Trích
đoạn hồi ký, còn ở dạng sơ thảo
… Ba năm làm nghề
điện báo viên minh ngữ ở cơ quan Phân xã TTX miền Tây Nam bộ (1969 -1971), công
việc chuyên môn đã tạo điều kiện để tôi tiếp cận các nguồn thông tin từ các hãng
thông tấn lớn như AFP, UPI, BBC, USIS, v v… Ngoài các bản tin chữ rõ bằng tín
hiệu morse, tôi còn được biết thêm nội dung các bản tin tiếng Pháp và tiếng Anh
do một số anh chị từ thành thị vào chiến khu công tác. Trong số đó có anh Bảy
Tú, gốc là điện báo viên Bưu điện Sài Gòn rất giỏi tiếng Pháp. Thấy tôi trẻ và
ham học, anh khuyên tôi nên học tiếng Pháp và hứa sẽ giúp, nhưng ráng nhờ người
mua sách ở vùng thành thị mang vô. Sách phù hợp nhất với tôi lúc bấy giờ là bộ 3
quyển “Cour de Lange et de Civilisation Francaises” (Ngôn ngữ và Văn minh Pháp)
của Q.Mauger. Nhờ người “móc nối”, tháng 3 năm 1970, chị tôi ở Cần Thơ gủi cho
trọn bộ sách này cùng với cuốn từ điển loại bỏ túi nữa.
Có
thầy (anh Bảy Tú) và có sách (Cour de Lange) tôi quọp quẹp học tiếng Pháp theo
kiểu “bình dân học vụ”. Lần đầu học ngoại ngữ thật lúng túng, nhất là phát âm
và cách chia động từ. Phải luyện nói âm “r” bằng cái lưỡi nhỏ hết sức tinh tế.
Vậy mà chỉ mấy tháng sau tôi đã đọc khá ổn, biết viết thành câu và tra từ điển.
Nhưng ở đời không có chuyện gì là không thể xảy ra. Việc học tiếng Pháp của tôi
bị chỉ trích dữ dội. Người trẻ thì bỉu môi cho là học tiếng Tây chỉ để lập dị,
còn người già thì bảo lo kháng chiến đi, hòa bình rồi sẽ học đàng hoàng hơn.
Tôi bình thản, cứ mày mò mà học ban đêm trong mùng với cái đèn dầu làm bằng
bình mực Pilot. Một ngày tháng mười 1970, trong một dịp uống trà với chú Hai Quỳnh,
nhân lúc vui tôi hỏi chú câu tiếng Pháp: “La
Culture, c’est ce qui reste quand on tout oublié, c’est ce qui manque quand on
de tout appris” là của ai. Chú Hai hơi ngạc nhiên, hỏi lại tôi của ai vậy, cháu
lấy ở đâu ra. Tôi thành thật, đây là câu nói nổi tiếng của Nhà văn hóa, Viện sĩ
hàn lâm Pháp, ông Esdouard Herriot, và dịch nghĩa luôn: “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta
đã học tất cả ” Cháu mới học trong cuốn từ điển “Lusenair de La rouse”. Chú
Hai Quỳnh khen tôi học nhanh quá. Cũng trong tháng mười năm đó, buổi tối rảnh
rang các bạn trẻ trong cơ quan thông tấn xã thường xúm lại chơi đánh bài hòa
bình (tu-lơ-khơ). Vừa chia bài xong là có tiếng máy bay. Mọi người nhanh chóng
tắt ngay cây đèn dầu. Tôi nói có gì đâu mà sợ, chiếc máy bay này nó bay để phát
sóng truyền hình thôi. Có bạn không tin, nói tụi nó đang nhổ cỏ U Minh đừng có
giỡn, nó cho một trái xuống là đi đời hết. Tôi bình thản lấy sách ra giải
thích, đây nè, bên Paris người ta phát sóng bằng cái trụ này nè, Lúc đầu ông
Effel làm cái tháp này để leo lên ngắm cảnh, về sau, khi có truyền hình người
ta mới dùng độ cao 333 mét của nó để phát sóng, vì sóng truyền hình nó đi thẳng như ánh sáng. Mọi người trố mắt
nhìn tôi cười.
… Đối phương
đánh phá U Minh ác liệt , cơ quan tôi phải di dời liên tục, sách học tiếng Pháp
của tôi mấy lần bị ướt, phải phơi đi phơi lại nhiều lần. Tôi nghĩ ra cách tìm bọc
cao su gói chất nổ của mấy đơn vị bộ đội rồi dùng mỏ hàn ép lại để trong ba lô,
đi đâu là mang theo như vật bất ly thân.
Sang năm 1971,
tôi gủi thư nhờ người chị ở Cần Thơ mua giúp sách kỹ thuật truyền hình, sách làm
người, sách triết học phương Tây, các tác phẩm văn học Nga, Pháp, Mỹ và sách vật
lý lớp 11, 12. Chị tôi gỏi vô cho cuốn “Vô
tuyến truyền hình?... Ồ! Thật là giản dị” của E. Aisberg, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch
thuật, “Chiến tranh và hòa bình” của Léon Tonstoi, “Buồn ơi, chào mi” của Francoise
Sagan, “Kẻ xa lạ” (L’Etranger), “Dịch hạch” (La Peste) của Albert Camus, “Ngư
ông và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway do Nhà xuất bản Lá Bối - Sài Gòn ấn hành.
Trong chòi làm việc luôn luôn giăng mùng vì muỗi quá nhiều. Hễ hết giờ lên sóng
là tôi đọc ngấu đọc nghiến mấy cuốn sách này. Cảm thấy chưa đủ, tôi còn mượn ở
Thư viện Ban Tuyên huấn Khu cuốn “Tư bản luận” của Karmax, cuốn “Hiến pháp Mỹ” của
Nhà xuất bản Sự Thật để tìm hiểu thêm. Sách nhiều, phải gói kỹ rồi cho vào
thùng đạn lớn, đem chôn giấu ở Đê Cơi Năm, khi nào yên tĩnh thì đem lên đọc.
… Năm 1973. Thấy
tướng tá cao ráo, kiến thức kha khá, tôi được chọn sang Phòng Điện ảnh TNB để bổ
sung cho lực lượng quay phim. Tổng tấn công Tết Mậu Thân, đơn vị này hy sinh
hơn 10 anh chị. Tôi vào và được phân công ra chiến trường ngay với nhiệm vụ phụ
quay phim. Tôi vừa theo đội quay vừa học nghề lóm. Mượn mấy cuốn sổ tay của mấy
anh đem chép lại, không hiểu thì hỏi thêm. Tôi nắm bắt khá nhanh về kỹ thuật,
biết “nhắm chừng” độ sáng khá chính xác nên không cần dùng máy đo. Tôi học có
tính rời rạc, khi thì nói về bố cục trong buổi uống trà, lúc thì nói động tác
máy khi ngồi tán gẫu. Vốn hay tổng kết, rút tỉa, dần dần tôi ghi chép thành hệ
thống nhận thức riêng, để nhận biết chính xác thế nào là lia, thế nào là fix,
thế nào là travelling.
…Tại chiến trường
trọng điểm Vĩnh Trà, trên vai tôi mang chiếc ba lô gồm có 3 lớp: Lớp sách vở,
lóp phim quay và lớp quần áo, bên hông có cái túi nhỏ để vừa cái radio hiệu National
của Nhật. Như vậy là tôi có đủ phương tiện để học tập, thông tin và giải trí.
Có lần tôi đi cùng đội với Trần Chí Kông thực hiện phóng sự “Trồng dưa trên động
cát” ở ấp Bến Đáy, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, làm quen với em Trường, một học
sinh đang học ở thị trấn. Tôi nhờ em ra chợ mua giùm mấy quyển sách lúc đó rất
được độc giả quan tâm. Đó là “Tình em vỗ cánh” và “Câu chuyện dòng sông” của nhà
văn Đức Hermann Hesse, “Xương trắng Trường Sơn” và “Đường đi không đến” của nhà
văn chiêu hồi Xuân Vũ. Đọc và suy nghĩ thời cuộc lúc đó, và cũng là dự đoán xu
hướng của xã hội mà đối phương đang kiểm soát ra sao. Trong thời gian hoạt động
ở địa bàn này, tôi và Tràn Chí Kông hay lân la ra vùng ven. Một hôm làm quen được
mấy vị sư sãi, chúng tôi xin được vào viếng chùa. Mấy vị sư sãi vui vẻ, hẹn chiều
sau buổi cầu kinh cứ vô chơi, coi truyền hình rồi tối về. Tối hôm đó tụi tôi lẻn
vô chùa uống trà với mấy vị sư sãi và xem truyền hình, chương trình của Đài Cần
Thơ. Đọc cuốn “Vô tuyến truyền hình?... Ồ! Thật là giản dị” mấy năm trước, tôi
chỉ coi ảnh thôi. Còn bây giờ thì mắt thấy tai nghe thật sự. Lần đầu tiên xem truyển
hình và Trần Chí Kông hồi hộp lắm. Kông nhìn cô phát thanh viên trẻ và xinh xắn
vẻ rất khoái chí, chắc lưỡi trầm trồ hoài. Giải phóng, tiếp quản tôi và Kông gặp
cô phát thanh viên này mới biết tên là Việt Hưng. Tôi chào cô ấy bằng câu: “Văn
kỳ thinh bất kiến kỳ hình, rất hân hạnh được làm quen!”
Coi đi coi lại,
trong số mấy anh em Phòng Điện ảnh Khu TNB, tôi là người tìm hiểu truyền hình sớm
nhất, từ sách vở tới thực tế.
… Một kỷ niệm
khó quên, vào một ngày của tuần lễ đầu tiên sau ngày giải phóng, tôi là một
thành viên của đoàn công tác “Quét sạch tàn dư văn hóa đồi trụy” thuộc Ban quân
quản thành phố Cần Thơ. Mọi người lôi ra từ Phòng Thông tin Viêt-Mỹ rất nhiều
sách tiếng Anh, chất thành đống, sửa soạn đốt bỏ. Tôi liếc ngang thấy một cuốn
bìa dày có in đậm một dòng chữ “The Impact of
Film”. Tuy chưa học tiếng Anh, nhưng với vốn tiếng Pháp ít ỏi của mình,
tôi cũng đoán được đó là sách về điện ảnh hay truyền hình, Cầm lên rồi mở ra
xem sơ qua, tôi trình với chú Tư Lôi, tổ trưởng công tác tiêu hủy, cho tôi xin
về gói đồ, giấy tốt quá, Chú Tư gật đầu, tôi liền bỏ túi gọn khô. Hôm sau gặp
được anh Lưu Danh Gi, một kỹ thuật viên lưu dụng của Đài, người biết rành tiếng
Anh, tôi hỏi cuốn sách này nói gì, anh nói, cuốn sách này hay lắm. Nó đúc kết
toàn bộ kiến thức về điện ảnh và truyền hình. Thấy tôi ham học, anh Gi còn tặng
tôi một cuốn từ điển chuyên môn truyền hình để dem về tra cứu. Làm việc ở đài
được ít lâu, tôi xin lên Sài Gòn học văn hóa.
….Cuốn sách “The
Impact of Film” tôi mang theo với niềm mong có cơ hội dịch ra tiếng Việt để
nghiên cứu. May thay, trong năm đầu học Đại học Tổng hơp TPHCM, tôi vào ra ký
túc xá, làm quen với bạn Thảo, đang học khoa tiếng Anh năm thứ hai. Tôi nhờ bạn
dịch thử vài chương thiết yếu là: Phim và khán giả, Ngôn ngữ hình, Thủ pháp dựng,
Phim tài liệu cổ điển và phim tài liệu truyền hình. Có trong tay bản dịch này,
về cơ quan cũ là Đài truyền hình Cần Thơ, giao lại cho Trần Chí Kông, lúc đó là
Quản đốc Xưởng phim tài liệu, in ronéo cho bạn bè cùng đọc. Có thể nói, quyển
sách này đã làm sáng tỏ biết bao điều về nghề nghiệp mà mình còn rất mập mờ. Nó
lấp những lỗ hổng kiến thức do các tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc trước đó phổ
biến.
….Năm 1985, Ủy
ban Phát thanh - Truyền hình nước ta mời Học viện Phát triển Phát thanh – Truyền
hình Châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) và Học viện Truyền hình quốc gia Pháp
(INA) sang giảng dạy. Tôi được cử đi học. Thêm một cơ hội nữa để tôi hệ thống,
đúc kết toàn bộ vốn kiến thức nghề ngiệp của mình, viết tài liệu hướng dẫn và tập
huấn cho đồng nghiệp. Đây cũng là cơ sở để tôi tác nghiệp nhiều năm sau này.
(…)
NGUYỄN TRUNG HIẾU
Quý công ty bạn có nhu cầu về dịch vụ vệ sinh. có thể liên hệ chúng tôi nha
Trả lờiXóa---
Website: Dịch vụ vệ sinh nhà cửa Hoặc Dich vu ve sinh nha cua