Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

TIẾNG CHUÔNG TAM BẢO NGÂN DÀI SÔNG KIÊN

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Tựa phim, sông Kiên, người vào cổng chùa : 37”
          Ngược dòng sông Kiên giữa lòng thị xã Rạch Giá, hay men theo Đại lộ Nguyễn Trung Trực, rồi rẽ vào con đường mang tên nhà sư yêu nước Thích Thiện An, Bạn đã đặt chân lên xứ sở của vùng đất Kiên Giang, nơi in đậm bước tiến về phương Nam của cha ông ta. Và, đây là một trong những di tích có lịch sử hơn 200 năm còn được bảo tồn.
(HDV Tuyết Vân giới thiệu)
2. Người vào chùa, đánh chuông, cảnh chùa : 52”
          Vào thập niên cuối của thế kỷ 18, bà Dương Thị Cán, còn có tên là Lê Thị Hoặng, đã dựng lên ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ để bá tánh trong vùng đến cầu kinh tụng niệm. Từ đó ngôi chùa này được người dân Rạch Giá gọi là chùa Bà Hoặng.
          Chùa cất xong được vài năm thì Bà Hoặng qua đời. Các vị trụ trì sau đó đã cất đi sửa lại nhiều lần, nhưng đến năm 1917, dưới thời trụ trì của nhà sư Thích Trí Thiền, ngôi chùa mới được trùng tu với quy mô lớn.
          Ngôi chùa được kiến trúc theo ý niệm Tịnh Độ, một tông phái thuộc Phật Giáo Đại Thừa, lấy Tam Bảo, tức Phật – Pháp – Tăng làm cơ sở giác ngộ, tu thân. Vì vậy, chùa được tạo hình theo ý tưởng “Tam Thiên”, “Tam Kiếp” sự vô cùng của không gian, thời gian.
          Quan niệm âm dương, phong thủy cũng được áp dụng trong phong cách trang trí, tạo cho dáng vẻ ngôi chùa thêm đậm nét dân tộc ; tôn thêm vẻ uy nghi cho ngôi Tam Bảo.
( – )
3. Sân chùa, ao sen, người vào cổng : 40”
          Ngôi chùa nằm trong khuôn viên rộng 4.000m2. Phía sau gian chính điện được các nhà sư tạo cảnh quan sơn thủy. Giữa không gian tĩnh mịch và trầm mặc ấy, đã gợi nên vẻ thanh tịnh của thiên nhiên, sự cao khiết của hồn người ; thể hiện tính triết lý về chu trình “thành – trụ – dị – diệt” của thế giới quan nhà Phật ; còn gọi là “Vạn Pháp”.
4. Chữ Tam Bảo, Tượng, các bức điêu khắc : 57”      
          Phía trước chính điện là cổng Tháp Tam Bảo, ngõ chính dẫn vào gian thờ. Ở bệ thờ, các bức tượng được xếp đặt theo trật tự, ngôi thứ của hệ phái Bắc tông. Tất cả đều làm bằng gỗ quý, dùng sơn ta tạo màu sắc đặc trưng.
          Tiền diện bệ thờ được gắn 3 bức hoành phi ở bên trên 2 lớp bao lam. Mỗi bao lam được chạm trổ công phu các hình tứ linh : Long, Lân, Quy, Phụng. Toàn bộ các bao lam đều được sơn son thếp vàng nên trông càng thêm lộng lẫy.
( – )
          Sự bày trí ở nội thất không chỉ thể hiện nét thẩm mỹ dân tộc, truyền thống, mà còn biểu thị quan niệm Phật – Pháp – Tăng của tông phái Tịnh độ.
          Đời Gia Long 1802 – 1820, ngôi chùa được sắc phong “Sắc Tứ Tam Bảo Tự”.
(Cô Tuyết Vân dẫn sang các nhân vật)
5. Các em vào nhìn bảng di tích ; tờ Tạp chí :
( – )
          Đạo pháp và dân tộc có cùng một cơ duyên. Vì lẽ ấy khi cách mạng vận động nhiều nhà sư sẵn sàng tham gia. Và ngôi chùa Tam Bảo trở thành Trụ sở liên lạc của xứ ủy Nam kỳ. Đó cũng là điều tất yếu bởi các nhà sư tu hành nơi đây cũng là con dân của nước Việt Nam bị thực dân đô hộ, không có độc lập dân tộc thì không thể tự do hành đạo. Do đó, khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhiều nhà sư đứng ngay vào hàng ngũ cách mạng và ngôi chùa từ đó gắn liền với lịch sử đấu tranh của nhân dân Kiên Giang.
          Trong số những nhà sư có tư tưởng tiến bộ ở Rạch Giá lúc bấy giờ có hòa thượng Thích Trí Thiền, tục danh Nguyễn Văn Đồng. Ông không những có công tu tạo hoàn chỉnh chùa Tam Bảo mà còn là một sáng lập viên của Tạp chí Tiến Hóa, cơ quan ngôn luận của Hội Kiêm Tế Phật học Rạch Giá. Từ năm 1938, nhiều cây bút tiến bộ ở Sài Gòn đã tham gia viết cho tờ báo này. Các tác giả đã dựa trên tư tưởng Phật Giáo để đấu tranh chống lại những kẻ lợi  dụng Phật Giáo ; những kẻ ăn bám thực dân, phản lại nòi giống Tổ Tiên. Tờ Tiến Hóa đã ảnh hưởng sâu rộng trong giới Phật tử ở Rạch Giá, các tỉnh Miền Tây và Sài Gòn.
          Hòa Thượng Thích Trí Thiện bị bọn mật thám theo dõi ráo riết, và ngày 14/6/1941, ông bị giặc Pháp bắt, rồi đày đi Côn Đảo.
( – )
6. Cửa tù, các nhà sư, ảnh :  
          Trong ngục tù đế quốc, Hòa Thượng Thích Trí Thiện tổ chức tuyệt thực, đấu tranh đòi hòa bình, đòi tự do hành đạo. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ngày 26/6/1943 thì Hòa Thượng Thích Trí Thiện viên tịch, người công dân Việt Nam Nguyễn Văn Đồng hy sinh vì Tổ Quốc.
( – )
          Thân xác nhà sư yêu nước đã hóa thành cát bụi trên đất đảo, nhưng linh hồn ông thì trở về chùa cũ mà phiêu diêu, nơi ông tâm nguyện tôn ngôi Tam Bảo làm nguyên lý sống, lấy tình yêu Tổ Quốc làm mục đích cho cả đời mình.
( – )
          Vạn vật luôn thay đổi ; tạo hóa cứ vần xoay ; con người vẫn sinh tồn, và ngôi chùa tiếp tục làm nơi ngưỡng vọng của Phật tử, nhớ mãi những bậc tu hiền biết sống vì lẽ đạo, biết chết vì nghĩa đời … Ngôi Tam Bảo lặng yên, trầm mặc để tôn vinh những vị sư vì nước vì dân …
( Tiếng đọc kinh )
7. Các vị sư cúi đầu đọc kinh :
          Đức Phật từng dạy rằng, muốn cứu khổ chúng sinh phải giữ niềm tin vào sự giác ngộ, muốn giác ngộ phải để cho tâm tính yên tĩnh, không vọng động, phải biết hướng thiện mới có thể đạt cõi niết bàn.
          Xưa kia, Thái tử Tất Đạt Đa (tức Phật Thích Ca sau này), ông sống trong giàu sang nhung lụa, nào biết những bất hạnh của người đời. Thế rồi nhờ diệt trừ vô minh, tránh thói tham, sân, si, ông trở thành nhà Phật.
          Nhắc lại tích cũ để chiêm nghiệm rằng, mọi người đều có thể tự mình tu luyện để sống đẹp hơn, giúp ích cho đời nhiều hơn. Và, những phật tử Chùa Tam Bảo đang từng ngày hành đạo như thế.
( – )
8. Cầm nhang xá, cặm :
          Người Kiên Giang tin rằng, ngọn lửa truyền thống yêu nước từng được các nhà sư tiền bối thắp sáng đang được tiếp tục truyền nối, để mọi người cùng nhau chung sức chung lòng xóa bỏ đói nghèo, xây dựng quê hương.
( – )
9. Chùa, tượng thiện, ác, tượng Phật, mõ chuông :
          Bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo di tích lịch sử, di tích văn hóa là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, người dân Rạch Giá Kiên Giang coi ngôi chùa Tam Bảo là di sản của cha ông cần được bảo tồn.
          Các bức tượng Phật đang lặng lẽ nhưng lại có tiếng nói riêng – Đó  là những tác phẩm do nghệ nhân Tài Công Can tạo ra cách nay hàng trăm năm cho thấy rằng người dân vùng Rạch Giá khéo tay, rất tinh xảo trong nghề điêu khắc.
( – )
          Chuông Chùa vốn để ngân vang theo tiếng kinh cầu nguyện. Thế nhưng, với chuông chùa Tam Bảo lại cất lên tiếng vọng đấu tranh, báo hiệu ngày giờ tập hợp quần chúng, thông tin những giờ khắc bọn địch dò la theo dõi.
          Những năm 1939 – 1940, chùa Tam Bảo là nơi sản xuất cất giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc Nam kỳ khởi nghĩa. Ngay trong khuôn viên này, nhiều hầm bí mật đã được các nhà sư tạo ra để cất giấu tài liệu.
          Nơi đây còn là trạm nút giao liên của tỉnh ủy Rạch Giá. Nhiều cuộc họp bí mật diễn ra ngay trong gian chính điện của ngôi chùa.
          Di tích chùa Tam Bảo không những có ý nghĩa về lịch sử cách mạng, mà còn đánh dấu sâu sắc trong lịch sử đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam.
( Lời ông Đại Đức Chơn nói về sự kiện chuẩn bị Nam kỳ khởi nghĩa)
10. Bàn thờ, chân dung ông Thiện An : 13”
          Thế nhưng, khi ngọn lửa Nam kỳ khởi nghĩa sắp bùng lên trên mảnh đất Rạch Giá thì đêm 14/6/1941, bọn mật thám địch đến vây ráp chùa Tam Bảo, lục soát và bắt nhà sư Thiện An.
( Lời ông Đại Đức Chơn kể lại câu chuyện )
11. Chân dung ông Sư Thiện An, bằng liệt sĩ, cặm nhang :          
          Nhà sư Thiện An ngã xuống, vì lẽ đạo, nghĩa đời ; người đảng viên cộng sản Trần Văn Thâu hy sinh, vì nước, vì dân …
( – )
          Ngọn lửa minh tuệ nào làm bừng sáng cõi tu, để các nhà sư chùa Tam Bảo dấn thân quên mình vào cuộc tranh đấu ? – Chỉ có tình yêu nước và khát vọng độc lập tự do mới đưa các vị sư chân tu đến tầm giác ngộ như thế.
( – )
          Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, ở Rạch Giá có đến hàng chục tăng ni lần lượt bị giặc bắt, tù đày. Điều đó chứng minh rằng chùa Tam Bảo thực sự là một căn cứ hình thành từ lòng nhân dân.
( – )
          Ngày nay hay bất kỳ thời đại nào, đoàn kết dân tộc là sức mạnh thần kỳ để làm nên mọi thắng lợi. Tiếng chuông đấu tranh vì hòa bình vang lên từ chùa Tam Bảo đã khẳng định một phần chân lý ấy.
12. Rước đèn :
          Trải mấy thời kỳ kháng chiến, trải bao năm xây dựng hòa bình chùa Tam Bảo với nét đẹp lịch sử hãy còn lung linh theo nhịp bước của thời gian, nay càng đẹp hơn bởi nơi ấy đang tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đoàn kết mà xây dựng quê hương.
          Phật từng dạy rằng, của cải lớn nhứt của đời người là lòng nhân ái, và mỗi tăng ni Phật tử của chùa Tam Bảo đang từng giờ cầu nguyện cho một thế giới an bình ; cho một xã hội công bằng ; mỗi người đều được hưởng ấm no, từ bi, hỷ xả.
( – )
13. Cảnh chùa, ao sen, ảnh các vị lãnh đạo :    
          Chùa Tam Bảo với nét đẹp cổ kính, với không gian thâm u trầm mặc, hẳn đã gợi cho biết bao khách thập phương lắm điều suy gẫm. Nhiều người đã nghe đến Phật nhưng chưa ai nhìn thấy Phật, chỉ biết cuộc sống bao giờ cũng cần đến điều thiện và mỗi người cần làm điều thiện để giúp đời.
          Đến chùa Tam Bảo, Bạn còn tìm gặp hình ảnh các vị lãnh tụ từng đến viếng thăm, nhắc nhở phật tử và nhân dân chăm lo giữ gìn ngôi chùa di tích, phát huy tinh thần đoàn kết đạo đời. Coi đây là một trường học lớn giáo dục thế hệ trẻ.
          Và như thế, cho dù sự dần xoay, chuyển hóa của thời gian có nhanh hơn, những dấu ấn lịch sử để lại nơi chùa Tam Bảo không thể phai mờ. Bởi ở đó những vị sư yêu nước đã ngã xuống, gieo mầm truyền thống đấu tranh cho lẽ đạo ý đời.
( HDV Tuyết Vân )
14. Các phật tử ra về ; sông Kiên :
          Người ta thường hay nói, đi ra khỏi chùa mới biết điều gì để lại ở lòng mình. Hẳn là những nét đẹp lịch sử của chùa Tam Bảo đang gởi theo cùng bạn những ý gẫm về một sức sống bắt nguồn từ lòng yêu nước.
          Cho dù bạn là người phàm hay là một phật tử mộ đạo, khi tiếng chuông Tam Bảo còn ngân dài trên sông Kiên sẽ là một lần nhắc bạn trở về thăm khu di tích lịch sử này./-




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét