Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

BA ĐỘNG MÙA GIÓ NỒM

Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm 2003.



LỜI BÌNH 


1. Ngọn dương lia, mờ bản đồ, mặt trời, bái : 55”

          Khi mùa gió nồm thông ngọn, khí trời Ba Động trở nên mát dịu, trong lành.

          Nếu đến Đồng bằng sông Cửu Long, rẽ qua Trà Vinh, Bạn vượt thêm một chặng hơn 60km nữa là đến miền đất Ba Động nên thơ ( – ).

          Bãi Ba Động hướng ra Biển Đông nên vào mùa gió nồm, tức gió mùa Tây-Nam biển ở đây thật yên ả, trong lành ( – ).

          Hưởng chế độ bán nhật triều, mỗi ngày đêm Ba Động hai lần đón nước lớn, nước ròng. Vào con nước kém, bãi vươn xa hàng km.

          Hứng nguồn từ sông Cửu Long, sóng Biển Đông lùa cát vào bờ, tạo thành những đụn lớn. Người địa phương nói trại thành “động” và địa danh Ba Động xuất xứ từ cách đếm những đụn cát đó ( – ).

2. Đồng lúa bên động, thuyền bỏ neo ; đồi cát, bãi : 40

          Khi cát được sóng và gió làm dâng cao, những dãy động hình thành, tạo nên con đê ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ cho sự sống con người ( – ).

          Quốc Sử quán chép rằng, vào thế kỷ thứ 17, 18, trong cuộc hành trình mở cõi, một số dòng tộc từ vùng Ngũ Quảng đã dừng chân tại đây, sinh cơ lập nghiệp – “Những hạt cát liền nhau thành xứ sở” là như thế.

( # 12” nhạc )

3. Dã tràng xe cát ; cây lôm chôm :

          Trên bãi dài hơn 20km của Ba Động, lúc biển ròng xuống là thời điểm ngoi lên kiếm ăn của loài  dã tràng. Dân gian gọi cách ăn phiêu sinh của họ giáp xác này là “xe cát”. Vô tình, sự “nhọc nhằn” của chúng đã đem lại lợi ích, khi những lọn cát khô đi, gió thổi lên làm cho động thêm cao ( – ).

          “Công cán” của con dã tràng đã góp sức cùng gió Biển Đông tôn tạo những đụn cát. Khi động được vun cao 5 – 10 mét, có một loài  cây lá sắc, bám giữ cát lại thành những ngọn đồi. Người Ba Động gọi loài  thân thảo này là “lôm chôm” – Một cái tên mô phỏng theo hình dáng và đặc tính của chúng.

( # 13” nhạc )

          Lôm chôm trổ bông vào mùa gió nồm và trái khô vào giữa mùa gió chướng.

Không biết tự thuở nào, ném trái lôm chôm trở thành trò chơi của lứa tuổi thơ.

Khi gió Biển Đông thổi tràn vào Ba Động, lựa những trái lôm chôm vừa chín, các em muốn gởi niềm vui vào hoa cỏ của làng quê.

Chiều chiều đi hái lôm chôm,
Đón ngọn gió nồm tung hứng bạn ơi …

( # 10” nhạc )

4. Trái lôm chôm dừng lại, đồi có rau muống biển, trái rau muống, đồi, trái khô: 25”
         
          Lôm chôm cũng phát tán tự nhiên bằng cách cuốn theo chiều gió như thế ; rồi cùng với loài  muống biển mà bao phủ cát đồi Ba Động.

          Loài  cây này kết trái vào cuối mùa mưa và chín vào đầu mùa khô. Bò ngược theo vách động, muống biển bám rễ vào cát mà phát tán hết đồi cao lại lan sang động thấp. Cứ như thế, hết lứa này đến lớp khác, muống biển thay nhau giữ cát cho đồi cao Ba Động ( – ).

5. Hoa rau muống biển, người đi xa xa, hái bông : 41”

          Nếu đến Ba Động vào tháng chín, tháng mười, hoa muống biển sẽ rước bạn đi dọc theo những triền động tím ngát mà hít thở ngọn gió nồm hòa trong hương đất hương trời của làng quê nên thơ này …

Ai về Ba Động, Trà Vinh,
Hái nhành bông tím, thắm tình đất quê !

( # 10” nhạc )

6. Đồi lia qua cây bồ bồ, cận bông, gió quật : 40”

          Người Ba Động càng yêu xứ sở càng biết trân trọng, bảo vệ những loài  hoa cỏ có ích ; có giá trị môi sinh và nét đẹp riêng.

          Dân gian gọi loài  thân thấp này là cây bồ bồ. Loài  bông tím thường mọc ở độ cao hơn loài  bông trắng. Cả hai giống cùng thủy chung với những động cát, cùng tỏa hương thơm, điểm tô sắc màu và khơi gợi lòng yêu quê hương Ba Động.

Chừng nào còn gió biển Đông,
Bồ bồ còn trổ, anh còn thương em …

( # )

7. Gió quật ngọn bồ bồ, đồi và biển, cửa sông : 51”

          Nhờ những loài  cỏ cây hữu ích, nên dù đã trải qua bao phong ba giông tố, Ba Động vẫn còn giữ nét nguyên sơ của thiên tạo từ hàng ngàn năm trước.

          Nhờ con người Ba Động biết gìn giữ môi sinh, biết bảo tồn dáng vẻ thiên nhiên, quê hương này vẫn còn nguyên vẹn độ trong lành ( – ).

          Khi men theo những dòng rạch, bãi cát, luồn quá vùng Ba Động, Bạn mới có thể nhận ra màu xanh kia là kết quả từ cuộc hồi sinh sau bao năm bom đạn của chiến tranh ; Bạn càng khâm phục hơn con người Ba Động khi biết được vào những năm 60, nơi đây từng là căn cứ kháng chiến.

          (Ông Đỗ Hoàng Thao : “Thời kỳ đó ở đây là căn cứ, địch biết được đánh phá dữ dội, mình mới chỉ đạo, chỗ nào còn rừng thì ở, chỗ nào hết rừng thì lên động đào cát làm hầm ở chống giặc”).

8. Đồi cát, tư liệu hố bom, đào chiến hào, làm hầm, gánh cát; tưới, dưa hấu:43”

          Nhìn những động cát của thời hiện tại, cỏ cây hoa lá lên xanh càng nhắc người Ba Động nhớ lại những năm tháng kiên cường : “Cho dù đạn xới cát tung; không làm Ba Động náo nung diệt thù”. Và đoạn phim tư liệu này hẳn đã dỡ bỏ lớp bụi thời gian để Bạn nhận rõ dấu vết đạn bom thời ác liệt.

          Thuở ấy, để bám đất giữ làng, trẻ già trai gái Ba Động đều cùng tham gia đào những hầm lớn âm sâu vào lòng động cát. Mọi chuyện ăn ở học hành, đều được tổ chức trong những căn hầm được đào đắp với quy mô như thế !

          Những lúc ngơi bom đạn giặc, người Ba Động lại trồng tỉa vun xới để duy trì sự sống và chiến đấu ( – ).

          Đến những xóm làng nép sau các dãy động, Bạn có thể tìm gặp những con người hồn hậu mà dũng cảm năm xưa, từng bắn rơi máy bay giặc Mỹ.

          Hôm đó là ngày 17/5/1972, … Thấy trời yên biển lặng, ngư dân Ba Động vác lưới ra khơi như mọi ngày. Giữa lúc mọi người đang say sưa xúc tôm đuổi cá thì một máy bay địch xuất hiện. Bà con không kịp trở tay.

          (Ông Nguyễn Văn Mô : “Thì trong lúc đó tui thấy bà con cô bác đang xuống biển, tui xách cây súng trường ra bắn, bắn ba viên thì nó rớt”).

9. Du kích đi qua động, cận chân, bình minh, bia liệt sĩ : 51”
         
          Chính những con người bình dị mà gan góc đó, đã viết nên truyền thống vẻ vang cho quê hương Ba Động Anh hùng. Rồi từ xứ sở đầy gian truân ấy, nhiều thế hệ đã nối bước nhau gìn giữ từng động cát bờ cây, và họ đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất thân yêu này.

(# nhạc )

10. Hoa nở, các tên liệt sĩ, cổng nhà bia, hoa : 19”

          Sắc hoa tươi thắm của miền cát này hẳn đã nhắc cho chúng ta hiểu rằng, tên tuổi của gần một ngàn liệt sĩ Ba Động khắc sâu trong bia đá là nét đẹp còn lung linh mãi theo thời gian ; hương hồn thanh cao của họ sẽ tôn thêm vẻ đẹp của vùng đất Anh hùng này ( – ).

11. Mây, sóng, cây đổ, cát bay, gốc cây lở : 55”

          Ba Động không chỉ biết đứng lên chống giặc ngoại xâm mà còn từng trải qua sự đương đầu với thiên tai. Năm 1904, một cơn sóng thần đã làm sụt lở hàng chục km động cát dọc theo bờ biển. Năm 1957 Ba Động lại bị một trận cuồng phong làm lở sâu hàng trăm mét vào đất liền ( – ).

          Ngày nay, vào 6 tháng mùa gió chướng Ba Động tiếp tục phải đối phó với nạn xói mòn, làm hủy hoại nhiều động cát có tuổi hàng trăm năm ( – ).

12. Ốc chết, bóng người đi, bắt nghêu, bàn ăn : 49”

          Chuyển mùa, gió chướng đẩy mặn vào bãi Ba Động đột ngột, làm chết hàng loạt loài  nhuyễn thể. Nhưng nhờ được con người bảo vệ, loài  nghêu ở đây vẫn sinh sôi ( – ).

          Nếu muốn tìm hứng thú trong một chuyến du ngoạn, có thể bạn tự đi hoặc được hướng dẫn đến các bãi nghêu thiên nhiên. Ở đây bạn cứ tự tay thu nhặt loài  nghêu theo cách của người địa phương ( – ).

          Nghêu của Ba Động nhờ hưởng được độ mặn của biển Đông, vị ngọt của dòng Cửu Long, nên vào mùa gió nồm chúng trở nên mẩy mà hơn.

          Nghêu là món quà đặc sản để bạn có thể mang hương vị của Ba Động đến bầu bạn gần xa.

          Lấy chút bánh tráng còn phảng phất hương đồng cùng với rau mùi vấn vương gió nội, Bạn có thể thưởng thức món nghêu hấp gừng ấm áp giữa cảnh trời lộng gió của miền biển Ba Động Trà Vinh …

( # nhạc )

13. Bước chân, các cô đi dạo, hoa rau muống : 29”

          Nếu bạn chọn dịp đến Ba Động vào mùa gió nồm, làn sóng nhẹ của Biển Đông sẽ đưa Bạn đến viếng những bờ bãi nên thơ.

Vui chân bước giữa đất trời Ba Động,
Đón gió nồm lồng lộng bóng người qua.
Ai ơi dầu ở phương xa,
Nhớ về Ba Động mùa hoa tím chờ.

( # nhạc )

14. Các cô ngồi, leo động, ném lôm chôm :  36”
         
          Ba Động sẽ tạo thêm niềm vui khi bạn chịu khó leo lên độ dốc của triền động, chừng vài chục mét. Dừng chân ở đỉnh đồi, bạn sẽ thích thú gởi nét hồn nhiên tươi trẻ của mình theo ngọn gió nồm, đưa những trái lôm chôm của Ba Động đến trời xa ( – ).

15. Bãi cát nắng sớm, người tham quan, tắm : 58”

          Đến thăm Ba Động, trong ánh lung linh huyền diệu của biển Đông, bạn còn có thể được nghe nhiều mẩu chuyện dân gian. Chuyện kể rằng : “Ngày xưa có một nàng công chúa, con vua Thủy Tề ; vào buổi sáng nọ, nàng không đi dạo ở thủy cung mà cỡi thuyền rồng nổi lên mặt nước. Chẳng may có một cơn bão lớn, nàng trôi dạt vào bờ. Trong lúc nguy cấp, nàng được một chàng trai ở bờ biển cứu sống. Hai người sau đó yêu nhau thắm thiết. Nhưng một hôm vua Thủy Tề sai quân lên bắt nàng về. Vì lòng thủy chung nàng hóa kiếp thành một loài  bông trắng gởi lại cho chàng trai, rồi âm thầm lặng lẽ, nàng trở về biển cả xa xăm …”
 # nhạc )

16. Đông người tắm, lia vào bãi : 30”

          Ngày nay, vào mùa gió nồm, biển Ba Động là nơi hẹn hò của nhiều du khách. Họ đến đây không chỉ để hưởng độ trong lành của khí trời mà còn tắm táp trong vùng biển có nhiều chất vi lượng để bồi bổ thêm sức khỏe. Bãi Ba Động cũng vì vậy mà hình thành một nhu cầu lớn của du khách các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Với chiều dài hơn20km, Ba Động đang chứa đựng một tiềm năng lớn. Trong đó có nhiều dịch vụ cần được đầu tư khai thác, nhằm mang lại dáng vẻ mới cho vùng biển Ba Động.

          Như một chàng trai trẻ, Ba Động đang vươn ra biển Đông bằng lợi thế vốn có của mình. Và bãi cát mịn màng bằng phẳng này là sân chơi quen thuộc của giới trẻ Ba Động, những người chủ tương lai của quê hương này.

( # 12” nhạc )

17. Các cô đi, các em đi trong hàng dương, hái bông, đếm bông, con tôm : 55”

          Rảo bước giữa không gian lồng lộng ngọn gió nồm, bạn đã nhận ra bao ý nghĩa môi sinh của một vùng đất. Ở đó không những có khí trời trong lành mát dịu, mà còn có cả tiếng thì thầm của biển của miền đồi cát đang chờ đón tay người ; chờ sự chăm chút bằng trí tuệ và tài năng của một thế hệ mới.

( # )

          Trước mặt họ là tài nguyên từ cây cỏ, từ độ mịn của cát ; từ độ mặn của nguồn nước biển Đông ; từ những giá trị vốn có của vùng đất … Tất cả hợp  thành một tương lai cho Ba Động.

( # )
18. Ông Thao nói chuyện với con cháu ; ong bướm, đồi bãi, trái tra : 40”

          Người Ba Động càng nhớ những năm nghèo khó, những ngày tháng gian khổ ; càng động viên con cháu mình biết tiếp tục giữ gìn quê hương đất nước ; biết đem hết tài năng để khai thác tiềm năng. Có như thế, Ba Động sẽ đẹp hơn, trù phú hơn, và xứng đáng hơn với tiền nhân đã dầy công vun đắp cho quê hương mình.
( # )

19. Gió thổi lá tra, cây bông bồ bồ, lôm chôm, rau muống biển, sóng, Ba Động, bãi cát : 60”
         
          Gió nồm lại về, mời gọi bạn đến với Ba Động thân yêu. Nơi ấy cỏ cây vẫn thủy chung với bao động cát, vẫn đơm hoa kết trái giữa lòng hiếu khách của con người …

          Hương hoa bồ bồ ngây ngất, đang quyện vào ngọn gió nồm mà đến với bầu bạn gần xa …
( # 10” )

          Mùa trái lôm chôm đang vừa chín tới chờ bạn về tung hứng giữa đồi cao …

          Những hột cát lại tiếp tục vun cao miền Ba Động, làm rộng thêm đường mới, đón bạn về …

          Hoa rau muống dâng mùi hương biển, màu thủy chung hò hẹn bạn phương xa …

          Ba Động của miền đất Trà Vinh nên thơ và trữ tình như thế.

Chừng nào còn cát biển Đông,
Còn con sóng vỗ, còn thông ngọn nồm.
Ai về Ba Động chiều hôm,
Ngất ngây quê cũ, lừng thơm đất lành …





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét