Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

CHIẾU ĐỊNH YÊN

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH 

1. Chợ lát, chợ chiếu, chở chiếu : 24”

          Làng quê đó ở bên bờ sông Hậu, cách huyện lỵ Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp không đầy 10km. Tại đây, hơn một trăm năm trước, nghề dệt chiếu đã hình thành và phát triển, tạo ra truyền thống lao động nông nhàn cùng giá trị văn hóa dân gian. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề tiếp tục khẳng định tên gọi : Chiếu Định Yên.

(Tựa phim)

2. Các loại sản phẩm ở chợ chiếu, không khí bán : 65”

          Chiếu Định Yên được các nhà buôn truyền miệng bài vè dễ nhớ :

Nửa trắng nửa hường
                                  (là) Chiếu tương dãy ốc,
Lằn ngang kẻ dọc
                                  (là) Chiếu con cờ
Xanh đỏ chen tơ
                                  (là) Hoa dăm chính hiệu
Định Yên xứ chiếu
Chợ sớm chợ chiều
Ai bán thì kêu
Ai mua thì gọi …

Thợ dệt cũng là người trực tiếp đem hàng hóa của mình ra chợ. Chất lượng sản phẩm, trình độ điêu luyện của tay nghề sẽ định giá cuối cùng cho chiếc chiếu.
Thương lái thường là người từ các nơi khác đến. Họ lựa chọn các loại chiếu phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người địa phương mà gom hàng. Chính vì vậy dân buôn có câu thiệu :

“Chiếu trắng đem bán miệt trên,
Chiếu bông chở xuống Trà Niên có lời”

Thì ra, loại chiếu bông có hoa văn, màu sắc sặc sỡ được thương lái đem tiêu thụ ở vùng Trà Niên, Rạch Giá, nơi có nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống. Tính thích nghi thị trường xuất hiện từ lâu đời ở làng Chiếu Định Yên.

( # nhạc )

3. Chợ, cận chiếu, người vác : 42”

          Chợ Chiếu Định Yên  là nơi duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn giữ hình thức chợ phiên.

          Thời điểm họp chợ lệ thuộc vào con nước và nhu cầu thu mua của thương lái. Vì vậy phiên chợ thường không diễn ra vào một giờ cố định mà cứ xoay vòng hết ngày đến đêm.

          Phiên chợ này bắt đầu từ 5 giờ sáng hôm nay, không ai hẹn ai, cứ 4 giờ sáng hôm sau người mua kẻ bán lại gặp nhau ở chợ.

          Từ chợ Chiếu Định Yên, sản phẩm của làng nghề tỏa đi khắp miền sông nước Nam bộ.

Xuồng ai đi ngược miền trên
Chở bao nhiêu Chiếu Định Yên nặng tình.

( # nhạc )

4. Lia cánh đồng rẫy, đốn lát, chẻ lát, phơi lát : 66”
         
          Định Yên là một làng trù phú được bồi đắp bằng phù sa của sông Hậu. Thừa hưởng giá trị sinh thái bãi bồi, người dân ở đây trồng lát, phục vụ cho nghề dệt chiếu. Cứ mỗi năm một kỳ thu hoạch, hết đời này qua đời khác, nghề trồng lát trở thành một nghề trong làng nghề Định Yên.

Lát Định Yên ai siêng lựa đất
Cọng cứng dài, dai chắc chiếu bền.

( # nhạc )
         
Để dệt được một chiếc chiếu, người ta cần phải có ít nhất 2 ngàn sợi lát như thế. Sợi nguyên liệu đó càng được trau chuốt kỹ lưỡng thì chất lượng của thành phẩm càng cao. Bởi vậy những người có nhiều kinh nghiệm thường đảm trách công việc đầy tính kiên nhẫn này.

( # nhạc )

          Ngày nay, trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường chiếu, làng nghề Định Yên hình thành thêm chợ nguyên liệu. Chợ này thu hút nguồn lát sợi từ các vùng lân cận, tạo ra một mô hình sản xuất mới cho làng nghề – Đó là sự phân chia thị trường nguyên liệu và thị trường thành phẩm.

( # )

          Sợi lát nguyên liệu được thợ dệt lựa chọn kỹ càng theo nguyên tắc truyền thống :

Gốc ngọn đồng thủ, đồng thanh,
Chiếu lẫy mới khéo, chiếu hàng mới suông.

( # nhạc )

          Tính ra, chợ nguyên liệu hình thành ở Định Yên chưa đầy 10 năm, nhưng đã sớm khẳng định một nhịp điệu sản xuất mới, phá vỡ thế khép kín trước đây, tạo ra một sinh khí hoạt động mới cho làng nghề. Người thợ không còn phải lo chạy vạy tìm giống, kiếm đất để trồng lát, mà chỉ cần ra chợ mua nguyên liệu theo cách tính lời lỗ của mình. Cứ như thế, hơn 10 ngàn thợ dệt của làng nghề Định Yên thích nghi dần trong dòng chảy của thị trường.

( # nhạc )

5. Cận khung dệt, dệt chiếu lẫy : 35”

          Thợ dệt chiếu lẫy, tức loại chiếu có tạo hình, tạo chữ theo mẫu định trước, thường là những người có đẳng cấp, có thâm niên trong nghề.

          Dệt một đôi chiếu lẫy, người thợ phải tốn thời gian gấp 6 lần khi dệt một đôi chiếu thường. Thợ lẫy là người quyết định chất lượng cho đôi chiếu :

Khéo tay chùi sợi long hai
Lẫy trên, luồn dưới mới nài chữ ra.

( # nhạc )

6. Thợ lẫy trẻ ; dệt : 36”

          Theo truyền thống của làng nghề Định Yên, những ai muốn làm thợ lẫy đều phải có một thời gian rèn tay nghề bằng cách dệt loại chiếu bông thông thường. Từ đơn giản dần dần mới tập dệt loại chiếu có hoa văn phức tạp. Tùy thuộc vào năng khiếu, có thể từ 5 đến 10 năm, thợ lẫy mới được xem là thành thạo tay nghề.

( # nhạc )

7. Đoàn ca đi ngoài đường, lia dệt vào nhóm ca : 12”

          Nghề chiếu và thợ dệt đã bao năm gắn bó tình người Định Yên ; và làng quê này càng đầm ấm nồng nàn hơn trong tình người. Đã có ai đó một lần đến rồi đi trong niềm vấn vương.

( Trích câu vọng cổ )

8. Cắt rìa xếp chiếu, ra rẫy : 42”

          Sức sống của làng chiếu Định Yên cứ như thế mà đậm đà nghĩa xóm tình làng. Những đôi chiếu Định Yên cũng vì vậy mà đượm sắc thắm màu từ tay những lớp thợ hồn hậu cần cù.

Sáng ra chợ chiếu bán buôn,
Trưa vào đồng ruộng, chiều luồn dây trân.

          Không tất bật, cũng không nhàn nhã, lịch lao động của người làng chiếu được xếp xen kẽ theo buổi, theo thì. Hết vụ lúa lại đến mùa rẫy, đất Định Yên không phụ lòng người Định Yên.

( # )

9. Người đi ngoài đồng, cây bô : 38”
         
          Có những xóm trong làng nghề đã giành đất, chia vụ để gieo cây bố, cây đay – nguồn nguyên liệu thiết yếu của nghề dệt chiếu. Chỉ cần 1 ngàn mét vuông để trồng loài  cây này, đã có thể tạo việc làm cho 5, 7 nhân công trong thời gian nông nhàn. Cây bố, cây đay tỏ ra phù hợp với đất Định Yên.

( # )

10. Cao bố, phơi bố : 50”

          Không ai nhớ từ lúc nào cơ sự phân chia rạch ròi giữa xóm trân và xóm dệt, thợ trân và thợ dệt. Sản xuất dây trân có một quy trình khá tỉ mỉ. Cạo vỏ xong, sợi đay thô được đem phơi thật kỹ. Nhưng đấy chỉ mới là giai đoạn đầu của sợi dây trân.

( # )

          Sợi đay thô được chuyển đi tập trung ở những hộ chuyên việc chấp trân, một công đoạn riêng của nghề làm chiếu ở Định Yên.

( # )

          Khi qua tay thợ chấp trân, sợi đay được đánh xoắn lại theo kích cỡ riêng của từng loại chiếu. Vòng quay của thợ trân cũng chính là vòng xoay của thị trường sợi đay.

( # )

11. Bó dây đay, chợ đay, quay trân, mưa : 41”

          Bên chợ chiếu luôn luôn có chợ dây đay, thêm một biểu hiện nữa về sức sống của làng chiếu Định Yên. Bất cứ người thợ dệt nào cũng có nhu cầu tìm đến khu chợ này để lựa chọn dây trân vừa ý, thích hợp với cách tính toán của mình.

          Như vậy, làng nghề đã có sự phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa và từ đó có sức cạnh tranh cao – Tất cả vận hành nhịp nhàng và hoàn hảo như một guồng máy. Nhưng chuyện làm ăn, người dân làng chiếu còn phải đối mặt với bao điều thất thường của trời đất.

( # mưa và nhạc )

12. Đình thần, phơi chiếu : 63”

          Trải bao “phong tỏa bất kỳ”, cuối cùng tổ tiên cũng phò hộ cho dân làng Định Yên hành nghề sung túc.

Sân đình phơi chiếu bông hường,
Cầu trời khẩn đất cho bừng nắng lên …

( # )

          Đình làng Định Yên được sắc phong năm 1852. Làng chiếu Định Yên cũng ra đời vào khoảng những năm sau đó.

          Nhìn lại lịch sử hơn 100 năm của làng nghề, người dân Định Yên tri ân những bậc “tiền hiền khia khẩn, hậu hiền khai cơ”. Và điều đó nhắc nhở cho con cháu làng Định Yên trong thời hiện đại biết trân trọng, giữ gìn những gì mà cha ông đã dầy công tạo dựng.

( # nhạc )


13. Khắc gỗ, rộng đình làng, cúng tổ, bà lão : 36”
          Theo tập tục cổ truyền còn lưu lại ở làng Định Yên, người theo nghề chiếu, cứ vào ngày 16 âm lịch mỗi tháng ở từng hộ gia đình đều làm lễ cầu may, mong được ông bà phò hộ để nghề dệt chiếu thịnh đạt.

          Nhưng cần cù lao động là trên hết, bà lão này đã tận tụy với nghề suốt 60 năm. Giờ đến tuổi nghỉ ngơi, bà chỉ dẫn, truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm quý trong đời làm nghề chiếu của bà. Có lẽ bà rất vui khi lớp trẻ biết kế thừa sự nghiệp của tổ tông.

14. Ghe chở lát, dệt chiếu : 40”
         
( 9” nhạc )

          Làng Chiếu Định Yên ngày nay hoạt động với nhịp sản xuất mới. Những người thợ có nhiều kinh nghiệm được ứng dụng thêm phương thức dệt mới cho ra nhiều sản phẩm theo mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

          Càng tiếp cận với công việc mới, những người thợ chiếu nhớ lại câu ca xưa :
Tay vương mấy sợi trân mành
Sỏ xiên cọng lát cho thành long hai
Long hai bỏ vắn lấy dài
Kéo mau khung dệt liền tay mí kề.

( # nhạc )

15. Xén rìa, Hợp tác xã, dệt, nhuộm :
          Để sản xuất trên quy mô lớn và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, lớp thợ trẻ cũng đã được tập huấn. Từng công đoạn, từng khâu công việc trở nên khác lạ hơn cách làm cổ truyền, nhưng vốn có truyền thống, lại có tổ chức hợp tác xã hỗ trợ, lớp thợ trẻ không ngừng năng động.

          Có nhiều tiêu chuẩn của mẫu mã hết sức khắt khe. Loại chiếu 5 màu hay còn gọi là chiếu ngũ sắc, đòi hỏi người thợ dệt vừa nhanh tay vừa hết sức tỉ mẩn. Mỗi ngày hai thợ dệt giỏi mới có thể hoàn tất hai đôi chiếu kiểu mới.

( # )

          Mọi kết quả trong sự phát triển đều bắt nguồn từ sự kết nối giữa truyền thống yêu lao động và lòng yêu nghề. Bởi vậy, dù có sự thay đổi phương pháp kỹ thuật, người dân làng nghề Định Yên vẫn phát huy tốt khả năng sáng tạo của mình.

Gió đưa ngọn lát bên cồn
Định Yên giữ lại bóng hồn người xưa …

16. Chiếu và thương hiệu : 22”

          Người dân Định Yên thừa kế truyền thống quý báu của tổ tiên, biến giá trị văn hóa ấy thành sức mạnh mới trong thời kỳ hội nhập. Cách sản xuất dân gian không còn phù hợp được thay thế bằng phương pháp mới.

          Chiếu Định Yên cần có một thương hiệu để tiếp thị và cạnh tranh. Tên tuổi của làng chiếu cần được tiếp tục khẳng định bằng chất lượng sản phẩm hàng hóa, bằng cả giá trị tinh thần do người Định Yên tạo ra và bằng cả lời ca của chính những người thợ trẻ.

( Trích câu vọng cổ )

17. Chợ chiếu, cuốn chiếu, làm sợi bố, dệt : 1’

          Làng Chiếu Định Yên với nét đẹp truyền thống vốn có, đang tiếp tục được truyền nối. Niềm tự hào về làng chiếu càng thôi thúc lòng yêu quê hương và chí làm giàu của mỗi người dân Định Yên.

Hoa dăm, dãy ốc, trắng hường,
Định Yên còn chiếu, người thương còn về …

          Và chúng ta về với Định Yên để nghe câu ca quen thuộc ; nghe câu chuyện tình chung thủy của người con gái xứ chiếu ; nghe râm ran tiếng nói cười từ buổi chợ đêm.

          Định Yên, với sản lượng hơn nửa triệu chiếc mỗi năm, khẳng định một sinh lực được phát huy từ nghề truyền thống thành giá trị kinh tế và giá trị văn hóa.

Định Yên, với những con người cần cù và giàu lòng yêu quê hương đang và sẽ phấn đấu cho một làng nghề giàu đẹp.

Định Yên, với hơn 10 ngàn tay thợ lành nghề, một tiềm năng đầy sức sống, hứa hẹn về tương lai của làng nghề trong thời kỳ mới.

Và, Định Yên, với nét đẹp của truyền thống làng nghề, nét đẹp của tâm hồn con người sẽ còn mãi giữa thời gian./-



x

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét