Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

CÔ NĂM VẠN

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH

1. Các cô cùng thời ngồi nói chuyện; xem ảnh: 38’

          Thanh Xuân là lứa tuổi đẹp nhất trong mỗi cuộc đời. Riêng người phụ nữ này càng đẹp hơn khi bà giành trọn tuổi xuân cho cuộc kháng chiến. Thời chống Pháp, chị em thân mật gọi bà là Năm Huệ, tức Lê Thị Huệ, Hội trưởng Phụ Nữ Cứu Quốc xã Hòa An, Cao Lãnh.

          Bây giờ dở lại kỷ niệm xưa, những đồng đội cũ bồi hồi xúc động trước hình bóng của quá khứ ;  của thời chống Mỹ gian khổ. Riêng bà Lê Thị Huệ thì rất đỗi tự hào khi được chị em nhắc đến tên mình bằng một bí danh thân thương là chị Năm, cô Năm Vạn.

(Tên phim)

2. Tư liệu bơi xuồng, giã bàng, trải nóp, nữ vũ  trang: 41”

          Vào các năm 1945, 1946, không khí sục sôi của Nam bộ kháng chiến, Toàn Quốc Kháng chiến, đã thôi thúc biết bao nam nữ thanh niên, “nóp với giáo” lên đường chống Pháp. Người vào bưng biền, chiến khu Đồng Tháp ; người ở lại địa phương hoạt động. Tùy theo sức của mình, ai ai cũng mong muốn được góp một phần công lao cho sự nghiệp Cứu Quốc. Lúc bấy giờ, vào độ tuổi mười tám đôi mươi, cô nữ  thanh Lê Thị Huệ đã tham gia Đoàn Phụ nữ Cứu Quốc ở xã nhà. Khi thì làm tuyên truyền viên chống dốt, chống đói ; lúc lại nai nịt chỉnh tề tham gia du kích quân.

(Lời cô Năm Vạn kể về các hoạt động thời chống Pháp)

3. Sông nước Hòa An, tư liệu chèo xuồng : 34”

          Hòa An, nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cao Lãnh. Cô Năm Vạn tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống Cách mạng đó.

(10” nhạc)

          Sông nước Hòa An hôm nay gợi nhớ những năm tháng sôi động đánh Pháp. Vào các năm 52, 53 phụ nữ Cao Lãnh đã chia lửa với bộ đội ở chiến trường bằng công tác tuyên truyền.

(Lời bà Sương và cô Năm Vạn kể lại công tác tuyên truyền bằng loa)

4. Tư liệu sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, ấp chiến lược: 27”
         
          Năm 1954, cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn ; Đất Nước bị chia cắt. Người dân miền Nam chứng kiến cảnh Mỹ – Diệm ngang nhiên phá bỏ Hiệp định Genève. Chúng dồn dân vào rào gai ; khủng bố, sát hại những người yêu nước.

(# nhạc)

5. Xôm hầm bí mật, bắt người, em bé chạy, học sinh, gia đình ông Minh: 40”

          Mảnh đất Hòa An nhẩm gót giày đinh kẻ thù. Chúng rình rập, truy tìm những người kháng chiến. Nhiều chi bộ không còn cơ sở ; nhiều đồng chí đảng viên lọt vào tay địch, chịu cảnh tra tấn tù đày. Trước tình hình khó khăn phức tạp đó, để bí mật hoạt động, cô Năm Vạn đã phải tìm cách gởi đứa con đầu lòng ra vùng địch kiểm soát. Một người quen đã nhận làm con nuôi và cho ăn học đến lớn. Bây giờ nhắc lại chuyện xưa, Tiến sĩ Lê Quang Minh còn nhớ mãi ấn tượng về những ngày xa mẹ.

(Lời ông Minh nhắc lại việc ngủ trong lòng người mẹ)

6. Tư liệu bơi xuồng vào rừng, xem ảnh con; vào căn cứ, cô Năm nhìn lại rừng: 44”

          Cắn răng, rứt ruột rời xa đứa con vừa mới lên năm, cô Năm Vạn vào vùng căn cứ. Nhiệm vụ Cách mạng vào những năm đó hết sức bận rộn, các cô vừa bảo vệ thực lực, vừa tổ chức lại cơ sở, lúc rảnh rỗi mới đem ảnh con ra mà nhắc nhớ với nhau …
( # )

          Mỗi lần trở lại thăm vùng căn cứ, cảnh cũ người xưa đã gợi lại cho cô Năm Vạn về những ngày chung sống với chị em ; về những ngày gian khổ giữa rừng sâu thiếu thốn, cùng chia sẻ nguồn vui và cả nỗi nhớ chồng con.

(Lời cô Năm Vạn nói về chuyện gởi con của các cô)

7. Gia đình cha mẹ nuôi ông Trung: 15”

          Lần lượt cô Năm Vạn lại gởi tiếp đứa con thứ ba cho người thân. Anh Lê Minh Trung được hai vợ chồng nhà giáo nhận làm con nuôi. Đó là bà Nguyễn Thị Lài và ông Lê Văn Ký ở Sài Gòn.

(Lời ông Trung nói về cha mẹ nuôi)

8. Gia đình ngồi nói: 12”

          Không trực tiếp tham gia kháng chiến, nhưng nuôi dạy con cho người đi kháng chiến cũng là một cách đóng góp. Hai ông bà nhà giáo này đã nghĩ như vậy khi nhận con nuôi.

(Lời bà Lài nói về nuôi dạy ông Trung)

9. Cô Năm đi trong Xẻo Quýt: 17”
         
          Hàm ơn những bậc mẹ cha đã giúp nuôi con mình nên người, cô Năm Vạn yên tâm tập trung cho công tác. Khi luồn ra vùng kềm, lúc lại về căn cứ ; chiến tranh ngày càng ác liệt, cơ quan phụ nữ tỉnh Kiến Phong nằm trong tầm phi pháo địch.
(Cô Năm Vạn kể lại độ ác liệt)

10. Chống xuồng, các cô ngồi ôn chuyện cũ; cô Năm nhìn xa, nhà chị Phương: 48”

          Vừa đối phó với địch, vừa nén chịu cảnh xa chồng, xa con, nhưng cô Năm Vạn vẫn vượt qua tất cả để làm tròn nhiệm vụ của người Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Kiến Phong. Với vai trò cầm lái cho phong trào phụ nữ tỉnh, cô Năm Vạn đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trực diện của quần chúng vùng kềm, chống địch bắt con em đi lính, làm bia đỡ đạn cho Mỹ ngụy.

          Công việc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân bề bộn, cô Năm Vạn lại gởi tiếp đứa con thứ tư cho một gia đình nông dân không con ở Cao Lãnh. Chị Lê Thị Thanh Phương được bà Đặng Thị Thu và bà Lê Thị Hoa chăm sóc như con đẻ giữa sự dòm ngó của kẻ địch.

(Lời kể của bà Hoa, chị Phương)

11. Vùng tạm chiếm, học sinh, chợ: 20”

          Mặc dù được nhân dân đùm bọc, nuôi dạy ngay giữa vùng địch tạm chiếm, nhưng với tinh thần yêu nước, các bậc cha mẹ nuôi đã hướng cho những đứa con của cô Năm Vạn vào con đường đúng đắn, nên người. Bà con lao động ở vùng thành thị lúc bấy giờ những mong đóng góp một phần nhỏ nhoi cho cuộc kháng chiến.

( 9” nhạc )

12. Các cô vá áo ; bom pháo: 30’

          Sau Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, cô Năm Vạn được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng Khu Trung Nam bộ. Địch đánh phá ác liệt vào căn cứ Đồng Tháp Mười.
( # )

          Không từ bỏ một thủ đoạn nào, không hạn chế bất cứ phương tiện chiến tranh gì, Mỹ ngụy dùng cả tàu bay càn quét trên đồng nước nổi. Trước hoàn cảnh ác liệt đó, cô Năm Vạn đã động viên chị em giữ vững lòng tin, chiến đấu bảo toàn lực lượng tiếp tục hoạt động.

13. Các cô xem ảnh, các ảnh tư liệu: 33”

          Năm 1972, cô Năm Vạn được bầu làm Hội Phó Phụ nữ Giải phóng Khu Trung Nam bộ. Năm 1973, cô là một thành viên trong đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam vượt Trường Sơn ra tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc ở Hà Nội.

          Đối với cô Năm Vạn, niềm mong lớn nhứt lúc bấy giờ là Đất Nước thống nhất, gia đình đoàn tụ. Những bức ảnh này như là dấu mốc vinh dự trong đời hoạt động của mình, nhưng điều sâu lắng nhất vẫn là tình đồng chí đồng bào.

(Lời các cô nói về chuyện tình cảm, học tập ở chị Năm Vạn)

14. Lia hoa hồng, cô Năm Vạn hái, cắm trên bàn thờ chồng: 40”
         
( # )

          Người ta có thể lấy nhiều loài  hoa để sánh với nét đẹp của người phụ nữ. Nhưng sự hy sinh của họ với sự nghiệp, với  chồng, với con thì chưa có một loài  hoa nào được chọn xứng đáng. Cô Năm Vạn thì không bao giờ nghĩ tới điều đó. Cô chỉ biết chọn hoa nào đẹp nhất do tay mình trồng để tưởng nhớ đến người chồng quá cố, người đồng chí đã cùng cô cống hiến trọn cuộc đời cho Đất Nước.

( # )

15. Cô Năm Vạn đi xe đạp, thăm gia đình cơ sở, nhìn vườn cây của bà con: 46”

          Về hưu đã hơn mười năm, nhưng gần như cô Năm Vạn chưa một ngày ngơi nghỉ.

          Cô vận động giúp đỡ người nghèo ; tổ chức sinh hoạt cho người cao tuổi; chăm lo đời sống cho gia đình diện chính sách … Cứ như thế, bước chân cô dong ruổi khắp xã Hòa An.

          Hôm nay cô đến thăm gia đình bà Ngô Thị Chính, một cơ sở mà cô từng được nuôi giấu vào năm Mậu Thân. Cô không chỉ có động viên mà còn hướng dẫn bà con tổ chức làm ăn, nuôi dạy con cái. Cô chia sẻ với người dân trước những thành đạt, những vướng mắc trong chuyện làm ăn. Cô vui cùng niềm vui của bà con trong xã …

( # )

16. Cô Năm nói chuyện với thanh niên ; dự hội nghị người cao tuổi: 33”

          Với truyền thống Cách mạng của xã Hòa An, cô Năm Vạn truyền lại niềm tự hào đó cho thế hệ trẻ. Cô căn dặn con cháu trong xã phải biết giữ gìn giá trị lịch sử ; biết  sống sao cho xứng đáng với mảnh đất Anh hùng.

          Ở gần tuổi bát tuần, cô Năm Vạn vẫn hết lòng hết sức vì phong trào, vì với cô lao động là vinh quang. Tuổi cao chí càng cao, cô Năm Vạn đã nêu một gương sáng về cuộc đời biết hy sinh, biết sống có thủy có chung với đồng bào, đồng chí./-



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét