Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

ĐÓN MÙA

KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN VIẾT NĂM 2003

Chân dung tác giả


TÓM TẮT PHẦN MỘT

GIÓ CHIỀU


          Câu chuyện xảy ra ở một gia đình nông dân Khmer Nam bộ, thuộc Sóc Tà Rêl, cách biển không xa.

          Chủ nhân của gia đình này là ông Lâm Tức, một con người sáu mươi năm gắn bó với mảnh đất thừa kế mười công ruộng. Trước kia, mỗi năm ông Lâm Tức chỉ làm một vụ lúa mùa, sau này nhờ có kỹ thuật canh tác mới, ông làm thêm một vụ nữa. Được hai vụ lúa mỗi năm đối với Lâm Tức là cả sự đổi đời. Vì thế ông tỏ ra mãn nguyện và yên phận, suốt năm quanh quẩn nơi giồng cát, lũy tre, siêng năng cày cấy. Vợ ông, bà Sơn Chên, một người biết ky cóp, cần cù. Cả hai ông bà đặt hết hy vọng vào đứa con trai là Lâm Rươl, lo cho nó học để trở thành thầy giáo, về dạy gần nhà.

          Mọi chuyện cứ êm đềm trôi qua. Cả ông Lâm Tức và bà Sơn Chên đều tin rằng, số phận đã an bày như thế. Đâu cần đòi hỏi gì nữa, miễn là mỗi năm, sau hai vụ lúa, có dư bao nhiêu đem cúng hết cho chùa, làm phước sẽ gặp phước ở kiếp sau. Nếp nghĩ đó cũng là quan niệm sống của hầu hết người Khmer Nam bộ, nhất là ở những lớp người cao tuổi.

          Thế rồi, một ngày nọ ; sóng gió ập đến gia đình này, khi Lâm Rươl đường đột đặt vấn đề với cha mình lấy mười công đất của tổ tiên để lại đem đi cầm để có vốn nuôi tôm. Từ đó, mâu thuẫn giữa cha con lúc thì ngấm ngầm, khi thì bộc phát. Họ đấu lý nhau quyết liệt. Người thì dựa vào nghề làm ruộng đã quen ; đất này Nhà Nước quy hoạch chỉ trồng lúa ; người thì dựa vào thị trường, bám theo cây lúa chỉ có nghèo … Cuộc khẩu chiến “bất phân thắng bại”, nhưng dần dần hình thành hai phe rõ rệt - Một bên là Lâm Tức bảo thủ và một bên là Lâm Rươl cấp tiến. Cả hai đều tìm cách lôi kéo những người xung quanh vào cuộc. … Mọi chuyện vẫn không đâu đến đâu mâu thuẫn cha con cũng không dừng lại, dẫn tới cuộc cải vã lớn. Lâm Tức tuyên bố không cho bất cứ ai bước vào ruộng còn Lâm Rươl thì buồn giận ở lại trường không về nhà.

          Thế thái làm xao động nhân tình, giữa lúc chuyện nhà ông Lâm Tức ồn ào thì chương trình kéo điện Quốc gia về tới Sóc Tà Rêl. Không khí trong Sóc thay đổi hẳn. Kẻ đi sắm tủ lạnh, người mua tivi, mấy hộ nuôi tôm mùa trước sắm cùng lúc hai ba loại đồ điện. Là giáo viên giỏi, Lâm Rươl được Ban dân tộc tỉnh tặng một cái tivi. Không ngờ, chính cái tivi đó lại là tác nhân rủ rỉ với Lâm Tức hàng ngày. Ông mải mê xem các chương trình tiếng Khmer, nhất là chương trình Khuyến nông. Thi thoảng cách hướng dẫn nuôi tôm đã làm ông lưu ý, suy nghĩ và tự hỏi…

          Trong lúc Lâm Tức còn đắn đo thì một chiều nọ áp thấp nhiệt đới kéo đến. Giông gió cộng với triều cường làm nước mặn tràn vào ruộng của ông. Lâm Tức buồn rầu luyến tiếc đám lúa mùa sớm đang ngậm sữa phải chết dần vì nhiễm mặn. Tình cảnh đó nhắc ông nhớ lại, năm ông hai mươi tuổi cũng có một lần giông bão, nước biển lấn vô, lúa thất nhưng tôm dưới ruộng thì thật nhiều. Ông lại nghĩ, biết đâu trời khiến, đất này nuôi tôm sẽ được mùa. Hóa ra thằng con mình cũng không đến nỗi vô lý …

          Lúc này Lâm Rươl đã dạy được năm năm ở Trường cấp hai của xã. Anh dạy giỏi đều các môn khoa học tự nhiên. Vừa dạy, anh vừa học thêm Đại học Thủy sản theo phương pháp giáo dục từ xa. Anh rất mê nghề nuôi tôm vì anh thấy nó hợp với đất địa của xứ mình ; hơn nữa, vì nó có thể làm giàu cho gia đình và cho cả sóc Tà Rêl này. Anh thường xuyên theo dõi báo chí và các loại thông tin khác viết về con tôm và nghề nuôi tôm. Một hôm, anh tìm thấy một thông tin mới lạ : Nuôi tôm sú trên ruộng lúa. Lâm Rươl mừng khấp khởi vì anh cho đây là cách tốt nhứt để dung hòa tình cha con – Lúa cũng còn mà tôm cũng có. Anh vội chạy về để báo tin cho cha. Anh mở ra từng xấp tài liệu nuôi tôm trên ruộng lúa, thuyết phục bằng nhiều lý lẽ, cuối cùng ông Lâm Tức vô nhà.

          Trong bữa cơm gia đình, ông Lâm Tức đem ngạn ngữ Khmer ra để đấu khẩu với con, lấy nồi cơm để làm ví dụ. Lâm Rươl dùng lý lẽ và thực tế để đối lại, cuối cùng ông Lâm Tức phán một câu : “Có sức thì làm đi, tao già rồi”.

          Gió chiều quật ngọn tre đường làng, gợn sóng cánh đồng lúa. Thạch Na, bạn gái của Lâm Rươl và bà con trong sóc kéo tới nghe anh nói về cách nuôi tôm trên ruộng lúa và anh sẽ làm thử ngay vào đầu mùa tới …









PHẦN HAI
______

HỘI TRỐNG XADĂM

          Sau khi Lâm Rươl tìm gặp Lâm Tức báo về mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa thì mối dung hòa giữa cha con coi như tạm ổn.

          Tuy nhiên Lâm Tức vẫn còn bán tín bán nghi. Ông gạn hỏi con từng chút về cách thả nuôi, về thời vụ … Còn Lâm Rươl thì tự tin, thậm chí có phần hơi chủ quan. Anh nôn nóng tìm đến Lý Mết, một chủ tại tôm giống để đặt cọc, chuẩn bị tháng sau xuống giống.

          Khi ruộng lúa của Lâm Tức đến thì con gái, Lâm Rươl cho thả lứa đầu tiên. Anh vui mừng hy vọng mình sẽ thành công. Ngày ngày sau giờ dạy ở lớp, Lâm Rươl chạy ra đồng thăm ruộng tôm. Còn Lâm Tức thì vẫn theo cách cũ lội xuống vuốt ve từng buội lúa, nhổ từng cọng cỏ dại. Đôi khi hai người lại chơi nhau. Lâm Rươl cho rằng lội xuống ruộng sẽ hại tôm, ngược lại Lâm Tức cho rằng lúa mà không thương nó làm sao có hột.

          Thắm thoát lúa mùa sớm của Lâm Tức đã đến tháng thứ sáu, bông đỏ đuôi, tới kỳ xiết nước chuẩn bị thu hoạch. Đó cũng là lúc đúng vụ thu hoạch tôm. Lâm Rươl háo hức chờ đợi … Và, việc gì đến sẽ đến. Hôm đó Lâm Tức xả đập tháo nước để gặt lúa. Hàng chục người xúm nhau gặt, hàng chục người khác vác lưới xuống mương ruộng kéo. Khi lúa của cha mình chất thành đụn lớn thì các mẻ lưới của Lâm Rươl le hoe vài con tôm đất … Lâm Rươl cay đắng trước thất bại này.

          Lâm Tức không câu mâu gì với con mình, nhưng lo lắng nhiều hơn, khiến ông tiều tụy, lâm bệnh.

          Giữa tình cảnh đó, bà Sơn Chên, vợ Lâm Tức hết lòng chăm sóc và an ủi. Riêng Lâm Rươl thì ân hận vì đã đẩy cha mình vào cảnh ngộ đó. Lúc này Thạch Na, bạn gái của Lâm Rươl, tìm cách giúp đỡ, chia sẻ. Cô đến gặp Lý Mết, chủ trại giống và cũng là người bà con bên ngoại, phân trần để bán chịu giống cho Lâm Rươl. Lý Mết tin tưởng và cũng muốn tìm cách phát triển nghề nuôi tôm nên sẵn sàng. Vậy là mọi chuyện tạm ổn. Thế nhưng Lâm Rươl vẫn chưa hết buồn rầu. Trong hoàn cảnh ấy Thạch Na là người gần gũi nhứt. Cô đem đến cho Lâm Rươl nhiều tài liệu về kỹ thuật nuôi tôm mới nhứt, do cô sưu tầm được. Lúc này trên tivi cũng loan báo nhiều tin tức về thành công của nhiều nơi nuôi tôm trên ruộng lúa. Lâm Rươl củng cố thêm lòng tin và quyết chí làm lại từ đầu. Nhưng, một hôm triều cường xảy đến cả xóm kéo đi hộ đê. Trường của Lâm Rươl và Thạch Na cũng đến giúp. Buổi hộ đê ấy đã đưa đẩy Lâm Rươl và Thạch Na đến gần nhau hơn. Hai người gặp nhau ở bờ dừa bên cạnh ruộng lúa. Thạch Na tần mần ngắt lá dừa thắt một con tôm, trêu chọc Lâm Rươl. Họ trao nhau nụ hôn đầu tiên.

          Tiếng đồn về sự thất bại của Lâm Rươl lan tới cơ quan khuyến ngư của tỉnh. Tại cuộc hội thảo, người ta đem chuyện ấy ra bàn luận và xác định rằng, do Lâm Rươl không nắm vững kỹ thuật nên không thành công. Các cán bộ khuyến ngư có nhã ý mời Lâm Rươl tháp tùng với phái đoàn tham quan rút tỉa kinh nghiệm ở tỉnh bạn. Lâm Rươl bỏ dở việc làm đất đi tham quan. Trong chuyến đi này, anh gặp lại Thạch Sol, bạn học cũ, nay đang làm công tác khuyến ngư. Như lúc buồn ngủ gặp chiếu manh, Lâm Rươl trình bày đầu đuôi chuyện nuôi tôm thất bại và ngỏ ý được bạn giúp đỡ bí quyết. Thạch Sol sẵn lòng và hứa sẽ về Sóc Tà Rêl chỉ dẫn cho Lâm Rươl và bà con.

          Sau đó không lâu chùa Tà Rêl có cuộc họp khuyến nông hướng dẫn bà con nuôi tôm. Hôm đó có sãi cả Sơn Phol chủ trì và kỹ sư Thạch Sol thuyết trình.
          Trong khi Thạch Sol đứng nói chuyện với bà con, Lâm Rươl đảo mắt tỏ ý tìm Thạch Na, anh lấy làm lạ về sự vắng mặt của người yêu.
         
          Đến ngày thả giống, Lý Mết trực tiếp chở tới. Trong lúc hý hoáy chuẩn bị thả tôm con thì Thạch Na về tới. Lâm Rươl bất ngờ, không hiểu sao Thạch Na trễ hẹn. Cuối cùng vỡ lẽ là cô về Cà Mau học được cách kiểm tra mầm bịnh ở tôm giống.

          Thả tôm giống xong, Lâm Rươl phấn khởi, hy vọng sáu tháng sau sẽ thành công. Đây cũng là lúc vào năm học mới. Anh lại say sưa lên lớp. Khi ra chơi, anh kể cho học trò nghe chuyện đi tham quan ở tỉnh bạn. Giữa lúc ấy tin không lành lại đến, dịch rầy nâu xuất hiện, phải xịt thuốc mới cứu được lúa. Lâm Rươl liền tìm cách liên lạc với Thạch Sol, hỏi xem làm cách nào diệt sâu mà không hại tôm. May thay, Thạch Sol đã giúp bạn một phương pháp tốt – Lâm Rươl nhẹ nhõm và chờ đợi ngày thu hoạch đang đến gần.
         
Hết chuyện này đến chuyện khác, cuối cùng  mùa lúa, mùa tôm cũng đã đến. Lúc ấy cũng vừa lúc đến kỳ lễ hội trống Xadăm. Người người kéo đến sân chùa Sóc Tà Rêl vui nhảy tưng bừng. Ông Lâm Tức, bà Sơn Chên khiêng một chiếc bánh gừng lớn đến lễ hội, ông Lý Mết chở hết số trống đến phân phát cho học sinh trường Tà Rêl. Lâm Rươl, Thạch Na cùng có mặt trong trang phục lễ hội. Hai người mơ tới một ngày cưới nhau. Tất cả vui nhộn trong điệu múa dân tộc, mừng đón ngày mùa thắng lợi sau bao ngày cực nhọc.
LAI LỊCH CÁC NHÂN VẬT CHÍNH

LÂM TỨC

-         Nông dân Khmer Nam bộ, khoảng sáu mươi tuổi.  Chủ nhân của một gia đình ở Sóc Tà Rêl. Ông có tài sản hơn mười công ruộng, một ngôi nhà lợp lá ba gian, cột kê táng, cất bên giồng cát, cửa trông ra đồng.

-         Lấy vợ năm hai mươi tuổi, bà Sơn Chên. Năm sau sinh con trai đầu lòng và cũng là đứa con duy nhứt, Lâm Rươl.

-         Làm ruộng từ nhỏ, yêu quý mảnh đất và cần cù, siêng năng cày cấy. Trước kia chỉ làm được một vụ lúa, nhà nghèo. Sau này nhờ có thủy lợi, làm thêm được một vụ nữa, cuộc sống khá lên chút ít.

-         Nhân sinh quan chủ yếu là tin vào số phận. Chịu ảnh hưởng Phật Giáo tiểu thừa. Thích sống khép kín và an phận.

-         Người trông hiền hậu, lầm lì ít nói ; nhưng cương nghị, thẳng thắn và trung thực. Ông có dáng người tầm tầm, mái tóc quăn pha muối tiêu làm bật gương mặt chữ điền màu nâu sậm.

-         Bảo thủ, khó thay đổi cung cách làm ăn, nhưng khi thực tế thúc đẩy, ông cũng phải nương theo chiều gió mà tồn tại. Cuối cùng ông thuận y thay đổi lối canh tác do con mình đề xuất.


LÂM RƯƠL

-         Con trai của Lâm Tức. Giáo viên dạy toán lý hóa của trường cấp hai trong xã. Tuổi đời khoảng ba mươi.

-         Yêu nghề giáo, ham mê đọc sách, cầu tiến. Vừa dạy học Lâm Rươl vừa học thêm qua phương pháp giáo dục từ xa – Hàm thụ ngành thủy sản.

-         Từng sống và lớn lên ở một gia đình nghèo, trong một sóc nghèo. Anh luôn tâm niệm được đóng góp để gia đình và bà con khá lên.

-         Anh có người đồng nghiệp và là người yêu sau này, giúp anh rất nhiều trong chuyện nuôi tôm – Cô Thạch Na.


-         Lâm Rươl có gương mặt hao hao giống cha. Mái tóc quăn, thường rẽ ngôi ; làm nổi bật đôi mắt sáng. Dáng người dong dỏng cao, nhanh nhẹn, hoạt bát.

-         Lâm Rươl làm giáo viên, nhưng bức xúc chuyện nghèo khó của dân sóc nên thử đặt vấn đề với cha mình. Không ngờ đó lại là chuyện làm mâu thuẫn cha con càng ngày càng tăng.

-         Sau nhiều thất bại, khó khăn, cuối cùng mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa của Lâm Rươl thành công. Vụ mùa thắng lợi Lâm Rươl vui lễ hội trống Xadăm và cưới Thạch Na.


SƠN CHÊN

-         Vợ Lâm Tức, một người đàn bà Khmer Nam bộ có dáng vẻ nhỏ thấp. Ở độ tuổi gần sáu mươi trông bà vẫn còn nhanh nhẹn, tháo vát. Đầu cạo theo tập quán của phụ nữ Khmer, làm toát lên tính hiền từ, mộ đạo và an phận.

-         Bà Sơn Chên lấy Lâm Tức năm mười tám tuổi. Năm sau sinh Lâm Rươl. Sau bao năm chung sống trong mái gia đình ấy, bà hiểu tính nết chồng con. Mỗi khi xảy ra chuyện rắc rối trong gia đình, bà biết cách dàn xếp. Trong mâu thuẫn giữa Lâm Tức và Lâm Rươl, bà thường lấy lời Phật mà khuyên lơn ; dùng tình cảm để hàn gắn tình cha con.

-         Bà Sơn Chên còn là động lực thúc đẩy chủ yếu cho tình yêu giữa Lâm Rươl và Thạch Na đi đến hôn nhân.

-         Trong lễ hội trống Xadăm, bà là nghệ nhân làm chiếc bánh gừng truyền thống.

THẠCH NA

-         Cô gái sinh ra và lớn lên ở đầu giồng thuộc Sóc Tà Rêl. Nàng có dáng cao ráo và cân đối. Nước da ngâm ngâm hài hòa cùng mái tóc đen dài chấm lưng, biểu lộ sức xuân thì của cô thôn nữ ở độ tuổi ngoài hai mươi. Cô là đồng nghiệp của Lâm Rươl. Hai người quen nhau từ thời niên thiếu qua các cuộc lễ hội.

-         Thạch Na tâm đầu ý hợp với Lâm Rươl. Cô yêu nghề giáo và say mê tìm hiểu khoa học. Một trong những điểm gắn bó giữa Thạch Na và Lâm Rươl là việc cô tập hợp tài liệu về kỹ thuật nuôi tôm cho ý trung nhân.

-         Thạch Na tính tình đằm thắm, hay nói đùa, vẻ tự tin và trung thực.

-         Trong chuyện yêu đương giữa hai người, có lần xảy ra hiểu lầm qua việc Thạch Na đi Cà Mau về trễ hẹn.

-         Thạch Na và Lâm Rươl mơ cưới nhau vào dịp lễ hội trống Xadăm.


SƠN PHON

-         Lục cả chùa Tà Rêl. Người có dáng vẻ tầm thước, tuổi khoảng trên bảy mươi.

-         Ông là người hiền hậu và nghiêm nghị. Cung cách lúc nào cũng khoan thai, khiêm nhường. Đằng sau gương mặt phúc hậu và đôi mắt sáng của ông, toát lên một nhân vật am hiểu nguyện vọng, tình cảm và lòng tin của người dân trong Sóc. Vì vậy, ông hiểu rõ chuyện cấy lúa hay nuôi tôm của bà con, điều gì là hợp lý. Dân nghèo thì chùa cũng không khá, mối quan hệ đó đã đặt vai trò của Sơn Phon vào vị thế của một lão làng hơn là đại đức.


-         Lục cả Sơn Phon là người tích cực tập hợp bà con để tiếp thu kỹ thuật nuôi tôm.


LÝ MẾT

-         Lái buôn tôm giống. Dáng người hơi lùn nhưng lanh lợi. Ở độ tuổi gần năm mươi, ông có vẻ sành sỏi trong dịch vụ mới mẻ này.

-         Lý Mết nguyên là thợ làm trống, làm đờn. Ông có năng khiếu nghề này, nhưng do nhu cầu ngày càng ít đi, không nuôi sống nổi gia đình, bèn nhảy sang lĩnh vực cung cấp tôm giống. Mới làm quen với nghề mới, nhưng Lý Mết sớm phất lên nhanh nhờ có phong trào nuôi tôm phát triển ở nhiều xã chung quanh Sóc Tà Rêl.

-         Vừa bán giống, Lý Mết vừa làm nhà tuyên truyền nuôi tôm. Ông nhận các tờ bướm hướng dẫn cách nuôi, cách trị bịnh cho tôm đi quảng bá cho bà con nào có ý định nuôi tôm.


-         Đối với những hộ quen thân, Lý Mết còn bán giống trả chậm hoặc gối đầu không tính lãi. Ông là người bán chịu giống tôm sú cho Lâm Rươl.

-         Ngày hội trống Xadăm, Lý Mết mang toàn bộ số trống, đàn mình có, đem tặng cho đội văn nghệ trường Tà Rêl. Ông hòa nhập vào cuộc vui hôm đó.


LÝ HỐC

-         Một tay trùm cho vay và mua bán đất đai ở Sóc Tà Rêl. Người y hơi cao, tay dài, mặt mày xương xẩu, tuổi khoảng năm mươi lăm.

-         Bề ngoài có vẻ ngọt ngào, nói giọng điệu thương người, nhưng thực chất là lừa cơ hội để o ép con nợ, mua rẻ đất đai lấy lời.


THẠCH SOL

-         Bạn học của Lâm Rươl. Người trung trung, có gương mặt hơi tròn, thường mang kính cận, tuổi đời khoảng ba mươi.

-         Là Kỹ sư nuôi trồng thủy sản, anh sẵn sàng đem sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình giúp đỡ Lâm Rươl, giúp bà con Sóc Tà Rêl nuôi tôm thành công.


DIỄN VIÊN QUẦN CHÚNG

-         Nhóm quần chúng khoảng mười người ở xóm nhà Lâm Tức.

-         Nhóm quần chúng dự họp ở chùa Tà Rêl, khoảng một trăm người.

-         Nhóm quần chúng ở lễ hội trống Xadăm, khoảng hai trăm người.

-         Ngoài ra còn một số diễn viên thể hiện ở các trường đoạn phục hiện, đi tham quan v..v…






PHẦN MỘT
_____

GIÓ CHIỀU
TL 50’


1. GÉNÉRIQUE
(Giới thiệu các vai chính, trích đoạn một số cảnh,
tên phim và tên phần một).

2. NGOẠI – NHÀ CỦA LÂM TỨC – NGÀY
         
Ngôi nhà ba gian lợp lá, kê táng. Lâm Tức mặc quần cụt lỡ, ở trần. Ông cầm dao, đục và một vòng gặt cũ, đi ngang qua hàng ba rồi ngồi phệt xuống góc nhà. Ông vừa bào gọt vừa ngắm nghía cái vòng gặt. Lát sau, ông hướng vào trong nhà.

LÂM TỨC
-         Bà ơi, lấy giùm tui cái nọc cũ. Tui giắt chung với mấy cái vòng gặt đó.

3. NỘI – GÓC NHÀ BẾP CỦA LÂM TỨC – NGÀY
         
Trên vách lá của nhà dưới Lâm Tức ám khói, có một cái giá treo đủ thứ; vòng gặt, nọc cấy, chừng hơn chục cái. Bà Sơn Chên nghe tiếng Lâm Tức bỏ thúng bánh xuống, đến giá, đảo mắt nhìn.

SƠN CHÊN
-         Nhiều cái quá. Ông muốn lấy cái nào ? …

LÂM TỨC (ngoài hình)
-         Thì lấy cái cán bị gãy ở phía bên trái cửa sau á mà..

SƠN CHÊN
-         Ừ, nó đây nè. Để tui đem ra cho. Cái ông này …

4. NGOẠI – NHÀ DƯỚI CỦA LÂM TỨC – NGÀY

          Bà Sơn Chên trong bộ áo dài đen đi chùa, bước ra khỏi cửa nhà dưới. Vừa đi về hướng Lâm Tức bà vừa săm soi cây nọc cũ.



SƠN CHÊN
-         Cây nọc này mấy chục năm rồi. Ông nhắm sửa lại còn xài nữa được không?

Ông Lâm Tức vói tay lấy cây nọc cũ, cầm cái cán gãy lắc lắc rồi vuốt nhẹ lên thân nọc.

LÂM TỨC
-         Coi vậy chớ cây hồi đó chắc lắm. Bây giờ dễ gì kiếm được. Hư cán thôi, sửa lại thì xài được liền.

Bà Sơn Chên kéo gốc đôn ngồi xuống bên chồng mắt chăm chú ngó tay ông đang gõ vào cây nọc cũ nghe cốc cốc.

SƠN CHÊN
-         Mới tháng này mà ông làm gì lo sửa soạn dữ vậy ?

Ông Lâm Tức không nhìn bà Sơn Chên mà cứ săm soi cây nọc. Để nọc xuống, ông lấy vòng gặt lên ngắm.

LÂM TỨC
-         Hết cấy thì chắc chắn là tới gặt thôi mà. Đón mùa trước có sao đâu. Bà nhắm còn cấy được nổi nữa không ?

SƠN CHÊN
-         Nổi chớ, hơi đau lưng một chút thôi. Mà bây giờ người ta sạ hết rồi đâu còn cấy nữa, ông cứ giữ hoài ba cái đồ này.

LÂM TỨC
-         Coi vậy chớ cấy thì lúa cứng cây chắc hột hơn bà ơi. Tui khoái lúa cấy hồi nào tới giờ. Ừ mà bà tính đi chùa đó hả.

SƠN CHÊN
-         Ừ. Chừng nào thằng Rươl đi dạy về, hai cha con cứ ăn cơm trước. Tui đi nghe ông.

Trong khi bà Sơn Chên vội bước ra khỏi sân Lâm Tức vẫn tiếp tục sửa nọc cấy và vòng gặt.



5. NGOẠI - ĐƯỜNG TRÊN GIỒNG CÁT – NGÀY

          Bà Sơn Chên đội thúng lễ vật đi dưới lũy tre. Ngược chiều, tốp học sinh đạp xe về nhà sau buổi tan trường. Chúng vừa đi vừa nói chuyện om sòm như bầy chim dòng dọc. Thấy có người đội thúng đi chùa, mấy em học sinh im lặng, cúi đầu chào rồi đi thẳng. Giáo viên Lâm Rươl thong thả đi sau tốp học sinh. Anh đạp chiếc xe “cuộc” màu xanh lá đã sờn cũ. Khi gặp mẹ đi chùa, Lâm Rươl dừng xe lại, lễ phép chào.

LÂM RƯƠL
-         Ủa, hôm nay là ngày rằm sao mà mẹ đi chùa ? Mà mẹ đem gì cúng mà coi bộ nặng dữ vậy ?

SƠN CHÊN
-         Ừ, bữa nay rằm. Mẹ làm ít chục cái bánh tai yến cúng chùa. Mầy lo dạy riết rồi quên ngày lễ Phật.

LÂM RƯƠL (Hơi ngập ngừng)
-         Thôi, mẹ đi đi, con về. Chiều con còn trở lại lớp để phụ đạo cho học sinh.

6. NGOẠI – NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Ông Lâm Tức vẫn đang ngồi bên góc hàng ba. Ông chăm chú cạo sửa mấy vết chạm trổ trên vòng gặt. Ở ngọn tre phía trước nhà vang lên tiếng chim sẻ. Lâm Rươl đẩy cửa rào, miệng còn hút gió rồi vụt tắt khi dựng xe lại.

LÂM RƯƠL
-         Ba làm gì mà chăm chút dữ vậy ?

LÂM TỨC
-         Rảnh tao sửa lại đồ cũ, để lâu hư hết. Con đem ba cái nầy máng lên giá giùm. Cẩn thận, cái vòng gặt này có hồi chưa đẻ mày đó nghen.

7. NỘI – NHÀ DƯỚI CỦA LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Rươl nhanh nhẩu ôm mấy cái nọc và vòng gặt đi vào cửa sau máng lên giá. Sẵn tay anh máng luôn cái túi giáo trình giảng dạy lên một đầu giá rồi quay đi. Cái túi đong đưa như quả lắc đồng hồ. Đoạn, anh dọn cơm ra bàn.


LÂM RƯƠL
-         Ba ơi vô ăn cơm, để nguội hết …

Lâm Tức bước vào cửa sau, dùng khăn rằn sọc đỏ sọc đen lau tay rồi ngồi xuống ăn cơm với Lâm Rươl. Chốc chốc ông nhìn lên cái giá vòng gặt và cái túi sách đong đưa.

LÂM TỨC
-         Lúc này tụi nó học được không bây ? Tao nghe nói có đứa nào đi thi học sinh giỏi gì đó ?

LÂM RƯƠL
-         Dạ cũng khá hơn năm ngoái. Đám trẻ bây giờ nhiều đứa ham học để tiến thân. Làm ruộng nghèo hoài. Nhứt sĩ nhì nông …

LÂM TỨC (Cười)
-         … Hết gạo chạy rong, nhứt nông nhì sĩ. Hà, mà gạo cũ giống này cũng nở quá. Cuối mùa được vậy là phước.

Túi sách của Lâm Rươl hơi nặng. Nó đang đong đưa, bỗng một con chó chạy qua làm chạm vào vách lá. Cái giá vuột đinh, vòng gặt, nọc cấy cùng rơi xuống. Tiếng kim khí và gỗ chạm nhau làm Lâm Tức và Lâm Rươl cùng ngó về một hướng rồi ngơ ngác nhìn nhau …

8. NGOẠI – CHÙA TÀ RÊL – NGÀY

          Bà Sơn Chên hòa vào đám đông ở sân chùa. Sau đó bà cùng mấy người đi chùa sắp bánh và hoa quả vào một bàn lớn.

BÀ ĐI CHÙA
-         Năm rồi lúa bà trúng  lắm hả ? Giống lúa mùa cũ coi bộ chịu đất bà lắm à nghen.

SƠN CHÊN
-         Ừ, cũng kha khá hơn mấy năm trước. Chắc là Trời Phật phù hộ

BÀ ĐI CHÙA (Nhìn vào thúng lễ vật)
-         Hèn chi bà cúng nhiều, phước lớn nghen.

SƠN CHÊN
-         Mô Phật. Cầu nguyện cho ai ai cũng được phước.

          Tiếng tụng kinh rền vang đều đều. Tượng Phật ở chánh điện vẻ từ bi giữa làn khói nhang nghi ngút.

9. NỘI – NHÀ CỦA LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Rươl vội vã lượm lên mấy cái nọc và vòng gặt cũ. Anh đóng lại cái giá rồi cầm túi sách đi lên nhà trên. Lúc này Lâm Tức đã ra hàng ba ngồi trên bộ chõng tre uống trà. Ông đăm đăm nhìn ra ngoài đồng, nơi lúa đang đỏ đuôi. Một ngọn gió làm lay động đám ruộng ửng vàng …

          Lâm Rươl từ trong bước ra. Anh ngồi xuống hơi mạnh, làm cho chiếc chõng kêu ken két. Lâm Rươl rót thêm trà cho cha. Ly nước đầy, tràn ra.

LÂM RƯƠL
-         Đất mình nhắm đem cầm được chừng bao nhiêu ba ?

LÂM TỨC (Trố mắt ngạc nhiên)
-         Mầy hỏi để chi vậy ?

LÂM RƯƠL
-         Con thấy người ta nuôi tôm khá quá, muốn kiếm vốn để làm thử …

LÂM TỨC
-         Đất của ông bà để lại, làm sao đem cầm cố được. Mầy không sợ tổn đức à?!

LÂM RƯƠL
-         Thời thế làm ăn mà ba không chịu thay đổi sao được.

LÂM TỨC
-         Chính miếng ruộng này nuôi cả gia đình, nuôi cả mầy ăn học, quên à ?

LÂM RƯƠL
-         Thì đành vậy rồi. Nhưng ba thấy không, nhà mình có khá hơn ai, cả sóc này nghèo hoài.

LÂM TỨC
-         Mầy nên nhớ, đất này nhà nước quy hoạch làm lúa thôi. Hổng có tôm tiếc gì ráo. Đừng có làm theo kiểu mua trâu vẽ bóng.

Lâm Tức nói dứt câu, hớp ngụm nước rồi hất phần xác trà vào gốc cột kê táng. Ông quày quả đứng dậy vào trong nhà.

Liền sau đó Lâm Rươl ra sân lấy xe đạp. Rào cổng bằng tre cũ mục vướng vào ghi-đông. Lâm Rươl giằng mạnh. Rào sập xuống.

          Từ trong nhà vọng ra tiếng giận dữ của LÂM TỨC : “Mầy định phá rào hay sao …”

10. NGOẠI - ĐỒNG LÚA CỦA LÂM TỨC - NGÀY

          Theo thói quen Lâm Tức ra đồng luôn vác theo khúc tầm vông, khi thì dùng làm gậy, lúc lại dùng làm đòn gánh. Gương mặt vẫn còn bực tức, ông lội quanh bờ mẫu rồi bước xuống ruộng. Quan sát kỹ mấy bụi lúa, Lâm Tức lựa chọn bông nào đỏ đuôi sớm nhứt cẩn thận tét rồi cột thành chùm máng lên chiếc gậy.

          Phía sau Lâm Tức, một người đàn ông xuất hiện trong bộ vận hơi chải chuốt. Đó là Trưởng ấp Tà Rêl.

TRƯỞNG ẤP
-         Làm gì đó ông Tức ơi …

LÂM TỨC
-         Ủa, đi đâu mà coi bộ bảnh bao vậy Trưởng ấp ? Rảnh lội đi lựa ba cái bông này để giống.

TRƯỞNG ẤP
-         Chiều nay xã mời họp, báo cáo công tác nông nghiệp. Hội họp mà ăn bận lèn xèn sao được ông ơi.

LÂM TỨC
-         Ngồi xuống đây nghỉ chân một chút. Để tui nói chuyện này cho ông nghe.

Cả hai cùng ngồi xuống ở bờ dừa bên đồng lúa.

TRƯỞNG ẤP
-         Chuyện gì vậy ông bạn già. Đâu nói cho Trưởng ấp nghe coi !

LÂM TỨC
-         Thằng con tui nó tính đem miếng đất này đi cầm, lấy vốn nuôi tôm. Ông nghĩ sao ?
TRƯỞNG ẤP
-         Trời ơi, đất này Nhà nước quy hoạch trồng lúa mà. Với lại từ hồi nào tới giờ ở Sóc này có ai dám xổ nước mặn vô đâu mà nuôi.

LÂM TỨC
-         Vậy mà nó tính nuôi tôm, cầm cố. Ông có gặp nó thì khuyên giùm tui.

TRƯỞNG ẤP
-         Ừ, để tui gặp nó coi. Đâu có dễ ăn mà tôm với tép. Thôi tui đi cho kịp giờ.

Trưởng ấp đứng dậy, Lâm Tức vẫn ngồi lại, nhìn xa xăm, nghĩ ngợi. Cánh đồng lúa ửng vàng gợn sóng. Lâm Tức ngó về hướng nhà thấy vợ đi chùa về.

11. NGOẠI – SAN NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Bà Sơn Chên từ chùa về đến cổng nhà. Bà chợt thấy rào cửa ngã đổ. Con chó rượt, mấy con gà chạy, kêu “cục tác” phóng qua rào. Vẻ ngạc nhiên, bà Sơn Chên nhìn vào phía trong nhà rồi đảo mắt ra ruộng, thấy Lâm Tức vừa về tới.

SƠN CHÊN
-         Ông đi ruộng mà sao không khép cửa rào, để gà chạy tùm lum ?

LÂM TỨC (Ngần ngừ)
-         Thằng Lâm Rươl nó cố ý phá đó chớ đâu phải tui.

SƠN CHÊN
-         Có chuyện gì ông nói nghe coi. Sao mà gắt quá vậy ?

LÂM TỨC
-         Nó đòi đem đất đi cầm, lấy vốn nuôi tôm nuôi tép gì đó. Bà nghĩ coi, đất của tổ tiên ông bà để lại, đem cầm, làm ăn thất bại thì còn gì …

Lâm Tức vừa nói vừa đem mấy bó lúa gánh trên cây gậy tầm vông máng lên sào, vẻ mặt buồn bực.


SƠN CHÊN
-         Thôi, để tui hỏi nó kỹ coi … Tính cưới vợ cho nó … mà ông buồn bực chi, sanh bịnh.

12. NGOẠI – NHÀ LÝ HỐC – NGÀY

          Lâm Rươl tay vịn xe đạp, đứng ngoài sân. Lý Hốc đang ngồi ở ghế bành trước hiên. Y xếp từng sấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), vẻ mặt đắc ý. Thoáng sau ngước lên nhìn, thấy Lâm Rươl đang đứng thập thò, y che mắt nhìn.

LÝ HỐC
-         Ủa, ai đó, giáo Rươl phải không ? Tới gặp qua có chuyện chi ?

LÂM RƯƠL
-         Tôi định gặp ông để hỏi, miếng đất của tôi cầm được chừng bao nhiêu ?

LÝ HỐC
-         Đất nào, à mà miếng đất mười công của ông Tức đứng tên đó chớ gì.

LÂM RƯƠL
-         Ừ, đúng rồi, miếng đất chạy dài, có bờ dừa đó.

LÝ HỐC
-         Tui làm phước cho bà con. Đất ở sóc này tui rành. Ai khó gì tui giúp cho. Miếng đất đó cũng khá, chắc được mười triệu à.

LÂM RƯƠL
-         Thôi cảm ơn ông. Tôi còn hỏi ý ổng nữa.

Lý Hốc cười khà khà, trong lúc Lâm Rươl quay lưng đi ra phía đường làng.

LÝ HỐC (nói vói)
-         Tiền có sẵn đây nè. Chừng nào cần thì xách sổ đỏ lại nghen.

Trời chiều sụp xuống làm bóng Lâm Rươl đổ dài méo mó trên giồng cát Sóc Tà Rêl.

13. NỘI – PHÒNG HỌC PHỤ ĐẠO – ĐÊM

          Lâm Rươl vẫn trong bộ đồ nhăn nheo lúc chiều. Anh thao thao về bài giảng hình học cho số học sinh yếu. Trong căn phòng ánh đèn bình ắc-qui lờ mờ, Lâm Rươl nhắc nhở học sinh. Anh vừa nói vừa viết lên bảng.


LÂM RƯƠL
-         Học kỳ vừa rồi các em còn yếu cho nên hôm nay thầy sẽ giảng lại một số kiến thức cơ bản cho các em. Trước hết chúng ta ôn lại bài “Hai đường thẳng song song.” Các em đọc theo tôi.

(Thầy đọc trước trò đọc sau)

-         Hai đường thẳng (cùng nằm trong một mặt phẳng) không có điểm chung, gọi là hai đường thẳng song song với nhau.

Lâm Rươl tiếp tục đọc để học trò đọc theo

-         Nếu hai đường thẳng cùng vuông góc với đường thẳng thứ ba thì hai đường thẳng đó song song với nhau.

-         Các em làm bài tập số hai và số ba trong sách giáo khoa. Thầy bận soạn bài, các em làm xong nộp cho Tổ trưởng rồi về.

CẢ LỚP (Đồng thanh)
-         Dạ !

Lâm Rươl ôm cặp ra cửa, vào phòng của mình ở kề bên. Anh kéo ghế ngồi xuống và lật sách giáo án ghi ghi chép chép. Thi thoảng anh sửa lại ngọn đèn bình cho sáng thêm rồi nhìn xa xăm. Bất giác, anh nghe tiếng thằn lằn chắc lưỡi  trên vách. (Tiếng độc thoại vang lên trong đêm tối, trong ánh mắt Lâm Rươl) :
-         Dốt nát dẫn tới nghèo khổ, nghèo khổ tạo ra dốt nát … Ôi, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông … Làm sao … cha ta … mẹ ta … sóc này … đến bao giờ …

Ngọn gió nồm tạt nhẹ làm cho mấy tờ giấy chợt bay. Lâm Rươl lấy hòn đá cuội dằn lại rồi kéo xấp báo làm gối, ngả lưng chợp mắt …

14. NGOẠI - RUỘNG TÔM – NGÀY
                   (Giấc mơ)

          Nhiều người trong sóc xúm lại giúp Lâm Rươl. Họ kéo lưới thu hoạch tôm. Nhiều giỏ tôm đầy kê sát nhau. Người khiêng, người bưng, cười nói rộn rã. Lâm Rươl cũng bưng một giỏ. Thấy nặng Thạch Na chạy tới giúp. Hai người ì ạch, bỗng vuột tay làm đổ giỏ tôm. Họ nhìn nhau cười trong tiếng nhảy lách chách của tôm sú …

15. NỘI – PHÒNG CỦA LÂM RƯƠL – SÁNG
          Ánh nắng khẽ chớp qua song cửa. Lâm Rươl dụi mắt ngồi dậy. Anh ngạc nhiên khi thấy ở khe cửa có tờ giấy, gió lất phất. Anh thò tay giở lấy và đọc ngấu nghiến.

-         Khi nào xong việc gặp em … Em có món quà này gởi anh – Bí mật. Em – Thạch Na

Tiếng nhạc từ đâu đó vẳng tới khiến cho gương mặt Lâm Rươl tươi tỉnh hẳn lên. Anh xếp bức thư, vuốt vuốt rồi ép vào quyển sách giáo khoa.

16. NGOẠI – SÂN NHÀ LÂM RƯƠL – NGÀY

          Trong lúc bà Sơn Chên cặm cụi quét sân, Lâm Tức cũng lui cui sửa rào cổng.

LÂM TỨC
-         Cũ mục hết rồi còn gì đâu. Ừ mà tối qua thằng Rươl nó không về hả bà ?

SƠN CHÊN
-         Ừ, chắc là nó bận ôn thi cho tụi nhỏ ở trường rồi ngủ ở trỏng luôn. Mà cái rào đó cũ quá rồi sao ông không bỏ đi, sửa nữa cũng hư hè.

LÂM TỨC
-         Coi vậy chớ cũng còn xài được. Đây, xong rồi.

Lâm Tức đóng cây đinh cuối cùng rồi è ạch đỡ rào cổng lên. Bà Sơn Chên chưa kịp tới giúp thì có mấy người đi ruộng ngó thấy. Họ vội chạy lại.

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG
-         Để tụi tui tiếp. Đây nè, hai ba người thử coi mầy lên nổi không !

LÂM TỨC
-         Thôi tạm vậy được rồi. Vô uống nước rồi hãy đi mấy ông ơi.

Lâm Tức và mấy người đi ruộng vô hàng ba. Họ ngồi xuống chõng tre và uống trà.

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG
-         Năm nay lúa ông chắc đỡ lắm hả ? Mà ông cấy giống gì, thấy cao giàn quá.
LÂM TỨC
-         Cũng như năm ngoái, kha khá. Thì ba cái lúa mùa sớm đó mà.

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG
-         Vậy sao ông tính bỏ ruộng nuôi tôm. Mới nghe thằng cha Lý Hốc nói đây.

LÂM TỨC
-         Chuyện mới vậy mà đồn cả sóc. Mấy ông coi, đất ông bà từ hồi nào tới giờ, thằng Rươl nó tính đi cầm cố lấy vốn nuôi tôm. Tui bực mấy bữa nay không ngủ được.

CẢ BA NGƯỜI ĐI RUỘNG (Đồng thanh)
-         Ồ, vậy hả, hèn chi …

LÂM TỨC
-         Dạy học thì lo dạy đi, đằng này lo nuôi tôm, thiệt là …

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG (2)
-         Nói vậy chớ đâu có dễ ăn. Ông thầy giáo này cũng có máu làm ăn dữ lắm nghen !

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG (1)
-         Nhưng mà nghe nói người ta nuôi tôm cũng mau giàu lắm.

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG (2)
- Thôi đi ông. Làm lúa kinh nghiệm mấy chục năm mà còn chưa chắc ăn. Đừng có thấy người ta “ăn khoai vác mai mà chạy”.

(1 và 3 cùng cười)

Nghe tiếng dỡ cổng rào, mọi người đều nhìn ra. Lâm Rươl dắt xe đạp vào sân. Anh vui vẻ chào mọi người.

LÂM RƯƠL
-         Ủa, bữa nay mấy chú đi đâu mà ghé chơi vui quá vậy ?

MỘT NGƯỜI ĐI RUỘNG (3)
-         Tụi tui đi đắp bờ. Thầy mới về à. Thôi tụi tui đi ruộng trưa quá rồi !

Trong khi Lâm Rươl còn nhìn theo ba người vừa đi vừa nói cười ở bờ ruộng, thì Lâm Rươl đến nhà sau gặp mẹ.

17. NỘI – NHÀ SAU LÂM TỨC – NGÀY

          Bà Sơn Chên đang dụi bếp lửa một cách chăm chú, không để ý đến LâmRươl.

LÂM RƯƠL (Ngoài hình)
-         Con mới về mẹ ơi.

Bà Sơn Chên cố dụi cho tắt bếp bằng cách nhốt than vào một nồi nhôm cũ, rồi ngẩng lên.

SƠN CHÊN
-         Con bận lắm sao mà hồi hôm mẹ trông hoài không thấy về ? Tắm đi rồi ăn cơm !

LÂM RƯƠL
-         Dạ. Con lo phụ đạo cho mấy đứa yếu môn toán. Khuya quá con ngủ lại ở trường. Mẹ có nghe ba nói gì không ?

SƠN CHÊN
-         Có. Mẹ biết rồi. Con cũng phải suy nghĩ, đừng có nôn nóng quá. Chuyện làm ăn lỡ thất bại …

LÂM RƯƠL
-         Con sợ ba mẹ già, nhà cứ nghèo hoài. Cái chuyện nuôi tôm người ta làm rầm rộ hết. Mẹ nghĩ coi cả sóc mình gần bốn trăm hộ mà hết ba trăm nhà lá.

SƠN CHÊN
-         Ừ, việc gì từ từ tính đi con. Để mẹ nói thêm với ba mày.

18. NGOẠI – SÂN NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Tức dùng cây tầm vông quen thuộc làm sào. Ông đem mấy bó lúa giống máng lên phơi. Nắng hé xiên làm mắt ông nheo nheo. Lâm Tức tỉ mẩn gỡ mấy hột lép bỏ ra. Mấy hột rụng ông cắn thử. Lâm Rươl từ nhà sau bước tới vả lả với cha.

LÂM RƯƠL
-         Ba làm gì mà coi bộ say mê dữ vậy ?


LÂM TỨC (Ngưng tay ngước lên)
-         Coi ba cái giống này. Lựa vậy chớ không biết có chắc ăn không. Cây lúa coi vậy chớ nó cũng có gốc, có rễ …

LÂM RƯƠL
-         Ba nói gì mà con khó hiểu quá.

LÂM TỨC
-         Mầy sắp đem cố đất rồi còn gì nữa mà làm. Tao mới nghe người ta đồn đây.

LÂM RƯƠL
-         Con mới hỏi thử ông Lý Hốc thôi. Định về thưa với ba để ba tính nữa mà.

LÂM TỨC (Vẻ giận dữ)
-         Tính cái gì. Tao đã nói đất này của ông bà để lợi, không cầm cố gì hết. Mười triệu, hai chục triệu, ba chục triệu cũng không được.

LÂM RƯƠL
-         Con đã nói với ba rồi. Cố để lấy vốn nuôi tôm. Đất còn nguyên đó chớ có mất đâu !

LÂM TỨC
-         Mầy nên biết là hồi đó ông nội mầy không có cục đất chọi chim, làm tá điền suốt đời, cực khổ, bị hiếp đáp đủ điều. Có cục đất này là từ đâu chớ?

LÂM RƯƠL
-         Con biết rồi. Nhưng đây là chuyện làm ăn. Ba cứ khư khư làm lúa, đất thì nhiễm mặn làm sao mà hết nghèo. Đó, ba coi cả sóc có được mấy cái nhà tường đâu. Nhà mình may mà ít con, không thì ba sẽ thấy cái cảnh …

LÂM TỨC
-         Mầy chạy đua với người ta. Nuôi tôm nuôi tép là chuyện của người khác, chỗ khác. Đừng hòng đem cầm cố, tép tôm gì. Thử ai rớ vô đất tao coi.

Bà Sơn Chên nghe cha con cãi vã vội bước lại phân trần.

SƠN CHÊN
-         Mô Phật. Cha con bây làm gì mà mới sáng sớm cự cãi dữ vậy. Chuyện đâu còn có đó mà. Ừ, trời chuyển mưa rồi kìa, ba thằng Rươl đem lúa giống vô đi.

19. NGOẠI - TRƯỚC CỬA NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Trời giông mưa, sét đánh ầm ầm. Đồng lúa Lâm Tức gió quật xoáy tung. Cái rào tre ở cổng lắc lư. Ông Lâm Tức nhìn ra ruộng vẻ lo lắng. Bà Sơn Chên chắp tay, miệng lẩm bẩm niệm Phật. Lâm Rươl suy nghĩ đi tới đi lui, anh dừng lại nhìn tờ lịch trên vách.

LÂM RƯƠL (Nói một mình)
-         Tháng mười năm nào cũng vậy, gió giông triều cường lại tới. Không biết kỳ  này mặn vô không đây.

Màn ảnh mờ dần …

20. NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Tức như người mất hồn. Gương mặt rũ rượi, ông vuốt từng bông lúa gãy gục dưới nước.

          Giữa cánh đồng vàng ngả nâu xơ xác, Lâm Tức lủi thủi bước đi chậm chạp. Tay cầm gậy tầm vông đôi lúc ông loạng choạng muốn té. Trong tiếng bước chân lỏm bỏm của người thất vọng người ta nghe vọng đâu đó nét nhạc buồn.

          Phải thật cố gắng Lâm Tức mới leo được lên bờ. Ông ngồi phệt xuống bên cạnh gốc dừa. Bóng lá dừa phất qua phất lại trên gương mặt làm cho Lâm Tức thêm thỉu não. Ông hết nhìn cánh đồng chìm trong nước mặn lại cầm lên xem mấy bông lúa mà ông tiếc rẻ mót được.

LÂM TỨC (Độc thoại)
-         Sao Trời Phật không phù hộ cho con, để lúa thóc như vầy, còn gì đâu mà sống … Trong suốt cuộc đời con, cây lúa là sự sống. Có lẽ nào con phải chịu cảnh này hoài. Con có làm gì nên tội đâu mà Phật Trời trừng phạt …

Trong cơn mệt nhoài, Lâm Tức dựa lưng vào gốc dừa thiêm thiếp.

21. NỘI – CHÙA TÀ RÊL – NGÀY

          Sư Cả Sơn Phon, sau bữa cơm trưa, ngồi uống nước, nói chuyện với con sóc. Bà Sơn Chên khom khom kính cẩn chắp tay trước Sư Cả rồi ngồi xuống lạy. Bà nhỏ nhẹ phân trần với Sơn Phon.


SƠN CHÊN
-         Mô Phật. Gia đình con có nhiều chuyện rắc rối quá. Cha con nó người đòi nuôi tôm, người không chịu, nước mặn vô ruộng con hư hết. Con lo quá.

SƠN PHON
-         Mô Phật. Đức Thích Ca dạy rằng, làm lành sẽ gặp lành, các con nhớ như vậy, mọi chuyện sẽ đi qua … Con về nói với Lâm Tức chuyện gì cũng phải nhẫn nại, Trời còn có lúc mưa lúc nắng, nước cũng lúc lớn lúc ròng.

SƠN CHÊN
-         Nhưng sư ơi, thằng con của con, Lâm Rươl nó muốn làm ăn quá, nó muốn giàu.

SƠN PHON
-         Mô  Phật. Ý nguyện đó cũng tốt lắm. Nhưng phải khuyên nó cẩn trọng. Tình cha con cũng có duyên kiếp, có Phật Trời chứng giám. Làm giàu mà mất tình cha con thì trái ý Phật.

SƠN CHÊN
-         Mô Phật. Để con về nói lại với hai cha con nó.

22. NGOẠI – SÂN CHÙA TÀ RÊL  – NGÀY

          Trong bối cảnh người mang cơm tới chùa ra về, loa truyền thanh trước cổng vang lên lời thông báo :

-         Nghe đây, nghe đây … Tổ quản lý điện Sóc Tà Rêl xin thông báo … Theo chương trình một ba lăm, chiều nay lúc sáu giờ, tức mười tám giờ, Tổ quản lý  sẽ đóng thử cầu dao lưới điện quốc gia. Xin thông báo để bà con được rõ …

Mọi người xúm lại, hớn hở bàn tán.


NGƯỜI ĐI CHÙA (1)
-         Bà có sắm sửa gì chưa ? Ở bên xã Đông Thành người ta có điện mấy năm nay. Sóc mình bây giờ mới có.

NGƯỜI ĐI CHÙA (2)
-         Chưa bà ơi. Tiền đâu mà sắm. Gạo còn không có ăn. Bà sắm tivi đi tôi qua xem nhờ nghen ! (Cười)

NGƯỜI ĐI CHÙA (3)
-         Nghe nói bên sóc Bù Ót có mấy chục hộ mùa rồi trúng tôm ra chợ mua đủ thứ. Một cái tivi, một cái tủ lạnh với lại cái máy dĩa gì đó.

NGƯỜI ĐI CHÙA (1)
-         Nghe nói ham quá mà nhà bà có tính nuôi tôm không ?

NGƯỜI ĐI CHÙA (3)
-         Ổng đương nhống thử. Nhắm được là  mùa này làm liền. Hôm qua nước mặn vô nhiều quá làm lúa chắc khó ăn … Thôi tui về.

NGƯỜI ĐI CHÙA (2 và 1)
-         Ừ, ừ, trưa rồi. Thôi về luôn nghen.

23. NGOẠI – GÓC SÂN TRƯỜNG – NGÀY

          Lâm Rươl vừa dựng xe đạp thì Thạch Na trờ tới. Gương mặt hớn hở tươi cười, nàng vịn ghi-đông xe đạp Lâm Rươl lắc lắc.

THẠCH NA
-         Tới bữa nay mới gặp được anh. Anh rảnh rồi à ? Em chờ để trao quà bí mật cho anh đây.

LÂM RƯƠL
-         Chuyện gì hệ trọng vậy cô giáo ? Làm tôi hồi hộp quá..

THẠCH NA
-         Từ từ rồi biết. Anh theo em vô đây.

Thạch Na kéo chiếc xe đạp khiến Lâm Rươl phải vịn lại, rồi hai người, mỗi người nắm một bên ghi-đông, đi lướt qua mấy khóm hoa của khuôn viên trường. Họ dừng lại ở trước phòng giáo viên.

THẠCH NA
-         Đứng đây, chờ em một lát nghen.

Thạch Na liếng thoắng vào buồng lấy gói quà trao cho Lâm Rươl.

THẠCH NA
-         Em bật mí cho anh. Đây là cái đèn bàn. Có điện rồi, xài loại này cho mắt anh đỡ mỏi …

Lâm Rươl cầm hộp quà không mở ra, hai tay cầm lúc lắc rồi áp vào tai.

LÂM RƯƠL
-         Chắc là sáng lắm. Cảm ơn em nhiều. Anh đâu có gì để tặng em.

THẠCH NA (Chỉ vào hộp quà, mắt hơi liếc Lâm Rươl)
-         Anh đừng nói vậy. Cái này là của em. Anh còn có món quà lớn nữa kìa.

LÂM RƯƠL
-         Nhưng mà của ai tặng mới được ?

THẠCH NA (Vẻ quan trọng, hạ giọng)
-         Nghe nói của Sở Giáo dục tặng – Anh là giáo viên giỏi của trường mà !

LÂM RƯƠL
-         Nhưng mà tặng cái gì, cô giáo làm tôi nôn ruột quá !

THẠCH NA
-         Hình như là cái tivi màu … Mà nghe đâu họ sẽ đem lại nhà, tặng luôn cho ba mẹ anh.

LÂM RƯƠL
-         Thiệt vậy à !…

Cả hai cùng đi về phía lớp học, khuất hẳn sau dãy nhà.

24. NGOẠI – NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Bà Sơn Chên đi chùa về ngạc nhiên không thấy ông Lâm Tức đâu cả. Bà đi quanh nhà tìm, vẻ hoảng sợ.

SƠN CHÊN
-         Ông Tức ơi … ông đâu rồi …

Bà Sơn Chên giật mình khi nhận ra một người đàn ông lù lù trờ tới, một nông dân hàng xóm đi ruộng về.


NÔNG DÂN HÀNG XÓM
-         Ổng nằm ở ngoài ruộng kìa, có đây đâu mà kiếm.


SƠN CHÊN
-         Sao vậy cà. Sao chú không khuyên ổng vô nhà giùm tui.

NÔNG DÂN HÀNG XÓM
-         Có chớ sao không. Tui nói xóm này ai cũng phải chịu cảnh lúa mất trắng,  hơi đâu mà buồn. Đất tui cũng vậy, nước mặn vô nhóc hết. Vậy mà ổng không nghe.

SƠN CHÊN
-         Thôi tui biết rồi. Nhờ chú nhắn gấp cho thằng Rươl về liền giùm tui. Tui đi kêu ổng vô.

Người nông dân hàng xóm bước nhanh ra đường. Còn bà Sơn Chên lấy khăn, dầu gió, chai nước, hớt hải ra ruộng.

25. NGOẠI - RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY
          Bà Sơn Chên chạy nhanh đến, nắm tay Lâm Tức.

SƠN CHÊN
-         Ông ơi, thôi tỉnh dậy đi. Mô Phật.
-         Chắc say nắng quá … (ngoài hình)

Trong lúc bà Sơn Chên đang lấy nước cho Lâm Tức uống thì Lâm Rươl cũng vừa về tới.

LÂM RƯƠL
-         Ba làm sao vậy mẹ ?

Bà Sơn Chên không trả lời ngay mà tiếp tục lấy nước cho Lâm Tức uống. Xong, bà quay qua Lâm Rươl, vẻ trách móc.

SƠN CHÊN
-         Ba mày bị mất nước. Kè ổng vô nhà đi. Mô Phật.

Lâm Rươl vòng tay đỡ cha ngồi dậy. Anh cố sức nhấc người Lâm Tức lên. Bà Sơn Chên cũng ghé vai tiếp con. Cả ba người loạng choạng giữa cánh đồng vàng úa.

26. NGOẠI – SÂN NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Đoàn người ăn mặc chỉnh tề. Người đi đầu có vẻ là một cán bộ tỉnh. Họ vừa đi vừa nói cười rôm rả. Hai người sau cùng khiêng một thùng vuông vuông. Cả đoàn dừng lại trước rào cổng. Một người trong đoàn gọi vào nhà.

MỘT NGƯỜI TRONG ĐOÀN (1)
-         Thầy Rươl ơi, có nhà không ?…

Thấy vắng vẻ, mọi người ngạc nhiên nhìn nhau thắc mắc. Vừa lúc đó hai mẹ con Lâm Rươl và Sơn Chên đang cố gắng dìu Lâm Tức về nhà. Cả đoàn khách nhốn nháo.

MỘT NGƯỜI TRONG ĐOÀN (2)
-         Chuyện gì vậy Thầy Rươl. Ông Tức sao vậy ?

LÂM RƯƠL (Nói trong thở mạnh)
-         Ba tui bị trúng gió ngoài ruộng.

Cả đoàn, người một tay, giúp đưa Lâm Tức vào chiếc chõng tre ở hàng ba. Họ để cái thùng vuông vuông nằm ngoài cổng.

LÂM RƯƠL
-         Mấy anh tới chơi mà xui quá, ba tôi bị bịnh. Thôi ngồi, ngồi uống nước.

Lâm Rươl để cha nằm đó cho mẹ, chạy đi lấy ghế. Mấy người trong đoàn đứng vây quanh Lâm Tức.

MỘT NGƯỜI TRONG ĐOÀN (1)
-         Thôi được rồi ! Bữa nay chúng tôi đại diện cho Công đoàn Sở Giáo dục mang tới tặng cho giáo Rươl một cái tivi, nhân thầy được bầu là giáo viên giỏi trong năm. Hơn nữa điện cũng về tới sóc rồi, đem tới đây hai bác cùng xem dù kê cho vui.

Trong lúc người đại diện nói chưa dứt câu thì hai người trong đoàn ra cổng khiêng chiếc thùng vào. Họ mở thùng ra để tivi lên ghế.

LÂM RƯƠL
-         Xin cảm ơn mấy chú quan tâm. Có tivi rồi chắc ba tui vui à.

Một người trong đoàn mở tivi, xoay xoay ăng-ten cho trúng hướng. Trên màn ảnh truyền hình đang lúc chương trình tiếng Khmer buổi chiều. Mục dự báo thời tiết vang lên :
-         “Chiều hôm nay không mưa, gió Tây Nam cấp ba cấp bốn … Ngày mai trời nắng …”
27. NGOẠI – SÂN TRƯỜNG TÀ RÊL – NGÀY

          Giờ tan trường. Các em học sinh lũ lượt ra về. Thầy Hiệu trưởng kéo các giáo viên lại giữa sân báo tin xốt dẻo.

THẦY HIỆU TRƯỞNG
-         Xin báo cho các vị mừng là Ngân hàng Phát triển nông thôn vừa thông báo họ sẽ cho giáo viên chúng ta vay lãi suất thấp để sản xuất, cải thiện đời sống.

NHÓM GIÁO VIÊN (Đồng thanh)
-         Ồ …

THẠCH NA
-         Nghe nói mức vay tới mười triệu đồng. Như vậy là anh Rươl khỏi đi cố đất.

LÂM RƯƠL
-         Nhưng mà bao nhiêu phần trăm năm vậy thầy ?

THẦY HIỆU TRƯỞNG
-         Ôi, có không phẩy năm phần trăm thôi mà. Coi như đây là một chính sách của Nhà nước đối với giáo viên vùng dân tộc, vùng xa.

Nói xong thấy Thạch Na và Lâm Rươl còn muốn nói riêng điều gì, Thầy Hiệu trưởng ra hiệu để mọi người tế nhị ra về, hai người còn đứng lại. Thạch Na nhìn theo nhóm người vừa đi khỏi rồi quay lại liếc mắt nhìn Lâm Rươl.

THẠCH NA
-         Không phẩy năm là phân nửa hả anh Rươl.

LÂM RƯƠL (Vẻ ngạc nhiên)
-         Phân nửa là … à, hiểu rồi. Nửa này và nửa kia sẽ thành một chớ gì ?!…

Thạch Na cười hồn nhiên pha chút tình tứ. Nàng mở cặp ra, rút một xấp tài liệu cắt ra từ các tờ báo. Trang đầu có bài “Kỹ thuật nuôi tôm trên ruộng lúa”.

THẠCH NA
-         Em tặng anh tài liệu này. Em cắt ở mấy tờ báo nông nghiệp. Anh coi thử coi có làm được không.

Lâm Rươl cầm bài báo chăm chú. Anh nhìn Thạch Na thầm cảm ơn rồi hướng mắt về phía xa xăm.

28. NỘI – NHÀ LÂM TỨC – ĐÊM

          Lâm Tức nằm trên ghế bố, dựa lưng hơi thoải phía sau. Ông chăm chú xem tivi. Trên màn ảnh đang diễn ra vở dù kê. Chằng tinh đang múa tay quơ chân, mặt mày trông dữ dằn. Bà Sơn Chên cũng ngồi kế bên, trên bộ ván. Tay cầm khăn sọc quật muỗi rồi vắt lên vai.

          Vở dù kê diễn ra một đoạn thì Lâm Tức thiếp đi.

SƠN CHÊN
-         Mới đó mà ngủ rồi. Cái ông này, hát hay vậy mà không coi.

29. NGOẠI – SÂN NHÀ LÂM TỨC – NGÀY
                   (Phục hiện giấc mơ)

          Lý Hốc chạy chiếc xe hiệu Dream trờ tới. Mặt y có vẻ hung dữ, méo mó. Môi y đầy râu, nhếch mép. Sợi dây chuyền to tướng đong đưa.

LY HỐC
-         Còn mấy ngày nữa tới kỳ trả tiền lời. Không thì tui giữ sổ đỏ luôn.

Lý Hốc cười ngạo nghễ rồi rú ga vọt đi.

30. NỘI – NHÀ LÂM TỨC – ĐÊM
                 (Trở lại hiện tại)

          Lâm Tức cựa mình. Tay ông quơ quơ như thể đập con muỗi.

SƠN CHÊN (Rút khăn quật muỗi)
-         Ông ơi, ngủ thì vô mùng. Muỗi nó cắn ông chết.

31. NGOẠI - ĐỒNG LÚA – NGÀY
              (Phục hiện giấc mơ)

          Lâm Tức lúc đó khoảng 19, 20 tuổi. Ông đang bì bõm lội ruộng. Tới mặt đập ông dỡ xà ngom, tôm tép nhảy lưng tưng, lách chách.

LÂM TỨC (Bụm tay làm loa gọi vọng vô nhà)
-         Ba ơi, đất mình tôm xổ nhiều lắm. Ba lấy đồ ra đựng tiếp con nè.
32. NỘI/NGOẠI – NHÀ LÂM TỨC – NGÀY (Sáng)

          Mặt trời hé sáng ở mé ruộng, chim hót líu lo. Lâm Rươl đêm qua ngủ lại trường, sáng nay về sớm, anh đến bên Lâm Tức.

LÂM RƯƠL
-         Ba ơi, dậy đi trời sáng rồi. Ba dậy uống trà, có trà ngon nè.

Lâm Tức ngồi dậy, ông từ từ đi ra chõng tre ngồi xuống, thư thả hớp từng ngụm trà, vẻ trầm ngâm suy nghĩ.

LÂM TỨC (Độc thoại)
-         Có khi thằng Rươl nó có lý. Không chừng đất này cũng nuôi tôm được lắm…

Lâm Rươl từ trong nhà bước ra hàng ba, tay ôm một xấp tài liệu, mặt hớn hở, tiến đến bên Lâm Tức.

LÂM RƯƠL
-         Ba khỏe rồi hả ba ? Thấy ba hồng hào trở lại rồi.

LÂM TỨC
-         Ừ. Mầy xách cái gì lùm xùm vậy ?

LÂM RƯƠL
-         Ba ơi, có cái này vui lắm. Chuyện này mới tinh hè.

LÂM TỨC
-         Gì vậy ? Nói nghe coi.

Lâm Rươl xề xuống chõng tre. Cái chõng rung lên, đánh tiếng “két két” như trước.

LÂM RƯƠL
-         Ngân hàng vừa thông báo cho tụi giáo viên con vay. Lãi suất có không phẩy năm phần trăm. Được mười triệu. Kỳ này khỏi cầm cố đất gì đâu. Mà này, con vừa có tài liệu mới. Họ chỉ cách nuôi tôm ngay trên đất ruộng. Cứ một mùa lúa xong rồi là làm một vụ tôm. Đất mình nhiễm mặn nên dễ nuôi lắm. Đây nè, nhiều chỗ thành công rồi, ba coi.

Từ trong bước ra, bà Sơn Chên vui ra mặt.

SƠN CHÊN
-         Mô Phật. Cha con bây làm gì mà vui dữ vậy ?!

LÂM RƯƠL
-         Mẹ ơi, cơm chín chưa. Con đói bụng quá.


SƠN CHÊN
-         Thì vô dọn ra đi, tới bữa rồi. Trưa nay mẹ có món ngon lắm.

33. NGOẠI – GÓC NHÀ SAU – NGÀY

          Nồi cơm bốc hơi nghi ngút, bên cạnh là mấy món ăn thông thường. Đặc biệt có một dĩa tôm kho tàu màu gạch đỏ au. Lâm Rươl, Lâm Tức, Sơn Chên cùng ăn. Không khí ấm cúng.

SƠN CHÊN
-         Ông ăn đi cho lợi sức. Có tôm kho tàu nè.

LÂM TỨC
-         Tôm ở đâu ngon vậy bà ?

SƠN CHÊN
-         Của con Thạch Na nó làm sẵn gởi cho nhà mình hồi chiều hôm qua.

LÂM TỨC
-         Thạch Na nào cà ?

SƠN CHÊN
-         Thì con nhỏ tóc dài, dạy chung với thằng Rươl nè.

Lâm Rươl hơi mắc cỡ khi thấy cha mình nhìn có vẻ soi mói.

LÂM RƯƠL
-         Ba ăn thử coi ngon không ?

Lâm Rươl gắp một con tôm để vào chén Lâm Tức trịnh trọng.

LÂM RƯƠL
-         Nè ba ăn đi ! Tôm sú đó ba ơi. Người ta nuôi sáu tháng được bi lớn đó.

Lâm Tức gắp con tôm lên ngắm nghía.
LÂM TỨC
-         Ừ, thấy thì ngon thiệt. Mà thôi mày thích tôm thì ăn đi (đưa tôm qua chén Lâm Rươl). Ba già rồi, ăn để mà sống thì có bao nhiêu đâu. Sống để mà ăn thì phải bươn chải. Coi lo mà thả tôm, cũng sắp tới mùa gặt rồi. Đem lúa vô bồ là dọn liền.

Cả ba người nhìn ra phía cánh đồng. Gió lất phất ngọn tre, bờ dừa.

34. GÉNÉRIQUE Cuối.

          Lâm Rươl ra đồng làm đất, dọn cỏ.
          Thạch Na cũng đến tiếp tay. Bà con trong sóc kéo đến xem cách làm của Lâm Rươl. Không khí vui nhộn trong một ngày lao động …



HẾT PHẦN MỘT



PHẦN HAI
_____

HỘI TRỐNG XA-DĂM
TL 50’

1.     GÉNÉRIQUE
(Trên các hình trích đoạn của phần hai)

2.     NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

Lâm Rươl dọn cỏ dưới ruộng. Anh quơ hốt từng ôm cỏ chất thành đống. Trên bờ, ông Lâm Tức chống gậy tầm vông, ở trần, mặc xà rông đứng nhìn con.

            LÂM TỨC
-         Mầy tính dọn một mình sao. Biết tới chừng nào mới xong ?

LÂM RƯƠL (Ngẩng lên)
-         Cỏ ít, con làm một mình cũng được ba ơi. Chắc vài ngày là rồi mà.

LÂM TỨC
-         Tốt nhứt là mày để đại vậy. Có cỏ mới có phân, lúa mới tốt.

LÂM RƯƠL
-         Không được đâu ba ơi, người ta nói dọn sạch cỏ rác nuôi tôm mới trúng. Dọn cỏ như làm vệ sinh vậy mà.

LÂM TỨC
-         Biết đâu, mầy dọn sạch quá đất không còn phân, mai mốt lúa tao thất thì sao.

LÂM RƯƠL
-         Con tin chắc là mùa tôm của con cũng thành công, mà mùa lúa của ba cũng trúng như mọi năm.

Lâm Tức và Lâm Rươl cùng cười – Màn ảnh mờ dần.

3.     NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

Lúa đã lên xanh. Lâm Rươl ra thăm đồng. Anh thò tay vốc một vốc nước, ngụm thử. Đôi mắt có vẻ tự tin và lạc quan nhìn ra cánh đồng. Đang chăm chú, phía sau Lâm Rươl có một người đàn ông xuất hiện. Ông ta có vẻ lanh lợi, tay xách theo một xấp tờ bướm quảng cáo thức ăn cho tôm. Quay lại Lâm Rươl nhận ra ngay đó là Lý Mết.

LÝ MẾT
-         Cháu Rươl, cháu định thả tôm à. Mà nuôi trong ruộng lúa à. Vụ này mới à nghen. Mười công này thả chừng bao nhiêu đây, để chú tính coi …

Lý Mết bấm tay, miệng lẩm nhẩm tính

LÂM RƯƠL
-         Chưa biết tính sao chú Mết ơi. Để coi vốn còn bao nhiêu. Lúc này chú bỏ nghề làm trồng rồi sao. Buôn giống tôm chắc khá hơn hả chú ?

LÝ MẾT
-         Làm ăn phải có thời, mà phải chớp thời cơ nữa cháu ơi. Chú tính sơ bộ, mười công này vừa vốn vừa giống tốn chừng tám triệu.

LÂM RƯƠL
-         Để cháu tính coi, rồi cho chú hay. Có gì thì cháu nhờ chú giúp đỡ …

LÝ MẾT
-         Dễ thôi, cho hay chú chở giống tới nơi. Có gì thì để đó, tới thu hoạch mình tính. Cầm mấy cái này coi chơi. Chú đi nghen.

Lý Mết quày quả đi. Lâm Rươl nửa ngạc nhiên, nửa bất ngờ cầm xấp tờ bướm nhìn theo lão buôn giống tôm.

4.     NGOẠI – SÂN NHÀ ÔNG LÂM TỨC – NGÀY

Lâm Tức đẽo mấy cây nêm, đóng lại chiếc chõng tre. Xong ông lắc thử xem có còn kêu ken két hay không. Ông lẩm bẩm một mình.

LÂM TỨC
-         Để coi còn lung lơ, kêu nghe ê răng nữa hay không nghen …

Từ trong nhà bước ra, tay cầm cái thúng không, bà Sơn Chên dừng lại bên cạnh chồng.

SƠN CHÊN
-         Ông ơi, làm gì đó, cột lại cái vành thúng này giùm tui, lát nữa đi chùa.

Lâm Tức ngẩng lên, vói tay lấy thúng.

LÂM TỨC
-         Ủa, bữa nay tới rằm sao bà ? Coi vậy mà mau quá ha.

SƠN CHÊN
-         Ừ, tới ngày đi chùa rồi. Lần này tui khẩn Phật cho thằng Rươl nó nuôi tôm trúng mùa.

LÂM TỨC
-         Vậy lúa của tôi bà không vái van, cầu khẩn gì hết à ?

SƠN CHÊN
-         Có chớ sao không. Tui cầu nguyện cho hai cha con ông đều tốt hết mà.

Sơn Chên vào trong nhà.

5.     NGOẠI – SÂN TRƯỜNG TÀ RÊL – NGÀY

Giờ ra chơi, học sinh  nhao nháo đùa giỡn. Nhóm nhảy dây, nhóm đá cầu, sân trường vui nhộn. Gặp nhau trước dãy hành lang, Lâm Rươl và Thạch Na dừng lại.

THẠCH NA
-         Lớp anh Rươl năm nay nhiều học sinh  giỏi không ?

LÂM RƯƠL
-         Chắc có cỡ chừng tám chín chục phần trăm. Còn lớp em thì sao ?

THẠCH NA
-         Chắc không bằng lớp anh đâu. Nhiều em gia đình nghèo quá, học bấp bỏm.

Lâm Rươl thoáng buồn khi nghe Thạch Na nhắc đến tiếng nghèo.

LÂM RƯƠL
-         Vậy em có cách gì giúp các em ấy được không ?

THẠCH NA
-         Em cũng động viên, giúp các em một số sách giáo khoa. Em lấy tiền thưởng mua đó. À mà mai, thứ bảy anh làm gì ?

LÂM RƯƠL
-         Mai anh thả tôm giống, có gặp ông Lý Mết, ông có vẻ nhiệt tình lắm.

THẠCH NA
-         Ổng là cậu em mà. Để chiều về ngang, em nhắn ổng sáng mai xuống ruộng anh nghen.

Lâm Rươl gật đầu thầm cảm ơn người bạn đồng nghiệp. Cả hai bước vào lớp.

6.     NGOẠI - RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

Buổi thả tôm xuống ruộng lúa rộn rịp. Trong khi Lý Mết cho xe lôi chở các bao bơm ốc-xy tới mé ruộng thì bà con trong xóm cũng đổ xô tới xem. Bên bờ mương, một sân nhỏ được Lâm Rươl làm tạm để tiện thả tôm. Từng bao nylon chuyền xuống và chính tay Lâm Rươl thả.

Lâm Tức cũng xuất hiện nhưng ông lại ở dưới ruộng từ lúc nào. Nửa băn khoăn, nửa tò mò, Lâm Tức lội tới lội lui quan sát. Lâm Rươl sốt ruột vừa thả tôm vừa lườm cha.

LÂM RƯƠL
-         Ba ơi, con đang thuần cho nó quen nước. Ba lội đục hết sợ không ổn.

LÂM TỨC
-         Con tôm cũng biết đục trong nữa hà !

LÂM RƯƠL
-         Nó nhạy lắm ba ơi. Nó sợ đục như người ta vậy đó. Cả chục triệu đồng con thả xuống đây mà.

Nghe Lâm Rươl nói số tiền chục triệu, số người đến xem nhìn nhau ngạc nhiên.

NGƯỜI XEM (1)
-         Trời ! Cả chục triệu đem thả xuống nước. Coi vậy mà tốn nhiều vốn quá.

NGƯỜI XEM (2)
-         Nếu mà trúng thì hốt vô cả trăm triệu như chơi.

NGƯỜI XEM (1)
-         Còn như không trúng thì mất luôn cả chì lẫn chài !
NGƯỜI XEM (2)
-         Í, đừng nói xui cho anh Rươl. Ảnh cũng muốn làm giàu lắm. Bây giờ người ta làm ăn dữ lắm.

Ngọn gió thổi tới làm gợn sóng lăn tăn trên mặt nước ruộng. Lâm Rươl nhìn với cặp mắt tràn trề hy vọng. Anh rảo bước trên bờ dừa. Thi thoảng anh ngoái lại nhìn ruộng tôm …

7.     NGOẠI – SÂN NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

Dưới bóng râm trước sân nhà, Lâm Tức lom khom chẻ tre. Ông làm thành thạo theo kinh nghiệm, chẻ từ gốc lên ngọn. Khi tách được hơn một thước, ông bước vào giữa, dùng hai tay căng ra. Tre tách ra dứt khoát và đều đặn. Vừa xong cây thứ hai thì bà Sơn Chên bước ra.

SƠN CHÊN
-         Ông chẻ tre định làm gì vậy. Chưa tới mùa gặt mà.

LÂM TỨC
-         Già rồi phải lo xa. Đón mùa vậy mà. Cái bồ mình bị hư nẹp, tôi chẻ để phơi khô, ít tháng nữa cập lại.

SƠN CHÊN
-         Ông ơi, ông thấy con Thạch Na được hông. Cưới nó cho thằng Rươl nghen ông ?!

Lâm Tức không trả lời ngay mà tiếp tục nắn nót nẹp tre vừa chẻ xong. Ông uốn qua uốn lại rồi quật xuống sân cát kêu cái “trót”.

LÂM TỨC
-         Ừ, cưới thì cưới liền tay đi. Mà chuyện làm ăn của nó, dạy học thì lo dạy học, còn lo nuôi tôm, làm giàu à.

SƠN CHÊN
-         Hơn ba chục tuổi rồi, nó còn trẻ trung gì nữa đâu. Lỡ cha già con muộn.

Dứt lời, bà Sơn Chên thoắt nhìn xa xăm về phía đầu sóc.

8.     NỘI - TRƯỜNG TÀ RÊL – NGÀY

Lâm Rươl đang đứng trên bục giảng. Bài toán anh viết trên bảng chi chít công thức. Một học trò bị kêu lên đứng xuôi tay khóc thút thít.
LÂM RƯƠL
-         Tôi đã nói với các em rất nhiều lần. Học phải cho ra học. Có bấy nhiêu công thức cũng không thuộc.

HỌC TRÒ
-         Dạ, xin thầy tha lỗi. Em … hôm qua em đi ruộng tiếp cha em …

LÂM RƯƠL
-         Đi ruộng ?! … Thôi, về chỗ. Các em có tên sau đây tối nay tới phòng thầy học phụ đạo : Lý Phết, Sơn Túc, Thạch San, Lâm Ươl, Cà Keo. Rõ chưa ?

LỚP HỌC (Đồng thanh)
-         Dạ rõ.

LÂM RƯƠL
-         Còn có một tuần nữa chúng ta sẽ kết thúc học kỳ hai, nghỉ hè. Các em không cố gắng thì không thể chuyển cấp được. Các em nên nhớ, chỉ có học mới thoát nghèo khổ. Thôi ra chơi đi.

Một hồi trống vang lên. Các em túa ra sân vui chơi như mọi ngày – Màn ảnh mờ dần.

9.     NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

Lâm Rươl thay bộ vận bằng đồ ngắn, vai vác một đống lưới. Mấy người cùng xóm và Lâm Tức sửa soạn ra đồng. Đến ruộng Lâm Rươl và một số bà con xúm nhau đem lưới xuống mương ruộng kéo tôm. Kéo một hồi dở lên, không thấy con tôm nào cả.

LÂM RƯƠL
-         Nó chạy dồn phía trên nước. Mình bắt đằng kia kéo xuống.

Họ luýnh quýnh, kẻ xách xô, người vác lưới chạy về phía đầu đất.

NGƯỜI GIÚP KÉO LƯỚI
-         Ét ơi, lấy cái rổ úp đầu bọng lợi, hông thôi nó ra hết.

Xa xa, trên bờ dừa có thằng nhỏ cầm rổ chạy thoăn thoắt. Mấy người kéo lưới với Lâm Rươl hớn hở ào xuống mương.

Đứng trên bờ Lâm Tức thi thoảng nhìn về phía nhóm người kéo lưới. Vẻ khả nghi.
Lâm Rươl ghị mạnh với người hàng xóm để kéo hẳn lưới lên bờ. Mấy con tôm đất búng chách chách. Anh thò tay khều mớ rong rêu, lá cây ủ mục đen xì rồi lắc đầu thất vọng.

NGƯỜI GIÚP KÉO LƯỚI
-         Để tui mò thử coi, nó có chúi không ?

Anh ta trầm xuống mò. Dưới mương chỉ còn thấy cái đầu lừ lừ đi tới, nước ngang miệng. Đứng dậy, mở tay ra, anh ta lắc đầu.

Lâm Rươl buông mình ngồi phệt xuống. Mặt anh trông thỉu não vô cùng. Tay lưới cắm chỏng chơ che mắt anh nhìn ra cánh đồng. Bóng lưới hình ca-rô in lên gương mặt Lâm Rươl.

Nước rút cạn, mấy con cá hủng hỉnh và tôm đất ngo ngoe tìm đường trốn. Lâm Tức bước tới thấy cảnh đó cũng buồn hiu. Ông nhìn Lâm Rươl vẻ cảm thông.

LÂM TỨC
-         Thôi trưa rồi vô nghỉ bây ơi …

Mọi người đi vào nhà. Lâm Rươl vẫn còn ngồi đó bên tấm lưới. Gió nồm phất phất, Lâm Rươl gục xuống, khoanh tay ôm đầu gối.

10.            NGOẠI – SÂN TRẠM Y TẾ - NGÀY
Nhiều người xúm khiêng Lâm Tức vào trạm y tế. Ông nằm bất động, mình đắp bằng mền sọc đỏ xanh, gương mặt xanh xao. Một y tá từ trong phòng trực cấp cứu thò đầu ra, vẻ khó chịu.

NỮ Y TÁ
-         Chuyện gì ồn ào vậy ?

Một người hàng xóm và bà Sơn Chên bước lại từ tốn bên người y tá.

SƠN CHÊN
-         Ông tui, ông Tức đó mà, ổng bị trúng gió, cứng ngặt kéo.

NGƯỜI HÀNG XÓM
-         Mới đây hè, tụi tui đưa lợi liền.

Bà y tá sờ trán Lâm Tức. Đo huyết áp rồi ghi vội mấy chữ vào phiếu thuốc, xong chìa ra cho người hàng xóm.
NỮ Y TÁ
-         Đi lấy nước biển.

NGƯỜI HÀNG XÓM (Hơi ngơ ngác)
-         Ổng bị nước biển rồi, còn vô chi nữa ?

NỮ Y TÁ (Khoát tay)
-         Nước biển là dịch truyền đó - Lẹ đi !

Từng bọt nước trong chai dịch truyền nổi lên. Bà Sơn Chên nhìn chai nước rồi nhìn Lâm Tức, vẻ lo lắng. Bà cầm quạt phe phẩy. Lâm Tức từ từ mở mắt ra. Bà Sơn Chên đút cho chồng một muỗng nước.

LÂM TỨC (Thều thào)
-         Có gì đâu mà đưa tui vô đây …

Lúc này Lâm Rươl cũng vừa tới. Theo sau có Thạch Na và một vài học sinh. Họ khẽ bước vào phòng. Lâm Rươl ngồi xuống nắm tay cha.

LÂM RƯƠL
-         Ba ơi, khỏe chưa ba ?! Con hay ba bịnh là chạy về đây thăm ba liền.

Lâm Tức mở mắt ra, không trả lời. Nước trong chai dịch truyền nhỏ xuống. Lâm Rươl đặt tay cha xuống. Thạch Na bước tới bên Sơn Chên.

THẠCH NA
-         Con mua ít đường, sữa bồi dưỡng cho bác trai. Con để đây nghen bác.

SƠN CHÊN
-         Dữ hông. Để đó đi con. Thấy ổng cũng khỏe rồi, chắc mai về nhà.

Lâm Rươl và Thạch Na bước ra ngoài. Họ ngồi xuống băng đá. Trên dựa băng có khắc dòng chữ đỏ : “Cơ sở tôm giống Lý Mết tặng”.

THẠCH NA
-         Em thấy bác trai khoẻ rồi đó anh Rươl.

LÂM RƯƠL (Suy nghĩ một chút)
-         Anh cảm thấy ân hận. Chuyện nuôi tôm này làm cho ba anh bịnh. Chắc thôi quá, sợ thất bại nữa.


THẠCH NA
-         Anh ngộ thiệt. Mới có vậy mà thấy anh bi quan. Nhớ nhiều lần anh nói với học sinh yếu, có thất bại mới có thành công mà !

LÂM RƯƠL
-         Thì biết vậy. Nhưng cả chục triệu còn nợ ngân hàng làm sao mà trả được.

THẠCH NA
-         Từ từ rồi tính, anh yên tâm đi ! Người ta thường nói là “Ai có ý tốt thì chắc chắn có quới nhân” mà.

Lâm Rươl ngồi thừ ra, nhìn xa xăm.

11.             NỘI - HỘI TRƯỜNG SỞ NÔNG NGHIỆP – NGÀY

Hội trường đông nghịt người. Tiêu đề “Hội nghị tổng kết 6 tháng công tác nuôi trồng thủy sản” nổi bật trên phông màu xanh dương.

Một cán bộ thủy sản đứng trên bục đọc báo cáo. Giọng ông hơi ề à, thi thoảng ngập ngừng nhìn lên.

CÁN BỘ THỦY SẢN
-         Thưa quý vị, nguyên nhân của các vụ thất bại này là do người nuôi chưa nắm bắt được kỹ thuật. Chúng ta  cũng chưa có biện pháp đồng bộ để hướng dẫn người nông dân. Sắp tới chúng ta phải bàn bạc với các cấp chính quyền ở cơ sở, tăng cường chỉ đạo để lo cho người dân khỏi bị mất trắng.

Trong số khách tham dự ngồi ở hàng ghế thứ tư có người bật ngáp. Ông ta vội che miệng rồi dụi mắt. Ở hàng ghế thứ sáu hai người đàn ông tụm đầu nói, chốc chốc liếc lên nhìn ông cán bộ thủy sản đang đọc báo cáo.

MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG (1)
-         Hướng dẫn cái gì, nói không mà chẳng có hành động gì hết, làm sao mà có kết quả.

MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG (2)
-         Vụ tôm chết ở Tà Rêl không thấy nói gì hết.

Cán bộ thủy sản đọc dứt báo cáo, cả hội trường vỗ tay vang rền. Hai anh quay phim của Đài PTTH chạy tới chạy lui, lúc tắt đèn lúc mở đèn. Một cô biên tập viên, vẻ lanh lợi đứng trước máy quay.
CÔ BIÊN TẬP VIÊN
-         Kính chào quý vị và các bạn, Tôi đang có mặt tại Hội trường Sở Nông nghiệp tỉnh …

12.             NỘI – NHÀ LÂM TỨC – ĐÊM

Trên tivi đang diễn ra buổi tường thuật cuộc Hội nghị tổng kết 6 tháng công tác nuôi trồng thủy sản. Cô Biên tập viên đang đứng trước máy.

Ông Lâm Tức dựa lưng vào ghế tre chăm chú xem. Bà Sơn Chên bưng tô cháo nghi ngút khói đến đứng cạnh Lâm Tức.

SƠN CHÊN
-         Ông ăn đi cho lợi sức. Cháo cá, tui để hành tiêu nhiều cho ông giải cảm

LÂM TỨC
- Ừ, để đó. Để tui coi vụ này một chút.

Trên tivi, giọng cô BTV lanh lảnh.

CÔ BIÊN TẬP VIÊN
-         … Trong giờ giải lao của cuộc hội nghị này, chúng tôi có gặp ông Lê Văn Sái, một nông dân ở xã Đại Thạnh, vừa nuôi tôm thành công trên đất  ruộng theo phương pháp xen canh một vụ lúa một vụ tôm (Quay sang nhân vật). Thưa ông, bí quyết nào đưa đến thành công cho ông ạ ?

LÊ VĂN SÁI (Trên tivi)
-         Tui làm kỹ đất, sau khi thu hoạch lúa đo độ “Bê Hắc”, độ mặn cho đúng, thuần hóa tôm giống, ôi nhiều chuyện lắm cô ơi.

CÔ BIÊN TẬP VIÊN
-         Vậy, vụ vừa qua một héc-ta ông thu hoạch được bao nhiêu ?

LÊ VĂN SÁI
-         Trừ chi phí hết, còn lợi năm ngoài triệu.

CÔ BIÊN TẬP VIÊN
-         Cảm ơn ông (quay qua). Kính thưa quý vị và bà con nông dân. Nhân đây chúng tôi cũng được phép gặp ông Diệp Văn Thái, cán bộ thủy sản của tỉnh (quay lại). Thưa ông, mô hình nuôi xen, một tôm một lúa có nơi thành công, có nơi cũng thất bại. Vậy ông có biện pháp nào để có thể khắc phục được tình trạng này ạ ?
DIỆP VĂN THÁI (Trên tivi)
-         Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác khuyến ngư. Hướng dẫn kỹ thuật cụ thể bằng cách đưa bà con đến những nơi nuôi thành công để học hỏi. Ngoài biện pháp đó, chúng tôi còn mua thiết bị kiểm tra con giống loại trừ mầm bịnh cho tôm như vậy mới đảm bảo.

Lâm Tức xem tới đó thì gật gù. Tay với lấy tô cháo run run.

LÂM TỨC
-         Thằng Rươl nó chưa về hả bà.

SƠN CHÊN
-         Chắc nó còn ở lại trường lo phụ đạo phụ điếc gì sắp nhỏ.

Trên tivi chấm dứt chương trình thời sự. Logo và một đoạn nhạc cắt ngang.

13.             NGOẠI - TRƯỚC CỬA NHÀ LÝ HỐC – NGÀY

Lâm Rươl đi thẳng vào nhà Lý Hốc. Anh dừng lại ở góc hàng ba. Không thấy Lý Hốc đâu, anh đảo mắt một lượt thấy trên bàn có cuốn “Sổ Nợ” bìa cũ nát nằm bên chiếc bàn toán láng bóng.

LÂM RƯƠL
-         Chú Hốc ơi …

LÝ HỐC (off)
-         Ai đó, chờ chút …

Trong khi Lâm Rươl còn đứng lựng khựng thì Lý Hốc trong nhà bước ra. Như lần trước, y dơ tay che mắt. Trên tay còn nắm một xấp giấy một trăm ngàn.

LÝ HỐC
-         Ủa thầy Rươl hả. Làm thầy chờ lâu. Mắc lựa ba cái tiền. Không tiền cũng khổ, có tiền cũng khổ. Chú có chuyện gì hông ? Ngồi đi, ngồi …

Lâm Rươl kéo ghế ngồi xuống một cách từ tốn.

LÂM RƯƠL
-         Tui tính hỏi chú vay. Chú tính lời bao nhiêu ?

LÝ HỐC (Hơi nhếch mép)
-         Vụ tôm rồi kẹt phải hông ? Lúc này tui cũng thôi nhận cố đất. Ba cái giấy đỏ, làm chậm lắm, nhét đủ chỗ hết, còn gì đâu ăn. Mà chú tính vay nhiều hông ?

LÂM RƯƠL
-         Chừng bảy, tám triệu.

LÝ HỐC
-         Ôi, ai chớ thầy thì tui lấy mười lăm. Người ta tui lấy hai chục.. Bớt cho chú, làm phước gặp phước.

LÂM RƯƠL (Trố mắt)
-         Thôi, vậy để tui tính kỹ rồi cho chú hay.

LÝ HỐC (Cười khề khà)
-         Chừng nào cần cứ tới đây …

Nói xong Lý Hốc quay qua đánh bàn toán nghe lốc cốc. Tiếng kêu đều đều cho tới lúc Lâm Rươl khuất hẳn giữa con đường làng khúc khuỷu…

14.             NGOẠI – CƠ SỞ TÔM GIỐNG – NGÀY

Thạch Na ngồi nói chuyện với Lý Mết ở hàng ba cơ sở tôm giống. Bên cạnh là bồn chứa tôm phun ốc-xy ùn ục.

LÝ MẾT
-         Sao, bữa nay cháu tới cậu có chuyện gì đây. Tính nuôi tôm hả ?

THẠCH NA
-         Dạ không. Có chuyện này muốn thưa với cậu.

LÝ MẾT
-         Chuyện gì cứ nói đại đi.

Lý Mết thò tay vặn vòi ốc-xy cho mạnh hơn. Bọt sôi lên xèo xèo.

THẠCH NA
-         Bạn con, anh Rươl hôm trước mua giống của chú mà nuôi mất trắng. Con động viên ảnh nuôi lần nữa mà hụt vốn. Ảnh còn nợ ngân hàng. Vay ngoài thì nặng lãi quá.

LÝ MẾT
-         Ôi, chuyện gì chớ vụ này chú biết rồi. Gặp thằng Hốc nó lột da bây à. Chừng nào thả nữa nó cứ tới lấy. Thu hoạch rồi hả thanh toán. Hổng sao đâu. Mầy thương nó rồi hả ?

Thạch Na hơi ấp úng, ngượng nghịu kéo mớ tóc dài che miệng.

THẠCH NA
-         Vậy con về cậu ơi, sắp tới giờ con lên lớp rồi.

Chiếc xà rông lướt qua chậu tôm giống đang nổi bọt ốc-xy.

15.             NGOẠI – NGÃ BA SÓC TÀ RÊL – NGÀY

Loa truyền thanh trên cột điện hú hú rồi có tiếng gõ cọc cọc. Mấy người đàn bà đi chợ về ngang qua ngó lên.

NGƯỜI ĐI CHỢ (1)
-         Mới giờ này mà truyền thanh cái gì cà.

NGƯỜI ĐI CHỢ (2)
-         Chắc máy bị hư hay sao, chớ nghe hú hí khó chịu quá.

Loa truyền thanh vang lên :
“Tin bão khẩn cấp. Cơn bão số năm sẽ tiếp tục di chuyển vào hướng Tây – Nam. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển Nam bộ sẽ có mưa to  kết hợp với triều cường. Đề nghị UBND các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tổ chức phòng chống, bảo vệ tính mạng, tài sản cho đồng bào”.
Mấy người đi chợ để gánh xuống, vừa nghỉ mệt vừa lắng nghe, vẻ lo lắng.

NGƯỜI ĐI CHỢ (2)
-         Thôi về lẹ đi bà ơi. Coi chừng nước lên ngập nhà.

Người đi chợ vừa nhấc gánh đồ thì Trưởng ấp hớt hải trờ tới.

TRƯỞNG ẤP
-         Bà Sáu bà Ba về đầu sóc dưới nhớ kêu mấy ổng lên đê liền tiếp tui.

HAI NGƯỜI ĐI CHỢ (Đồng thanh)
-         Ừ, để tui nói liền.
Gió quật ngọn tre thật mạnh. Trời âm u, đen kịt mây. Trưởng ấp vai vác len chạy miệng lẩm bẩm trong hơi thở.

TRƯỞNG ẤP
-         Kiểu này chắc lúa chết hết. Thế nào mặn cũng vô … Làm lúa mà gặp cảnh này hoài thì đói thôi …

16.             NGOẠI – ĐÊ BIỂN – NGÀY

Đê biển, ở nơi bị sạt lở hỏm sâu xuống, mấy chục người xúm lại. Người đào, kẻ bưng đất. Trong số đó có các thầy cô giáo và học sinh trường cấp hai Tà Rêl. Lâm Rươl và Thạch Na cũng xắn quần áo đào đắp.

MỘT HỌC SINH (1)
-         Thầy xắn cục này bự bự nè. Em ôm cho.

MỘT HỌC SINH (2)
-         Tài khôn. Không có tao tiếp thì đừng hòng làm được.

Trưởng ấp đào mấy len thì chống tay ra bộ chỉ huy.

TRƯỞNG ẤP
-         Xích đằng kia nữa kìa. Lẹ đi bà con ơi. Nước đương dưng lẹ lắm.

Trên trời mây cuộn. Dưới nước sóng ầm ập. Gió thổi hù hù. Một lát sau, thủy triều dâng lên lé đé mặt đê.

Trời ráo tạnh, mấy chục người hộ đê trở về. Thạch Na và Lâm Rươl nói với nhau điều gì đó rồi bước sau cùng.

17.             NGOẠI - BỜ RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

Lâm Rươl và Thạch Na tách đoàn người hộ đê, vào bờ dừa tìm chỗ ngồi nghỉ chân. Thạch Na còn xăn quần đến nửa bắp chuối. Nàng ngồi phệt xuống lấy nón lá phất phất. Mái tóc dài chốc chốc tung hất lên. Lâm Rươl chặt một ngọn lá dừa đem lại chỗ Thạch Na.

LÂM RƯƠL
-         Em ngồi lên đây cho sạch.

Hai người ngồi nhìn ra cánh đồng. Lâm Rươl chớp chớp mắt suy nghĩ.

LÂM RƯƠL
-         Ruộng vậy mà không nuôi tôm được, tức thiệt. Kỳ này về anh viết thư hỏi chỗ Đại học từ xa coi kỹ thuật nuôi tôm trong lúa có giáo trình chưa. Hỏi hoài không thấy trường trả lời.

THẠCH NA
-         Anh học còn bao lâu nữa mới xong ? Chương trình gì mà dài thấy mồ.

LÂM RƯƠL
-         Chắc một năm rưỡi nữa mới hết chương trình, rồi còn phải tập trung nghe hướng dẫn làm bài thi tốt nghiệp.

Trong lúc nói chuyện Lâm Rươl không để ý Thạch Na. Nàng dùng lá dừa thắt một con tôm xinh xắn.

THẠCH NA (Liến thoắn)
-         Anh biết đây là con gì không ?

Lâm Rươl quay lại, mắt nhướng lên ngạc nhiên.

LÂM RƯƠL
-         À, em khéo tay quá - Một con tôm. Đẹp quá, có hai cái râu nữa (thò tay vuốt vuốt râu tôm).

THẠCH NA
-         Tôm sú đó nghen …

LÂM RƯƠL
-         Cho anh con tôm này đi (thò tay định lấy).

THẠCH NA
-         Không cho gì hết, của em. (nắm con tôm giật lại).

LÂM RƯƠL
-         Không cho cũng lấy đại nè. (thò tay chộp con tôm).

THẠCH NA (Đùa giỡn)
-         Không. Không cho em không cho đâu …

Lâm Rươl dùng tay trái choàng qua vai Thạch Na, tay phải chộp con tôm. Con tôm lá dừa nằm gọn trong lòng hai bàn tay. Tay của Thạch Na từ từ mở ra rồi bỏ con tôm rớt lại trên cỏ. Bàn chân ngà trắng của Thạch Na duỗi nhằm hòn đất khô ở mé mương, làm nó rung rinh. Con tôm lá dừa bị ngọn gió nhẹ làm lay động bộ râu. Chân của Lâm Rươl duỗi tiếp vào hòn đất rồi chân của hai người rụt lại. Cục đất rơi từ từ xuống mương. Tiếng “tỏm” cùng với những vòng tròn đồng tâm trên mặt nước lan ra…

19. NGOẠI – SÂN SAU NHÀ LÂM TỨC – NGÀY

          Xô nước từ giếng sâu chầm chậm được kéo lên. Bà Sơn Chên nắm cán xô đổ ra. Lâm Tức thò tay vào hứng, rửa mặt.

          LÂM TỨC
-         Giếng này mấy chục năm rồi mà cũng còn ngọt quá hả bà.

Tay thả xô xuống giếng, mặt hướng về Lâm Tức, vẻ âu yếm.

SƠN CHÊN
-         Ở đâu thấm mặn chớ còn giếng nhà mình ngọt hoài ông ơi !

Nghe tiếng xe đạp chạm vào vách lá ở hông nhà. Lâm Tức và Sơn Chên nhìn ra thấy Lâm Rươl về tới.

LÂM RƯƠL
-         Con mới về ba mẹ ơi … Con được thơ mời đi tham quan mấy mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa.

SƠN CHÊN
-         Chừng nào đi vậy con. Ở đâu vậy ?

LÂM RƯƠL
-         Dạ con đi liền bây giờ. Nghe nói đâu ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu gì đó. Đi tới tuần sau mới về. Tranh thủ lúc hè này.

LÂM TỨC
-         Mầy tính vụ ba con tôm sao ? Nuôi nữa không thì phải lo cho sớm.

LÂM RƯƠL
-         Dạ con đi đợt này rồi về làm đất. Kỳ này chú Lý Mết bán chịu giống nên không cần vay vốn của ông Lý Hốc. Ba yên tâm đi.

Bà Sơn Chên đi ngang qua hai cha con, vào nhà. Lâm Tức và Lâm Rươl đứng lại giữa sân.
LÂM TỨC
-         Có đi thì coi học cho kỹ, không về tôm chết nữa chắc tao chết theo.

LÂM RƯƠL
-         Dạ không sao. Con đi mẹ, con đi ba !

Lâm Rươl với lấy gói đồ từ tay bà Sơn Chên rồi ra cửa. Lâm Tức đứng nhìn theo, nói vói.

LÂM TỨC
-         Coi chừng sập cửa rào tao lần nữa nghen.

20. NGOẠI -  TRÊN XE ĐÒ – NGÀY

          Trong lúc Lâm Rươl nhìn chăm chăm trên đường, các cột cây số lướt qua, thì Thạch Na khẽ dựa vào vai người yêu thiêm thiếp.

            THẠCH NA
-         Tới đâu rồi anh.

LÂM RƯƠL
-         Khỏi Sóc Trăng rồi.

Tiếng anh lơ vọng tới từ đằng sau xe.

ANH LƠ
-         Tới Bạc Liêu rồi. Bà con xuống thì sửa soạn.

LÂM RƯƠL
-         Thôi anh xuống.

Lâm Rươl đỡ Thạch Na dậy, vói tay lấy túi đồ dưới chân. Thạch Na vẻ bịn rịn.

THẠCH NA
-         Nhớ tuần sau về gặp lại nghe anh.

Lâm Rươl xuống xe. Thạch Na khẽ vẫy tay. Lâm Rươl nhìn theo chiếc xe đò mất hút. Màn ảnh mờ dần.



21. NGOẠI - RUỘNG TÔM TRÊN LÚA – NGÀY

          Một đoàn người đang đứng trên bờ mẫu nghe một nông dân nuôi tôm trên ruộng lúa thuyết trình.

          NÔNG DÂN
-         Bà con coi nè. Đầu tiên là khâu làm đất. Làm đất cho lúa mà phải nhớ là còn cho tôm nữa.

Lâm Rươl quan sát ông nông dân, nhìn số người tham quan. Có một gương mặt anh ngờ ngợ quen lúc nào. Lâm Rươl ghi chép lời ông nông dân. Thi thoảng ngó qua anh bạn quen quen.

NÔNG DÂN
-         Con tôm nó đẻ ở nước mặn, khi mình đem về đây nuôi ở nước ngọt mà thả xuống liền thì nó sốc chết hết, nên phải thuần ngọt từ từ …

Mấy chục người tham quan ghi ghi chép chép. Đôi lúc hỏi nhau xì xào. Trưa trợt, nắng gắt, mọi người đi vào bóng cây. Lâm Rươl đến gần người quen.

LÂM RƯƠL
-         Ai giống Thạch Sol quá !

ANH THANH NIÊN
-         Ủa, anh là ai. Tôi là Thạch Sol đây.

Lâm Rươl ôm lấy Thạch Sol.

LÂM RƯƠL
-         Tui là Lâm Rươl đây. Thằng Rươl hồi đó học chung ở Trường Dân tộc nội trú đó.

THẠCH SOL (Dở kính ra)
-         Trời ơi, mười mấy năm rồi mới gặp. Anh cũng nuôi tôm nữa sao mà tham quan.

LÂM RƯƠL
-         Tôi là giáo viên mà mê nuôi tôm lắm. Tranh thủ hè này, được mời đi là đi liền.


THẠCH SOL
-         Tôi là kỹ sư nuôi trồng thủy sản đây. Anh cần gì tôi giúp cho. Nuôi tôm cũng khó mà cũng dễ.

Cả hai cùng cười vui vẻ trước sự chứng kiến của mấy chục khách tham quan.

LÂM RƯƠL
-         Mùa rồi tui nuôi thất bại. Thả xuống cả chục triệu mà không có con nào.

THẠCH SOL
-         Ở đâu vậy Lâm Rươl ?

LÂM RƯƠL
-         Ở đất nhà. Ở sóc Tà Rêl. Anh biết rồi mà. Hồi đó anh có về nhà tôi chơi, ở ngã ba Bò Ót quẹo trái, khỏi chùa Tà Rêl là tới.

THẠCH SOL
-         Ừ nhớ ra rồi. Theo kế hoạch, tuần sau tụi tôi sẽ đến chùa Tà Rêl tổ chức khuyến nông tại đó.

LÂM RƯƠL
-         Vậy à. Vậy là hay quá. Bà con trong sóc sẽ có dịp học hỏi. Không thì biết tới chừng nào mới khá lên được.

Lâm Rươl và Thạch Sol đi sóng đôi trên đường làng tráng xi măng. Họ trò chuyện không ngớt.

THẠCH SOL
-         Cái chính là nắm kỹ cách nuôi, biết xử lý nước. Nhưng giống tôm giờ bịnh nhiều nên chọn giống không có mầm bịnh mới chắc ăn. Ở Thái Lan, ở Mỹ tôm nuôi cũng bị chết huống gì xứ mình.

Hai người bạn đi mất hút sau lũy tre.

22. NGOẠI - RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY
          Lâm Tức ra đồng với cây gậy tầm vông. Ông lom khom lội và hốt cỏ. Bà Sơn Chên cũng theo chồng lội ruộng. Tay bà xách một ấm nước.

            SƠN CHÊN
-         Ông còn yếu mà lội nhiều quá coi chừng bị trúng lại thì khổ sở lắm. Già rồi phải biết giữ sức.
LÂM TỨC
-         Ráng dọn tiếp nó. Để nó về trễ rồi làm sao mà dọn kịp. Tùm lum hết trơn.

SƠN CHÊN
-         Ừ thôi ráng đi. Một lát rồi vô nghỉ. Ừ mà năm tới cưới vợ cho nó nghe ông?

LÂM TỨC
-         Cỏ non nó lên quá. Ba cái cỏ bắt này khó diệt thiệt mà.

Từ trong giồng vọng ra tiếng loa phóng thanh :
-         “Nghe đây nghe đây. Chiều nay, lúc hai giờ, bà con tập trung lại chùa Tà Rêl để nghe phổ biến cách nuôi tôm.”

Ông Lâm Tức và bà Sơn Chên ngẩng lên lắng nghe.

SƠN CHÊN
-         Vậy chắc là thằng Rươl nó về với đoàn này đó ông ơi. Thôi về mình sửa soạn lên chùa luôn.

LÂM TỨC
-         Ừ …

23. NGOẠI – SÂN CHÙA – NGÀY

          Có đến vài trăm người tham dự. Họ mặc đủ loại sắc màu. Không khí nhộn nhịp. Đứng ở góc sân chùa, lục cả Sơn Phon gõ gõ micro.

            SƠN PHON
-         Trước kia sóc ta chỉ có làm lúa, nay Nhà nước cho chuyển dịch. Dân sóc ta có thể làm gì miễn có lời là được. Hôm nay có đoàn cán bộ khuyến nông xuống đây để hướng dẫn bà con nuôi tôm. Năm rồi sóc ta mới nuôi thử thì bị thất bại. Bây giờ có kỹ sư xuống giúp, mong bà con lắng nghe để làm ăn trúng mùa.

Mọi người bớt ồn ào. Thay chỗ cho lục cả là kỹ sư Thạch Sol. Anh thuyết trình rành mạch, chậm rãi.

THẠCH SOL
-         Thưa bà con, nuôi tôm về kỹ thuật không phải là chuyện khó, nhưng nếu không nắm vững thì rất dễ bị thất bại. Hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu mô hình nuôi tôm xen canh. Đầu tiên là khâu làm đất, kế đó là khâu chọn giống. Đây là khâu hết sức quan trọng vì nó sẽ quyết định kết quả của sáu tháng bà con bỏ tiền bỏ công ra …

Trong lúc Thạch Sol đang hướng dẫn, Lâm Rươl đinh ninh ở phía dưới có Thạch Na, vì cô hẹn về hồi đầu tuần. Đảo mắt tìm mãi không thấy Thạch Na đâu, Lâm Rươl vẹt đám đông đến góc sân, nơi có nhóm học sinh đang đứng.

LÂM RƯƠL
-         Mấy em có thấy cô Na đâu không.

MỘT HỌC SINH (1)
-         Dạ, em chưa thấy về. Thấy nhà còn đóng cửa.

MỘT HỌC SINH (2)
-         Em nghe nói cổ đi Cà Mau cả tuần nay chưa thấy về …

Lâm Rươl lặng lẽ nhìn xa xăm.

24. NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Rươl đi có vẻ thất thểu. Lâm Tức đi ngược chiều nhìn con.

            LÂM TỨC
-         Đi học được gì mà về thấy mầy như mất hồn vậy Rươl ?

LÂM RƯƠL (Giật mình)
-         Dạ con về, tính ra coi ruộng thấy ba dọn sạch quá. Chiều nay con thuần giống luôn. Con hẹn chú Lý Mết bốn giờ.

LÂM TỨC (Chỉ ra phía lộ)
-         Kìa người ta tới rồi kìa. Coi bộ lình kình dữ à nghen.

Ngoài đường Lý Mết vác mấy bao bơm hơi căng phồng ốc-xy. Mấy đệ tử của Lý Mết cũng vác theo thành hàng dài.

LÝ MẾT
-         Lần này chắc ăn nghe. Rươl ơi ráng đi …

Lâm Rươl cười có vẻ hơi thẹn. Anh cúi xuống ôm một bao, mở dây và từ từ thả.

Đằng xa Thạch Na hớt hải vừa chạy vừa la.

THẠCH NA
-         Anh Rươl ơi … khoan đã … khoan đã …

Lý Mết và Lâm Rươl nghe Thạch Na gọi, ngẩng lên, vẻ ngạc nhiên.

LÝ MẾT
-         Chuyện gì nữa đây – Cái con nhỏ này.

Chạy tới, Thạch Na một tay để lên ngực, tay kia khoát khoát, nói trong hơi thở hổn hển.

THẠCH NA
-         Cậu Mết ơi … Anh Rươl ơi … kiểm tra mầm bịnh cho tôm rồi hả thả …

Lý Mết cười một tràng dài, dòn tan.

LÝ MẾT
-         Tưởng chuyện gì. Đứa cháu cưng của tôi. Tội nghiệp quá. Cậu đã thử hết rồi, không có con nào bịnh đâu.

Thạch Na vẫn chưa hết mệt. Nhưng trên môi hé nụ cười khá tươi.

THẠCH NA
-         Chú thử bằng cách nào vậy ?

LÝ MẾT
-         Đây có dấu hẳn hoi. Chi cục có máy móc hiện đại kiểm tra chất lượng tôm giống đàng hoàng …

Lý Mết vừa nói vừa vạch góc bao, chỉ cho Thạch Na thấy dấu chất lượng. Lâm Rươl nửa ngạc nhiên nửa mừng vì Thạch Na đã về.

THẠCH NA
-         Em xin lỗi anh Rươl. Bị kẹt xe em về trễ hẹn …

LÂM RƯƠL
-         Mọi việc vậy là ổn hết rồi. Mai ta lên lớp. Anh thấy nhớ mấy đứa học trò.

Lý Mết chen vô chọc ghẹo.

LÝ MẾT
-         Nhớ học trò hay nhớ cô giáo vậy chú em !…

Lâm Rươl cười vả lả, còn Thạch Na thì bẻn lẻn, khoát tay.

THẠCH NA
-         Cái cậu này ! Chọc người ta hoài.

25. NỘI - TRƯỜNG TÀ RÊL – NGÀY

          Học sinh lao nhao trong giờ giải lao. Thầy trò đứng xúm xít. Có đứa nhỏng nhẽo với Lâm Rươl.

            MỘT HỌC SINH (1)
-         Thầy ơi kể chuyện đi tham quan đi thầy !

MỘT HỌC SINH (2)
-         Ừ, đúng rồi, thầy đi có chuyện gì vui nói cho tụi em nghe đi thầy !…

Lâm Rươl cười tươi, ngoắc các em lại.

LÂM RƯƠL
-         Lại đây, ngồi xuống đi thầy kể cho nghe. Thầy đi xem mấy chỗ người ta nuôi tôm xen canh trên ruộng. Họ làm hay lắm, nhà nào cũng khá hết. Các em ráng học đi, lớn lên học cách làm giàu với người ta.

(Hình ảnh chạy chậm mô tả theo lời kể).

MỘT HỌC SINH (1)
-         Nhưng mà sóc mình nhắm nuôi tôm xen với lúa như người ta được không thầy ?

LÂM RƯƠL
-         Chắc chắn là được. Năm rồi thầy thất bại là do chưa biết kỹ thuật. Sau này các em học kỹ, làm kỹ thì thế nào cũng giàu, cũng chắc ăn. Đất vùng mình vốn bị nhiễm mặn nên sáu tháng mưa mình cấy lúa, sáu tháng nắng thì mình nuôi tôm.

MỘT HỌC SINH (2)
-         Em nghe nói  thầy định năm nay cũng làm vậy hả thầy ?


LÂM RƯƠL
-         Ừ, thầy định ít bữa nữa thả con giống. Coi coi kết quả ra sao. Rút kinh nghiệm mùa trước.

Lâm Rươl  vui vẻ nhìn các em trìu mến.

LÂM RƯƠL
-         Thôi các em ra chơi đi …

Cả lớp túa ra sân như bầy chim dòng dọc …

26. NỘI – NHÀ LÂM TỨC – ĐÊM

          Mỗi tối Lâm Tức dán mắt vào tivi. Chương trình khuyến nông tiếng Khmer ông chú ý thật kỹ. Đêm nay có một thông báo làm ông toát mồ hôi.

          PHÁT THANH VIÊN (Trên tivi)
-         Kính thưa quý khán giả, theo dự báo của cơ quan bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay rầy nâu đang phát sinh. Trong vài ngày tới có thể lan tới các tỉnh Duyên Hải. Đặc biệt ở những vùng bà con cấy lúa Hè – Thu …

Tay run run, Lâm Tức quờ quạng tìm cây gậy tầm vông. Bất chợt chiếc gậy ngã xuống phát lên tiếng kêu khô khốc.

Bà Sơn Chên từ trong buồng bước ra, kéo khăn rằn lau tay.

SƠN CHÊN
-         Chuyện gì vậy ông ?…

LÂM TỨC (Vừa đi vừa nói)
-         Tai họa tới nữa rồi …

SƠN CHÊN
-         Nhưng mà chuyện gì ?

LÂM TỨC
-         Dịch rầy. Đài mới cho hay dịch rầy sắp tới đây …

Lúc này có tiếng động ngoài cửa, làm bà Sơn Chên giật mình lùi lại một bước.
SƠN CHÊN
-         Í, mô Phật, ai vậy ?

LÂM RƯƠL (off)
-         Con mới về mẹ ơi …

Trong ánh nê-ông sáu tấc chập chờn, bà Sơn Chên bước ra kéo cửa.

SƠN CHÊN
-         Sao con về tối vậy. Ba mầy nói … rầy …

LÂM RƯƠL (Trố mắt ngạc nhiên)
-         Rầy gì, ba rầy con ?

Ngồi trên giường, Lâm Tức nói vói.

LÂM TỨC
-         Dịch rầy. Đài báo tin sắp tới ruộng mình rồi. Tao xịt thuốc thì biết đâu mùa tôm của mầy sắp tới không nuôi được.

Lâm Rươl vẻ hoảng hốt, đi tới đi lui, người anh chạm vào vách làm ngọn đèn nê-ông rung rinh. Gương mặt anh bị bóng chập chờn …

LÂM RƯƠL
-         Để con ra bưu điện xã gọi cho bạn con, thằng Thạch Sol bạn con, hỏi coi có cách gì không.

Trong lúc Lâm Rươl vội bước ra cửa, Lâm Tức ngả lưng xuống bộ ván. Ông thở dài, gác tay lên trán.

27. NGOẠI - ĐỒNG RUỘNG LÂM TỨC – NGÀY
                   (Phục hiện giấc mơ)

          Lâm Tức nhìn thấy con mình ngồi phệt bên bờ ruộng, vẻ buồn thỉu não. Tấm lưới lung lay không một con tôm. Cái thùng đựng tôm trống rỗng… Lý Hốc ra ruộng, y chồm tới chồm lui …

          LÝ HỐC (Trong giấc mơ)
-         Nhớ nộp tiền cho sớm … (Cười khà khà)



28. NỘI – PHÒNG BƯU ĐIỆN XÃ – ĐÊM

          Lâm Rươl bước vào phòng gọi số 2. Anh dỡ điện thoại, hai chân mày châu lại.

            LÂM RƯƠL
-         A lô, xin lỗi có phải nhà anh Thạch Sol đó không.

Đằng kia đầu dây vọng lại một giọng nữ :
-         Ông nhầm số máy rồi ạ.

Lâm Rươl dằn ống nói xuống hơi mạnh, bước ra ngoài quầy bưu điện. Anh kê miệng sát vào lỗ kính chắn, nói như hét với nhân viên trực điện thoại.

LÂM RƯƠL
-         Cô cho tôi số di động đi.

NHÂN VIÊN TRỰC ĐIỆN THOẠI
-         Số mấy ?

LÂM RƯƠL
-         Không chín … một ba … tám bốn không ba bảy chín.

NHÂN VIÊN TRỰC ĐIỆN THOẠI
-         Ra phòng số một …

Lâm Rươl phóng nhanh kéo cửa. Cửa đóng sầm lại. Anh sốt ruột nghe chuông ở đầu dây bên kia, người xoay qua xoay lại như gà mắc tóc. Miệng anh nhếch cười khẽ khi nghe giọng Thạch Sol :

-         Ai đó …

LÂM RƯƠL
-         Rươl đây mà …

Giọng Thạch Sol :
-         Có gì hông Rươl.

LÂM RƯƠL
-         Nghe tin rầy, dịch rầy sắp lan ra. Vụ đó tính sao. Xịt thuốc bây giờ có ảnh hưởng gì đến vụ tôm tới hay không ?
Giọng Thạch Sol :
-         Hay rồi. Tỉnh đang cử đoàn ngày mai xuống. Có thuốc trị. Đừng lo. Thôi “bay” nghen.

29. NGOẠI - ĐỒNG LÚA LÂM TỨC – NGÀY

          Lâm Tức vác gậy tầm vông ra ruộng. Gương mặt lo lắng và đậm vẻ tức giận. Ông cầm gậy quơ quơ trên đọt lúa. Bướm trắng bay lên cùng với một vài con cào cào phóng tứ tung. Lâm Rươl từ trên bờ nói vọng xuống.

          LÂM RƯƠL
-         Ba tính đánh nghề võ với đám côn trùng đó sao ?!…

LÂM TỨC (Dừng tay, chống gậy, thở hổn hển)
-         Làm bậy để giữ ba cái lúa của tao … Có khi làm vầy bảo đảm cho vụ tôm của mày à.

LÂM RƯƠL
-         Thôi, ba nghỉ đi lát nữa có đoàn bảo vệ thực vật xuống, họ có cách mà.

Lâm Rươl quay về phía giồng cát. Một đoàn chừng năm người đang đi tới. Thạch Sol ôm khệ nệ mấy bao thuốc.

THẠCH SOL
-         Rươl đó hả. Chào bác Tức, bác nhớ con không. Con là Thạch Sol, bạn học của Rươl hồi mười năm trước nè.

LÂM TỨC
-         À, ừ. Bây giờ là kỹ sư rồi đó hả. Trời ơi, nghe nói rầy nó tới bác lo quá.

THẠCH SOL
-         Không sao đâu. Thầy Rươl với bác đừng lo. Có cách rồi. Đây anh coi tài liệu hướng dẫn mà làm theo. Cách đó sẽ không để lại dư lượng trong đất vụ tới thả tôm mới chắc ăn.

Thạch Sol lấy mấy gói thuốc và tờ bướm đưa cho Lâm Rươl rồi võ vai bạn cười.

THẠCH SOL
-         Chương trình Đại học từ xa ngành thủy sản của ông còn thiếu cái chương này đó nghe.

Cả mấy người trong đoàn và Lâm Rươl cùng cười.

THẠCH SOL
-         Vậy là yên tâm rồi. Chúc bạn thành công. Tụi này còn qua mấy xã nữa, hướng dẫn bà con. Tụi con đi bác ơi …

LÂM RƯƠL (Nói vói)
-         Tới lễ hội xuống chơi nghen Thạch Sol …

THẠCH SOL
-         Thu hoạch tôm nhớ chừa vài ký, ăn mừng nghen !…

Lâm Tức nở nụ cười nhìn theo, gật gù.

30. NGOẠI - ĐƯỜNG LÀNG GIỒNG CÁT – NGÀY
          Mười mấy cô gái, ăn mặc sặc sỡ, tay cầm bông giấy, vừa đi vừa cười nói rôm rả.

            MỘT CÔ GÁI (1)
-         Tụi bây ghé nhà thầy Rươl chơi không ?

MỘT CÔ GÁI (2)
-         Không sợ con Na nó xé xác sao mà đòi ghé.

Nghe ngoài đường có tiếng cười vui, bà Sơn Chên đang xay bột ngước lên nhìn.

SƠN CHÊN
-         Mấy cháu đi đâu mà vui vậy ?

MỘT CÔ GÁI (1)
-         Dạ tụi con đi làm bông về bác ơi. Bác làm gì hì hục đó.

SƠN CHÊN
-         Bác cũng đương làm bánh nè. Bây rảnh ghé chơi.

Ở sân sau nhà bà Sơn Chên có thêm vài người nữa. Người nấu, người chiên, người gắn. Các cô vào đứng xem trầm trồ.

MỘT CÔ GÁI (2)
-         Ôi, cái bánh gừng lớn quá, đẹp quá bây ơi. Phải nói ở sóc này có bác là làm cái bánh lớn như vậy.
MỘT CÔ GÁI (3)
-         Coi bộ kỳ này bác ăn lễ lớn dữ há.

SƠN CHÊN
-         Sẵn tiện lễ hội thì mừng luôn vậy mà …

31. NGOẠI - CỔNG TRƯỜNG TÀ RÊL – NGÀY
         
Từ trên xe kéo, Lý Mết chất từng cái trống xuống. Miệng ông đếm theo thành tiếng “một, hai, ba …”. Lâm Rươl và Thạch Na đứng nhìn, nói nhỏ với nhau điều gì đó, trong lúc Lý Mết chất hết 15 cái trống. Chất xong cái cuối cùng ông ngước lên.

            LÝ MẾT
-         Bây không ra tiếp mà còn nói lén cái gì ?

Lâm Rươl và Thạch Na cùng cười.

THẠCH NA
-         Mười lăm cái này tặng cho trường cháu luôn hả cậu ?!

Lý Mết khoát tay, miệng cười tươi.

LÝ MẾT
-         Ừ, tặng luôn. Kêu mấy đứa học trò ra vác vô đi. Tao đi dặn mấy thằng Balimex mai xuống lấy tôm của cháu Rươl.

Lý Mết phóng lên xe, trong khi học sinh xúm lại vác trống vô trường.

          LÂM RƯƠL (Nói vói)
-         Vậy là kỳ này cháu hết nợ cậu rồi nghen.

LÝ MẾT
-         Chưa hết đâu. Còn một cốc rượu mừng cột tay nữa chớ.

Lâm Rươl và Thạch Na nhìn theo Lý Mết rồi hai người nhìn nhau, vẻ thẹn thùng. Lâm Rươl nhìn lén xuống bàn tay Thạch Na. Còn Thạch Na thì ngượng ngùng, khẽ lay động ngón tay, tợ như sắp được cột chặt cuộc đời giữa hai người.



32. NGOẠI – SÂN CHÙA TÀ RÊL - CHIỀU

          Những bàn tay của đội trống Xadăm trường cấp hai Tà Rêl vỗ vào mặt da … Những bàn tay của các cô gái sóc Tà Rêl vảnh lên duyên dáng … Lễ hội trống Xadăm rộn rã, tưng bừng.

          Giữa sân, chiếc bánh gừng cao hơn chín tấc trông rôm rả. Bà Sơn Chên, ông Lâm Tức ngắm nhìn Thạch Na và Lâm Rươl nhảy điệu Xadăm.

          Thạch Na và Lâm Rươl nhìn nhau. Họ tưởng tượng một lễ cưới … Tay họ được cột chặt với nhau bằng sợi chỉ đỏ …

          Học sinh của Lâm Rươl và Thạch Na la ó om xòm rồi tung giấy bạc lấp lánh cả sân chùa. Một đứa lí lắc trèo lên ngọn cây. Nó thổi bong bóng thành từng đám, bay là là. Có cái va vào mặt Thạch Na vỡ tung.

          Đội trống múa xoay tròn hình chữ “O”. Bàn tay của các thanh niên vỗ vào mặt da đều đặn.

33. GÉNÉRIQUE CUỐI PHIM

          (Các hình ảnh tiêu biểu của hình ảnh trong cả hai phần, một và hai)



HẾT PHIM



Ý ĐỊNH CỦA TÁC GIẢ KỊCH BẢN
__________


1.     Phim này thuộc thể loại tâm lý xã hội. Trong đó sự cần thiết phải nêu bật là diễn biến hành động và nội tâm của nhân vật. Đặc biệt, đây là nội tâm của người dân tộc Khmer ở hai thế hệ khác nhau. Do vậy hoàn cảnh, tính cách, vấn đề đặt ra rất cần được đạo diễn chăm chút, nhằm tạo tính hợp lý và mang tính mạch lạc.


2.     Về kỹ thuật trình bày, chúng tôi dựa vào phương pháp của Philippe perret (Hội Điện ảnh Pháp) và lý thuyết “cấu trúc ba hồi” của Linda Seger (Hội Điện ảnh Mỹ). Việc áp dụng các thủ pháp này nhằm tạo tính hấp dẫn cho phim. Tuy nhiên, do loại đề tài này không có mâu thuẫn đối kháng, không có tuyến đối lập rõ ràng, cho nên đạo diễn cần khắc họa những phần “thắt nút” và “mở nút” trong mâu thuẫn giữa hai thế hệ.


3.     Trong phần mô tả, các chi tiết nêu trong kịch bản có nhiều chỗ thuộc chi tiết tiền báo, có những chỗ là chi tiết ẩn dụ. Vì vậy khắc họa các chi tiết này cần được sự chăm sóc của đạo diễn.


4.     Lời thoại trong phim và cách miêu tả, ngoài chuyển tải nội dung với hai khía cạnh là thông tin và tạo sự thúc đẩy hành động, còn có ý nghĩa của việc tạo hình thời lượng từng cảnh (Một câu tương ứng với một cảnh) và tiết tấu, nhịp điệu ở cục bộ và toàn cục.

Rất mong đạo diễn lưu ý.


                                                     10/2003

                                             Nguyễn Trung Hiếu







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét