
chuyên tạo tác các hoa văn trang trí chùa với các mô-típ truyền thống Rea-hu.
Với
phương pháp truyền nghề, ông đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân mới ở ĐBSCL.
( # )
32. Làng nghề dệt vải dân tộc :
Dệt là
một trong những nghề lâu đời của đồng bào Khmer Nam bộ. Được sự hỗ trợ của Hội
Phụ nữ, bà con Khmer xã Văn Giáo, huyện
Tịnh Biên, An Giang, đã phát triển nghề dệt gia đình thành làng nghề.
Vẫn
theo phương pháp truyền nghề, các cụ trải qua mấy mươi năm kinh nghiệm chỉ dẫn
cặn kẽ cho con cháu.
Làng
nghề thích ứng thị trường hiện đại, cho ra nhiều mặt hàng tơ lụa cao cấp với
hoa văn dân tộc và màu sắc phong phú.
Bảo tồn
làng nghề theo cách vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn nét đặc sắc văn hóa, đã
đưa xã Văn Giáo thành điểm du lịch nổi tiếng của An Giang.
( # )
33. Sân khấu dù-kê :
Ra đời
cùng thời với cải lương Nam bộ, khoảng năm 1921, dù-kê là một sáng tạo độc đáo
của đồng bào Khmer ĐBSCL. Do đó còn gọi là Dù-kê Basac, tức kịch hát vùng
Basac.
Sân
khấu Dù-kê thể hiện các tuồng tích dân tộc, phát triển thêm các nội dung hiện
đại, gần gũi với đời sống nông thôn ; do đó được đại đa số bà con ủng hộ.
Ở các
tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, sân khấu dù-kê được ngành văn hóa quan
tâm bảo tồn.
( # )
34. Thả đèn gió, đua ghe ngo, đua bò :
Đồng
bào Khmer Nam bộ có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội ooc-om-bóc diễn ra vào 15/10
âm lịch hàng năm, là quy tụ đông đảo hơn cả. Đây là một “chùm” lễ hội, bao gồm
“cúng trăng” , “thả đèn gió” và “đua ghe ngo”.
Đua ghe
ngo trùng với thời điểm nước rút nên còn gọi là tục “đưa nước”. Qua nhiều trăm
năm tồn tại, đua ghe ngo trở thành lễ hội mang tính văn hóa - thể thao, và dịp
này trở thành ngày vui chung của các dân tộc.
Đua ghe
ngo đã được ngành thể thao xếp vào danh mục thi đấu quốc gia, và lễ hội này
cũng đã được ngành du lịch đưa vào danh sách giới thiệu với du khách bốn phương
( # )
Môn thể
thao đặc sắc khác diễn ra vào dịp lễ hội Dolta hàng năm - Đó là “Đua bò”.
Sau các
mùa vụ trồng trọt và chăn nuôi, đến ngày 30/8 âm lịch là các phum sóc thuộc
huyện Tri Tôn, An Giang mở hội “Đua bò”. Những con bò được chủ nhân sử dụng cày
bừa, đến lúc nông nhàn lại trở thành các “vận động viên” thi tài ở trường đua.
Tài
khéo nuôi, và điều khiển tốt thuộc về chủ nhân ; tài kéo nhanh, chạy giỏi thuộc
về các chú bò.
Được
ngành văn hóa hỗ trợ, từ một trò chơi dân gian, đua bò trở thành lễ hội ; và
đây là ngày vui chung của dân tộc Kinh, Hoa, Chăm.
( # )
35. Cấy lúa, dỡ khoai, thả tôm, trồng hành, đan đát ;
học tập :
Trong
sự phát triển chung của cả nước, có sự đóng góp to lớn của đồng bào Khmer Nam
bộ.
Từ
những làng quê, những phum sóc ; mọi người đều chung tay xây dựng Tổ Quốc.
Mỗi hột
lúa, củ khoai ; mỗi một kết quả lao động là một dấu hiệu khẳng định vai trò của
bà con dân tộc Khmer Nam bộ trong tiến trình đổi mới của Đất Nước.
Học tập
để làm chủ cuộc sống, để nâng cao trình độ lao động sản xuất, để trở thành một
đội ngũ mới có năng lực toàn diện … Đó là một tương lai đầy hứa hẹn, là những
chủ trương, chính sách đã được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Tiến
sĩ Trần Thanh Pôn, nhà nghiên cứu văn hóa - giáo dục : “Chính sách của
Đảng và Nhà nước nhất quán, trước sau như một, khẳng định vai trò của đồng bào
dân tộc Khmer Nam bộ, coi triển vọng, tiền đồ của lực lượng trẻ là động lực
phát triển cơ bản sau này ; đó là đội ngũ trí thức phục vụ ngay cho dân tộc
mình”.
36. Bà con Khmer viếng đền thờ Bác, tượng đài đại đoàn
kết các dân tộc :
Đồng
bào Khmer Nam bộ không thể nào quên công ơn của Bác, người đã chỉ ra mối đại
đoàn kết, tất cả các dân tộc trên đất nước này “đều là con cháu Việt Nam, đều
là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói
giúp nhau”.
Lịch sử
cũng đã từng chứng minh rằng, các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm đã cùng nhau
đấu tranh khắc phục thiên tai, chiến thắng địch họa ; truyền thống đó sẽ tiếp
tục được phát huy ; đồng bào Khmer Nam bộ tiếp tục xứng đáng là một cộng đồng
quan trọng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam ; quyết giương cao mãi ngọn
cờ đoàn kết - sức mạnh và vinh quang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét