Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

NGHỀ NUÔI CÁ VEN SÔNG

(Tạm thời chưa có phim)

LỜI BÌNH 

1. Ngã ba sông, xóm bè, thu hoạch cá, cận cá : 34”

          Trải dài hơn 2.500km, dòng sông Mékong đổ về hạ nguồn như một tất yếu của lịch sử tự nhiên. Trên phần lãnh thổ Việt Nam, Ngã ba sông Châu Đốc là nơi tụ hội của nhiều loài thủy sản nước ngọt.

          Hưởng lộc trời phú đó, con người miền An Giang thông minh và cần mẫn đã đóng góp cho nền văn minh sông nước Đồng bằng Nam bộ nhiều bước tiến lớn. Từ kinh nghiệm đánh bắt hoang dã, sau mấy trăm năm họ đã tạo ra một nghề mới đậm nét nhân văn.

(Tựa phim)

2. Cô gái nhìn tượng đài, nhìn đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ; sắc phong, ông lão lạy, sông ruộng : 52”

          Nhìn lại lịch sử hình thành nghề cá, chúng ta cùng đến đầu nguồn, nơi Ngã ba sông Châu Đốc, viếng thăm đình thần Nguyễn Hữu Cảnh, thành kính ngưỡng vọng vị Chưởng cơ đã có công lớn trong việc đặt định cương vực, khai mở nghề nghiệp cho lưu dân. Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng, năm Mậu Dần, 1698, nhà vua sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, đến đây giúp việc yên dân, đặt quan cai quản và ra chiếu chỉ chiêu mộ điền tốt (tức người giỏi ruộng rẫy và chài lưới). Dụ rằng : “Phàm, dân có biết nghề gì thì  chiêu tập họ về, cho tùy nghề mà làm. Người nào thiếu vốn thì được vay ; truyền miễn thuế ba năm”.

( # nhạc )

3. Nước vận, lục bình chìm, ông già nhìn, nước chảy : 20”

          Quy luật dòng chảy và thời gian đã làm lắng kết những kinh nghiệm từ nhiều thế hệ ngư dân. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong những lão làng của nghề cá. Hơn 90 tuổi ông vẫn thuộc làu lời dạy của tổ nghiệp :

“Tháng năm mùa nước quay về,
Tháng bảy cá xuống, rớ, bè nổi lên.”

( # 5” nhạc )

4. Xúc cá, rộng cá, bè gỗ xưa, ảnh Châu Đốc : 57”

          Kinh nghiệm khai thác đã giúp cho dân chài biết cách rộng cá trong dòng nước chảy nhằm lưu trữ nguồn thực phẩm tươi sống lâu ngày.

          Với phát hiện đó và sự chọn lọc kinh nghiệm từ các dân tộc anh em, ngư dân Châu Đốc đã tạo ra những rộng cá lớn để nuôi các loài thủy sản.

          Dùng gỗ tạo ra khung sườn và đăng bao bọc, rộng cá được nâng lên nhờ hệ thống phao tre nứa, gọi là “Bè cá”.

          Bè cá xuất hiện ở Ngã ba sông Châu Đốc vào những năm đầu thế kỷ 20. Các nhà nhiếp ảnh Pháp đã ghi lại hình ảnh lịch sử này. Bến sông Châu Đốc lúc ấy hãy còn ít bè cá, nhưng đã cho thấy manh nha một làng nghề.

          Bây giờ, với gần 4 ngàn bè cá, làng nghề nuôi cá ven sông đã tô điểm cảnh sắc cho bức tranh đầu nguồn.

( # 7” nhạc )

5. Nước, bản đồ phát triển nghề nuôi cá, lục bình : 56”

          Xuôi dòng thời gian, từ cái nôi Châu Đốc, các làng cá bè nổi lên ở Đồng Tháp, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long ... Sự phát triển đó là quy luật, điều mà dân chài xưa từng nói đến :

“Nước nổi, trôi đám lục bình,
Sông đẻ ra cá, người sanh ra làng.”

          Rồi các làng bè mới, những lớp người chủ mới ngày một nhiều thêm. Họ cần mẫn, siêng năng, tiếp thụ những kinh nghiệm quý báu của tiền nhân mà lập nghiệp, nuôi chí làm giàu.

          Chủ nhân của bè cá này khởi nghiệp ở độ tuổi “tam thập nhi lập” – Tuổi đời vững vàng nhất để vào nghề.

          Cứ 6 tháng, anh thu hoạch một kỳ. Liên tục như vậy, vòng quay của mùa vụ nâng dần giá trị tài sản của ngư dân ; nhịp sản xuất cũng là nhịp sống của làng cá.

( # )

6. Ghe đi qua, nước vận, tàu ra xóm bè, bè mới : 47”

          Theo dòng Tiền Giang và Hậu Giang, chúng ta xuôi về hạ lưu của hai con sông hiền hòa này. Phía xa kia là một làng bè mới ở ven sông Cổ Chiên.

          Cổ truyền, muốn đóng một bè mới, ngư dân lựa ngày lành tháng tốt để khởi công. Chủ nhân Trần Văn Chiêu rước gánh thợ giỏi từ Châu Đốc, An Giang đến giúp. Họ là những tay thợ có nhiều kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ. Thợ cả là người nắm vững nguyên tắc của xưa đúc kết :

Chắc ăn đinh đóng chèo hai,
Cây vênh chèn xéo, nại ngoài vô trong.
Dọc liền, ngang thẳng, cao đồng,
Để khi hạ thủy, bè không phập phều ...

( # 8” nhạc )


7. Nhà bè ông Tuồng, cá nhảy, tiếp khách, xem cá : 30”

          Đến với làng nghề Long Xuyên, chúng ta ghé thăm hộ nuôi cá da trơn Võ Văn Tuồng. Gia đình ông có 5 thành viên, mỗi người đều có một công việc riêng với bè cá.

          Là chủ gia, ông Tuồng quán xuyến mọi việc, chiếc bè chính là căn hộ đáng yêu. Cuộc sống của cả gia đình gắn chặt với nghề nuôi cá.

          Riêng với ông Tuồng, nết na của cá ba sa, tập tính của loài cá tra, ông đã thuộc lòng từ lúc mới vào nghề.

(Lời ông Tuồng về sự gắn bó)

8. Bè ba chiếc, ông Tuồng viết, bảng theo dõi, cá ăn : 37”

          Biết chắt mót và cần mẫn, từ một bèlúc khởi nghiệp, chỉ sau mấy năm, ông Tuồng sắm thêm được hai bè nữa. Với 3 bè đó, mỗi năm ông sản xuất hàng trăm tấn cá.

          Một trong những bí quyết dẫn đến thành công cho người nuôi cá là biết làm hạ giá thành sản phẩm. Thực tế đã chỉ ra cho ông Tuồng những bài toán được chi tiết hóa đến từng ngày. Số cộng đầu tư phải biến thành số nhân cho độ lớn của cá. Nhưng, đối với ngư dân, nghề nuôi cá không chỉ là vấn đề lợi tức, mà ở đó còn có một giá trị khác, về tinh thần cuộc sống.

(Lời ông Tuồng về cuộc sống trên bè và sự gắn bó với cá)

9. Người nhìn ra bè, kéo thùng bè bằng dây, làng bè rộng : 31”

          Cuộc sống của người nuôi cá ven sông có một sợi dây hữu hình mà cũng vô hình nối kết giữa con người với thiên nhiên ; giữa sự năng động và tính thích nghi. Với họ, không gian là không có khoảng cách ; chỉ có dòng chảy của nước và thời gian mới là điều kiện để sinh sôi những làng bè.

( 10” nhạc )

10. Tư liệu bè xưa, ông Tư Đá nhìn, bè cũ, cối xay cải tiến, ông Tư nhìn lại : 87”

          Để so sánh với hiện tại, chúng ta cùng ngược về quá khứ của những làng bè mấy mươi năm trước. Thuở ấy, quy mô của những bè cá còn đơn giản, làng bè chỉ có vài trăm chiếc tập trung ở ngã ba sông Châu Đốc. Bây giờ nhìn lại mới thấy rõ bước phát triển nhanh chóng của nghề nuôi cá ven sông.

          Các bè hiện đại này là tài sản của ông Trần Văn Nhân, dân làng nghề thường gọi là Tư Đá – Chủ nhân của 25 bè cá da trơn.

          Như để đánh dấu chặng đời nhiều năm theo nghiệp cá bè, ông giữ lại một bè cá kiểu cũ làm kỷ vật, và nó vẫn còn hữu dụng ít ra là hàng chục năm nữa.

Cơ giới hóa khâu tổng hợp thức ăn cho cá là một cải tiến lớn của ngư dân, trong đó ông Tư Đá có nhiều đóng góp. Hệ thống nấu – trộn – nghiền mà ông chú tâm thiết kế đã làm giảm đáng kể giá thành sản xuất.

          Trước kia mỗi bè cá phải tốn hàng chục công nhân. Mọi việc đều làm thủ công, khó có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất trên quy mô lớn. Sau nhiều năm hết bức xúc lại nghiền ngẫm thể nghiệm, ông quyết định đầu tư để tạo ra hệ thống lò đốt trấu, sử dụng cơ khí trộn thức ăn chín hỗn hợp cho cá. Công trình sáng tạo của ông được phổ biến rộng khắp các làng bè.

(Ông Tư Đá nói về cách làm giảm giá thành)

11. Thu hoạch, chuyển đi, câu cá, sông : 45”

          Giá thành rẻ, chu kỳ sản xuất rút ngắn đã chứng minh thêm bản lĩnh sáng tạo của người nuôi cá da trơn.

          Thị trường là động lực tất yếu thúc đẩy đến kết quả đó. Nhưng truyền thống và lịch sử làng nghề còn khẳng định bằng yếu tố khác.

          Dân gian ở đây truyền miệng rằng :

“Cân kéo đổ nghiêng, kẻ siêng người biếng,
  Ai lơi công giỏ nhổng đầu khiêng,
  Người nào đút cá ăn tiền,
  Nửa năm, chín tháng, bè nghiêng của dồn.”

          Lời khuyến dụ đó đã làm nặng cân thêm cho loài cá da trơn của miền Châu Đốc – An Giang.

( # nhạc 8” )

12. Xúc cá, lên xe, dở bao, cá dẫy dụa : 18”

          Từ các làng bè, tàu chuyên dùng vận chuyển cá tươi sống đến nhà máy chế biến. Nghề nuôi cá ven sông trở thành công đoạn đầu trong guồng máy vận hành của hệ thống sản xuất và chế biến thủy sản nước ngọt. Đây là chặng xuất phát trong cuộc hành trình của loài cá da trơn.

( # 7” nhạc )

13. Công nhân chế biến, thau cá xoay, đăng quầng : 30”

          Nguồn cá nguyên liệu khi qua dây chuyền chế biến của nhà máy trở thành thương phẩm. Vòng quay kinh tế lại tiếp tục xoay cùng độ phát triển của nghề nuôi cá ven sông.

( # nhạc )

          Hiểu rõ tập tính của loài cá da trơn, nắm bắt quy luật dòng chảy của sông, ngư dân sáng tạo ra cách nuôi mới, gọi là “đăng quầng”.

          Đăng quầng là cách nuôi dùng lưới bao bọc một khu đất ngập nước ven sông, hoặc trên ruộng, vào mùa nước nổi. Cách nuôi này đầu tư rất thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Ven sông Cửu Long, từ đầu nguồn đến các cù lao, cồn bãi, hầu như nơi nào cũng có thể ứng dụng nuôi cá da trơn theo phương pháp đăng quầng.
          Bài toán của ngư dân cho thấy, mỗi hecta mặt nước đăng quầng, vốn đầu tư ban đầu chỉ khoảng 60 triệu đồng, gồm chi phí vét bùn và cặm tre, giăng lưới.

          Nghề nuôi cá ven sông tạo thêm một dáng vấp mới cho nền văn hóa miền sông nước.

( # 6” nhạc )

14. Hoang hóa, giăng lưới, ao cá  xưa, ao mới : 85”

          Ở những nơi luồng gió phát triển ngư nghiệp chưa thổi tới, nhiều thửa đất ven sông vẫn còn chịu cảnh hoang hóa. Dưới mặt đất ngập nước, các loài thủy sản tự nhiên không còn phong phú như xưa, do nạn đánh bắt bừa bãi. Trước thực trạng này người dân chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc bắt hết những đàn cá cuối cùng ; hoặc biến đầm hoang thành ao nuôi cá thâm canh. Thật đáng mừng, mấy năm qua đã có hàng ngàn hộ nông dân chọn cách thứ hai.

( # 9” nhạc )

          Nhớ lại, nghề nuôi cá ven sông từ những năm 80 phổ biến là dụ cá thiên nhiên, chỉ phù hợp với nền kinh tế tự cấp, tự túc.

          Ngày nay, trên những thửa đất tương tự, ngư dân đã lập nhiều trại cá với quy mô lớn.

          Dựa vào quy luật bán nhật triều, mỗi ngày có hai con nước lớn ròng, ngư dân đào ao ngay sát bờ sông, nuôi cá da trơn.

          Ông Nguyễn Văn Sự chủ trại cá của hệ thống ao 6.000m2 . Nhờ áp dụng thủy triều, ông đã có thể nuôi  với mật độ 150 con/m3 mà nước ao vẫn luôn luôn sạch, chất lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu – Nguồn nước sông được sử dụng đúng cách để làm giàu.

(Lời ông Sự về cách xả, lấy nước)

15. Cắt rau, cá ăn, cho thức ăn vào cối, cá ăn : 32”

          Nguồn nước sạch  giúp cho rau xanh tươi tốt. Chúng là một trong các thành phần quan trọng của mồi cá nuôi. Dân gian từng đúc kết :

          “Năm bó rau tươi trộn mười cân cám,
  Nấu cho nhừ cá mới phàm ăn, 
  Nhồi viên một bữa hai lần,
  Vênh râu cá đớp mười phần lớn mau”
( # nhạc 10” )


16. Sông nước ròng, lục bình, lia vào ao : 24”

          Việc ứng dụng thủy triều để sản xuất đã được ghi chép trong lịch sử văn minh miệt vườn Nam bộ.

          Từ cuối thế kỷ 17, lưu dân khẩn hoang đã biết đào mương, đắp bờ cao trồng vườn, lấy ao sâu nuôi cá.

          Phải chăng đó là nền tảng, là truyền thống để ngày nay thế hệ mới biết tính toán làm ăn trên quy mô lớn hơn.

(Lời ông Hồng về đầu tư làm ao so với đầu tư làm bè)

17. Vườn ao, cá ục, các chòi du lịch, chiều : 35”

          Nhạy bén trước nhu cầu mới của nền kinh tế hội nhập, ngư dân nhiều nơi đã xây dựng khu nuôi cá thành điểm tham quan, du lịch sinh thái. Nhờ vậy, không những tần suất sử dụng mặt bằng được khai thác triệt để, thu nhập tăng lên, mà còn góp phần thiết thực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

( # 10” nhạc )

18. Hoàng hôn, đèn đêm Châu Đốc, trẻ học, đốt nhang, các bậc tiền bối : 45”

          Chiều xuống, đêm trở về với làng nghề nuôi cá ven sông ...
          “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc ...” Câu ca xưa gợi lại biết bao điều cho cuộc sống thời nay. Thế hệ mới sinh ra và lớn lên từ làng bè sẽ lại tiếp tục dở những trang đời mới từ bề dày kinh nghiệm, từ giá trị sáng tạo của cha ông.

( # 2” )

          Nhiều bè cá có lịch sử riêng, và đây là căn hộ có 3 đời gắn bó với nghề này.

          Ông Phạm Văn Quý lập nghiệp từ đầu thế kỷ 20. Con là Phạm Văn Nhựt, tiếp nối, và cháu nội  Phạm Văn Dũng là người kế tục ...

( # 10” nhạc )

          Đêm của làng bè yên ả mà cũng rộn ràng. Đàn cá đòi ăn lúc giữa khuya người chủ phải thức giấc. Lao động nghề cá cứ như thế tạo ra nhịp sống. Hết mùa này lại đến vụ khác, kế tiếp nhau mãi.

( # 10” nhạc )

          No bữa, đàn cá lặn sâu khi ngày mới vừa đến.

          Sông vàng nhuộm ánh bình minh
          Cá bạc ẩn sắc, náu mình, dòng trôi ...

( # 8”nhạc )

19. Các lớp nhà trong nắng sớm. Nhà có hoa : 30’

          Ngã ba sông Châu Đốc càng lúc càng rộng ra, như thể mở thêm cánh tay hiền hòa, ôm trọn làng bè đang ngày một thêm đông đúc.

          Hơn ba ngàn chiếc bè kết nối lại thành làng nổi, thể hiện sức sống bền bỉ của con người, sự bao dung, phóng khoáng của dòng sông.

          Nhưng, lắm lúc sông chẳng bình yên. Thế kỷ trước Phan Văn Trị đến đây từng thốt lên rằng :

Bảy Núi mây liền chim nhíp cánh,
Ba Dòng nước chảy cá vênh râu.

          Ngư dân đã bao phen đấu tranh với thiên tai và cả nhân họa. Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ lại những năm giống cá da trơn khan hiếm do người dân khai thác một cách vô tội vạ, dẫn đến tình trạng nguồn giống tự nhiên ngày một cạn kiệt, gây hệ lụy đến nghề nuôi cá ven sông.

20. Cào cá, đổ đục cá, đổ vào sô, ảnh làm giống : 39”

          Loài cá da trơn có tập tính sinh sản khá đặc biệt. Chúng đẻ ở vùng hạ Lào trên sông Mêkông. Cá con theo dòng chảy xuống vùng này và lớn lên đến độ vừa nuôi.

          Phải mất một thời gian dài người dân mới hiểu được quy luật ấy nên đã vô tình làm thiệt hại nguồn giống. Cá con non yếu không thể tồn tại trong cách đánh bắt như vậy.

          May mắn thay, vào thập niên 80 của thế kỷ hai mươi, các nhà khoa học ở An Giang đã thiết lập được quy trình sinh sản nhân tạo loài cá da trơn.

          Xem ra, chỉ có mấy công đoạn đơn giản mà con người phải mất nhiều thế kỷ mới tạo được nguồn giống chủ động như thế. Tiến bộ của khoa học đã được chuyển giao đến ngư dân để ứng dụng rộng rãi.

(Lời ông Kỹ sư Vinh về sản xuất giống)


21. Chở cá giống, cá ăn, hội nghị nghề cá, sông : 47”

          Như vậy, ngư dân được thừa hưởng cùng lúc ba điều lợi : chủ động nguồn giống để sản xuất trên quy mô lớn, bảo vệ môi trường tự nhiên và hạ giá thành sản phẩm.

          Nhiều ngư dân tháo vát lập trại cá giống, tiếp cận nhanh với quy trình công nghệ sinh sản loài cá da trơn, đáp ứng nhu cầu thị trường đang ngày càng gia tăng. Sự năng động ấy tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ nông dân ; giúp sức cho ngành ngư nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

          Trước những thử thách mới, ngư dân cần có sự hợp lực mới để tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Hội nghề cá ra đời nhằm khai thác khả năng đó và tạo điều kiện thuận lợi cho người làm nghề cá sản xuất, kinh doanh.

          Các câu lạc bộ 10 ngàn tấn, 15 ngàn tấn, 20 ngàn tấn hoạt động từ nhiều năm qua là nền tảng cho hội nghề cá hình thành.

(Lời ông Tuồng về lợi ích gia nhập CLB nghề cá)

22. Cá ục, bè cũ bè mới, bè xưa, Tây xem : 1’45”

          Như cá cần có không khí để ngóp, cần có nước để vẫy vùng, ngư dân thời hiện đại cần đến sự phát triển cân xứng với năng lực sản xuất vốn có của mình. Con cháu người làm nghề cá khi ra riêng cần được hưởng quyền bình đẳng như một thành viên của làng bè. Thực tiễn đó là nhịp sống vừa trầm lặng vừa sôi động diễn ra từng ngày.

          Ngược dòng thời gian, từ những chiếc bè đơn giản thời xa xưa, người làm nghề cá ven sông đã vượt lên những chặng khá dài đúc kết những kinh  nghiệm và phát huy sáng tạo của cha ông, đưa làng nghề xứng đáng với tầm vóc mới trong thời kỳ công nghiệp hóa.

( # )

          Trong bối cảnh hội nhập, ý nghĩa nhân văn của truyền thống nghề cá đã tôn thêm giá trị của thương phẩm thủy sản.

          Trong ánh mắt của người ngoại quốc, rõ ràng loài cá da trơn đã lớn lên bằng độ tinh khiết của sông nước, của bàn tay cần cù người Việt Nam.

          Giờ đây, họ đang được hiểu thêm, loài cá ấy còn được nuôi nấng bằng cả một nền văn hóa lâu đời. Trong đó có truyền thống hiếu khách và trọng danh dự ...

( # 10’ nhạc )

23. Nước vận, bến XN, lóc phi lê, các chế phẩm : 72”

          Xuôi theo dòng chảy của sông Cửu Long, loài cá da trơn từ các làng nghề tiếp tục cuộc hành trình vào nhà máy, hóa thân thành nhiều sản phẩm xuất khẩu, làm giàu cho nền kinh tế Đất Nước.

          Từ chỗ chưa một quốc gia nào biết đến, bây giờ loài cá da trơn Việt Nam đã có thương hiệu Basafish, Trafish ở thương trường quốc tế.

          Rồi cũng từ loài cá này, gần 50 loại sản phẩm khác được chế biến theo khẩu vị người Á Đông.

          Cá đã nằm trên thớt thì không còn tung hoành, vùng vẫy. Nhưng, những người chủ của nó đã vạch sẵn một đường đi mà đích đến của chúng là nhiều địa chỉ, nhiều đối tác khác nhau. Sứ mệnh của loài cá da trơn còn được khẳng định khi ngành chế biến tạo ra nhiều sản phẩm thích hợp tâm lý người tiêu dùng. Hình bóng của loài  cá đặc sản đã khơi gợi hương vị quê nhà ; giữ đậm sắc thái của nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.

          Nghề cá bây giờ gồm chung cả nhà chế biến lẫn người nuôi. Mỗi sản phẩm là sự tích hợp của tâm huyết ; của chí làm giàu ; của tính sáng tạo và niềm yêu lao động.

(Lời ông Tư Đá về quyết tâm sản xuất)

24. Ông Tư đánh máy toán, nhìn ra cửa sổ, đình làng, thu hoạch, nhìn tượng đài : 1’15”

          Với số vốn nhiều tỷ đồng tích lũy được từ nguồn sản xuất cá da trơn, ông Tư Đá là một trong số ngư dân thành đạt. Sau lưng ông là bề dày kỳ tích, trước mặt ông là tương lai của nghề cá – cái nghề mà ông và hàng chục ngàn đồng nghiệp đeo đuổi suốt bấy lâu.

          Cảm ơn các bậc tiền nhân đã một thuở chiêu mộ hiền tài, khởi nghiệp cho lương dân.

          Từ cánh cổng mở toang của quá khứ, chúng ta nhìn thấu đến hiện tại và lấy đó làm thước đo cho độ sâu lịch sử nghề cá ven sông.

          Loài  cá giúp ích cho ngư dân miền đất này suốt mấy thế kỷ, bây giờ lại tiếp tục làm giàu cho Đất Nước. Công lao đó hẳn đáng được tôn vinh theo đạo lý truyền thống của dân tộc.

          Và đây, loài  cá da trơn lại được hóa thân từ bàn tay nghệ sĩ. Ông muốn gởi gắm niềm tôn vinh ấy đến con người – Những thế hệ ngư dân kế tục nhau lao động và đấu tranh để bảo tồn, phát triển nghề nuôi cá ven sông – Nét nhân văn biểu hiện sâu sắc trong dòng chảy của lịch sử Đất Nước./-



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét