Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

XÉP BA TÀU

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1.     Lia xép, nước lấp lánh, bập dừa : 25”

          Xép Ba Tàu là một địa danh thuộc vùng đất Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
          Theo cách gọi từ xa xưa của người dân địa phương thì “Xép” có nghĩa là một đọan phình rộng racủa một con sông lớn mà ở đó có nhiều ngã rẻ và rạch nhỏ. Còn “ Ba Tàu” được giải thích là ở ba góc Xép có ba doi lá gie ra, trông giống như ba mũi tàu. Cũng có người cho rằng, “Ba Tàu” là nơi có nhiều bà con Hoa Kiều đến mua bán, trao đổi nông lâm sản.

          Nhìn lên bản đồ, bạn sẽ nhận ra Xép Ba Tàu, một đoạn phình rộng ra của con sông Cái Lớn, cách cửa biển non 30 km. Theo cửa sông này, cha ông ta đến Xép Ba Tàu khẩn hoang lập ấp. Trong cuộc chinh phục thiên nhiên đầy gian khổ ấy, người xưa đã để lại biết bao huyền thoại còn ghi trong sử sách.

          ( Lời ông Sơn Nam về chuyện đánh cọp )

2.     Miếu bà Thị Cư : 50”

Và ở Xép Ba Tàu có một câu chuyện còn lung linh màu huyền thoại, về người phụ nữ gan dạ, dám một mình đấu lại “Chúa Sơn lâm” giữa ban ngày.
Bà tên là Hồ Thị Cư, người thuộc một dòng tộc ở vùng Bình Định, vào Gò Quao, xứ sở mà “dưới Xép sấu nghé như trâu; trên bờ cọpđua như chó”. Một hôm, bà theo cha vào rừng đốn cũi thì bất ngờ bị cọp tấn công. Để cứu người cha sức yếu, Thị Cư đem hết sức bình sanh chống trả lại bầy thú dữ và biệt tích giữa rừng sâu. Cảm kích tình phụ tử ấy, người đời sau lập miếu thờ.

(#)
3.     Hàng đáy, tôm cá, dừa nước : 43”

Nghề hạ bạc ở đây hình thành từ lâu đời. Con sông Cái Lớn dẫn cá tôm từ biển Tây vào cho mỗi năm một vụ thủy sản nước lợ và một vụ thủy sản nước ngọt. Chu kỳ thay đổi nguồn nước đều đặn như thế, đã tạo ra hệ động thực vật đặc thù cho Xép Ba Tàu.

Dọc theo hai bờ sông Cái Lớn và chung quanh Xép, đâu đâu cũng mọc loài cây dừa nước – Loài cây từ ngàn xưa cha ông ta đã sử dụng để tạo nên làng mạc, cửa nhà trên vùng đất mới. Ứơc tính, diện tích dừa nước của vùng này hiện lên đến hàng trăm ngàn hécta – nơi cung cấp nguồn nguyên liệu lá lợp chủ yếu cho Đồng bằng sông Cửu Long.

( - )
dừa nước cho trái quanh năm, nhưng chúng ra bông rộ nhất vào đầu mùa khô. Chín tháng sau thì trái vừa già, món ăn dân giả nhưng đầy hương vị của làng quê, đất nước. Người Xép Ba Tàu gắn bó với loài cây dừa nước từ thời thơ bé :

Gió đưa ngọn lá xạt xào
Nhớ cây dừa nước Ba Tàu quê hương ...

4.     Xép, lia cây mước xác, bông, rộng có ghe qua :46”

Ngoài dừa nước, quanh Xép Ba Tàu còn có hơn trăm loài thực vật ngập nước khác. Tiêu biểu là cây mước xác, thuộc họ trước đào. Loài này cho hoa quanh năm, tạo sinh cảnh cho vùng sông, nước, điểm xuyết một màu trắng tươi giữa mảng xanh rì của Xép Ba Tàu. Bởi vậy mà dân gian ở đây có câu :

Lắc lay cành mước lá xanh,
Đong đưa bông trắng cho anh nhớ nàng.
Chừng nào nhị trổ chấm vàng,
Xuồng anh ghé bến cho nàng cùng theo...
5.     Bóng, hoa ô rô, Xép góc cao :16”

Do ảnh hưởng chế độ nhật triều của biển Tây, quanh Xép luôn luôn ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loài cây họ ô rô phát triển quanh năm, tạo thêm nét đẹp cho bờ Xép Ba Tàu.

( Tiếng bìm bịp )

6.     Bìm bịp, cây bần, trái, hoa :31”

Bịp kêu nước lớn anh ơi,
Bẻ mau bần chín nấu nồi canh chua...

Câu ca ấy qua bao năm tháng vẫn còn làm xao xuyến lòng người Xép Ba Tàu. Bóng bần lay động hồn quê ; gợi nhớ, gợi thương cho mỗi ai đi xa còn luyến lưu hình bóng quê nhà...

( - )

7.     Hoa lục bình; Xép rộng : 20”

Với hơn 200 ngày nắng trong năm, các loài thủy sinh ở Xép Ba Tàu đua nhau phát triển. Cuối tháng Chạp, nước rút, là mùa lục bình trổ bông.

...Bồng bềnh tim tím bên sông
Thủy chung tình nước, vấn vương lòng người...

( - )
8.     Đường làng, ngôi nhà : 17”

Bên bờ Xép, từ nhiều thế kỷ trước, các cộng đồng người Việt, người Khơme, người Hoa đã chung lưng nhau dựng lên những ngôi làng. Có nhiều dòng tộc người Hoa ở tận miền Triều Châu xa xôi đến đây lập nghiệp, nay vẫn còn giữ nét văn hóa riêng.

( Lời ông Sơn Nam nói về người Hoa nêu trên.)

9.     Vườn cam, lượm mo, khóm : 64”

Thích nghi với vùng đất mới, các cộng đồng dân tộc ở Xép Ba Tàu đã lựa chọn cách canh tác riêng. Đất thấp, họ đào mương, lên liếp, trồng cây, nuôi cá. Đây là một trong những khu vườn với nhiều tầng sinh thái do người dân Xép Ba Tàu sáng tạo nên.

( - )
Dưới tán cao là rẫy khóm, loài cây chịu phèn, ưa bóng râm, tỏ ra thích ứng với phương pháp trồng xen giữa cây lâu năm với cây ngắn ngày. Mỗi năm một vụ cau và một vụ khóm, người dân Xép Ba Tàu bắt đầu làm giàu cho xứ sở.

( -)
10.            Ruộng, cau, lúa, khóm : 82”

Với tính năng động và trí sáng tạo của người dân Xép Ba Tàu, cây khóm biết kết trái dưới bóng cau, giờ thêm nảy chồi trên đất ruộng. Vẫn theo cách đào mương lên liếp để rửa phèn, dẫn ngọt cho đất; người nông dân đã đặt cây khóm kề bên cây lúa – một kiểu xen canh không những phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, mà còn thích ứng với sự nhạy cảm của nền kinh tế thời hội nhập.

( - )

vừa trồng xong một vụ khóm là đến kỳ thu hoạch lúa, sự luân chuyển mùa màng như thế đã tạo ra một nhịp sống mới cho người dân Xép Ba Tàu.

( - )
11.            Xắn khóm, kéo xuồng đi, chuyền trái : 50”

Khóm chính vụ ở Xép Ba Tàu kéo dài từ tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch hàng năm. Hơn 5 ngàn hecta thuộc các xã Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Phước, Vĩnh Tuy của huyện Gò Quao, đang giữ thế mạnh về loại caây công nghiệp này.

( - )
Khóm được phân loại ngay tại rẫy. Trái vừa già chọn để chuyển đến các nhà máy chế biến; khóm chín vàng đưa ra chợ quê bán cho thương lái. Cuộc sống thôn dã, bình dị mà trữ tình biết bao :

Một tay một cặp khóm đôi,
6n duyên chồng vợ nhớ thời hàn vi.
Gío đồng đưa đẩy xuồng đi,
Ba Tàu Xép rộng, nhớ gì thuở xưa ...

Và, người dân quê hương này không thể nào quên những năm dài gian khổ và ý chí quật cường vùng lên tranh đấu.

( Trích bài ca vọng cổ trên sông )

12.            Vỏ, nước rẻ, ông Tư Nhà Mới : 29”

Hòa với niềm cảm xúc của con người Xép Ba Tàu, chúng ta cùng chia sẽ những ký ức đầy tự hào của Anh Hùng Nguyễn Văn Tư, người được mang biệt danh là Tư Nhà Mới – “Thủy thần trên sông Cái Lớn”. Ông không thể nào quên những năm tháng mà mỗi bờ lá là một trận địa nhấn chìm tàu giặc, và ngay ở Xép Ba Tàu này, ông đã cùng đồng đội khi thì nả pháo, lúc lại gài thủy lôi, gây cho quân thù nhiều phen khiếp vía.

                 ( Lời kể ông Tư Nhà Mới)

13.            Xép có 3 chiếc tàu, ghe khẳm : 45”

Với chiến công diệt 3 tàu trên Xép, ông và đồng đội đã tô đậm thêm huyền thoại Xép Ba Tàu, một huyền thoại mới xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, để lại niềm tự hào cho con người miền quê này.

( - )
Xép Ba Tàu ngày nay trở thành một hợp điểm của nhiều tuyến lưu thông huyết mạch. Từ Hậu Giang qua Rạch Gía, từ Cà Mau lên Cần Thơ, tạo nên dáng vẻ mới cho khúc sông đượm màu lịch sử.

14.            Bóng dừa, khóm, vườn rẫy mới, cau : 33”

Tiếp tục truyền thống sáng tạo và năng động, người Xép Ba Tàu lại cải tạo vườn cũ, lập nên các khu vườn rẫy mới. Dưới bóng dừa, cây khóm lại bắt rễ trên đất trồng xen canh.

( - )
Ở những khu vườn cổ, một khả năng mới đang mở ra cho ngành du lịch. Ở đó du khách có thể tìm hiểu một phần trong lịch sử văn minh miệt vườn với kỹ thuật canh tác nhiều tầng sinh thái. Đến Xép Ba Tàu khách tham quan còn cảm nhận những nét riêng của các cộng đồng dân tộc và hưởng trọn độ trong lành, yên ả của một làng quê nên thơ...

15.            Ngọn dừa, đường làng, người viết liễng : 31”

Trong sức sống của thiên nhiên của tạo hóa, có một sinh lực riêng bắt nguồn từ tấm lòng, ý chí và niềm tin của con người ở vùng đất này.

Qủan tấn tài nguyên, bá niên thịnh,
Kim ngân báo hỷ, gia môn hưng.

Giữ được tài nguyên, trăm năm tất sẽ thịnh vượng, bạc tiền sẽ đến làm cho nhà nhà giàu mạnh. Đó là ước nguyện khi năm mới đến của người dân Xép Ba Tàu.

16.            Cây gừa, miếu Thị  Cư, đốt nhang : 25”

Trong sự thịnh đạt, người Xép Ba Tàu không quên ơn bậc tiền hiền, nguyện thổi bùng lên ngọn lửa thiêng mà hướng về công đức người xưa, quyết một lòng gìn giữ Xép Ba Tàu, làm rạng ngời truyền thống đấu tranh với thiên tai, địch họa của người dân nơi đây...

17.            Chợ Gò Quao, bông lục bình, tàu xa, bóng rừng, Xép góc cao : 60”

Trong xu thế đô thị hóa, hiển nhiên bên Xép Ba Tàu đang mọc lên một thị trấn sầm uất. Điều đó đã tạo nên nét đối sánh giữa cũ và mới, giữa thôn dã và đô hội. Nhưng dù có đổi thay thế nào đi nữa, thì Xép Ba Tàu với nét bình dị nên thơ của nó vẫn chứa đựng một hồn quê đáng được giữ gìn.
( - )
Giữa những bước phát triển mới, Xép Ba Tàu như được trẻ lại, nhưng càng thanh xuân bao nhiêu người dân ở đây vẫn nhớ hoàii câu ca :

Ví dầu gió đẩy gió đưa,
“Trắng ngần bông mước” -  người xưa dặn dò.
Ví dầu Xép vắng con đò
Ba Tàu vẫn một câu hò...hò ơ...

( - )

Ai có qua miền Hậu Giang, ai có về Kiên Giang  hãy ghé qua miền đất này, nơi có lòng sông rộng mở như tình người bao la  ; nơi có dòng sôn Cái Lớn uốn quanh Gò Quao, để lại Xép Ba Tàu lộng gió và nên thơ./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét