Phim tài liệu thực hiện tại Đài Truyền hình Cần Thơ, công chiếu năm
2003.
LỜI BÌNH
1. Cận huy hiệu, cận chữ ký Bác, ảnh : 35”
Có một con người mà niềm
vinh quang đã đọng lại từ nửa thế kỷ đấu tranh. Hồ Chủ tịch tôn vinh công lao
của ông. Gửi thư vào Nam bộ, Bác gọi ông là “người bạn zà thân mến”.
Yêu nước, yêu người
nghèo khổ, ông dấn thân vào cuộc trường chinh đánh giặc. Gắn bó với nông dân,
ông làm hạt nhân đoàn kết đồng đạo, đồng bào, động viên bà con đứng lên cứu
quốc. Ông là đại biểu Quốc hội của Bạc Liêu và là lãnh tụ Cao Đài kháng chiến.
(Tựa phim)
2. Sông, nhà đ/c ở Bạc Liêu : 26”
Bạc Liêu, địa danh có
tên gốc tiếng Triều Châu là Bù Léo, tức Xóm Lưới, cách gọi của người Trung Hoa
di dân đến đây vào thời Mãn Thanh. Một trong những dòng tộc lập nghiệp và thành
đạt ở vùng đất ven biển này là nhà họ Cao.
Ngày 17/4/1889, có một
cậu bé sinh ra trong gia đình khá giả và gia giáo, đó là Cao Triều Phát.
Sau khi học xong bậc
tiểu học ở Bạc Liêu, Cao Triều Phát được gia đình gửi lên Sài Gòn theo học bậc
trung học tại trường Chasseloup-Laubat. Trường này chuyên dạy chương trình Pháp
cho học sinh người Âu và con cái nhà giàu người bản xứ.
Tốt nghiệp Trung học,
ông học thêm 2 năm trường Luật và về làm thông dịch tại tỉnh nhà.
(Âm thanh 4”)
3. Chiến tranh, lính ta chạy, xuống tàu ; Pháp : 26”
Năm 1914, chiến tranh
Pháp – Đức bùng nổ. Trong số gần 9 vạn người bị huy động sang Châu Âu có Cao
Triều Phát. Ông làm thông dịch cho một đơn vị lính thợ.
Sống tên đất Pháp, Cao
Triều Phát có cơ hội gặp gỡ các giới tiến bộ. Ông gia nhập Hội Tam điểm, Hội
nhân quyền và thường đăng đàn diễn thuyết. Ở Pari, nhiều lần ông gặp gỡ Phan
Chu Trinh, người đã truyền thêm cho ông tinh thần yêu nước.
(5” nhạc)
4. Tàu cặp bến, chân dung, kéo cày, cảng, báo chí : 42”
Tháng 9/1922, Cao Triều
Phát hồi hương. Ông bàng hoàng trước cảnh thực dân Pháp vơ vét thuộc địa để bù
đắp thiệt hại chiến tranh. Dân ta vốn nghèo khổ càng thêm bần cùng. Cao Triều
Phát kết luận : “ Ở đâu có thực dân, ở đó có bóc lột. Phải đứng về phía người
nghèo khổ để đấu tranh”. Tư tưởng đó thôi thúc ông đi đến việc tập hợp lực
lượng vào tháng 11/1926 để thành lập “ Đông dương lao động đảng”,một đảng có
khuynh hướng nghị trường chống Pháp.
Ngay sau đó, Cao Triều
Phát tổ chức 2 tờ báo L’Ère Nouvelle và Nhựt Tân Báo làm cơ quan ngôn luận công
khai. Khuynh hướng chống Pháp của 2 tờ báo là cái gai chọc vào mắt bọn mật
thám.
( Lời Bà Liên về việc báo bị đóng
cửa)
5.Trại tù, Cao đài Tây Ninh : ( 50”)
Không chỉ đóng cửa các
tờ báo, thực dân Pháp còn bắt giam các chủ bút, đẩy hoạt động của Đông dương
Lao động Đảng vào tình thế khó khăn.
Vào thời điểm này, dựa
trên tư tưởng “ Tam giáo đồng nguyên”,
gồm Phật, Lão, Nho, giới tư sản, địa chủ và trí thức lập ra một tôn giáo
mới : Đạo Cao Đài.
Mất nước, bị bóc lột
nặng nề dưới ách thực dân, trong sự bế tắc tinh thần, nhiều người đã đến với
đạo Cao Đài như một nhu cầu tâm linh.Tòa thánh Tây Ninh là cơ quan trung ương
của giáo hội.
Sau ngày ra đời không
lâu, do nhiều nguyên nhân về xã hội và lịch sử, đạo Cao Đài chia ra thành 12
chi phái. Chi phái Minh Chơn đạo do ông Trần Đạo Quang sáng lập,phát triển tập
trung ở vùng nông thôn Nam Sông Hậu. Tất cả các chi phái đều lấy chung một biểu
tượng để thờ tự là “ Thiên Nhân”- Mặt trời thấy hết mọi điều thiện – ác. Đó
cũng chính là mắt người, tự soi xét lòng mình trước mọi hành vi.
6. Chân dung, thiên nhãn chân dung, chùa Ngọc Sắc :60”
Cao Triều Phát nhận thấy
Minh Chơn đạo có một khối quần chúng đông đảo, gồm những người chất phác và yêu
nước, họ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Ông nhập
môn và sớm trở thành chức sắc cao cấp của chi phái này.
Ngọc Sắc ngày nay là trung ương của Hội thánh Minh
Chơn đạo, một trong những thánh thất nằm sâu ở vùng nông thôn Cà Mau từ những
năm 30 của thế kỷ trước. Các đạo hữu Minh Chơn thực hiện mục đích mà Ngọc
chưởng pháp Trần Đạo Quang chỉ ra là công bình, bác ái, yêu nước, yêu hòa bình.
Đó chính là cuộc phổ độ lớn cho chúng sanh. Trần Đạo Quang và Cao Triều Phát
gặp nhau ở tư tưởng ấy.
( Lời ông Mười Hùng về sự gặp nhau
giữa CTP và TĐQ)
7.Thánh thất, chân dung, ảnh CM
T8 : 20”
Nhiều thánh thất Minh
Chơn đạo đã bị Pháp và sau đó là Nhật buộc ngưng hoạt động, nhưng chúng không
thể cấm đoán lòng yêu nước của tín đồ. Cao Triều Phát với vai trò chức sắc,
tháng 8 – 45, ông vận động quần chúng tham gia vào Mặt trận Việt Minh, nổi dậy
cướp chính quyền ở Bạc Liêu.
( Lời Bà Liên nói về sự hy
sinh của Cha)
8.Thánh thất, Pháp tái chiếm :25”
Hiến đất để chính phủ
chia cho dân cũng là cách thể hiện tấm lòng vì người nghèo mà Cao Triều Phát
từng tâm nguyện. Ông vui trong niềm vui độc lập cùng đạo hữu.
Thế nhưng, vừa đúng 1
tháng sau ngày quân dân Bạc Liêu cướp chính quyền, giặc Pháp dựa vào quân Anh,
Mỹ tái chiếm Nam bộ. Ngoài mặt trận quân sự, chúng còn dùng chiêu bài chia rẽ
tôn giáo, trong đó có Cao Đài.
( Lời Mười Hùng về âm mưu địch)
9.Chân dung, địch, nông dân nhìn : 17”
Trước tình hình đó, Cao
Triều Phát chọn Giồng Bốm nơi có tòa thánh Ngọc Minh và hơn 4 ngàn tín đồ làm
mặt trận cố thủ. Ông vạch rõ âm mưu thâm độc của giặc Pháp để các đạo hữu nhận
ra đâu là vận nước, đâu là mệnh trời.
( Lời ô. Mười Hùng
về nhận thức của tín đồ)
10.Mặt trận Giồng Bốm :40”
Bằng súng kíp và lựu đạn
tự tạo, dưới sự chỉ huy của Cao Triều Phát, hàng ngàn tín đồ Minh Chơn quyết tử
với địch.
Giữa tháng 4 – 46, Pháp
kéo đại binh vào Giồng Bốm. Bị thua đau ngay trận đầu, chúng hạ lệnh giết sạch,
đốt sạch, kể cả thánh thất.
Thế yếu, vũ khí thô sơ,
sau nhiều trận chiến đấu ác liệt, hàng trăm nghĩa quân đã anh dũng hy sinh !
( # nhạc)
Mắt trời đã soi tỏ
chánh, tà; thiện, ác. Cao Triều Phát động viên đạo hữu, nghĩa quân lui binh để
bảo toàn lực lượng còn lại.
( Lời ô. Mười Hùng về lời kêu gọi
của Cao Triều Phát)
11.Trích lời kêu gọi, người đi, ảnh : 55”
Lời kêu gọi của ông vạch
rõ : “ Bàn thờ tôn giáo có nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Kháng chiến
là hành đạo, là công quả lớn nhất với Đức Chí Tôn”.Lớp đạo hữu hưởng ứng đã lên
đường đánh giặc.
( # nhạc)
Nhiều đạo tâm Minh Chơn
tự nguyện góp công, góp của cho cuộc kháng chiến. Và, trong khí thế “ nóp với
giáo” ấy, lãnh tụ Cao Đài Cứu Quốc đã có mặt ở khắp chiến trường khu 9. Ông đến
với đồng bào, đồng đạo, chia sẻ nỗi đau mất mát vì chiến tranh, vui cùng người
nông dân vừa được cấp đất.
Trong tập ảnh kỷ niệm
này, có một bức hình mà người đi phía sau cụ Cao Triều Phát là cậu bé liên lạc.
Bây giờ ông là một sĩ quan nghỉ hưu.
Trên bước đường kháng chiến có biết bao điều đáng nhớ.
( Lời ông Cao Châu về lời dạy của
cụ CTP )
12.Ảnh gia đình, Bà Cao xem, ảnh, dệt : 25”
Cuộc kháng chiến chống
Pháp trường kỳ đã đưa cả gia đình cụ Cao Triều Phát vào bưng biền, cùng sống
trong sự đùm bọc của đồng bào, đồng đạo.Chịu đựng thiếu thốn, mọi người vừa lao
động để tự túc, tự cấp, vừa tham gia bao vây kinh tế địch. Bà Cao và các con
hết cuốc rẫy lại học nghề canh cửi. Mọi việc cốt để ông yên tâm hoạt động, phục
vụ nhiều hơn cho kháng chiến.
( Lời bà Cao về cách
làm ăn)
13.Đồng nước Tháp Mười, máy bay địch :15”
Làm vợ, làm mẹ trong
kháng chiến là vậy.Hết ở Đồng Tháp Mười nước nổi lại quay về U Minh muỗi vắt,
gia đình Cụ Cao Triều Phát nhiều lần nằm trong tầm pháo kích, ném bom của phi
pháo địch.
( Lời bà Cao nói về địch ném bom)
14.Củng cố lực lượng, cuộc họp của Vũ Đức : 52”
Giữa năm 1946, theo
hướng dẫn của khu bộ trưởng khu 9, Cao Triều Phát sắp xếp lại lực lượng nghĩa
quân Giồng Bốm. Một bộ phận được tăng cường cho mặt trận Tân Hưng, số còn lại
bổ sung cho các đơn vị Vệ Quốc Đoàn.
Sau đó, tại hội nghị đặc
biệt do Khu bộ trưởng Vũ Đức chủ trì, bàn về công tác quân sự và chính trị
trong tình hình mới, Cao Triều Phát được mời làm cố vấn.
Triển khai tinh thần hội
nghị, ông về Bạc Liêu tổ chức cuộc mittinh rầm rộ vào ngày 12 –10 –1946. Nhân
danh đại biểu Quốc hội, Cao Triều Phát kêu gọi đồng bào trung thành với chính
phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Đồng bào nhiệt liệt
hưởng ứng, tham gia tiêu thổ kháng chiến, đóng góp của cải cho Việt Minh.
15.Bảo tàng, áo, thư Bác, thư Cao Triều Phát : 34”
Còn nhớ, ngày 27- 7-47,
Bác gởi chiếc áo lụa của đồng bào tặng đi đấu giá để gây quỹ thương binh. Cụ
Cao Triều Phát đã vận động đạo hữu góp được số tiền cao nhứt. Hay tin, Bác cảm
động, thảo bức thư gởi cho cụ Cao – “ Người bạn zà miền Nam”. Bác mong có ngày
sẽ cùng cụ “ uống một chung rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng”. Năm sau Cụ
Cao mới nhận được thư Bác. Cụ liền gửi thư cảm tạ và hứa sẽ đi theo con đường
Cứu Quốc mà Bác đã chỉ ra.
16.Cao Đài chi phái Tây Ninh, Đồng Tháp Mười :54”
Trong khi Cao Đài Minh
Chơn tích cực tham gia Cứu Quốc thì phái
Tây Ninh do Trần Quang Vinh đứng đầu, trước đây theo Nhựt giờ lại theo Tây,
chống lại cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc.Chính sách dùng người Việt
đánh người Việt của thực dân Pháp đẩy Cao Đài Tây Ninh dấn sâu vào tội lỗi khi
họ ký thỏa ước với Pháp lập quân đội. Ngày 27 – 1- 47, quân đội Cao Đài làm lễ
xuất quân. Họ dùng súng ống, đạn dược của Pháp trang bị để càn quét, cướp bóc,
giết hại đồng bào, phản lại tôn chỉ Cao Đài mà Đức Chí Tôn đã phán truyền.
Trước tình hình phức tạp
đó, Cao Triều Phát quyết định triệu tập đại biểu các chi phái về Đồng Tháp Mười
từ 14 đến 17 – 10- 47 để bàn bạc, tìm cách cứu đạo, cứu quốc.
( Lời ông Mười Hùng về cương vị của
Cao Triều Phát lúc bấy giờ)
17.Ảnh gặp gỡ, nói chuyện : 18”
Thu phục thêm phái Tây
Ninh trung lập để hình thành Cao Đài Cứu Quốc 12 phái thống nhất, là một thắng
lợi lớn trong mối đoàn kết tôn giáo.
Trước sự nghiệp chính
nghĩa và sức ảnh hưởng của Cụ Cao Triều Phát, nhiều binh lính Cao Đài đã quay
về với nhân dân, với chính đạo.
( Lời bà Liên về 9 năm nhiệm vụ của
Cao Triều Phát)
18.Ảnh tư liệu : 34”
Kháng chiến 9 năm thắng
lợi, Cụ Cao Triều Phát tập kết ra Bắc. Bác Hồ vui mừng gặp được “ người bạn zà
miền Nam”, “ cùng ông uống một chung rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng”!
Tháng 3 – 55, với tư
cách là đại biểu Quốc hội khóa I, Cụ tham dự kỳ họp thứ tư, tổng kết giai đoạn
9 năm kháng chiến.
Ở miền Bắc, Cụ tiếp tục
phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết tôn giáo – dân tộc; điều mà cả đời Cụ dấn
thân phụng đạo và đấu tranh cho Đất nước thống nhất.
( # nhạc)
19.Thiên nhãn, đảm đang, chân dung : 41”
Cao Triều Phát đã góp
công làm thay đổi vận nước, nhưng đời ông không thể cãi được mệnh trời. Tuổi
già, bệnh nặng ông quy tiên vào một chiều tháng chín, năm 1956 !
Bác Tôn đau buồn tiễn
đưa một nhà yêu nước, một người con Nam Bộ nghĩa khí …
Bác Hồ thương tiếc vĩnh
biệt “ người bạn zà” miền Nam…
Đạo hữu khóc thương một
cuộc đời phụng đạo.
Và hậu thế xin được thổi
bùng lên ngọn lửa tưởng niệm để làm sáng rực linh hồn ông trong tâm khảm của
mọi người.
Cao Triều Phát, lãnh tụ
Cao Đài kháng chiến – hình ảnh một con người hơn nửa thế kỷ dấn thân vì đạo, vì
đời, sẽ còn lung linh mãi giữa thời gian…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét