Nghiên
cứu của Trương Ánh Phượng năm 2005
PHẦN MỘT
HOÀN CẢNH- LỊCH SỬ BẢN THÂN
Nguyễn Trung Hiếu
sinh ngày 6-11-1952 tại xã Ba Trinh, nay là xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh
Sóc Trăng, một vùng đất khá trù phú nằm dọc theo con rạch Cái Trâm bên bờ
hữu ngạn thuộc hạ lưu sông Hậu, một xã có lịch sử hình thành khá sớm
trong quá trình tiến về phương Nam của tiền nhân.
Cụ thân sinh của
Nguyễn Trung Hiếu là nhà báo Nguyễn Trung Tĩnh - người mang bút danh là Lê Năm,
Xuân Hy trên tờ Le Peuple (Dân Chúng), một tờ báo có xu hướng tiến bộ ở Nam kỳ
vào những năm 30 của thế kỷ XX. Ông còn là nhà cách mạng tiền khởi nghĩa, một
trong những đảng viên cộng sản đứng ra thành lập chi bộ đàu tiên của
huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Chỉ huy giành chính quyền từ tay thực dân vào
tháng Tám năm 1945, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng
chiến huyện Kế Sách , sau đó là Trưởng ty Canh nông tỉnh Sóc Trăng cho đến năm
1954. Năm 1959, trên đường đi công tác, ông bị địch vây bắt và dũng cảm hy sinh
tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Năm đó Nguyễn Trung Hiếu
mới vừa lên bảy. May mắn, anh được người mẹ thông minh, cần cù và mẫu mực nuôi
dạy nên người cùng với 3 người chị trong một gia đình nghèo khó.
Lớn lên từ bối cảnh
nông thôn chiến tranh, được mẹ và các chị động viên, ngày 25/11/1967, Nguyễn
Trung Hiếu lên đường vào chiến khu U Minh. Tại đây, anh được hoc văn hóa ở các
trường kháng chiến; và cũng tại đây, Nguyễn Trung Hiếu có điều kiện tiếp cận
ngành điện ảnh, thông tấn báo chí.
(….)
Đang theo học bậc
trung học, do nhu cầu kháng chiến, Nguyễn Trung Hiếu được tuyển vào ngành điện
báo và được đào tạo trở thành điện báo viên. Sau đó, anh phục vụ trong cơ
quan Thông tấn xã Giải phóng Miền Tây Nam bộ (POF). Năm 1973, anh được
chuyển công tác sang Xưởng phim Giải phóng Miền Tây Nam bộ. Việc thuyên chuyển
này đã tạo ra một bước ngoặc lớn trong cuộc đời của Nguyễn Trung Hiếu - từ nghề
điện báo hoạt động tỉnh tại, anh dấn thân vào ngành điện ảnh năng động. Môi
trường công việc mới này đã tạo một không gian nghề nghiệp cho anh vào đúng
lứa tuổi 20 đầy sức sống. Niềm ham mê điện ảnh đã thúc đẩy Nguyễn Trung
Hiếu nỗ lực tìm hiểu ngành truyền hình. Anh là một thanh niên tự học, tìm mọi
cách tiếp xúc với kỹ thuật truyền hình ngay giữa những năm bom đạn ác liệt.
Chính hoạt động điện ảnh kháng chiến đã tạo ra cơ duyên cho Nguyễn Trung Hiếu
gặp gỡ lâu dài với ngành truyền hình sau này.
Sau ngày miền Nam
hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Trung Hiếu chính thức bước chân vào ngành truyền
hình. Đây là một bước ngoặc nữa đối với anh. Điều đặc biệt là Nguyễn Trung Hiếu
đã mang một ít cách nhìn của thông tấn, báo chí, thêm một ít cách nhìn
của nghề quay phim diện ảnh vào lĩnh vực truyền hình. Sau hai năm làm việc tại
Đài Truyền hình Cần Thơ, anh xin đi học văn hóa, rồi thi vào đại học
(ngành ngữ văn Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó là các
khoá đạo diễn truyền hình, phim tài liệu truyền hình.
Là người ham thích phim tài liệu từ thời kháng chiến, Nguyễn
Trung Hiếu bắt tay thực hiện thể nghiệm thể loại này ngay từ lúc còn đang ngồi
ở ghế nhà trường (“Cây đậu nành ở Đồng bằng sông Cửu Long” - 1981).
Năm 1983, sau khi
tốt nghiệp đại học, Nguyễn Trung Hiếu cùng với các bạn đồng nghiệp lao vào cuộc
sống nóng bỏng đang diễn ra. Mùa khô năm ấy, toàn bộ rừng U Minh Thượng và U
Minh Hạ bị lửa thiêu rụi. Lập tức kịch bản phim tài liệu "Sau bức màn
xanh” ra đời, để ngay sau đó bộ phim tài liệu cùng tên được công
chiếu, gây chấn động người xem, tạo sự lưu ý cho các cấp lãnh đạo.
Có thể coi “Sau
bức màn xanh” là phim đầu tay và là loại phim mang tính đặt vấn đề, phản
biện xã hội của Nguyễn Trung Hiếu. Nếu nhìn xuyên suốt hơn 20 năm làm phim tài
liệu, thì có lẽ sự khởi đầu "Sau bức màn xanh" đã thể hiên
phần nào cách nhìn, phát lộ phần nào phương pháp sáng tác và đặc biệt nhất là
tấm lòng của tác giả đối với vùng đất, vùng quê miền Tây Nam bộ.
Nhìn lại bảng thống
kê danh mục phim tài liệu mới thấy rõ cuộc đời Nguyễn Trung Hiếu gần như đã gắn
bó trọn vẹn với thể loại này. Tính đến năm 2005, anh đã thực hiện gần 150 phim
tài liệu truyền hình. So với các đồng nghiệp cùng thời thì con số đó đã đặt
Nguyễn Trung Hiếu vào vị thế quán quân. Ở đó, có hai vấn đề đặt ra là cường độ
và nhịp độ lao động, đặc biệt nhất là từ năm 1995 đến năm 2005, tính trung bình
mỗi tháng anh sản xuất hơn một phim tài liệu. Thành quả đó đã khẳng định tính
chuyên nghiệp của anh. Anh không những là nhà tổ chức sản xuất mà còn là người
có năng lực toàn diện: biên kịch, đạo diễn và viết lời bình.
Còn về nội dung, nếu
thống kê trên con số đã có thì phim tài liệu của Nguyễn Trung Hiếu phần lớn
hướng đề tài đến truyền thống cách mạng, lịch sử văn hoá và các nhân vật gắn bó
với lịch sử vùng đất Tây Nam bộ.
Tác phẩm phim tài
liệu của Nguyễn Trung Hiếu mang nhiều yếu tố làm cho khán giả chú ý. Trong đó
có chính luận, có tự sự, có dân ca, ca dao, có cả huyền thoại và hội thoại… Tất
cả tạo nên một phong cách riêng khó lầm lẫn với các tác giả khác. Chính vì vậy,
Nguyễn Trung Hiếu là một nhà làm phim, một nhà báo tạo ấn tượng sâu sắc đối với
khán giả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PHẦN HAI
NGUYỄN TRUNG HIẾU VỚI NGÒI BÚT TRUYỀN HÌNH
“Nghệ thuật phim tài liệu là đối thoại xã hội, đồng thời
là đối thoại giữa các thời đại”(Rober Michen)
Như trên đã nói,
Nguyễn Trung Hiếu bắt đầu sự nghiệp làm phim tài liệu truyền hình ngay từ khi
còn đang học đại học. Anh tranh thủ mấy kỳ nghỉ hè để tháp tùng một số bạn đồng
nghiệp đi thực tế và viết. Kịch bản đầu tay anh viết thành văn là "Cây
đậu nành ở Đồng bằng sông Cửu Long"- Cái tên có vẽ khô khan, nhưng
thực ra là một kịch bản có tính văn học hẳn hoi (1981). Sau đó không lâu, khi
vừa mới ra trường, anh tiếp tục một cách hăm hở với kịch bản "Sau
bức màn xanh". Đây là kịch bản có tính chiến đấu khá cao, đặt thẳng
vấn đề trách nhiệm quản lý rừng với các cấp lãnh đạo; phân tích các phi lý về
công tác phân cấp quản lý lâm nghiệp và quy luật thiết lập quyền lợi giữa dân
với lâm trường lúc bấy giờ (1983). Phim hoàn thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng xem, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xem, các vị lãnh đạo tỉnh uỷ, uỷ ban nơi sở
tại có rừng bị cháy được xem… Tất cả đều nhận ra một điều mà kịch bản đã nói
tới: Sự tách rời quyền lợi của người dân với rừng. Đó là nguyên nhân của sự
cháy trụi hàng trăm ngàn hecta tràm, vùng căn cứ kháng chiến.
Nếu nhìn chỉ ở khía
cạnh sáng tác thì ngòi bút của Nguyễn Trung Hiếu gần như có khuynh hướng tranh
đấu nhiều hơn, tuy vậy, anh cũng đã biết chọn lựa thời điểm để làm phim theo
hướng tổng kết lịch sử.
Gần đến kỷ niệm 10 năm giải phóng (1985), Nguyễn Trung Hiếu
là người đề xuất với lãnh đạo Đài Truyền hình Cần Thơ thực hiện bộ phim tài
liệu truyền hình 10 tập nhằm nhìn lại quá trình kháng chiến chống Mỹ và 10 năm
xây dựng đất nước. Anh đặt tên phim:"ĐẤT TRẺ MƯỜI NĂM" và nhận
biên kịch 3 tập đầu:"Trước khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến";
"Giải phóng rồi"; "Tâm sự hoà bình".
Có một điều phải nói thêm rằng, đây là loạt phim nhiều tập đầu tiên của ngành
truyền hình Việt Nam. Cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lúc bấy giờ chưa đủ
người và phương tiện sản xuất.
Bộ phim với 3 tập
đầu đã đi sâu vào các nhân vật từ hai phía của cuộc chiến. Nhờ tính chân thật
đó, phim được khán giả lúc bấy giờ rất chú ý.
Công việc cầm bút
truyền hình nói nghe đơn giản nhưng làm thì luôn là chuyện đầy vướng mắc.
Nguyễn Trung Hiếu dường như vượt qua được cái ngưỡng khó khăn ban đầu về
"nhận thức hình ảnh" để bắt tay viết lời bình. Viết lời bình phim tài
liệu lại là một hình thái lao động khá đặc biệt và anh đã tránh được ba lỗi
thường gặp ở các đồng nghiệp: không viết lại lời nhân vật, không mô tả cảnh
quay đã dựng trong phim, không dùng lời như một kênh phát thanh riêng… Nắm bắt
các nguyên tắc cơ bản về ngôn ngữ hình, ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ tiếng
Việt, Nguyễn Trung Hiếu đã thể hiện "bút pháp truyền hình" khá bản
lĩnh và nhuần nhuyễn khi viết lời bình phim tài liệu. Ở lĩnh vực này anh đã lập
kỳ tích khá nhiều trong cách sáng tạo, đúng nghĩa là BÌNH HÌNH ẢNH -
VIẾT LỜI BÌNH với các thủ pháp sau:
1.-Viết bám hình
Các nhà làm phim thường
gọi là "kỹ thuật viết bám hình", thực ra đây là một nghệ thuật, bởi
lẽ muốn viết bám hình phải hội đủ các điều kiện: nắm chắc ngôn ngữ hình (cỡ
cảnh, góc độ, động tác máy…), trên cơ sở thời lượng của từng cảnh, người viết
phân tích hình và dẫn dắt câu chuyện. Điều này Nguyễn Trung Hiếu tỏ ra am tường
và tỏ ra có năng khiếu. Trong phim tài liệu chân dung "Mẹ Phẩm", đoạn
hình như sau:
-Mẹ Phẩm dùng
gậy chọt ổ mối-buông gậy xuống-ngắm nhìn trần nhà (9")
Lời bình viết:
"Theo mẹ, ổ
mối nó cũng làm kèo cột dính lại, phá nó đi biết đâu nhà mẹ lại sập bất tử. Ai
giúp mẹ dựng lại?…"
Ví dụ dẫn ra trên đây
cho thấy ngòi bút bình phẩm bám hình của Nguyễn Trung Hiếu luôn nghiêng về phía
bình phẩm hình cụ thể, anh không bao giờ mắc sai lầm "hình một đường, lời
một nẽo". Nói như thế không có nghĩa là hình nào anh cũng bám theo để
bình, mà anh luôn có khoảng lặng để người xem suy gẩm. Thực ra, chính Nguyễn
Trung Hiếu là ngừoi tìm ra nguyên tắc viết lời theo "ý tại ngôn
ngoại", tức là lời chỉ gợi ra một phần, còn hình chính nó hàm chứa một ý
nghĩa sâu sắc hơn.
Trong phim
"Vua Tràm Đồng Tháp Mười", đoạn hình như sau:
-Cánh rừng
cháy khô-người cầm chổi quét lá cẩn thận-cận ngọn chổi quét
Nguyễn Trung Hiếu
viết:
…"Ông đã làm
một việc mà người xưa từng gieo câu đố, để rồi, từ cánh rừng chết ấy những hạt
giống li ti sẽ khôi phục lại rừng."
(Câu đố xưa:
"Đố ai quét sạch lá rừng…" )
Viết bám hình theo
cách "hở" như vậy đã tạo ra ý nhị cho người xem, đồng thời tôn tầm
mức của phim lên cao hơn sự kể lễ hoặc chỉ dẫn thô thiển.
Để viết lời bình
tốt, Nguyễn Trung Hiếu thường dựng phim hoàn chỉnh rồi anh mới nghiền ngẩm viết
sau. Nhờ vậy, câu hình và câu bình gắn nhau rất khớp.
2.-Ứng dụng văn
học dân gian và sách sử vào lời bình
Là người vừa có vốn
sống lại vừa có ý thức ghi chép văn học dân gian, Nguyễn Trung Hiếu phát hiện
ra việc áp dụng lời lẽ ngôn từ của quần chúng vào phim. Nghe lời bình của
Nguyễn Trung Hiếu viết, có người không cần xem màn hình cũng đoán biết là của
anh chứ không ai khác.
"Lời lẽ, giọng điệu
quen thuộc, lại thêm thỉnh thoảng có vài câu ca dao Nam bộ là chắc chắn của
Nguyễn Trung Hiếu rồi"- nhiều người xem đã có cùng nhận xét như vậy.
Vấn đề ở đây chính là sự
vận dụng như thế nào cho phù hợp và sáng tạo.
a.-Ứng dụng chuyện kể
dân gian
Nhìn lại quá trình làm
phim để nhận xét, ngay từ những năm đầu làm phim tài liệu, Nguyễn Trung Hiếu đã
biết áp dụng chuyện kể dân gian ("Người làm vườn đào trên núi"
- 1985; "Dòng sông hướng theo đường mặt trời" - 1996; "Di
tích Hòn Đá bạc", "Hồn biển Khai Long" - 2000). Nhiều
phim anh đưa ngay câu chuyện dân gian vào phần mở đầu. Điều quan trọng là việc
dựa trên hình gì để dẫn vào câu chuyện. Đây quả là một bản lĩnh riêng của
Nguyễn Trung Hiếu. Anh dùng ngay hình ảnh hiện thực để kể câu
chuyện huyền thoại dân gian mà lời bình vẫn rất ăn khớp .
Trong phim "Hồn
biển Khai Long", anh đã dẫn câu chuyện về một người vợ chung thuỷ, đã
trầm mình hoá kiếp thành loài cây sam biển để đêm đêm nở hoa thơm ngát ngóng
đợi chồng về. Câu chuyện dựa trên đoạn hình gió thổi cát bay và tụ lại dưới gốc
cây sam biển. Tiếng sóng, tiếng gió hú làm người xem hoà điệu vào câu chuyện xa
xưa.
b.-Ứng dụng ca
dao, dân ca
Trong kho tàng văn học
dân gian Nam bộ, ca dao, dân ca chiếm một tỉ lệ khá lớn. Nguyễn Trung
Hiếu đã biết khai thác triệt để nhằm đưa vào phim. Nói chính xác hơn là anh vừa
khai thác, vừa sáng tác để nội dung các câu ca dao "ăn ý" với phim
của mình.
Trong phim "Chuyện
con trâu" anh đã vận dụng:
"…nhớ lại kiếp trâu
cày ngựa cỡi; nông dân mình nhiều nỗi đắng cay; Tây cướp nước, địa chủ tay sai;
Hai từng áp bức quằn vai dân nghèo…"
Có những đoạn lời bình,
anh vận dụng ca dao rất “ăn” với hình ảnh, đây lại là bản lĩnh ngòi bút của
riêng anh.
Phim "Bóng nước
Vàm Nao", trong đoạn hình người ngồi vá lưới, anh đã dùng từ
"tao" để chỉ ra sự lấp lững giữa "tao-mầy"
"Một tao rồi
lại hai tao
Tại sao không nhớ có tao có…mầy."
Có thể dẫn ra hàng trăm
ví dụ tương tự như thế để nói về cách ứng dụng ca dao dân ca trong lời bình của
Nguyễn Trung Hiếu.
Một điều cũng cần nói
thêm ở đây là trong cách hành văn, Nguyễn Trung Hiếu thường tạo ra những âm
điệu nhằm người xem cảm nhận được "chất thơ" trong phim. Anh thường
dùng âm bằng đặt ở cuối câu, người nghe tỏ ra dễ cảm nhận hơn. Trái lại, anh
đặt âm trắc ở cuối câu khi vấn đề cần nói có vẽ nghiêm khắc, rắn rỏi,có ngữ
khí.
c.-Viết lời bình và
sự sáng tạo tính ẩn dụ:
Ngoài viết bám hình, viết
khai thác và sáng tác dựa trên nền văn học dân gian, viết tạo ra âm điệu , ngữ
khí , Nguyễn Trung Hiếu còn nâng lời bình lên một bước cao hơn : ẩn dụ hoá bằng
lời bình.
Một trong những ví dụ
điển hình về sáng tạo kiểu này là đoạn kết của phim "Đâu là chốn nương
thân?". Đoạn hình như sau:
-Các em bé bụi đời
nằm ngủ trước hiên nhà chợ - Một người đàn ông đứng tuổi đến gọi các em dậy -
Lúc đó loa phóng thanh đã lên tiếng nhạc - Mặt trời ửng hồng xa xa - Các em dụi
mắt.
Lời bình viết: "Các
em ơi, thức dậy đi, trời đã sáng rồi. Mắt có cay, đời có đau thì nắng cũng sẽ
bừng sáng lên thôi…"
Anh đã biến cái mặt
trời thành hình ảnh ẩn dụ như thế.
d.-Vận dụng lời nói
người xưa
Mượn lời thánh hiền,
mượn danh vĩ nhân như nhiều người đã làm, nhưng Nguyễn Trung Hiếu khi viết lời
bình đã vận dụng theo cách riêng của anh. Vẫn với thủ pháp bám hình, trong
"Vua Tràm Đồng Tháp Mười", đoạn hình ông Huỳnh Tấn Tước đẽo
tràm làm gậy, anh viết:
"Niên luân như ngôn lão giả, lời nói người già
như vòng đời của cây…". Đó chính là thông điệp mà anh mượn lời người xưa
để nói với khán giả về cuộc đời ông Vua Tràm đối với rừng.
Theo cách đó, trong phim
"Vong thề" anh đã viết trong câu hình những người tù đi lao
động bước qua bụi bông mắc cỡ:
Nhất bộ quá địa lao
Nhược hạ trinh nữ thảo
Một bước qua đất tù, thấp hèn
hơn loài hoa trinh nữ, loài cỏ dại còn biết hổ thẹn trước ngọn gió lùa…
Anh đã vận dụng lời nói
ấy để ám chỉ những nhân vật trong phim, tạo ra độ sâu nội dung cho phim. Chính
vì thế mà lời bình trong phim của Nguyễn Trung Hiếu cần được lắng nghe, suy
nghiệm và cảm thụ.
Viết lời bình là một
hình thái lao động đặc thù. Không phải cứ hễ nhà văn là đặt bút viết ngay được.
Trong lịch sử phim có lời bình, không ít phim đã bị phá sản do viết lời không
giá trị biểu đạt, không có nghệ thuật - Điều khó khăn đó Nguyễn Trung Hiếu đã
vượt qua và thành công.
PHẦN BA
NGUYỄN TRUNG HIẾU
VỚI SỰ LỰA CHỌN ĐỀ TÀI
Như ở phần một đã nêu,
Nguyễn Trung Hiếu là người làm phim theo xu hướng hiện thực. Anh có cách nhìn
cuộc sống một cách linh động, đôi khi vượt qua cả bài bản ở trường học để hướng
tới "cái thực đầy đặn" hơn.
Cũng nên nhắc lại cái
thời bao cấp. Lúc đó nạn quan liêu, nạn ngăn sông cấm chợ, nạn trì trệ, bảo
thủ, giáo điều…đã làm cho xã hội gần như bế tắc, ngột ngạt. Đã đến lúc ai cũng
thấy cần phải phá vỡ, phải đổi mới.
Không tách rời cuộc
sống, Nguyễn Trung Hiếu lựa chọn một đề tài hắc búa, đấu tranh theo cách của
anh. Trong một thời gian dài, báo chí chỉ quen nói một chiều, anh lại làm
Đông-Ki-Sốt lao vào trận địa và nói ngược, vạch ra cái xấu, cái trì trệ, kém
cỏi: cho ra đời kịch bản "Chuyện xã tôi" vào năm 1986, thời điểm làn
sóng đổi mới đang manh nha hình thành.
Điều lạ nhất lúc ấy là
Nguyễn Trung Hiếu đã đem cả lý lịch gia đình ra, cả cuộc sống thật của bà con
trong xóm ấp ra, để minh chứng cho câu chuyện của mình. Nhờ vậy mà tính thuyết
phục rất cao. Lần đầu tiên anh đã lấy ngôi thứ nhất để dẫn chuyện cho phim. Về
sau này, khi chúng tôi tìm hiểu thì phương Tây họ vẫn làm như thế. Gần đây nhất
có phim tài liệu "Morgan chống Mc Donald", ông Morgan đã làm
nhân vật béo phì để chống lại bánh mì kẹp thịt của Mc Donald. Hay phim
"Farenheit 9.11" cũng thế, tác giả là nhân vật, đối thoại trực tiếp
với Tổng thống Bush. Thì ra xuất phát từ nhu cầu hiện thực, người làm phim đứng
ra làm nhân vật (và cũng là nhân chứng) là chuyện thường tình và rất có tình.
"Chuyện xã
tôi" được dư luận quan tâm khi kịch bản được in trên báo Tuổi Trẻ và sôi
động hẳn khi phim được công chiếu vào ngày 21/6/1987. Xem phim ai cũng cho rằng
đấy chính là xã của mình. Cũng có nhiều người trong giới chức phản ứng gay gắt,
nhưng quần chúng đã tự quyên góp gởi đến xã này tiền của, động viên con em vùng
sâu học hành. Chính quyền tỉnh Hậu Giang lúc đó cũng điều chỉnh ngân sách để
xây dựng các trạm y tế cho 21 xã Anh hùng vùng kháng chiến.
Như vậy, đây là phim thứ
hai Nguyễn Trung Hiếu đã lựa chọn đề tài chạm đến vấn đề lớn mang tính
"chiến đấu" (thứ nhất là phim "Sau bức màn xanh" đã nêu ở
phần 2 của tiểu luận).
Trong thời đổi mới,
Nguyễn Trung Hiếu lại lựa chọn đề tài theo mô-típ chiến đấu. Đó là kịch bản
phim "Vong thề", vạch thẳng một ý tưởng đến ngay với công tác xây
dựng Đảng. Lý lẽ của anh xem ra cũng đơn giản, chỉ lấy sự quên lời thề của đảng
viên cộng sản ra để bình phẩm, phân tích hậu quả, tác hại. Sau một thời gian
đổi mới, loại phim như thế không thấy xuất hiện trên truyền hình. Năm 2001,
"Vong thề" ra mắt khán giả, gây chú ý cho người xem, nhất là khán giả
cao niên, hưu trí và trí thức.
Để có cách nhìn toàn
diện về cách lựa chọn đề tài của Nguyễn Trung Hiếu, có thể xem bảng thống kê từ
năm 1995 đến năm 2005 (xem phụ lục).
-Đề tài về truyền thống
cách mạng: 50%
-Đề tài về thiên nhiên:
20%
-Đề tài về lịch sử văn
hoá: 20%
-Đề tài mang tính chiến
đấu: 10%
Bảng thống kê trên đã phản
ánh phần nào xu hướng sáng tác của Nguyễn Trung Hiếu. Anh giành khá nhiều đề
tài về truyền thống cách mạng. Còn riêng đề tài mang tính chiến đấu, tuy không
cao, nhưng đối với ngành truyền hình thì đó là những tác phẩm mang tính lịch
sử.
PHẦN BỐN
NGUYỄN TRUNG HIẾU VỚI NGHỀ ĐẠO DIỄN
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Ngữ văn, nhưng Nguyễn
Trung Hiếu đã được tham gia công tác đạo diễn. Anh tiếp cận với công việc này
muộn hơn cầm bút. Năm 1985, anh được học khoá đạo diễn do Học viện Truyền hình
Châu Á-Thái Bình dương và Học viện Quốc gia Điện ảnh Pháp phối hợp tổ chức.
Tiếp cận với công tác đạo diễn, lại được tiếp thụ học thuật ngôn ngữ hình,
Nguyễn Trung Hiếu có thêm sức mạnh và cơ sở để đảm đương cùng lúc ba khâu
chính: Biên kịch, Đạo diễn và Viết lời.
Sau khi nghiên cứu nhiều phim
trong nước và nước ngoài, Nguyễn Trung Hiếu lựa chọn cách làm phim hiện thực,
chân thật và tâm huyết. Điều đó không viết thành văn, nhưng xem phim anh, ta
thấy ngồn ngộn giá trị tuyên ngôn đó. Và ai cũng dễ nhận ra ở phim anh sự gần
gũi mà không xuề xoà, sâu sắc mà không phô trương, mạch lạc mà đầy ấn tượng.
Người ta càng suy nghĩ nhiều
hơn khi Nguyễn Trung Hiếu xử lý tại hiện trường với từng cảnh quay, từng cuộc
tiếp xúc với nhân vật.
Trong giới đồng nghiệp thường
kháo nhau về đặc điểm xử lý cảnh quay tại hiện trường của anh. Khi thực hiện
phim "Chiếu Cà Mau", đang di chuyển trên vỏ lãi, anh liền bảo dừng
lại và gọi quay phim mở máy. Mọi người ngạc nhiên khi anh chỉ đạo quay cảnh đám
cưới trên mui ghe, một đặc thù văn hoá ở phương Nam. Dựng xong phim, ai nấy đều
khen anh khai thác "chộp" mà rất ý nghĩa khi "gắn" cảnh ấy
vào chuổi hình ảnh cô dâu chú rễ ngồi trên chiếu bông mà nghe đờn ca tài tử (!)
Một đặc điểm khác đối với
nghề đạo diễn của Nguyễn Trung Hiếu là "dựng tại hiện trường". Mới nghe
qua thấy lạ, vì dựng là công việc thuộc khâu hậu kỳ, nhưng đây lại là việc liên
quan đến học thuật.
Theo nguyên lý sáng tác điện ảnh (tất nhiên là phim tài liệu
truyền hình cũng thừa kế), thì chia ra mấy giai đoạn:
THAI NGHÉN ------------------------------àHÌNH THÀNH
(Tiền
sáng tác, tiếp cận đề
tài. (Kịch
bản, đề cương, quay phim
sự
loé chớp cảm nhận ý, tứ phim).
gọi là tiền kỳ. Dựng, viết lời, nhạc,
hoà âm gọi là hậu kỳ.)
Thì ra việc đảo lộn khái
niệm DỰNG ở giải đoạn tiền kỳ đã chứng minh sự chủ động nội dung hết sức nhuần
nhuyễn của Nguyễn Trung Hiếu. Anh phải nắm vững thủ pháp dựng và biết chắc mình
sẽ dựng cấu hình như thế nào thì mới quyết định một cảnh quay chính xác tới
từng giây.
Một ví dụ điển hình mà
đồng nghiệp đạo diễn thường nhắc tới, đó là dựng tại hiện trường cảnh quay trái
lôm chôm đang lăn và dừng lại (Phim "Ba Động - mùa gió nồm"). Sự dừng
lại đó hết sức có ý nghĩa khi anh đem bản nháp đó về ráp với một cảnh tư liệu
tiếp nối sau, tạo thành một câu hình hoàn chỉnh.
Người ta cũng nói Nguyễn
Trung Hiếu có nhiều "mẹo" nghề khi xử lý những tình huống ở phần hậu
kỳ. Có một lần đang thu phỏng vấn một nhân vật trong phim "Điện ảnh Giải
phóng Miền Tây Nam bộ - Những trang sử bằng hình" thì tiếng gà gáy lọt vào
âm thanh liên hồi. Khi về hậu kỳ, đoạn nội dung ấy vẫn được sử dụng bằng cách
thay đổi cấu trúc hình. Nhân vật nói tớI đoạn có tiếng gà gáy, anh chuyển cảnh
sang một bầy gà, có cả gà trống gáy, tạo một sinh cảnh hợp lý, rồi từ đó anh
dẫn câu chuyện sang một vấn đề khác.
Nếu
không lão luyện về cấu tứ thì khó có thể uyển chuyển nội dung đối với một đạo
diễn. Điều đó càng xem phim của anh, người ta càng thấy Nguyễn Trung Hiếu có rất
nhiều kinh nghiệm. Anh đặc biệt quan tâm đến cấu tứ và tiết tấu phim tài liệu.
Anh phân biệt hai loại tiết tấu: Tiết tấu cơ học, tức thời lượng từng cảnh;
tiết tấu nội tại, tức sự nhanh hay chậm của hoạt động bên trong khung hình.
Chính vì nắm chắc cách trình bày có tiết tấu mà anh đã xử lý độ dài ngắn thời
lượng và lựa chọn các đoạn hình thích hợp, tạo ra nhịp điệu tổng quát và nhịp
điệu trường đoạn cho phim.
Nguyễn Trung Hiếu
cũng là người đạo diễn kiêm nhân viên âm thanh hiện trường. Anh biết khá rõ
cách làm âm thanh và sử dụng ân thanh trong phim tài liệu. Xem kỹ phim anh,
ngườI ta thấy rõ nhiều lớp âm thanh xa gần, nhiều tiếng động tái tạo và hợp lý.
Còn riêng việc sử dụng âm nhạc, Nguyễn Trung Hiếu là ngườI đạo diễn ít dùng
nhạc, nhưng khi dùng thì thường là rất đắt. Anh đặt âm nhạc vào vị thế ngôn
ngữ. Nó nói thay cho tác giả, cho lời bình. Nói một cách khác, âm nhạc chỉ cất
lên khi lời bình, hình ảnh không còn khả năng biểu đạt nữa.
Nguyễn Trung Hiếu là
người sáng tạo ra phương pháp hội thoại trong việc xử lý các đoạn phỏng vấn.
Anh cắt một loạt phỏng vấn và phát biểu, đặt nối tiếp nhau để nâng số nhiều mà
câu chuyện chỉ là một chủ đề. Anh cũng là người đi đầu trong cách lựa chọn góc
độ phỏng vấn, không bao giờ anh thực hiện cuộc phỏng vấn hoặc phát biểu mà nhân
vật chỉ ngồi một chỗ. Mỗi nội dung, anh chọn một góc độ riêng cho nhân vật.
Chính vì vậy, các phỏng vấn, phát biểu trong phim anh rất sinh động.
Một điều nữa, Nguyễn
Trung Hiếu với cùng lúc đảm đang ba khâu chính, như đã nêu ở trên, anh thường
quan tâm ghi nhớ tất cả các phim tư liệu. Những tư liệu từ chiến tranh cũng
được anh nhớ khá chính xác và những tư liệu trong thời hoà bình anh càng ghi
chép cẩn thận.
Tóm lại, nghề đạo diễn
đối với Nguyễn Trung Hiếu là công việc "một trong ba". Nó giúp anh,
mà cũng buộc anh luôn luôn miệt mài, khám phá để tránh trùng lập, sáo mòn. Có
thể nói hơn 20 năm làm nghề đạo diễn phim tài liệu, Nguyễn Trung Hiếu đã đóng
góp vào kho tàng thể loại này nhiều tác phẩm có giá trị, tác động không nhỏ đến
đời sống tinh thần của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long.
PHẦN NĂM
NHÂN CÁCH - PHONG CÁCH
VÀ KHÁN GIẢ
Nhân cách trong phim tài
liệu của Nguyễn Trung Hiếu chính là quan điểm hiện thực và hành động để đưa
hiện thực đó vào phim. Nếu không có một trái tim biết xao xuyến trước cánh rừng
bị tàn phá thì không thể có "Sau bức màn xanh"; nếu không có cách
nhìn và thái độ thẳng thắn thì không thể có "Chuyện xã tôi", nếu
không có quan điểm minh bạch thì không thể có "Vong thề"… Tất cả
những điều đó tạo cho Nguyễn Trung Hiếu một nhân cách đứng đắn, một nhà
làm phim nghiêm túc.
Phong cách trong phim
tài liệu của Nguyễn Trung Hiếu chính là chỗ anh kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố
dân gian, hiện thực và chính luận để tạo nên nét riêng cho phim. Anh gắn nội
dung và hình thức thể hiện thành một chỉnh thể, vì vậy phim anh luôn được lòng
công chúng.
Nhiều khán giả không cần
xem génerique, họ cũng biết chắc đó là phim tài liệu của Nguyễn Trung Hiếu, bởi
họ đoán từ phong cách, từ cách hành văn và cả các sự mẫn cảm khác.
Rất ít phim tài liệu khán giả nhớ lời bình, thế nhưng với
phim của Nguyễn Trung Hiếu, nhiều người đã thuộc làu một số câu mà họ thích.
Phim "Chuyện xã tôi", người ta nhớ câu: "Cây đủng đỉnh này trổ
buồng từ đọt tới gốc rồi sẽ chết, sẽ tàn như cuộc đời người dân xã tôi…Nhưng
tôi thầm cảm ơn đất quê mình cũng biết mọc những loài cây có ích…"
Gần cả đời gắn bó với
phim tài liệu truyền hình, Nguyễn Trung Hiếu đã dốc hết tâm lực, trí lực vào
một thể loại mà anh có sở trường. Tất nhiên, ở phim anh cũng nhiều lúc chưa hay
lắm, nhiều phim còn nặng về tính chính trị hoặc một số phim khai thác quá nhiều
chất thơ. Nhưng nhìn tổng thể, phim tài liệu với danh mục trên 150 tác phẩm, có
thể nói là khá đồ sộ, ít có nhà làm phim nào đạt con số ấy.
Xem các tác phẩm của Nguyễn
Trung Hiếu có thể cộng lại thành một biên niên của vùng đất Đồng bằng sông Cửu
Long. Anh là một nhà làm phim hãy còn đang sung sức và có lẽ sẽ còn đóng góp
nhiều hơn.
Với sự có mặt các tác phẩm phim tài liệu trên sóng truyền
hình quốc gia, Nguyễn Trung Hiếu không những được khán giả cả nước biết đến mà
giới đồng nghiệp rất chú ý. Không có gì lạ khi Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng
nghiệp vụ truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam đã xếp anh vào danh sách 50
giảng viên hợp tác thường xuyên của ngành. Anh đã tham gia giảng dạy hàng chục
khoá đào tạo ở miền Bắc và miền Trung. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,
Nguyễn Trung Hiếu đã tổ chức trên 20 khoá bồi dưỡng cho các đối tượng: biên
kịch, đạo diễn, quay phim.
Anh không những truyền
đạt kinh nghiệm mà còn tổng hợp những thông tin mới nhất để cập nhật kiến thức
cho lực lượng sáng tác trẻ. Điều đáng quý ở anh chính là việc chuẩn bị một đội
ngũ kế thừa. Sự nghiệp phim tài liệu truyền hình đối với anh là mãi mãi. Do đó,
luôn luôn cần có một số đông làm nghề nhằm tạo ra sự phong phú đa dạng về phong
cách, phản ánh toàn diện và sâu sắc về các vấn đề liên quan đến thể loại.
Người ta thường nói,
nghệ thuật có cuộc sống riêng của nó và do đó, kế thừa là là một nhu cầu nội
sinh. Nguyễn Trung Hiếu nhận thức rõ điều đó và anh không ngừng tự rèn luyện để
tính chất truyền tiếp được bền vững và lớp người kế thừa anh không bị hụt hẫng
trong mỗi bước đường tác nghiệp của mình.
Nguyễn Trung Hiếu
với phim tài liệu truyền hình, có lẽ sẽ còn nhiều trang viết đầy đủ hơn về anh.
Nhưng trong khuôn khổ của tiểu luận này, cho phép chúng ta khẳng định rằng:
không có trái tim cháy bỏng của cuộc sống, không có một bộ não năng động trong
tác nghiệp không thể có những phim tài liệu truyền hình đích thực và thiết thực
với xã hội - đó là những gì mà đồng nghiệp, khán giả đã khẳng định đối với
anh-Nguyễn Trung Hiếu người có một cuộc đời gắn sâu với thể loại phim tài liệu
truyền hình.
TRƯƠNG ÁNH PHƯỢNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét