Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

ANH TƯ BÌNH

(Tạm thời chưa có phim)


LỜI BÌNH

1. Họp mặt, ông Tư nói chuyện với cán bộ, gắn Kỷ niệm chương, vào nhà viết lịch sử Tây Nam bộ : 1’

          Là người từng lãnh đạo ở miền Tây Nam bộ, đồng chí luôn đến với những người kháng chiến. Vẫn trong phong cách bình dị ngày nào, đồng chí ân cần thăm hỏi các bậc lão thành, chân tình động viên thế hệ trẻ, cùng ôn lại những ngày gian khổ mà hào hùng năm xưa.

          Là người từng nhiều năm đứng đầu ngành Tuyên huấn miền Tây Nam bộ, đồng chí vui trong niềm vui của anh em, hạnh phúc trong niềm hạnh phúc của đồng bào, chia sẻ niềm vinh dự cùng những người có công trong cuộc kháng chiến.

          Bởi vậy, dù ở cương vị nào, là Bí thư Tỉnh ủy, là Bí thư Khu ủy, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ; khi còn tại chức cũng như lúc nghỉ hưu ông vẫn luôn được nhân dân quý mến.

          Bởi từng trải với những bước thăng trầm của lịch sử hai cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam bộ, có một thế hệ bao năm gắn bó với ông và mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thâm tình, nhiều người vẫn thân thiết gọi ông là anh Tư Bình.
( Tên phim )

2. Tư liệu sông nước Trà Vinh, ông bà Tư nhìn dòng sông quê hương Đa Lộc, Trà Vinh ; ngồi nói chuyện, tư liệu : 92”

          Nhớ mãi làng quê Đa Lộc, cách thị xã Trà Vinh không xa, nơi có nguồn nước dâng đầy, nối dòng từ sông Cửu Long – Xứ sở đã gắn bó cuộc đời của đồng chí Tư Bình, Vũ Đình Liệu, ngay từ khi ông đặt chân đến. Rồi từ quê hương thứ hai này, một chặng đường mới đã mở ra cho chặng đời Cách mạng của ông.
( # )

          Đầu năm 1941, đồng chí Tư Bình, năm ấy vừa tròn tuổi 24, đã giã từ nơi chôn nhau cắt rún thuộc thôn Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định ; giã từ quê cha đất tổ, những người thân thuộc vào Nam.

          Đồng chí đến Trà Vinh vào thời điểm còn đang vang dội dư âm của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và bọn thực dân đang ráo riết truy lùng các nhà hoạt động Cách mạng, hòng dập tắt phong trào nổi dậy của quần chúng.

          Giữa bối cảnh đó, được nhân dân Đa Lộc đùm bọc, đồng chí Tư Bình vào làm công ở Trại nhân giống, Sở lúa gạo Đông Dương thuộc Pháp. Tại đây, đồng chí chứng kiến bọn thực dân vơ vét lương thực của thuộc địa nhằm phục vụ cho chiến tranh. Người nông dân bản xứ vốn bần cùng, nay càng khốn đốn hơn.

          Tiếng súng chiến tranh tận trời tây vọng đến những làng quê hẻo lánh, báo cho những thân phận mất nước phải gánh thêm bao nỗi nhọc nhằn. Những người dân quê bị bắt đi lính đưa sang Châu Âu mà không hẹn ngày trở về.

          Ở ngay một làng quê xa xôi hẻo lánh của tỉnh Trà Vinh này cũng không tránh khỏi cảnh bần cùng. Ngoài việc vơ vét của cải, thực dân Pháp ráo riết bắt lính đưa sang Châu Âu.

(Lời đ/c Tư Bình kể về nhóm bí mật
tổ chức chống bắt lính ở chợ Trốt-Trà Vinh)

3. Chợ Trốt, ảnh quần chúng nổi dậy : 20”

          Chợ Trốt, một khu chợ thuộc xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, cách Trà Vinh chưa đầy 7km, là nơi đồng chí Tư Bình cùng lực lượng Thanh niên Tiền Phong tổ chức các cơ sở quần chúng. Tháng 8/1945, khi lệnh khởi nghĩa được truyền đạt, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.

(Lời đ/c Tư Bình kể lại các hoạt động chuẩn bị cướp chính quyền)
4. Ảnh mít-tinh, các ảnh chiến đấu, làm chiến hào ; ông Tư đi qua chợ Trốt, thăm bà Mười : 53”
         
          Ngày 24/8/1945, lực lượng khởi nghĩa Châu Thành đã phối hợp với các huyện Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú, kéo vào tỉnh lỵ. Sáng ngày 25/8, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Trà Vinh. Bà con chợ Trốt, người lo gói bánh, người lo gánh cơm, tiếp tế cho chính quyền cách mạng.

          Nghĩa nặng tình sâu với bà con Đa Lộc, đồng chí Tư Bình thường trở về thăm chợ Trốt. Lần nào ông cũng ghé thăm các gia đình cơ sở năm xưa. Bà Châu Thị Mười, một liên lạc viên của thanh niên tiền phong từ trước cách mạng tháng Tám.

          Bao năm trôi qua, thời gian chỉ làm bạc tóc, còn người xưa vẫn thắm đượm một nghĩa tình...
                                                           (#)

5.Tư liệu góp gạo, máy bay Pháp, du kích chiến đấu, cuộc họp, rừng tràm, đước Cà Mau : 62”

          Nhớ mãi những ngày Toàn quốc kháng chiến, người dân Trà Vinh nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, vừa lo chống giặc đói, giặc dốt, vừa lo chống giặc Pháp tái chiếm.

          Lúc bấy giờ, đồng chí Tư Bình nhận nhiệm vụ Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc của huyện Châu Thành. Ông tìm người huấn luyện lực lượng dân quân, dựa vào kinh nghiệm của nhân dân mà tổ chức chiến đấu. Thực tiễn đã tạo ra bản lĩnh cho người lãnh đạo. Trong không khí hừng hực của cuộc kháng chiến, tháng 10/45 đồng chí Tư Bình vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam – một chặng mới trong cuộc đời cách mạng.

                                                 (#)

          Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp kết thúc, những bài học về chiến tranh nhân dân, về phương pháp cách mạng cùng với cuộc đời dạn dày kinh nghiệm đã tạo nên bản lĩnh chính trị cho người cộng sản. Để sau này ông đảm đương những nhiệm vụ nặng nề hơn, những hoàn cảnh đặc biệt hơn, đương đầu với kẻ thù tàn bạo hơn.

(Lời đ/c Năm Nam về vai trò của đ/c Tư Bình khi là Bí Thư Tỉnh ủy Cà Mau,
 nơi đi đầu nổi dậy ở miền Tây Nam bộ).

6. Địch càn ngoài đồng, bắn người, địch huấn luyện bảo vệ hương thôn : 32”

          Với bản chất hiếu chiến và lật lọng, kẻ thù ngang nhiên phá bỏ Hiệp định Genève. Chúng lập ra chính quyền phát xít, dựng lên một đội quân tay sai, hòng khủng bố, sát hại những người kháng chiến.

Tình thế Cách mạng đầy khó khăn đó là nỗi lo toan của các đảng bộ, của chính đồng chí Tư Bình, và ông đã vượt lên mọi thử thách.

          Lúc bấy giờ, địch bắt nam giới phải vào “Tự vệ hương thôn”, nữ giới phải vào “Phụ nữ liên đới”, hòng phân hóa quần chúng.

(Lời đ/c Tư Bình kể về úp bộ, đưa quần chúng
 vào “Tự vệ hương thôn”, càn rừng)

7. Địch càn vào rừng tràm, ta lập làng rừng, họp Ban Tuyên huấn, nhà in, báo Giải phóng : 69”

          Bằng óc quan sát nhạy bén và kinh nghiệm trong công tác quần chúng, đồng chí Tư Bình đã xác định ngay, phần lớn những người bị địch o ép đều có cảm tình với Cách mạng và đồng chí đã cùng thường vụ tỉnh ủy Cà Mau, dựa vào thực tiễn đó để gầy dựng lại cơ sở ; mặt khác tổ chức hướng dẫn nhân dân xây dựng nhiều làng rừng, nhằm bảo tồn thực lực.

( # )

          Đồng Khởi năm 1960, từ Bí thư tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Tư Bình được bầu vào Liên tỉnh ủy. Năm 1962 vào Khu ủy Tây Nam bộ, phụ trách ngành tuyên huấn.

          Giữa chiến khu U Minh, các cơ quan giáo dục, văn hóa văn nghệ, thông tấn báo chí, lần lượt ra đời.

          Trước tình hình cấp bách về tuyên truyền Cách mạng, nhà in cũng hình thành cùng với tờ báo Giải phóng miền Tây Nam bộ, ra mắt độc giả.

          Hoạt động trong ngành Thông tấn báo chí thời chống Mỹ, nhiều cán bộ vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm về cuộc kháng chiến ; về những ngày trực tiếp làm việc với đồng chí Tư Bình.

(Lời đ/c Bảy Vân nói về phong cách làm việc,
cách tư duy của đ/c Tư Bình)

8. Hàng đáy, đổ tôm, nhân dân giúp cơ quan : 41”

( # )
         
Trong vùng căn cứ, dù ở rừng tràm U Minh hay rừng đước Năm Căn, nhân dân luôn là chỗ dựa của Cách mạng. Họ không những là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn là người bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não.

Vào những thời điểm khó khăn, địch vây rừng, ngăn sông, đánh phá ác liệt, sự có mặt của các cơ quan là nguồn động viên, là lòng tin Cách mạng của quần chúng. Còn đối với các cơ quan kháng chiến lúc ấy, dù một lon gạo ít ỏi, một lít nước ngọt bình thường cũng tràn đầy tình dân.

(Lời đ/c Tư Bình nói về căn cứ lòng dân, dân là gốc)

9. Sinh khí vào Tổng tấn công 68, vùng IV ngụy, ta vào vùng ven Cần Thơ, sông Cần Thơ : 63”
         
          Cuối năm 1967, vùng giải phóng mở rộng, ta lớn mạnh cả về chính trị lẫn quân sự. Cả nước đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định tổng tiến công và nổi dậy.

          Nhân dân miền Tây Nam bộ hăng hái đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến.
          Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung Ương Cục, Khu ủy đề ra mục tiêu đánh chiếm trung tâm chỉ huy vùng 4 chiến thuật và quân đoàn 4 ngụy ở Cần Thơ.

          Lúc bấy giờ, đồng chí Tư Bình là ủy viên Ban thường vụ Khu ủy, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Lực lượng vũ trang được huy động áp sát vào vùng ven, đồng thời bổ sung lực lượng cho các đơn vị biệt động nội thành, tổ chức phối hợp chặt chẽ chờ lệnh tổng tiến công.

          Với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, đồng chí Tư Bình cải trang để đi công khai vào TP Cần Thơ vừa kiểm tra các cơ sở, vừa chỉ đạo mũi nổi dậy, bất chấp nguy hiểm.

(Lời đ/c Năm Nam nói về việc đ/c Tư Bình vào vùng địch bằng CK)

10. Tư liệu học sinh, người lao động đấu tranh : 23”

          Cuối năm 1967, phong trào đấu tranh của các tầng lớp thành thị dâng cao. Đặc biệt là giới học sinh, sinh viên và bà con lao động. Ngoài việc chống bắt lính, quân sự hóa học đường, nhân dân thành thị còn đòi hỏi bồi thường tử tuất. Trường hợp anh Trần Văn Ẩn, một người hành nghề xe lôi bị xe Mỹ cán chết, đã dấy lên thành cuộc đấu tranh lớn.

(Lời đ/c Tư Bình kể về cuộc đấu tranh nói trên)

11. Đào công sự, ta vào thành phố địch ném bom : 44”

          Mũi chính trị tạo đà cho mũi vũ trang, lệnh tổng tiến công nổi dậy ta thọc sâu vào nội ô thành phố Cần Thơ, chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu, đánh trả nhiều đợt phản kích của địch.
( # )

          Khi ta rút ra Vòng Cung, địch dùng nhiều loại phi pháo đánh phá ác liệt. Trước tình hình đó, đồng chí Tư Bình và Ban chỉ đạo khởi nghĩa vẫn bám sát chiến trường trọng điểm, nhiều lúc phải lạc giữa vòng vây địch.

(Lời đ/c Tám Phấn nói về một trận bị địch ngăn sông phải nhịn đói)

12. Ủy ban khởi nghĩa, ông Tư đứng nói, địch đánh phá, dừa xơ xác, dân ăn cơm : 39”

          Có chịu đựng gian khổ cùng với đồng chí anh em, với bà con, đồng bào, mới thấu hiểu hết tấm lòng và sức chịu đựng hy sinh của họ. Trong những ngày tổng tiến công, đồng chí Tư Bình đã chia ngọt sẽ bùi cùng người dân Vòng Cung như thế.

Dù ác liệt đến mấy, người dân Vòng Cung vẫn bám đất đến cùng ; bám đất vì quê hương, vì Cách mạng là vậy. Đồng chí Tư Bình không bao giờ quên những ngày chung sống ở gia đình ông Hai Tiểu.

(Lời Đ/c Tư Bình kể về sự hy sinh của vợ chồng ông Hai Tiểu).

13. Địch tấn công trên sông, càn rừng U Minh, lập căn cứ, đồn bót, ta chống xuồng : 55”

          Bước sang năm 1969, địch phản kích quyết liệt. Chúng dùng “hạm đội nhỏ trên sông” chia cắt địa hình ; mở chiến dịch càn quét nhiều ngày vào vùng căn cứ U Minh. Ban ngày địch dùng chiến thuật nhảy cóc, ban đêm chúng dùng đèn soi, quyết đánh phá, làm nhụt chí cán bộ chiến sĩ ta.

                                                          (#)

          Thâm độc hơn, địch cho nhiều tốp quân biệt kích ruồng càn dọc theo các bờ kinh, cụm tràm hòng tạo đòn cân não cho lực lượng ta. Chưa hả hê, chúng lập cả căn cứ quân sự giữa rừng U Minh, khống chế các tuyến sông chiến lược.

          Trước tình thế đó, các cơ quan đầu não của ta ở miền Tây Nam bộ phải di chuyển qua nhiều nơi để bảo toàn lực lượng. Đồng chí Tư Bình và khu ủy cùng chịu đựng gian khổ, ác liệt, thiếu thốn với anh em.

(Lời Đ/c Năm Nam nói về Đ/c Tư Bình
 chịu đựng gian khổ và giữ vững vai trò).

14. Ta xông lên đánh địch, địch chạy, bộ đội uống nước trong rừng : 31”
         
          Bước sang năm 1970, 1971, quân dân ta mở nhiều trận đánh lớn ở chiến trường Cà Mau, Rạch Giá, gây cho địch nhiều thiệt hại, giành lại thế chủ động bảo vệ vùng căn cứ.

                                                       (#)

          Sau những ngày tháng ác liệt, các đơn vị ta đã có những giờ phút nghỉ ngơi. Trong muôn vàn câu chuyện đồng đội kể nhau nghe, có một câu chuyện về cái tên Bảy Đồng Minh do đồng chí Tư Bình nói vui mà đến giờ vẫn còn nhớ.

(Lời đ/c Bảy Đồng Minh nhắc về cái tên do đ/c Tư Bình đặt).

15. Cuộc hội nghị khu ủy Tây Nam bộ : 16”

          Đầu tháng 10/1971,  Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị gởi các cấp tích cực đánh phá bình định, nhằm chuyển từ bị động cục bộ sang thế chủ động toàn chiến trường vào năm 1972. Đồng chí Võ Văn Kiệt về miền Tây Nam triển khai trực tiếp.

(Lời đ/c Võ Văn Kiệt kể lại nội dung hội nghị, chuyển thế chủ động,
 sắp xếp lại lực lượng vũ trang).

16. Ông Tư ngồi nghe, ghi chép, cận mặt nhìn, đoàn người ra vùng ven, dân cạy cờ ngụy : 24”

          Năm 1973, đồng chí Tư Bình là Bí thư khu ủy Tây Nam bộ. Lúc bấy giờ Hiệp định Pari đã được ký kết. Bằng sự mẫn nhuệ và bản lĩnh chính trị, đồng chí và Thường vụ Khu ủy đánh giá đúng bản chất lật lọng của địch nên kiên quyết giáng trả khi chúng vi phạm hiệp định, lấn chiếm đất đai. Các địa phương chủ động đẩy mạnh công tác binh vận phối hợp với  vũ trang tuyên truyền, hỗ trợ quần chúng vùng ven nổi dậy phá bỏ kềm kẹp, trở về quê cũ.

(Lời đ/c Năm Nam nói về vai trò của đ/c Tư Bình)

17. Cờ bay, mừng chiến thắng, đồng chí Tư Bình ôm hôn Bác Tôn : 43”

          Bao năm gắn bó với miền Tây Nam bộ, với hai cuộc kháng chiến thần kỳ; trải bao gian khổ hy sinh, giờ đến ngày toàn thắng. Đồng chí Tư Bình vui trong niềm vui của nhân dân, hạnh phúc trong niềm hạnh phúc của đồng chí, đồng bào …

          Ngày 4/12/75, đồng chí vinh dự được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tay bắt mặt mừng, có niềm vui nào lớn hơn, thiêng liêng hơn ngày Bắc Nam sum họp một nhà …

( # )

18. Bóng trực thăng, đồng chí Tư Bình khảo sát rừng U Minh, khói, bàn luận, người xem, khói : 25”

          Hòa bình, xây dựng Đất Nước, khi là Chủ tịch thành phố mang tên Bác, lúc là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bất cứ nhiệm vụ nào đồng chí cũng hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Năm 1983, khi rừng U Minh cháy nặng, trong tầm nhìn của người lãnh đạo dạn dày, đồng chí đã cùng Chính phủ thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho dân, ngay sau những chuyến khảo sát thực tế. Cuộc đời trưởng thành từ nhân dân, mọi nỗi lo là để đáp trả cho nhân dân là vậy.
( # )

19. Ông Tư ngồi viết, cuốn sách nuôi tôm, dự hội thảo thủy sản, phát học bổng : 42”
         
Cuộc đời ông bao năm gắn bó với mảnh đất này, cuộc sống còn biết bao điều làm ông trăn trở. Ông đến để lắng nghe, để bàn luận với ngành thủy sản về cách làm ăn. Ông quan tâm đến thế hệ tương lai, đến sự nghiệp giáo dục. Và những nỗi bức xúc giục ông tự nguyện đến với những phận sự mới.

Kinh nghiệm thành công trong chỉ đạo ngành giáo dục kháng chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam bộ thường nhắc ông những cách làm thực tế đào tạo thế hệ trẻ. Bởi vậy mà mỗi lần trao những phần học bổng nhỏ nhoi, ông luôn tin vào kết quả lớn lao từ việc học tập.

(Lời ông Tư nói về giáo dục)
20. Viếng mộ ông Trương Yểm : 26”

          Lòng thủy chung, tình đồng chí, là những giá trị làm tôn cao nhân cách của những người kháng chiến. Trở về Đa Lộc, Trà Vinh ông ghé viếng những người bạn hy sinh từ những ngày đầu khởi nghĩa bằng tấm lòng thành thật như xưa.

21. Họp mặt, ông Tư thăm Tỉnh ủy Trà Vinh : 43”

          Quý trọng truyền thống như quý trọng nguồn mạch nối kết giữa quá khứ với hiện tại, tương lai. Không ngại tuổi cao sức yếu, đồng chí Tư Bình vượt qua bao chặng đường dài về miền Tây thăm lại những người kháng chiến.

          Trở về quê hương thứ hai, nơi khởi đầu chặng đời Cách mạng, ông không chỉ thăm hỏi động viên đồng chí anh em, mà còn giải bày những kinh nghiệm, chỉ ra những thế mạnh của nền kinh tế địa phương, sự năng động cần có của vùng đất còn ẩn chứa bao sức sống.

          Vẫn trong phong cách ngày nào, đồng chí Tư Bình giản dị, gần gũi, thân mật với tất cả mọi người.

(Lời ông Thọ Thư ký riêng nói về đức tính chân thành, thương con cháu)

22. Mừng sinh nhật, ông Tư ngồi viết lịch sử : 32”

          Mừng tuổi bát tuần, những người bạn già đến chia sẻ niềm vui ; con cháu mừng ông trường thọ, tiếp tục chứng kiến những đổi thay của Đất Nước.

          Riêng ông, muốn đem trọn tình đồng chí, mà san sớt đến bầu bạn, anh em, muốn dùng thời gian còn lại cho những trang sử miền Tây Nam bộ, nơi ông từng có những tháng năm dài gắn bó với bao nỗi gian truân và sự tự hào. Còn đối với nhân dân miền đất này nhắc mãi về ông, đồng chí Vũ Đình Liệu, anh Tư Bình./-



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét