1. Tuổi thơ nhiều
gian truân và mối duyên cùng điện ảnh
Nguyễn
Trung Hiếu sinh ngày 6-11-1952 tại xã Ba Trinh, nay là xã Trinh Phú, huyện Kế
Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đây là vùng đất khá trù phú nằm dọc theo con rạch Cái
Trâm bên bờ hữu ngạn thuộc hạ lưu sông Hậu.
Cụ thân sinh của Nguyễn Trung Hiếu là nhà báo
Nguyễn Trung Tỉnh - người mang bút danh là Lê Năm, Xuân Hy trên tờ Le Peuple
(Dân Chúng), một tờ báo có xu hướng tiến bộ ở Nam kỳ vào những năm 30 của thế
kỷ XX. Ông còn là nhà cách mạng tiền khởi nghĩa, một trong những đảng viên cộng
sản đứng ra thành lập chi bộ đầu tiên
của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Chỉ huy giành chính quyền từ tay thực dân
vào tháng Tám năm 1945, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng
chiến huyện Kế Sách, sau đó là Trưởng ty Canh nông tỉnh Sóc Trăng cho đến năm
1954. Năm 1959, trên đường đi công tác, ông bị địch vây bắt và dũng cảm hy sinh
tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Năm đó Nguyễn Trung Hiếu
mới vừa lên bảy.
Gánh nặng trút lên vai mẹ anh - người phụ nữ
giàu đức hy sinh, thông minh, cần cù và mẫu mực. Bà đã nuôi dạy anh và 3 người
chị nên người trong hoàn cảnh gia
đình nghèo khó.
Chứng kiến cảnh quê hương bị bom đạn và gót
giày ngoại xâm tàn phá, được mẹ và các chị động viên, ngày 25/11/1967, Nguyễn
Trung Hiếu lên đường vào chiến khu U Minh để học văn hóa ở các trường kháng
chiến.
Đang theo học bậc trung học, do nhu cầu kháng
chiến, Nguyễn Trung Hiếu được tuyển vào ngành điện báo và được đào tạo trở
thành điện báo viên. Sau đó, anh phục vụ
trong cơ quan Thông tấn xã Giải phóng miền
Tây Nam bộ (POF). Năm 1973, anh được chuyển công tác sang Xưởng phim Giải phóng
miền Tây Nam bộ. Niềm đam mê điện ảnh đã thúc đẩy anh tự học, tìm mọi cách tiếp
xúc với kỹ thuật truyền hình ngay giữa những năm bom đạn ác liệt. Chính hoạt
động điện ảnh kháng chiến đã tạo ra cơ duyên cho Nguyễn Trung Hiếu gặp gỡ lâu
dài với ngành truyền hình sau này.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Trung Hiếu
chính thức bước chân vào ngành truyền hình. Sau hai năm làm việc tại Đài Truyền hình Cần Thơ, anh xin đi học văn
hóa, rồi thi vào đại học (ngành ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh) và sau đó là các khóa đạo diễn truyền hình, phim tài liệu truyền
hình.
Những
bộ phim tài liệu “Cây đậu nành ở Đồng bằng
sông Cửu Long” - 1981; “Sau bức màn
xanh” - 1983 là những tác phẩm khiến cái tên Nguyễn Trung Hiếu được nhiều
người biết đến. Không chỉ phản ánh đúng thực trạng hiện thời mà tác giả còn
xoáy sâu vào việc đặt vấn đề, giải quyết vấn đề một cách khoa học, mang đậm cái
lý, cái tình và thể hiện tấm chân tình của mình dành cho miền Tây Nam bộ. Đồng
thời, thông qua các tác phẩm này, anh đã thể hiện cách nhìn và phương pháp sáng
tác rất riêng, tạo ra phong cách “Nguyễn Trung Hiếu”.
Tính
đến năm 2005, anh đã thực hiện gần 150 phim tài liệu truyền hình. So với các đồng
nghiệp cùng thời thì con số đó đã đặt Nguyễn Trung Hiếu vào vị thế quán quân. Nhất
là từ năm 1995 đến năm 2005, tính trung bình mỗi tháng anh sản xuất hơn một
phim tài liệu. Anh lao động miệt mài, không biết mệt mỏi và dành cho thể loại
phim tài liệu một sự ưu ái rất lớn. Chính những năm tháng chiến tranh, chứng kiến
bao đau thương, mất mát đã cho anh nguồn tư liệu sống quý giá; và cho đến ngày
đất nước hồi sinh, anh muốn dành cho quê hương những nét ký họa chân thực nhất
về sự vươn lên, về những sự sống đang nảy mầm. Thành quả đó đã khẳng định tính
chuyên nghiệp của anh. Anh không những là nhà tổ chức sản xuất mà còn là người
có năng lực toàn diện: biên kịch, đạo diễn và viết lời bình.
2. Sự nghiệp
sáng tác đồ sộ và những tác phẩm tiêu biểu:
Trong suốt thời gian làm nghệ thuật, Nguyễn Trung Hiếu đã
cho ra đời 150 tác phẩm tài liệu truyền hình; 06 phim tài liệu nhiều tập và 11
tác phẩm đạt giải thưởng, bằng khen tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và
các giải thưởng khác.
Những tác phẩm của anh mang nhiếu yếu tố thu
hút khán giả và đặt ra những vấn đề mang đậm tính thời sự, buộc không chỉ người
xem mà các nhà lãnh đạo, quản lý và những đối tượng có liên quan phải quan tâm
và có hướng điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn như tác phẩm “Cây đậu nành ở Đồng bằng sông Cửu Long”- Cái tên có vẻ khô khan,
nhưng thực ra là một kịch bản có tính văn học hẳn hoi. Tác phẩm này được Nguyễn
Trung Hiếu hoàn tất khi còn đang học ở trường đại học. Sau đó không lâu, năm
1983, khi vừa mới ra trường, anh tiếp
tục một cách hăm hở với kịch bản “Sau bức
màn xanh”. Đây là kịch bản có tính chiến đấu khá cao, đặt thẳng vấn đề
trách nhiệm quản lý rừng với các cấp lãnh đạo; phân tích những cái phi lý về
công tác phân cấp quản lý lâm nghiệp và quy luật thiết lập quyền lợi giữa dân
với lâm trường lúc bấy giờ. Phim hoàn thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
xem, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xem, các vị lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nơi sở tại có
rừng bị cháy được xem… Tất cả đều nhận ra một điều mà kịch bản đã nói tới: Sự
tách rời quyền lợi của người dân với rừng. Đó là nguyên nhân của sự cháy trụi
hàng trăm ngàn hecta tràm vùng căn cứ kháng chiến.
Năm 1986, anh cho ra đời kịch bản “Chuyện xã
tôi” khi mà làn sóng đổi mới đang manh nha hình thành. Anh mạnh dạn vạch ra cái
xấu, cái trì trệ, kém cỏi, đi ngược lại cách nói một chiều của báo chí lúc bấy
giờ. Điều lạ nhất lúc ấy là Nguyễn Trung Hiếu đã đem cả lý lịch gia đình ra, cả
cuộc sống thật của bà con trong xóm ấp ra, để minh chứng cho câu chuyện của
mình. Nhờ vậy mà tính thuyết phục rất cao. Lần đầu tiên anh đã lấy ngôi thứ nhất
để dẫn chuyện cho phim.
“Chuyện xã tôi” được dư luận quan tâm khi kịch bản được
in trên báo Tuổi Trẻ và sôi động hẳn khi phim được công chiếu vào ngày
21/6/1987. Xem phim ai cũng cho rằng đấy chính là xã của mình. Cũng có nhiều
người trong giới chức phản ứng gay gắt, nhưng quần chúng đã tự quyên góp gởi đến
xã này tiền của, động viên con em vùng sâu học hành. Chính quyền tỉnh Hậu Giang
lúc đó cũng điều chỉnh ngân sách để xây dựng các trạm y tế cho 21 xã Anh hùng
vùng kháng chiến.
Trong
thời đổi mới, Nguyễn Trung Hiếu lại lựa chọn đề tài theo mô-típ chiến đấu. Đó
là kịch bản phim “Vong thề”, chủ đề chính đề cập đến công tác xây dựng Đảng. Anh
chỉ đơn giản lấy sự quên lời thề của đảng viên cộng sản ra để bình phẩm, phân
tích hậu quả, tác hại. Năm 2001, “Vong thề” ra mắt khán giả, gây chú ý cho người
xem, nhất là khán giả cao niên, hưu trí và trí thức.
Nhân cách trong phim tài
liệu của Nguyễn Trung Hiếu chính là quan điểm hiện thực và hành động để đưa
hiện thực đó vào phim. Còn phong cách trong phim tài liệu của Nguyễn Trung Hiếu
chính là chỗ anh kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố dân gian, hiện thực và chính
luận để tạo nên nét riêng cho phim. Anh gắn nội dung và hình thức thể hiện
thành một chỉnh thể, vì vậy phim anh luôn hướng về công chúng và thuyết phục được
sự đồng thuận của công chúng.
Gần cả đời gắn bó với phim tài liệu truyền
hình, Nguyễn Trung Hiếu đã dốc hết tâm lực, trí lực vào một thể loại mà anh có
sở trường. Xem các tác phẩm của Nguyễn Trung Hiếu có thể cộng lại thành một
biên niên của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Với sự có mặt các tác phẩm phim
tài liệu trên sóng truyền hình quốc gia, Nguyễn Trung Hiếu không những được
khán giả cả nước biết đến mà giới đồng nghiệp rất chú ý.
Anh đã tham gia giảng dạy hàng chục khóa đào
tạo ở miền Bắc và miền Trung. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn
Trung Hiếu đã tổ chức trên 20 khóa bồi dưỡng cho các đối tượng: biên kịch, đạo
diễn, quay phim. Anh không những truyền đạt kinh nghiệm mà còn tổng hợp những
thông tin mới nhất để cập nhật kiến thức cho lực lượng sáng tác trẻ. Điều đáng
quý ở anh chính là việc chuẩn bị một đội ngũ kế thừa. Sự nghiệp phim tài liệu
truyền hình đối với anh là mãi mãi. Do đó, luôn luôn cần có một số đông làm
nghề nhằm tạo ra sự phong phú đa dạng về phong cách, phản ánh toàn diện và sâu
sắc về các vấn đề liên quan đến thể loại.
Người ta thường nói, nghệ thuật có cuộc sống
riêng của nó và do đó, kế thừa là một
nhu cầu nội sinh. Nguyễn Trung Hiếu nhận thức rõ điều đó và anh không ngừng tự
rèn luyện để tính chất truyền tiếp được bền vững và lớp người kế thừa anh không
bị hụt hẫng trong mỗi bước đường tác nghiệp của mình.
Nguyễn Trung Hiếu với phim tài liệu truyền
hình, có lẽ sẽ còn nhiều trang viết đầy đủ hơn về anh. Nhưng trong khuôn khổ
của bài viết này, cho phép chúng ta khẳng định rằng: không có trái tim cháy
bỏng của cuộc sống, không có một bộ não năng động trong tác nghiệp không thể có
những phim tài liệu truyền hình đích thực và thiết thực với xã hội - đó là
những gì mà đồng nghiệp, khán giả đã khẳng định đối với anh - Nguyễn Trung Hiếu
người có một cuộc đời gắn sâu với thể loại phim tài liệu truyền hình.
3. Phong cách
sáng tác và thủ pháp nghệ thuật:
Tác
phẩm phim tài liệu của Nguyễn Trung Hiếu mang nhiều yếu tố làm cho khán giả chú
ý. Trong đó có chính luận, có tự sự, có dân ca, ca dao, có cả huyền thoại và hội
thoại… Tất cả tạo nên một phong cách riêng khó lầm lẫn với các tác giả khác.
Chính vì vậy, Nguyễn Trung Hiếu là một nhà làm phim, một nhà báo tạo ấn tượng
sâu sắc đối với khán giả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn
Trung Hiếu đã vượt qua được cái ngưỡng khó khăn ban đầu về “nhận thức hình ảnh”
để bắt tay viết lời bình. Viết lời bình phim tài liệu là một hình thái lao động
khá đặc biệt và anh đã tránh được ba lỗi thường gặp ở các đồng nghiệp: không viết
lại lời nhân vật, không mô tả cảnh quay đã dựng trong phim, không dùng lời như
một kênh phát thanh riêng… Nắm bắt các nguyên tắc cơ bản về ngôn ngữ hình, ngôn
ngữ âm thanh và ngôn ngữ tiếng Việt, Nguyễn Trung Hiếu đã thể hiện “bút pháp
truyền hình” khá bản lĩnh và nhuần nhuyễn khi viết lời bình phim tài liệu. Ở
lĩnh vực này anh đã lập kỳ tích khá nhiều trong cách sáng tạo, đúng nghĩa là bình hình ảnh, viết lời bình.
*
Viết bám hình
Các nhà làm phim thường gọi là “kỹ thuật viết
bám hình”, thực ra đây là một nghệ thuật, bởi lẽ muốn viết bám hình phải hội đủ
các điều kiện: nắm chắc ngôn ngữ hình (cỡ cảnh, góc độ, động tác máy…), trên cơ
sở thời lượng của từng cảnh, người viết phân tích hình và dẫn dắt câu chuyện. Ngòi
bút bình phẩm bám hình của Nguyễn Trung Hiếu luôn nghiêng về phía bình phẩm
hình cụ thể. Giữa các hình ảnh bám theo để bình, anh luôn dành khoảng lặng để
người xem tự suy ngẫm. Anh biết cách tạo ra lời bình chỉ mang tính gợi mở, để
hình mang đến cho người xem ý nghĩa sâu sắc hơn. Để viết lời bình tốt, Nguyễn
Trung Hiếu thường dựng phim hoàn chỉnh rồi anh mới nghiền ngẫm viết sau. Nhờ
vậy, câu hình và câu bình gắn nhau rất khớp.
*
Ứng dụng văn học dân gian và sách sử vào lời bình
Là người vừa có vốn sống
lại vừa có ý thức ghi chép văn học dân gian, Nguyễn Trung Hiếu phát hiện ra
việc áp dụng lời lẽ ngôn từ của quần chúng vào phim, một kho ngôn từ như là một
dòng chảy mãi không nguôi….
Ngay từ những năm đầu làm phim tài liệu,
Nguyễn Trung Hiếu đã biết áp dụng chuyện kể dân gian như tác phẩm: “Người làm vườn đào trên núi” - 1985; “Dòng sông hướng theo đường mặt trời” - 1996;
“Di tích Hòn Đá bạc”, “Hồn biển Khai Long” - 2000... Nhiều phim
anh đưa ngay câu chuyện dân gian vào phần mở đầu và dùng ngay hình ảnh hiện
thực để kể câu chuyện huyền thoại dân gian mà lời bình vẫn rất ăn khớp.
Bên
cạnh đó, Nguyễn Trung Hiếu còn biết khai thác triệt để kho tàng văn học dân
gian Nam bộ để đưa vào phim. Nói chính xác hơn là anh vừa
khai thác, vừa sáng tác để nội dung các câu ca dao “ăn ý” với phim của mình. Chẳng
hạn như phim “Bóng nước Vàm Nao”,
trong đoạn hình người ngồi vá lưới, anh đã dùng từ “tao” để chỉ ra sự lấp lửng
giữa “tao - mày”
“Một
tao rồi lại hai tao
Tại
sao không nhớ có tao có…mày”
Ngoài ra, trong cách hành văn, Nguyễn Trung
Hiếu thường tạo ra những âm điệu để hướng người xem cảm nhận được “chất thơ”
trong phim. Anh thường dùng âm bằng đặt ở cuối câu, người nghe tỏ ra dễ cảm
nhận hơn. Trái lại, anh đặt âm trắc ở cuối câu khi vấn đề cần nói có vẻ nghiêm
khắc, cần phê phán.
* Viết
lời bình và sự sáng tạo tính ẩn dụ:
Ngoài viết bám hình, viết khai thác và sáng
tác dựa trên nền văn học dân gian, viết tạo ra âm điệu, ngữ khí, Nguyễn Trung
Hiếu còn nâng lời bình lên một bước cao hơn: ẩn dụ hóa bằng lời bình.
Một trong những ví dụ điển hình về sáng tạo
kiểu này là đoạn kết của phim "Đâu
là chốn nương thân?". Đoạn hình như sau:
Các
em bé bụi đời nằm ngủ trước hiên nhà chợ - Một người đàn ông đứng tuổi đến gọi
các em dậy - Lúc đó loa phóng thanh đã lên tiếng nhạc - Mặt trời ửng hồng xa xa
- Các em dụi mắt.
Lời bình viết: “Các em ơi, thức dậy đi, trời đã sáng rồi. Mắt có cay, đời có đau thì
nắng cũng sẽ bừng sáng lên thôi…”
Hình ảnh mặt trời đã được Nguyễn Trung Hiếu ý
tứ về một tương lai tươi sáng, mở ra một niềm hy vọng, cho chúng ta niềm tin
mọi khổ đau rồi sẽ tan đi cùng ánh nắng mai rực rỡ.
* Vận
dụng lời nói người xưa
Mượn lời thánh hiền nhưng Nguyễn Trung Hiếu
khi viết lời bình đã vận dụng theo cách riêng của anh. Trong phim “Vong thề”, hình ảnh người tù đi lao động
bước qua bụi bông mắc cỡ, anh viết:
“Nhất
bộ quá địa lao
Nhược hạ
trinh nữ thảo”
(Một
bước qua đất tù, thấp hèn hơn loài hoa trinh nữ, loài cỏ dại còn biết hổ thẹn
trước ngọn gió lùa…)
Anh đã vận dụng lời nói ấy để ám chỉ những
nhân vật trong phim, tạo ra độ sâu nội dung cho phim. Chính vì thế mà lời bình
trong phim của Nguyễn Trung Hiếu cần được lắng nghe, suy nghiệm và cảm thụ.
Viết lời bình là một hình thái lao động đặc
thù. Nguyễn Trung Hiếu đã lao động không mệt mỏi và còn lao động thật hiệu quả
cho thể loại này. Anh đã khiến cho người xem nhớ mãi một Nguyễn Trung Hiếu có
phong cách lao động nghệ thuật riêng, biết kết hợp nhuần nhuyễn các thủ pháp
nghệ thuật để cho hình ảnh và lời bình hòa quyện với nhau, vừa khít với nhau,
thậm chí là hỗ trợ nhau để đạt đến giá trị biểu cảm cao nhất. Không phải nhà
văn nào cũng làm được và không phải người viết lời bình nào cũng đạt đến “độ”
như thế. Anh đã vượt qua những khó khăn, thiếu sót mà những người viết lời bình
hay mắc phải để khẳng định mình bằng chính những tác phẩm không lẫn vào đâu
được rồi ở lại trong lòng công chúng thật lâu, thật sâu!
4.
Và một Nguyễn Trung Hiếu là đạo diễn
Năm 1985, anh được học khóa đạo diễn do Học
viện Phát triển phát thanh - truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương và Học viện
Điện ảnh quốc gia Pháp phối hợp tổ chức. Tiếp cận với công tác đạo diễn, lại
được tiếp thu học thuật ngôn ngữ hình, Nguyễn Trung Hiếu có thêm sức mạnh và cơ
sở để đảm đương cùng lúc ba khâu chính: biên kịch, đạo diễn và viết lời.
Những tác phẩm của Nguyễn Trung Hiếu là những
bộ phim hiện thực, chân thật và dồn cả tâm huyết của mình vào đó. Anh dành cho
người xem sự gần gũi, sâu sắc, cốt truyện và hình ảnh mạch lạc, giàu giá trị
nghệ thuật và gây ấn tượng mạnh mẽ. Anh cẩn thận, trau chuốt trong từng cảnh
quay, từng cuộc tiếp xúc với nhân vật và biết nắm bắt cái “thần”, khoảnh khắc
“đáng giá” của những sự vật xung quanh rồi cho vào phim để những hình ảnh đó đi
tự nhiên vào lòng khán giả, để khán giả tự hiểu, tự cảm được. Đó chính là nghệ
thuật mà không phải bất cứ một đạo diễn nào cũng có. Chỉ khi tài năng bẩm sinh
được kết hợp với sự tiếp thu kiến thức trường lớp, cộng với kinh nghiệm vốn có
của bản thân mới làm nên một đạo diễn tài năng như thế!
Ngoài ra, việc đảo lộn khái niệm “dựng” ở
giải đoạn tiền kỳ đã chứng minh sự chủ động nội dung hết sức nhuần nhuyễn của
Nguyễn Trung Hiếu. Anh phải nắm vững thủ pháp dựng và biết chắc mình sẽ dựng
cấu hình như thế nào thì mới quyết định một cảnh quay chính xác tới từng giây.
Nguyễn Trung Hiếu còn có nhiều “mẹo” nghề khi
xử lý những tình huống ở phần hậu kỳ, lão luyện về cấu tứ, uyển chuyển về nội
dung. Anh đặc biệt quan tâm đến cấu tứ và tiết tấu phim tài liệu. Anh phân biệt
hai loại tiết tấu: Tiết tấu cơ học, tức thời lượng từng cảnh; tiết tấu nội tại,
tức sự nhanh hay chậm của hoạt động bên trong khung hình. Chính vì nắm chắc
cách trình bày có tiết tấu mà anh đã xử lý độ dài ngắn thời lượng và lựa chọn
các đoạn hình thích hợp, tạo ra nhịp điệu tổng quát và nhịp điệu trường đoạn
cho phim.
Nguyễn Trung Hiếu còn kiêm luôn nhân viên âm
thanh hiện trường. Anh biết khá rõ cách làm âm thanh và sử dụng ân thanh trong
phim tài liệu. Xem kỹ phim anh, người ta thấy rõ nhiều lớp âm thanh xa gần,
nhiều tiếng động tái tạo và hợp lý. Anh ít dùng nhạc, nhưng khi dùng thì thường
là rất đắt. Anh đặt âm nhạc vào vị thế ngôn ngữ. Nó nói thay cho tác giả, cho
lời bình. Nói một cách khác, âm nhạc chỉ cất lên khi lời bình, hình ảnh không
còn khả năng biểu đạt nữa.
Nguyễn Trung Hiếu là người sáng tạo ra phương
pháp hội thoại trong việc xử lý các đoạn phỏng vấn. Anh cắt một loạt phỏng vấn
và phát biểu, đặt nối tiếp nhau để nâng số nhiều mà câu chuyện chỉ là một chủ
đề. Anh cũng là người đi đầu trong cách lựa chọn góc độ phỏng vấn, không bao
giờ anh thực hiện cuộc phỏng vấn hoặc phát biểu mà nhân vật chỉ ngồi một chỗ.
Mỗi nội dung, anh chọn một góc độ riêng cho nhân vật. Chính vì vậy, các phỏng
vấn, phát biểu trong phim anh hết sức sinh động.
5.
Lời kết
Sau 34
năm hoạt động (1981-2015), Nguyễn Trung Hiếu đã có những đóng góp không nhỏ cho thể
loại phim tài liệu với các dòng phim chủ yếu: Dòng phim truyền thống đấu tranh
cách mạng; dòng phim lịch sử khẩn hoang và văn hóa, văn minh sông nước; dòng
phim cảnh báo biến đổi khí hậu, môi trường và dòng phim chính luận, phê phán.
Những dòng phim này tác động rất lớn đến đời sống tinh thần nhân dân Đồng bằng sông
Cửu Long. Từ một điện báo viên, sự hữu duyên đã đưa anh dấn thân vào con đường
nghệ thuật. Đó thực sự là sự dấn thân, bởi cách anh chọn đề tài, cách đặt vấn đề
và xử lý những vấn đề nhạy cảm, có tác động đến đời sống người dân. Anh luôn đầu
tư cho sự sưu tầm, ghi nhớ tư liệu và nắm bắt các nguyên tắc cơ bản về ngôn ngữ
hình, ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ tiếng Việt rồi vận dụng vào phim, vào viết
lời bình. Kết hợp với sự sáng tạo trong việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật để
cho ra đời những tác phẩm lao động công phu, thực sự vì khán giả.
Với những điều đã trình bày ở trên, Nguyễn Trung Hiếu xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành phim tài liệu truyền hình nước ta nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Anh chính là đạo diễn truyền hình đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được Chủ tịch Nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” vào ngày 11.01.2007. Những tác phẩm của anh mãi được giới chuyên môn và công chúng đón nhận, trân trọng.
Với những điều đã trình bày ở trên, Nguyễn Trung Hiếu xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành phim tài liệu truyền hình nước ta nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Anh chính là đạo diễn truyền hình đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được Chủ tịch Nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” vào ngày 11.01.2007. Những tác phẩm của anh mãi được giới chuyên môn và công chúng đón nhận, trân trọng.
VÕ THÀNH HÙNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trương Ánh Phương, “Nguyễn Trung Hiếu
với phim tài liệu”, 2005.
2.Võ Thành Hùng, “Đẹp mãi
đời anh Nguyễn Trung Tỉnh” (1918-1959) in trong tập sách “Những hạt
giống đỏ” – 1998 – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng.
3. Những bài viết về nhà báo Nguyễn
Trung Hiếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét